Cay thơm lá lốt
Chỉ là một loại lá bình dị, mọc đầy ở vùng quê hay những nơi ẩm ướt, nhưng lá lốt lại có thể “phối” được với nhiều nguyên liệu để tạo nên những món ăn hấp dẫn. Sau khi chế biến, dù là chiên, nướng, xào hay nấu canh, lá vẫn nguyên vị thơm nồng hơi cay đặc trưng, nên món ăn có lá lốt vẫn luôn dễ nhận biết khi thưởng thức.
Lá lốt “phối” với rất nhiều nguyên liệu để tạo nên món ăn ngon
Lá lốt (có nơi gọi là lá lốp) thường mọc hoang ở những vùng đất ẩm, râm mát. Loại cây này cũng rất dễ trồng trong vườn nhà hoặc trong chậu, chỉ cần giâm cành xuống đất, tưới nước mỗi ngày để giữ ẩm, sau một tháng là đã có thể hái lá.
Ngoài chế biến món ăn, dân gian còn dùng lá lốt chữa bệnh. Theo đông y, lá lốt vị nồng, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, trừ lạnh, giảm đau, trị đầy hơi, khó tiêu.
Những khi thời tiết chuyển mùa, cơ thể dễ bệnh, cháo lá lốt trứng gà là món ăn giải cảm hiệu quả. Nhờ công dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, lá lốt cũng là vị thuốc đơn giản mà hiệu nghiệm cho những người bị đau nhức xương khớp, ra mồ hôi tay chân.
Khi dùng làm nguyên liệu nấu ăn, vị cay thơm của lá lốt có khả năng khử mùi tanh thực phẩm rất tốt. Bên cạnh đó, nhờ tác dụng trị đầy hơi, khó tiêu, lá lốt có thể giúp bạn yên tâm khi thưởng thức những món đậm đà, nhiều dầu mỡ như bò lá lốt, ốc nấu chuối, chả lá lốt…
Món ăn chế biến từ lá lốt thì rất nhiều, từ lai rai món nhắm cho đến món chính trong bữa cơm, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến là bò nướng lá lốt.
Để có cuốn thịt ngon, thịt bò nên chọn loại có chút gân và mỡ, xay nhuyễn sau đó ướp kỹ với nhiều gia vị, gồm đậu phộng giã nhuyễn, đậu nành xay, nước cốt dừa, mè trắng, sả băm, hành băm, dầu ăn, bột ngọt, muối, đường, tiêu, nước tương. Gọi là bò nướng nhưng phải có thêm ít thịt heo (loại nạc dăm nhiều mỡ) băm nhuyễn, trộn đều với hỗn hợp gia vị, để 1-2 giờ cho thấm.
Lá lốt chọn to bản, rửa sạch, cho một lượng thịt vừa đủ vào cuốn lại, dùng tăm ghim lại. Xiên lá lốt vào que tre, nướng chín trên bếp than (nếu không có bếp than thì có thể dùng lò nướng, hoặc chiên chín).
Khi nướng thỉnh thoảng quét nước ướp lên thịt để thịt thơm và không bị khô. Lá lốt chín sẽ có mùi thơm rất quyến rũ, quyện cùng vị thịt đậm đà tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho món ăn. Món này có thể dùng làm món mặn trong bữa cơm, hoặc làm món ăn chơi, cuốn với bánh tráng, bún, rau sống, chuối chát, khế, chấm mắm nêm pha chua ngọt.
Video đang HOT
Bò nướng lá lốt là món đặc trưng của thực phẩm bổ dưỡng này
Bên cạnh bò nướng, chả nhái lá lốt cũng là món ăn lạ miệng được nhiều người ưa chuộng. Nhái bỏ đầu, bỏ ruột, lột da, cho vào cối giã nhuyễn hoặc dùng máy xay thịt xay nhuyễn (có thể thay bằng ếch, nhưng nhái xương giòn, dùng làm chả ngon hơn).
Để chả có độ dính, sau khi xay cho vào ít giò sống, quết dai, trộn đều với nấm mèo, hành tím, sả băm, muối, tiêu, đường, bột ngọt, tùy thích có thể xắt thật nhuyễn một ít lá lốt cho vào trộn chung. Lá lốt để cuốn luôn phải là lá to bản, không bị rách, khi chiên cho ngập dầu, để lửa vừa cho chả chín đều và không bị cháy khét. Món này chấm với nước mắm chua ngọt hoặc nước mắm gừng rất ngon.
Với vị thơm cay dễ chịu, lá lốt thường được các bà nội trợ dùng như một loại rau nấu canh, ăn vừa ngon vừa ấm bụng, bổ dưỡng. Có thể nấu lá lốt với rất nhiều nguyên liệu như thịt gà, thịt bò, cá, nghêu, hến, mít non… Thường nấu canh không cần ướp thịt, cá trước, hoặc chỉ ướp nhẹ, nước sôi thả vào, sau cùng cho lá lốt xắt nhỏ vào, tùy thích có thể thêm ít gừng đập giập, nêm nếm lại rồi nhắc xuống. Canh lá lốt có vị rất dễ “ghiền”, do lá lốt vừa thơm vừa cay nhẹ, đi kèm thịt, cá luôn giúp tăng hương vị cho món ăn.
Canh lá lốt với vị cay ấm rất hợp với những ngày mưa
Ngoài canh, những món xào với lá lốt cũng là thực đơn nấu nhanh đa dạng cho những người bận rộn. Tuy chỉ là món xào đơn giản nhưng có rất nhiều nguyên liệu để bạn lựa chọn, từ thịt đến rau củ, như thịt heo, thịt bò, ốc, hến, lươn, trứng, đậu hũ, măng… Mỗi món một hương vị, góp phần làm phong phú thêm bữa cơm gia đình.
Theo PNO
[Chế biến] - Canh tu hài nấu lá lốt
Món canh tu hài nấu lá lốt chua chua, thơm thơm chan với cơm trắng vô cùng hấp dẫn.
Nguyên liệu:
- Tu hài: 500gr
- Lá lốt: 1 mớ nhỏ
- Cà chua: 2 quả vừa phải
- Gừng: 1 mẩu nhỏ
- Hành khô, gia vị, hạt nêm
Thực hiện:
Bước 1: Tu hài đem cọ rửa sạch đất cát bám trên vỏ. Đun nóng một nồi nước rồi đổ tu hài vào ngâm khoảng 10 giây. Sau đó vớt tu hài ra.
Bước 2: Dùng tay lột bỏ phần màng đen bọc ngoài miệng của con tu hài, rồi nhặt lấy phần ruột tu hài, bỏ vỏ. Đem xào phần ruột tu hài với hành phi thơm, sau đó cho tu hài ra bát (xào nhanh trong khoảng 1 phút, không xào lâu sẽ làm tu hài bị quắt và dai).
Bước 3: Gừng rửa sạch, đập dập. Cà chua rửa sạch, thái múi cau.
Bước 4: Lá lốt rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 5: Đổ lượng nước vừa ăn vào nồi vừa xào tu hài, đun sôi nước với cà chua, cho thêm gừng đun đến khi cà chua chín mềm. Chút tu hài vào đun sôi trở lại.
Bước 6: Cho tiếp đến lá lốt vào đun sôi trở lại lần nữa. Nêm nếm gia vị, hạt nêm cho vừa miệng rồi tắt bếp.
Múc canh tu hài nấu lá lốt ra bát to và dùng nóng cùng cơm.
Chúc bạn thành công và ngon miệng với canh tu hài nấu lá lốt!
Theo Eva
Dẻo thơm bánh khoai mì Hồi tôi còn nhỏ, cái thời mà nhà nào cũng ăn cơm độn hay bo bo trừ bữa, khoai mì là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Nhà tôi luôn có sẵn cái bàn bào khoai mì, hôm nào ngán khoai luộc thì má sẽ mài khoai để chế biến nhiều món ăn chơi. Món ăn từ khoai mì không...