Cây khế bách niên và tuổi thơ Đại tướng
Ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là ông thúc bá cho biết: “Sau mỗi trận bão, Đại tướng đều gọi điện về hỏi thăm tình hình quê nhà có bị thiệt hại nặng nề không? Mùa màng ảnh hưởng thế nào? Có nhà ai bị tốc mái? Vườn tược cây cối ra sao?”. Trong câu chuyện, thế nào Đại tướng cũng hỏi xem cây khế trăm tuổi có bị đổ không?”.
Ngôi nhà của gia đình Đại tướng
Cây khế tuổi thơ
Khi chúng tôi có mặt tại nhà Đại tướng tại thôn 3, làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, không khí bao trùm làng xóm là một nỗi buồn đau. Dòng sông Kiến Giang – nơi gắn liền với tuổi thơ của Đại tướng hình như cũng trầm mặc lững thững trôi, không ào ạt như mọi ngày.
Ông Võ Đại Hàm, người suốt 30 năm qua với nhiệm vụ trông coi ngôi nhà của Đại tướng dẫn chúng tôi ra cây khế, phía đầu hồi ngôi nhà nhỏ mà rằng: “Cây khế cũng ủ rũ hơn mọi ngày. Từ khi Đại tướng từ trần, những cành lá không tươi tốt nữa. Hình như cây cũng tiếc thương người”.
Qua lời kể của ông Hàm, cây khế đã tròn 100 tuổi. Đó là cây khế được cụ Võ Quang Nghiêm – thân sinh của Đại tướng trồng vào năm 1913. Ông Hàm cho hay: “Tuổi thơ của Đại tướng gắn liền với cây khế này. Khi còn nhỏ, Đại tướng hay ngồi dưới gốc cây hóng mát hoặc học bài trong những ngày nắng nóng như đổ lửa ở Quảng Bình. Đó cũng là nơi mà Đại tướng và các bạn cùng lứa chơi trò con trẻ. Vì thế lần nào về thăm quê, Đại tướng cũng ra thăm cây khế và ngồi dưới gốc cây để hồi tưởng lại tuổi thơ”.
Ông Phạm Hữu Thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Cây khế trăm tuổi trong vườn nhà Đại tướng là “nhân chứng” lịch sử. Rất nhiều đợt càn quét của quân thù, ngay cả thời kỳ mà quân địch đốt trụi căn nhà gỗ của gia đình Đại tướng, cây khế vẫn hiên ngang đứng đó. Sau này, vào năm 1977 khi chính quyền địa phương và gia đình phục dựng lại căn nhà thì gốc khế là vị trí đánh dấu nền nhà cũ”.
Hiện tại, cây khế trong nhà Đại tướng cao chừng 15m, gốc không lớn nhưng vững chãi sống trên mảnh đất cằn. Theo ông Hàm: “Năm nào cây khế cũng ra quả sai trĩu cành. Khế rất ngọt nên người trong xóm hay đến xin về ăn. Mỗi lần Đại tướng về quê, quà cáp có khi là những quả khế trong vườn. Mộc mạc thôi nhưng rất thắm tình quê”.
“Sau mỗi trận bão, Đại tướng đều gọi điện về hỏi thăm tình hình quê nhà có bị thiệt hại nặng nề không? Mùa màng ảnh hưởng thế nào? Có nhà ai bị tốc mái? Vườn tược cây cối ra sao? Cây khế trăm tuổi có bị đổ không?”, ông Hàm xúc động kể.
Video đang HOT
Cây khế trăm tuổi, một “nhân chứng lịch sử”
Người rất yêu thiên nhiên
Ông Võ Đại Hàm cho biết: “Đại tướng rất yêu thiên nhiên, yêu cây cối trong vườn. Bao giờ về quê Đại tướng cũng đích thân tưới cây và cắt tỉa từng cành, từng lá tỉ mỉ. Người cũng hay đem các giống cây lạ về vườn để trồng, như cây sâm đắng, cây dừa, cây mít…”.
Có lẽ thế mà ngay từ cổng gỗ dẫn vào ngõ lẫn bờ rào là những cây xanh được cắt tỉa thẳng tắp và xanh mượt mà. Người dân Lệ Thuỷ chẳng ai quên giống cây sâm đắng có trong vườn nhà mình. Đó là cây mà Đại tướng đem từ Huế về quê trồng trong vườn nhà để trị bệnh đau bụng. Sau này được người cùng xóm nhân ra trồng.
Ông Hàm cho hay: “Trước đây, thân sinh Đại tướng là cụ Võ Quang Nghiêm dạy học nên khi học trò bị đau bụng, cụ đều ra vườn hái lá cây sâm đắng chữa bệnh. Ai đau bụng chỉ cần hái vài lá nhai là lập tức khỏi. Sau này, khi làng xóm đến chơi, Đại tướng đều biếu mỗi người một nhành sâm đem về trồng. Giờ đây, làng An Xá và xã Lộc Thuỷ tràn ngập cây thuốc quý này. Đại tướng rất quan tâm đến sức khoẻ của bà con nên tất cả mọi người đều cảm động”.
Cây khế, và cây sâm đắng vẫn còn đây mà Đại tướng đã đi xa. Học được ở Người tính cách cao cả về tình thương con người và tình yêu thiên nhiên, nhân dân mãi nhớ về Đại tướng và những “chứng nhân” lịch sử xuyên suốt cuộc đời giản dị của một Vĩ nhân.
Nam Trần
Theo ANTD
TP.HCM tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sáng nay, 12/10, cùng với Hà Nội và Quảng Bình, TP.HCM đã tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngay từ 5h sáng, tại Hội trường Thống Nhất đã có rất đông các đoàn đại biểu và nhân dân chờ vào viếng Đại tướng.
Bác Nguyễn Công Trường (SN 1936, quê Nghệ An) xúc động chia sẻ: "Nghe tin bác Giáp mất mà cảm giác như mất đi một người thân bởi bác như một vị tướng của nhân dân, can trường, giản dị. Có lẽ sau Hồ Chủ tịch, Đại tướng là người được nhân dân yêu quý, kính trọng nhất. Không muốn làm phiền con cháu nên ngay từ 5h sáng, tôi đã đi bộ từ nhà qua đây, chỉ mong có thể thắp cho Đại tướng một nén nhang".
Mặc dù chi hội Cựu chiến binh quận 12 cũng đã tổ chức lễ viếng, lập bàn thờ tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng theo bác Phạm Thị Thu (cựu lính Biệt động Sài Gòn), khi biết thành phố tổ chức lễ viếng Đại tướng tại Hội trường Thống Nhất, cả nhóm của bác đều thống nhất sẽ đến đây, thắp cho Đại tướng một nén nhang thành kính. "Cả đêm qua chúng tôi thao thức không ngủ được. Ngay khi nghe tin Đại tướng mất, nhiều người trong chúng tôi đã không kìm được nước mắt".
Đúng 7h30 phút, ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM đã đọc lời phát biểu, chính thức bắt đầu lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP.HCM, ngay sau đó, từng đoàn người đã bắt đầu vào viếng Đại tướng.
Từ sáng sớm nhiều đoàn học sinh đã đến Hội trường Thống Nhất để viếng Đại Tướng
Dòng người nối dài như vô tận
Ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM đã đọc lời phát biểu
Đảng ủy bộ tư lệnh quân khu 7.
Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân
Đại diện Thành Ủy - HĐND - Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam.
Theo Khampha
Đêm nay, thức trắng tiễn biệt Đại tướng ở Hoàng Diệu Cửa nhà 30 Hoàng Diệu đã đóng, nhưng dòng người vẫn đến vái vọng Đại tướng khá đông, ấm áp tình người. Chị Mã Kim Thanh Huyền (con gái út cực chiến binh Mã Kim Thành) cố gắng mang ảnh cha cùng di ảnh Đại tướng đến vái vọng vì chỉ sợ... không còn cơ hội Nếu 5 ngày trước con đường Hoàng...