Cây cầu treo huyền thoại Carrick-a-Rede
Gió phần phật thổi, lạnh thấu xương, xa xa là sóng biển dập dềnh, cảm giác độ cao và nhỏ bé dễ khiến người ta khiếp sợ khi đứng trên cầu treo huyền thoại Carrick-a-Rede. Thế nhưng, hễ ai từng đến với Bắc Ireland, đều mong một lần được dạo bước qua chiếc cầu treo bé nhỏ ấy.
Chu du trên cung đường ven biển Antrim Coast, muốn nghe chuyện ma phải ra lâu đài Dunluce, còn nhắc đến vẻ đẹp tự nhiên phải là gành đá Giant’s Causeway, riêng vẻ đẹp do con người tác tạo, chiếc cầu treo Carrick-a-Rede hơn 350 năm tuổi sẽ ở vị trí hàng đầu. Với bản thân tôi, đây chính là chiếc cầu treo thô sơ, nhưng toạ lạc ở một vị trí đặc biệt, khiến Carrick-a-Rede xứng đáng được công nhận là chiếc cầu treo đẹp nhất thế giới.
Đồng cỏ, đảo nhỏ và biển xanh tạo nên cảnh quan ngoạn mục quanh Carrick-a-Rede
Khi bước vào hành trình chinh phục vòng cung Antrim bằng xe máy, tôi có tìm hiểu qua các địa danh dự định sẽ dừng chân, hiển nhiên cây cầu treo Carrick-a-Rede là một gợi ý hấp dẫn. Nhưng vẻ đẹp cầu treo, có lẽ với các tay chơi mô tô xứ khác thì hợp, chứ với cư dân đến từ Đông Nam Á, lại là Việt Nam, khái niệm cầu treo thật chẳng có gì đặc biệt. Bởi thế trước khi chia tay cùng thầy trò Phillip McCallen ở lò xe, dù được nhắc nhớ ghé qua cầu treo để tham quan, khám phá, tôi ừ ào cho qua chuyện, thậm chí kèm một chút phớt lờ.
Carrick-a-Rede là danh thắng được nhiều người yêu thích
Cụm đảo nhỏ nhìn ra phía trước là Đại Tây Dương
Khi hành trình càng gần đến vùng biển có Carrick-a-Rede, tôi dần thay đổi quan điểm, bởi cảnh quan của vùng bờ biển này thật kỳ lạ, đẹp huyền ảo, cứ như trong phim ảnh chứ không phải tồn tại thực ngoài đời. Đường bờ biển thẳng tắp, êm như ru, xiết hết ga con SH mãi cũng chỉ lên được 120 – 130km/h. Cả cung đường chỉ có tôi và thiên nhiên, đẹp đến bất ngờ vì chưa từng thấm thía cảnh quan đường bờ biển kỳ lạ đến vậy. Khi đi bến vịnh Trắng (White bay), tôi thực sự ngất ngây bởi cảnh đẹp quá ngoạn mục. Phía xa ngoài khơi là đảo nhỏ lô nhô, bờ biển vách núi đá dựng, trắng tinh một màu, dưới chân xóng xô liên hoàn, cũng tạo thành từng mảng trắng nối dài từ khơi vào bờ, tạo nên bức tranh thiên nhiên, động trong từng chi tiết.
Khi dừng lại, định thần nhìn trên tấm bản đồ và cảnh quan phía trước biển, hoá ra đấy chính là nơi Carrick-a-Rede toạ lạc. Bỏ lại chiếc xe, tôi theo đường mòn tiến dần ra mép biển. So với các điểm đến khác trên cung đường Antrim, Carrick-a-Rede đông đúc du khách hơn hẳn, từng đoàn nối nhau về hướng cầy cầu treo. Một dấu chỉ cho thấy vùng cảnh quan và cây cầu Carrick-a-Rede này không hề tầm thường như tôi từng tưởng tượng.
Vách núi nơi treo những con thuyền đánh cá hồi của ngư dân vùng Antrim
Lữ khách chơi vơi trên cầu treo bắc ngang vách núi
Nhìn từ xa, Carrick-a-Rede mong manh như sợi chỉ nhỏ vắt ngang khoảng không nối giữa vách núi cao và hòn đảo ngoài khơi, có độ cao cách mặt biển áng chừng hơn 30m. Ngày xa xưa, ở thế kỷ 18 – 19, ngư dân ở vùng Antrim thường ra bờ biển Đại Tây Dương này để đánh bắt cá hồi – một nghề chính yếu của toàn vùng. Nơi cá từ biển khơi vào gần bờ chính là chỗ cầu treo Carrick-a-Rede. Để bắt được cá, ngư dân phải vượt qua vách núi ra đảo, và họ đã nghĩ ra cách bắc qua vách núi ấy một cây cầu độc đáo.
Khi mùa gió về, người ta cầm cuộn dây thừng, lợi dụng sức gió, ném văng sang bờ bên kia tạo thành chiếc cầu treo chỉ một sợi dây thừng duy nhất. Ngư dân mỗi ngày đu dây mang theo cả ngư cụ đánh bắt cá hồi mà không hề sợ hãi, dù chỉ di chuyển qua sợi dây ấy một tay, tay còn lại phải lo cầm ngư cụ. Mùa cá chỉ có ở những ngày hè từ tháng 6 đến tháng 9, sau đó chiếc cầu treo sẽ được thu lại và cất đi khi mùa đông đến.
Video đang HOT
Yếu tố nguy hiểm khi vượt vách núi qua cầu treo nay đã không còn như Carrick-a-Rede thuở ban đầu
Các lối đi đến Carrick-a-Rede cũng được kiến tạo chuẩn mực và an toàn
Thời nhộn nhịp ở Carrick-a-Rede, mỗi ngày có hơn trăm ngư dân đu qua chiếc cầu treo ra đảo, xuống thuyền đi đặt lưới với một đầu cài vào vách đá, phần còn giăng ra khơi để chặn đường cá theo con nước vào bờ, bất chấp những hiểm nguy rình rập từ chiếc cầu treo mong manh. Nhờ có cầu treo, việc đánh bắt cá hồi phát triển rất mạnh trong vùng, món cá hồi cũng là phong vị khoái khẩu của cư dân Bắc Ireland.
Chiếc cầu Carrick-a-Rede dần được nâng cấp, gia cố để việc qua lại tiện dụng hơn, cho đến khi giống cá hồi Đại Tây Dương bị đánh bắt quá mức, hiện suy giảm nghiêm trọng và đang là loài nằm trong danh sách tuyệt chủng, cây cầu treo Carrick-a-Rede lại tiếp tục được gia cố thêm cho vững chắc và chuyển đổi công năng thành điểm du lịch ngoạn cảnh. Hiện mỗi lần chiếc cầu treo mong manh này có thể tải được 8 người qua cùng lúc.
Cận cảnh chiếc cầu treo Carrick-a-Rede
Carrick-a-Rede cũng là con đường nối ra một gành đá đĩa đẹp nhưng quy mô nhỏ hơn Giant’s Causeway
Các nhà địa chất học đã nghiên cứu và chỉ ra khoảng cách giữa hai hòn đảo bắc bởi cầu treo Carrick-a-Rede cũng chính là miệng núi lửa từng hoạt động từ hơn 60 triệu năm về trước. Lang thang cùng cảnh đẹp ở Carrick-a-Rede, những lữ khách phương xa thật dễ bị miền tiên cảnh này hớp hồn, mải chơi mãi đến quên cả thời gian. Chia tay Carrick-a-Rede để về lại Belfast, suốt cả đường về, tôi vẫn không khỏi ngất ngây khi nhớ lại vẻ đẹp Carrick-a-Rede, chiếc cầu treo thú vị nơi phương xa Bắc Ireland.
Theo thegioitiepthi.vn
Những bóng ma ở lâu đài Dunluce
Tiếng la thét vọng về trong đêm tối, bóng người con gái áo trắng đi lại trên tường thành, cô gái nhỏ ngồi u sầu trên vách đá... những hồn ma ấy từ 5 thế kỷ qua vẫn hiện hữu trong lâu đài Dunluce hoang phế ở Bắc Ireland.
Chu du trên cung đường ven biển Antrim Coast Road đưa tôi qua nhiều lâu đài như Carrickfergus, Glenarm, Bally, Dunseverick... nhưng trong số ấy, Dunluce là tên gọi quyến rũ hơn cả, không chỉ bởi xuất hiện hoành tráng trong những thước phim Trò chơi vương quyền (Game of Thrones) danh tiếng, mà còn bởi câu chuyện hồn ma vất vưởng quanh lâu đài, nhất là vào những đêm mưa sa bão gió.
Lâu đài Dunluce ở thế kỷ 19.
Lâu đài Dunluce ở thế kỷ 21.
Đến Bắc Ireland chuyến này, tôi không định bụng sẽ đi săn ma như những tuyến du lịch tổ chức về đêm thường gặp ở Scotland hay khắp vùng Châu Âu. Khi thuê phòng ở nhà nghỉ đặt theo tên của gã khổng lồ xây nên Giant's Causeway là Finn McCools, Jacey - chủ nhà đãi tất cả nhóm khách trọ hợp chủng quốc hôm ấy bữa cơm tối thân mật. Cả đám khề khà cùng men rượu mạch nha đơn cất (single malt whisky) nổi tiếng của lò Bushmills chỉ cách nhà trọ chừng hai cây số.
Dunluce bị lãng quên và hoang phế từ sau tai nạn đổ sụt nhà bếp 1639.
Nói thêm chút về lò Bushmills, thành lập từ năm 1608, dân Bắc Ireland rất tự hào bởi đây được công nhận là lò nấu rượu lâu đời nhất vẫn còn sản xuất trên thế giới. Khi đã lâng lâng cùng men rượu, Jacey mở màn về đề tài ma khiến dân tình sởn cả da gà, rằng:
"Mọi người nghỉ ở đây hôm qua có gặp ma chưa? Vùng Antrim xưa chiến tranh liên miên, ma nhiều lắm. Mọi người không tin, nửa đêm lang thang ra đường, kiểu gì cũng gặp. Nếu thấy ma thất thểu, bộ dạng rách rưới, đấy là ma tù nhân, ma quý tộc ăn mặc đẹp, sang trọng, không đi lại mà bay là đà từ chỗ này sang chỗ khác".
Dunluce toạ lạc ở một vùng cảnh quan ngoạn mục
Dunluce là lâu đài ven biển đẹp và quyến rũ nhất ở Bắc Ireland
Lời kể của Jacey với ngôn ngữ đặc âm bản địa Ireland, kèm những điệu bộ, xuýt xoa khiến cả đám khách - nhất là các nữ du hành - rúm ró, la oai oái vì sợ.
Hỏi Jacey ở vùng Antrim từ nhỏ, có bao giờ gặp ma? Gã cười khành khạch, tợp ngụp rượu, bảo: "Thuở bé nghe chuyện ma không dám ra đường, lớn lên đủ tuổi uống rượu, tối nào cũng nửa say nửa tỉnh, ở cái xứ khỉ ho cò gáy này, ra đường gặp người cũng như ma, ma cũng như người".
Câu trả lời thật huề tiền, nhưng đề tài về ma càng lúc thêm sôi nổi. Jacey chốt lại: "Ở vùng này, chuyện ma nổi tiếng nhất là ở lâu đài Dunluce, cũng là điểm lý tưởng để các bạn đến tham quan. Tối nay ngủ nếu ai chưa thấy ma, mai cứ đến Dunluce nhé".
Là lâu đài hoang, nhưng Dunluce nổi tiếng bởi những câu chuyện ma đầy huyền thoại.
Bữa ngon kèm hương nồng đưa cay của rượu nấu từ lò Bushmills, giúp cho giấc đêm của tôi ngay miền di sản Giant's Causeway thật êm ái, mượt mà, không một bóng ma xuất hiện, kể cả trong mơ. Sáng hôm sau, tôi tiếp tục theo con chiến mã SH lên đường, thẳng tiến về lâu đài Dunluce. Cung đường vắng ngắt, chỉ mình tôi độc hành trong tiếng gió rít bên tai. Khu nghỉ trọ cách Dunluce chưa đầy 5km, loáng cái, những tàn tích của một lâu đài bề thế, trồi lên vách đá, nhô ra mép biển đã thấp thoáng trước mặt.
Những góc đẹp trong kiến trúc của Dunluce vẫn đầy sức hấp dẫn lữ khách phương xa
Theo con đường mòn cỏ ngập qua gối, mon men đến gần hơn nữa với Dunluce, nhìn lên bức tường đá sừng sững trước mặt mới thấy Bá tước vùng Ulster là Richard Og De Burg (1259 - 1326), thật vĩ đại khi xây nên đồ sộ của Dunluce ở vị thế cực kỳ hiểm trở, vươn mình ra trước sóng gió, từ tận thế kỷ 13.
Lâu đài Dunluce được xây dựng dựa vào thế núi.
Chuyện ma của lâu đài chỉ bắt đầu từ thế kỷ 16, khi Dunluce đổi chủ vào tay dòng họ danh giá McQuillan (từ 1513), những bóng ma bắt đầu xuất hiện. Người ta thường thấy một người con gái áo trắng phất phơ, tóc buông xoã, đứng trên vách núi của lâu đài. Nhiều người trong gia đình lãnh chúa McQuillan cũng thấy bóng ma ấy và hỏi chuyện nhưng bóng ma chưa bao giờ trả lời.
Sau đó, khi con gái McQuillan là Maeve Roe đến tuổi lấy chồng, gia đình ép gả cho Rory Og nhưng cô đã đem lòng yêu một tù nhân từng bị giam giữ ở Dunluce là Reginald O'Cahan. Cả hai lên kế hoạch đào thoát khỏi lâu đài bằng thuyền chèo và bị tử nạn, người ta chỉ tìm thấy xác của Reginald, còn Maeve mất tích. Bóng ma áo trắng từ sau đó được cho là Maeve Roe hiện về để báo oán gia đình vì tình duyên trắc trở.
Kiến trúc hai toà tháp hình tròn cao 9m còn khá nguyên vẹn ở Dunluce
Đi trong đổ nát của Dunluce, những chuyện ma cứ liên tiếp dội về. Người bản địa rất e ngại đến gần Dunluce khi đêm xuống, bởi luôn nghe tiếng gào thét của nhiều người vẳng ra trong đó. Nguyên do ở năm 1588, chiến thuyền La Girona trong Hải đội tàu chiến của Tây Ban Nha do vua Philip II cử đến xâm chiếm nước Anh, bị va vào đá, đắm cạnh lâu đài Dunluce, khiến 1.300 thuỷ thủ và binh lính thiệt mạng.
Chủ nhân lâu đài trục vớt, bán đi của cải, đồ dùng trên tàu, lấy tiền trùng tu lại Dunluce. Những khẩu pháo của tàu được giữ lại trong lâu đài. Do vậy các hồn ma thường hiện về, kêu gào thảm thiết như trước lúc chết đuối của tai nạn đắm tàu ngày xưa.
Các mảng tường đổ nát ở Dunluce là nơi các loài chim trú ngụ
Nguyên cớ khiến Dunluce trở nên hoang phế, gắn với chuyện xảy ra trong một đêm bão tố năm 1639, khi ấy cả lâu đài đang chuẩn bị yến tiệc, thình lình phần nhà bếp đổ sụp xuống biển, kéo theo 7 người đầu bếp tử nạn. Kể từ sau đó, vị chủ nhân rời bỏ toà lâu đài, mặc cho hoang phế với thời gian. Tiếng gào thét kinh hoàng mỗi đêm khuya mưa gió ở Dunluce cũng được cho là tiếng hồn ma của 7 người đầu bếp tử nạn tại Dunluce.
Địa thế của lâu đài Dunluce mang công năng như một pháo đài phòng vệ
Lối đi trên tường thành Dunluce được thiết kế đảm bảo an toàn cho lữ khách.
Trước khi chia tay Dunluce, tôi gặp được Andrew - nhà khảo cổ học đang có chuyến khảo sát thực địa tại lâu đài, hỏi về hồn ma ở Dunluce, ông vui vẻ lý giải: "Đường bờ biển Bắc Ireland có giống chim hải âu sải cánh lớn, khi trời mưa gió, dông bão, lũ chim hay vào lâu đài trú ngụ, gặp sấm chớp, chim bay lượn trong bóng đêm giống như bóng ma trắng. Còn chuyện tiếng thét là do địa thế của Dunluce ở vách núi cao, tiếng sóng dội vách đá, tiếng gió rít, thêm âm thanh sấm chớp tạo nên một mớ âm thanh hỗn độn, nghe như tiếng kêu gào vậy thôi".
Vỡ lẽ với chuyện hồn ma ở Dunluce qua cách lý giải của một nhà khoa học, nhưng câu chuyện ma quái vẫn còn nguyên sức hấp dẫn để lữ khách khi đến Dunluce, đều mang cảm giác rùng mình nhưng thích thú khi sải bước trên tường thành đá, nghe chuyện ma bí ẩn.
Chia tay vẻ đẹp ấn tượng của Dunluce và cả những hồn ma, tôi đi tiếp về vùng bờ biển ngoạn mục nhất Bắc Ireland, nổi tiếng với cây cầu treo Carrick-a-Rede mà ai đến Bắc Ireland, đều mong một lần được bước qua nó.
Theo thegioitiepthi.vn
Đi tìm người khổng lồ Finn McCool ở Bắc Ireland Hơn 40.000 trụ đá xếp liền kề, cùng niên đại và hình dáng như gành đá đĩa Phú Yên của Việt Nam, nhưng Giant's Causeway tận xứ Bắc Ireland khiến người ta kinh ngạc bởi vẻ đẹp ngoạn mục của nó. Ai đã xây nên Kỳ quan Thế giới Giant's Causeway? Người Ireland sẽ trả lời đấy chính là Finn McCool. Được xếp...