Cầu vồng kép “nối” 2 ngôi chùa Linh Ứng
Chiều 25/8, người dân và du khách đã vô cùng bất ngờ khi chứng kiến cầu vồng kép xuất hiện bao trùm cả một vùng biển Đà Nẵng từ chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà vào đến tận Non Nước, nơi cũng có ngôi chùa Linh Ứng trên danh thắng Ngũ Hành Sơn!
Khoảng 17g30 chiều Chủ nhật 25/8, trời Đà Nẵng có mưa nhỏ lắc rắc chỉ chừng chục phút rồi tắt hẳn, không đủ làm dịu cơn nóng gay gắt do suốt ngày phải chịu “nắng tháng Tám rám trái bưởi”. Vì thế mà người dân và du khách tập trung ra biển vẫn hết sức đông đảo. Chính tại đây, họ đã chứng kiến một hiện tượng tự nhiên hết sức kỳ thú xuất hiện trên biển Đà Nẵng.
Lúc 17g53, anh Nguyễn Nguyên Long, Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện Thế Kỷ (Đà Nẵng) đang cùng gia đình tắm biển tại bãi tắm số 2 cạnh Công viên Biển Đông gọi điện cho PV Infonet báo tin: “Tôi đã chứng kiến cầu vồng nhiều lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy xuất hiện cầu vồng kép, mà lại xuất hiện ngay phía trước tượng Phật bà Quan Âm khiến mọi người vô cùng thích thú”.
Và để chứng minh cho thông tin của mình, chỉ ít phút sau anh dùng điện thoại di động chuyển ngay cho PV Infonet những hình ảnh mà anh vừa ghi lại được. Qua đó cho thấy quả là có đến hai chiếc cầu vồng ngũ sắc rực rỡ xuất hiện trên biển Đà Nẵng. Một cái nhạt hơn từ tượng Phật Bà Quan Âm cao nhất Việt Nam ở chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà vút lên trời, cái thứ hai đậm sắc hơn nằm cách đó vài km về phía Mũi Nghê.
Giữa nền trời chiều vần vũ mây xám, hai chiếc cầu vồng như càng trở nên rực rỡ. Đặc biệt, theo anh Nguyễn Nguyên Long, việc cầu vồng kép xuất hiện ngay trước tượng Phật Bà Quan Âm khiến những người tắm biển càng như cảm thấy có một điều gì đó hết sức linh diệu, bí ẩn.
Video đang HOT
Không những thế, anh Nguyễn Nguyên Long cho biết, do chụp ảnh không lấy được toàn cảnh cầu vồng quá hoành tráng nên anh còn dùng điện thoại di động để quay lại. Và qua đoạn clip ngắn này, người ta càng choáng ngợp khi thấy hai móng cầu vồng bao phủ cả vùng biển rộng lớn kéo dài hàng chục cây số từ bán đảo Sơn Trà vào đến tận khu vực biển Non Nước, nơi cũng có một ngôi chùa Linh Ứng trên danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Anh Nguyễn Nguyên Long nói: “Tôi nghe nhiều người đi biển trầm trồ: “Phải chăng cầu vồng kép đang nối hai ngôi chùa Linh Ứng với nhau?”. Xin mời bạn đọc cùng chiêm ngưỡng đoạn clip về sự kiện hiếm thấy này!
Theo khampha
Nỗi đau da cam của thành phố biển Đà Nẵng trên báo nước ngoài
Trong khi các quân nhân Mỹ tham gia rải chất độc da cam trong chiến tranh tại Việt Nam đã được bồi thường, những nạn nhân địa phương vẫn đang phải tự vượt qua nỗi đau bị reo rắc. Tình cảnh khiến phóng viên của BBC không khỏi lo lắng, xót xa.
Nạn nhân tên Huyen, 30 tuổi, luôn phải được mẹ chăm sóc
Được đăng ngay trên trang nhất của BBC với tiêu đề " Quá khứ độc hại" (Toxic past), bài viết của tác giả Karishma Vaswani đã nêu bật vẻ đẹp của thành phố biển Đà Nẵng. Nhưng ẩn sau vẻ đẹp đó là những nỗi đau do hậu quả của chất độc da cam mà quân đội Mỹ đã đổ xuống vùng đất này, với nhiều nạn nhân chưa kịp được giúp đỡ đã qua đời. Sau đây là nội dung bài viết.
Đà Nẵng là một trong những thành phố cảng chính của Việt Nam, một thành phố với bề dày lịch sử. Đó là nơi những người Pháp đầu tiên đã đổ bộ ở thế kỷ 19 với ý định kiểm soát khu vực này, và là nơi các lực lượng Mỹ đã thành lập một căn cứ không quân lớn trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Những con đường ở đây thật rộng và mời gọi, những đại lộ chạy dọc theo bờ sông đều sạch và đầy những quán cà phê ven sông nhỏ, là lạ. Sự hòa quện của những tòa nhà hiện đại và cổ kính tại nhiều khu vực trong thành phố cho bạn cảm nhận thật sự về nhưng thay đổi đã diễn ra tại đây trong những năm qua.
Rất nhiều tiền đã được đổ vào thành phố này và nó đã phát huy tác dụng. Chính quyền địa phương muốn biến nơi này thành thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Nhưng Đà Nẵng cũng được biết đến là một trong những nơi bị ô nhiễm dioxin cao nhất, do việc sử dụng chất da cam của quân đội Mỹ trong cuộc chiến.
Dioxin là một trong những chất ô nhiễm độc hại nhất. Nó có thể gây ra các vấn đề về phát triển và sinh sản, phá hủy hệ miễn dịch, tác động tới các hóc môn và cũng có thể gây ra ung thư.
Ở hầu hết các nước, hàm lượng dioxin trong đất không được phép vượt quá 1000 ppt (phần nghìn tỷ). Tại các nước công nghiệp, mức độ ô nhiễm dioxin trong đất trung bình còn thấp hơn nhiều, dưới 12 ppt.
Ở Đà Nẵng, hàm lượng dioxin được ghi nhận cao nhất lên tới 365.000 ppt.
Trong cuộc chiến tranh, khi chất da cam được sử dụng để phá hủy những khu rừng được bộ đội Việt Nam dụng làm nơi ẩn náu, nó đã được phun với nồng độ gấp 50 lần mức khuyến cáo của nhà sản xuất để diệt trừ cây cối.
Nó đã khiến hàng triệu hecta rừng và đất canh tác trở nên trơ trọc, rất nhiều trong số này vẫn thoái hóa và không thể trồng trọt cho tới tận ngày nay.
Sân bay Đà Nẵng từng là căn cứ không quân chính của Mỹ trong cuộc chiến và là nơi hàng kho chất da cam được chất đống. Khi chiến tranh kết thúc, nhiều chất hóa học còn tồn lại, ngấm vào nguồn nước của Đà Nẵng.
Khoảng 3 triệu người Việt Nam đã phải chịu đựng các vấn đề sức khỏe do tiếp xúc với dioxin trong chất da cam.
Các cựu binh Mỹ, những người tiếp xúc với chất độc này cũng bị ảnh hưởng. Hơn một triệu trong số họ đã nhận được bồi thường vì các tác hại của chất da cam.
Tại thành phố này, tôi đã gặp cô gái 30 tuổi tên Huyen, người mà gia đình cô tin rằng cô đang là một trong những nạn nhân sống của chiến tranh. Bố cô, ông Tran Quang Toan, từng là lái xe cho quân đội Ngụy, là đồng minh của quân Mỹ.
"Chúng tôi có nghe việc người Mỹ đang phun hóa chất trong rừng nhưng chỉ có tin đồn thế thôi", ông nói. "Chúng tôi không biết liệu có đúng vậy không. Chúng tôi rất nghèo nên phải sử dụng nước từ cái giếng gần sân bay".
Vợ ông suốt ngày chỉ chăm sóc cho Huyen trong khi ông Tran, hiện đã ngoài 60, kéo chiếc xe cút kít lớn khắp thành phố, kéo vật liệu xây dựng từ địa điểm xây dựng này tới địa điểm khác để kiếm sống.
Hiện chính phủ Mỹ và Việt Nam đang cùng phối hợp để cố gắng hàn gắn những vết thương của quá khứ bằng cách làm sạch khu đất nhiễm độc. Đó là một dự án tham vọng và nếu thành công, sẽ là kinh nghiệm cho các điểm nóng chất da cam khác tại Việt Nam.
Dù cuộc chiến và sự can dự của Mỹ đã kết thúc từ năm 1975, phải 20 năm sau mối quan hệ ngoại giao mới được khôi phục giữa hai nước, cho phép vấn đề được tìm cách giải quyết.
"Toàn bộ dự án sẽ tiêu tốn 84 triệu USD", Joakim Parker, giám đốc cơ quan USAID Việt Nam cho biết trong lúc chúng tôi đi quanh hiện trường.
Kế hoạch là làm sạch hàng trăm tấn đất bị nhiễm độc trong năm 2016 bằng cách nung chúng trong những lò đặc biệt giúp loại bỏ chất độc. Nhưng cho dù cả hai nước đã nỗ lực cùng nhau, những vết sẹo cũ của chiến tranh vẫn còn quá rõ ràng tại Đà Nẵng.
Tôi tới thăm một trung tâm chăm sóc các nạn nhân nhỏ tuổi của chất da cam, nơi nhiều trẻ em có vấn đề về sinh lý và tâm thần được chăm sóc.
Tại đây, bà Nguyen Thi Hien, chủ tịch của Hiệp hội nạn nhân chất da cam Đà Nẵng cho biết bà cảm thấy việc khép lại quá khứ đòi hỏi nhiều hơn việc chỉ làm sạch khu vực sân bay.
"Tôi thấy chưa hài lòng bởi những việc được làm để hỗ trợ vẫn chưa đủ", bà nói. "Một số trường hợp cha mẹ đã qua đời bởi chất độc da cam và con họ cũng bị ảnh hưởng bị bỏ lại một mình, và cuối cùng toàn bộ gia đình đều chết".
Theo Dantri
Mặt trời tỏa hào quang ở Đà Nẵng Khoảng 9h30 sáng 30/7, nhiều người ở Đà Nẵng bất ngờ phát hiện bao quanh mặt trời là một vòng tròn ánh sáng khác thường (ảnh), thỉnh thoảng chuyển sang một số màu sắc khác. Hiện tượng này kéo dài đến khoảng 10h30. Theo nhiều người dân, đây lần thứ 3 trong vòng vài năm trở lại đây, tại Đà Nẵng có thể...