Cầu thủ Việt Nam và cái giá “triệu like”
Nếu mỗi bài đăng trên Facebook của Quang Hải có giá hàng nghìn USD thì anh cũng phải đánh đổi vào đó nhiều giá trị khác.
Năm 2018, sau khi U23 Việt Nam giành được ngôi á quân tại giải U23 Châu Á tại Thường Châu, nhiều cầu thủ đã bước ra từ ánh hào quang. Nổi bật lên trong đó là Quang Hải và Bùi Tiến Dũng. Cột mốc ấy không chỉ mở ra chu kỳ thành công cho bóng đá Việt Nam mà còn làm thay đổi chính sự nghiệp của những cầu thủ này.
Nhiều cầu thủ Hà Nội có giá trị hình ảnh cao. Ảnh: Strong Vietnam.
Cả hai cầu thủ này đều có lượt theo dõi tăng chóng mặt trên Facebook cá nhân. Cho đến thời điểm hiện tại, Quang Hải có hơn 2,2 triệu lượt theo dõi, còn Bùi Tiến Dũng là hơn 3,1 triệu lượt theo dõi. Lượng người theo dõi tăng đồng nghĩa với việc các nhãn hàng cần quảng cáo cũng tìm đến hai cầu thủ này nhiều hơn.
Cũng nhờ có những người quản lý nhìn thấy cơ hội kinh doanh béo bở này mà Bùi Tiến Dũng đã có ngay một “bảng báo giá” được rò rỉ trên mạng xã hội. Theo đó, một bài đăng trên Facebook của Bùi Tiến Dũng được báo giá 2.500 USD (khoảng 57 triệu đồng). Đây là con số khiến nhiều người giật mình.
Theo quan điểm của người được cho là đại diện của Bùi Tiến Dũng thời điểm đó thì giá đó chỉ bằng 1/3 một ca sĩ đang nổi tiếng nếu độc quyền nhãn hàng, bằng khoảng 1/2 các danh hài đình đám nhất. Nếu so sánh, mức độ ảnh hưởng của Tiến Dũng đang ở vị thế cao hơn, lượng follow khách hàng chất hơn.
Cũng bắt đầu từ đây mà xu hướng cầu thủ “kinh doanh” bằng Facebook cá nhân nở rộ. Nhiều cầu thủ “hái ra tiền” nhờ doanh thu từ việc đăng bài cho các nhãn hàng. Nên nhớ rằng, những bài viết được đăng tải mang tính cá nhân. Mạng xã hội trở thành kênh truyền thông và kiếm tiền hiệu quả trong suốt hơn 2 năm qua của Quang Hải và nhiều đồng đội khác tại CLB Hà Nội.
Thế nhưng, cũng vì bảng báo giá đó mà Bùi Tiến Dũng từng nhận không ít “gạch đá” vì cho rằng sớm mắc bệnh ngôi sao. Nhiều ý kiến cho rằng, việc nghĩ đến chuyện kiếm tiền quá sớm có thể sẽ làm hỏng một tài năng trẻ.
Đặc biệt, hiệu ứng từ mạng xã hội đã khiến Dũng mắc không ít rắc rối. Đó là câu chuyện, Dũng xin lỗi trên mạng xã hội khi mắc sai lầm trong màu áo Thanh Hoá. Hay mới nhất là câu chuyện Bùi Tiến Dũng mắc sai lầm trong màu áo U22 Việt Nam tại SEA Games 30. Những dòng trạng thái từng bị chỉ trích rất nhiều đó là câu “Tôi sai đã có các đồng đội sửa”. Đó cũng là cái giá mà “Thủ môn quốc dân” phải trả từ mạng xã hội.
Mới đây, Công ty cổ phần thể thao Hà Nội T&T đã ban hành quy định về việc quản lý sử dụng hình ảnh cầu thủ, huấn luyện viên CLB Hà Nội. Công ty khẳng định là đơn vị duy nhất sở hữu quản lý và sử dụng thương hiệu, hình ảnh, các dấu hiệu liên quan đến huấn luyện viên, cầu thủ theo các hợp đồng đã ký kết.
Đặc biệt, trong quy định mới, Quang Hải và các đồng đội sẽ phải chia sẻ thù lao và các khoản thu nhập nhận được khi sử dụng tài khoản cá nhân trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Zalo, Twitter… để quảng bá sản phẩm, dịch vụ cho các thương hiệu.
Đây là điểm đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Bởi lẽ, khi cầu thủ đăng bài trên Facebook cá nhân với hình ảnh của cá nhân chứ không phải của câu lạc bộ, việc phải chia sẻ quyền lợi rõ ràng có điểm chưa hợp lý. Thế nhưng, theo mục đích của CLB Hà Nội đưa ra thì quy định mới này nhằm chuẩn hoá các quy định về sở hữu thương hiệu, quyền và nghĩa vụ khi sử dụng hình ảnh và các dấu hiệu liên quan của cầu thủ, huấn luyện viên, thương hiệu, nhãn hiệu và các tài sản thuộc sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu của Hà Nội.
Video đang HOT
Nhìn ở ở góc độ tích cực, nếu cả Hà Nội và các cầu thủ đều thoả thuận đi đến thống nhất chung, đó sẽ là câu chuyện hợp tác để làm “Kinh tế bóng đá”. Điều này sẽ có lợi cho cả hai. Bởi lẽ, trong môi trường bóng đá Việt Nam vẫn còn ngổn ngang lên chuyên nghiệp, cầu thủ cần có định hướng trong việc kiếm tiền. Đây cũng là lúc mà chúng ta nhận ra, vai trò của người đại diện quan trọng như thế nào với một cầu thủ.
Cầu thủ Việt Nam thu lợi từ những Facebook “triệu like”. Thế nhưng họ cũng trả giá không nhỏ cho những khoản thu nhập đó.
Báo giá “khủng” của cầu thủ Việt Nam
Ở thời điểm hiện tại, tuyển thủ Quế Ngọc Hải được báo giá chi phí tham dự sự kiện 1 ngày là 5.000USD, một bài đăng trên Facebook là 2.000USD, quyền sử dụng hình ảnh trên các phương tiện truyền thông trong 3 tháng là 7.000USD.
Các cầu thủ khác lần lượt là Tiến Linh (4.000USD, 2.000USD, 5.000USD), Văn Thanh (2.000USD, 1.000USD, 3.500USD), Trọng Hoàng (2.000USD, 1.000USD, 3.500USD), Đình Trọng, Duy Mạnh (80 triệu đồng, 50 triệu đồng, 300 triệu đồng), Tuấn Anh (150 triệu đồng, 50 triệu đồng), Minh Vương (120 triệu đồng, 40 triệu đồng), Văn Toàn (160 triệu đồng, 50 triệu đồng)…
Theo bảng báo giá rò rỉ của Bùi Tiến Dũng thì, tiền bản quyền hình ảnh của thủ thành này cao ngang một ngôi sao showbiz. Ví dụ, 1 status trên Facebook của Bùi Tiến Dũng được báo giá 2.500USD (khoảng 57 triệu đồng), 1 lần livestream là 5.500USD (hơn 120 triệu đồng).
Trước đó, cầu thủ “đắt show” nhất của bóng đá Việt Nam, có báo giá cao nhất là Công Phượng, khi CLB Hoàng Anh Gia Lai bán quyền khai thác hình ảnh, quảng cáo của tiền đạo này cho một công ty truyền thông, quảng cáo chuyên nghiệp.
Dybala không thể đến MU vì bản quyền hình ảnh
Sự phức tạp của vấn đề bản quyền hình ảnh khiến Premier League không ít lần hụt mất các ngôi sao. Paulo Dybala là một trong số đó.
Kỳ chuyển nhượng mùa hè 2019, Manchester United và Tottenham nỗ lực trong việc chiêu mộ Paulo Dybala. Trong khi đó, Juventus cũng muốn thanh lý chân sút người Argentina để giảm quỹ lương và mua cầu thủ khác.
Tuy nhiên, các cuộc thương thảo giữa Tottenham, MU với phía Dybala đổ bể vào phút chót. Theo truyền thông Anh, nguyên nhân chính đến từ vấn đề bản quyền hình ảnh của cầu thủ.
Bản quyền hình ảnh của Dybala khiến các CLB như MU hay Tottenham gặp khó trong đàm phán chiêu mộ. Ảnh: Getty.
Xung đột giữa cầu thủ và CLB
Luật sư Jake Cohen, người có nhiều năm làm việc về vấn đề bản quyền hình ảnh trong bóng đá, cho biết bản quyền hình ảnh luôn khiến các cầu thủ và CLB gặp rắc rối mỗi khi thương thảo hợp đồng.
Về cơ bản, bản quyền hình ảnh là quyền sở hữu tên, hình, nickname, giọng nói, chữ ký và nhiều đặc điểm cá nhân khác của cầu thủ. Trong bóng đá chuyên nghiệp, các cầu thủ thường có một công ty, chịu trách nhiệm pháp lý để quản lý hình ảnh của riêng mình.
Công ty nói trên sẽ chịu trách nhiệm thương thảo trực tiếp với các CLB chủ quản về vấn đề bản quyền hình ảnh, cũng như khai thác và bảo vệ thương hiệu của cá nhân cầu thủ.
Việc thành lập những công ty chuyên biệt để quản lý hình ảnh giúp các cầu thủ tiết kiệm một khoản đáng kể về thuế thu nhập (thuế đánh vào doanh nghiệp thường thấp hơn đánh vào cá nhân cầu thủ).
Vấn đề bản quyền hình ảnh được xử lý không hoàn toàn giống nhau ở các nền bóng đá trên thế giới. Tại Anh, hợp đồng lao động tiêu chuẩn của Premier League quy định các CLB có quyền sử dụng một phần hình ảnh của cầu thủ để quảng bá cho các nhà tài trợ của họ.
Tuy nhiên, quyền sử dụng này chỉ nằm trong giới hạn. Ví dụ như Tottenham không được sử dụng hình ảnh của Harry Kane với tần suất quá nhiều khi so với các cầu thủ khác trong đội hình.
Các CLB vì thế thường cố gắng đạt được thoả thuận khai thác một phần (hay toàn bộ) bản quyền hình ảnh của các cầu thủ trong hợp đồng giữa hai bên.
Tottenham có thể cài thêm điều khoản hạn chế cầu thủ quảng cáo cho đối thủ của nhãn hàng đang tài trợ cho CLB. Khoản tiền hình ảnh của cầu thủ sẽ được CLB trả trực tiếp vào hợp đồng hoặc thông qua đàm phán với công ty thứ 3 nắm bản quyền hình ảnh của cầu thủ (thường là do cầu thủ và người thân sở hữu).
Trường hợp Dybala trở nên phức tạp hơn khi anh đã bán toàn bộ bản quyền hình ảnh của mình cho bên thứ 3, không còn liên quan gì đến mình.
Khi Tottenham hay MU muốn chiêu mộ Dybala, họ phải làm việc với công ty do người đại diện cũ của tiền đạo này sở hữu. Xung đột giữa các bên nổ ra khi công ty nắm bản quyền hình ảnh của Dybala đánh giá cao giá trị thương hiệu cầu thủ hơn hai CLB của Premier League.
Có tin bên nắm bản quyền hình ảnh của Dybala muốn MU và Tottenham phải bỏ số tiền lên tới 13,7 triệu bảng để mua lại bản quyền hình ảnh của cầu thủ.
Trong khi đó, Chủ tịch Daniel Levy của Tottenham muốn khai thác triệt để bản quyền hình ảnh của Dybala sau khi đã chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn để mua cầu thủ. Thương vụ vì thế không xảy ra.
Nếu một CLB không đạt được thỏa thuận trong vấn đề bản quyền hình ảnh với cầu thủ, họ sẽ khó khăn trong việc khai thác, sử dụng hình ảnh của các ngôi sao.
Sự xung đột về mặt thương hiệu sẽ xảy ra khi nhãn hàng đang tài trợ cho cá nhân Dybala là đối thủ cạnh tranh với nhãn hàng tài trợ cho Tottenham hay MU.
Khi Jose Mourinho chuẩn bị dẫn dắt MU vào tháng 5/2016, một trong những vấn đề lớn trong hợp đồng của hai bên là xung đột giữa các nhà tài trợ cá nhân của HLV và nhà tài trợ cho "Quỷ đỏ".
Trường hợp Dybala đặc biệt ở chỗ anh đã bán bản quyền hình ảnh cho bên thứ ba. Ảnh: Igames.
Cuộc chiến không hồi kết
Daniel Geey, một luật sư thể thao khác của Anh, nhận định thông thường các cầu thủ sẽ cố gắng dung hoà lợi ích với CLB, vì họ có thể kiếm được nhiều hơn từ tiền lương nếu thi đấu tốt trên sân cỏ.
Về phần các CLB, đôi khi họ cũng phải "chiều" theo yêu cầu của các cầu thủ, đặc biệt là những ngôi sao lớn (hoặc đến từ Nam Mỹ) vì mục tiêu trên sân cỏ. Ngoài lý do thời tiết, vấn đề bản quyền hình ảnh được xem là nguyên nhân khiến Ronaldinho chọn Barca thay vì MU vào năm 2003.
Các CLB chủ quản của Lionel Messi, Cristiano Ronaldo hay Neymar phải thỏa hiệp khá nhiều với các ngôi sao kể trên, trong những cuộc đàm phán bản quyền hình ảnh.
Neymar tại PSG, Ronaldo tại Juve hay Messi tại Barca đứng ở vị thế mà các CLB chủ quản cần đáp ứng những đòi hỏi về khai thác bản quyền hình ảnh của họ, về khoản thu nhập khổng lồ mà họ nhận được nhờ thương hiệu cá nhân.
Ở Tây Ban Nha, Chủ tịch Florentino Perez của Real từng thành công trong việc đòi hỏi những ngôi sao như David Beckham chia 50% lợi nhuận bản quyền hình ảnh với CLB. Khi Beckham sang LA Galaxy, anh chỉ phải chia 20% với CLB của Mỹ.
Tuy nhiên, sau này Ronaldo từng thành công trong việc giảm tỷ lệ 50% tại Real xuống còn 40%. Điều này đạt được nhờ vị thế ngày càng cao của CR7 tại Real.
Đến năm 2015, CR7 quyết định ủy quyền quản lý hình ảnh cho công ty của tỷ phú Singapore Peter Lim và khiến Real không còn khai thác được nhiều về hình ảnh của cầu thủ. Đây được cho là một phần nguyên nhân cho việc Perez quyết định bán Ronaldo cho Juventus.
Bản quyền hình ảnh là vấn đề khá nhạy cảm, và gần như là cuộc chiến không bao giờ có hồi kết giữa các bên liên quan.
Giàu sụ và 'sang chảnh' nhất nhì làng WAGs, ít ai biết Vóc Đỗ sở hữu bí quyết tiết kiệm đến khó tin Ngoài xinh đẹp, Vóc Đỗ còn là một rich kid chính hiệu khi trang cá nhân luôn được phủ bằng những chuyến du lịch trời Tây và hàng hiệu đắt tiền. Không nổi bần bật như Quỳnh Anh, Nhật Lê, Yến Xuân,... hay những cô bạn gái khác của hội cầu thủ, Vóc Đỗ được dân tình biết đến sau màn "gây chiến"...