Cầu thủ V League tìm cách để thích ứng khi giải hoãn vì COVID-19
LS V-League 2020 hoãn vô thời hạn. Các đội bóng đã bắt đầu ở vào chế độ “off” mọi thứ như cấm trại, không tập luyện chung cùng nhau. Đại bản doanh từng CLB đều nhận lệnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Tất cả đều nhằm mục đích tuân thủ quy định của cơ quan chức năng cũng như đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Một ngày hạn chế tiếp xúc, không tập theo giáo án, không cả thi đấu sẽ thế nào với cầu thủ trong giai đoạn “cách ly xã hội” như thế này ? Chúng ta cùng nghe chia sẻ của người trong cuộc với Thể thao&Văn hóa.
Ở vào thời điểm hiện nay, khi công tác phòng chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn quyết liệt hơn trên những giải pháp cấp bách từ Chính phủ, để cùng chung tay với toàn xã hội, địa hạt bóng đá nước nhà cũng thực thi triệt để, nghiêm túc những quy định này.
Hẳn nhiên, bóng đá mà không được ăn tập đúng bài vở, ít vận động cũng như không cả thi đấu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thể trạng, phong độ của cầu thủ. Dẫu vậy, không còn cách nào khác, tự thân mỗi cầu thủ cố gắng thực hiện tốt nhất trong điều kiện có thể về vấn đề gìn giữ cho mình.
Bằng cách này hay cách khác, họ phải có giải pháp để duy trì thể lực, sức vóc để đảm bảo cơ bản câu chuyện này. Tuy nhiên, với những chia sẻ của mình, họ thừa nhận rất khó có thể đảm bảo trạng thái một cách tốt nhất trong quãng thời gian này cũng như khi LS V-League 2020 tái xuất.
Quế Ngọc Hải: “Tự tập luyện hàng ngày để đảm bảo thể trạng khi V-League trở lại”
“Tình hình dịch bệnh thế này là câu chuyện chung, khó khăn chung. Mình phải biết chấp nhận, chung tay cùng cộng đồng vượt qua, đồng thời tuân thủ tốt quy định của Nhà nước cũng như nội bộ đội bóng. Cũng chỉ hy vọng mọi việc tiến triển tốt hơn trong thời gian sắp đến”, tuyển thủ quốc gia Quế Ngọc Hải mở lời với những đồng cảm trong công tác phòng chống dịch bệnh như thế.
“Nói chung sẽ rất khó cho cầu thủ như tụi em, ai cũng khó vậy thôi. Mọi thứ bây giờ đã phải theo quy định, vào khuôn khổ cả rồi. CLB phải nghỉ tập chung giáo án với nhau, ăn ở sinh hoạt cũng trên tinh thần đảm bảo mọi quy định về giao tiếp với nhau.
Không chỉ cá nhân em, các bạn đồng nghiệp cũng vậy cả thôi. Nói chung sẽ tự tập luyện trên tinh thần nhận được khuyến cáo của đội bóng. Cố gắng vận động hàng ngày ở mức độ có thể làm được.
Có muốn tập thể lực ngoài đại bản doanh của đội bóng cũng không được, phần vì hạn chế đi lại, giao lưu giữa bên ngoài với bên trong CLB. Hơn thế, các cơ sở tập thể lực hay phòng tập gym cũng đều đóng cửa”.
Tuyển thủ quốc gia Quế Ngọc Hải nhìn nhận để có thể đảm bảo một cách tốt nhất trong giai đoạn này gần như không thể.
Anh nói: “Anh em cũng như cá nhân mình chỉ biết sẽ cố gắng vận động hàng ngày bằng việc chạy bộ, tập thể lực riêng một mình, duy trì cảm giác bóng hàng ngày trong điều kiện cho phép.
Sẽ rất khó nếu đặt ra giả thiết ngày nào đó khi V-League trở lại, tất cả đồng nghiệp sẽ đảm bảo được tốt nhất về câu chuyện thể trạng, cảm giác hay phong độ chuyên môn. Có khi, vào lúc đó, ban huấn luyện, nhất là HLV thể lực, buộc phải “làm lại từ đầu” những giáo án, bài tập cho phù hợp với tình hình cụ thể.
Nói chung vào lúc này, tụi em sẽ cố gắng tập những gì tập được cho cá nhân hàng ngày, tuân thủ mọi quy định của cơ quan chức năng cũng như đội bóng. Đồng thời chung tay, góp sức mình vào việc phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.
Hơn hết là hy vọng mọi thứ sẽ tiến triển tích cực hơn để đời sống kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có thể thao trở về nhịp sống vốn có.
Tiền vệ Đỗ Hùng Dũng: “Tranh thủ thời gian học thêm vốn liếng tiếng Anh”
CLB Hà Nội quyết định xả trại từ ngày 28/3 cho đến khi có thông báo mới. Cầu thủ được trở về nhà, yêu cầu thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19 một cách triệt để nhất. Trong bối cảnh này, tiền vệ Đỗ Hùng Dũng ngoài việc rèn luyện thể lực hàng ngày để đảm bảo sức vóc thì còn tranh thủ thời gian để học thêm ngoại ngữ: “Bản thân mình rất mong muốn được trao đổi lưu loát bằng tiếng Anh. Mình thấy điều này rất hữu hiệu khi trò chuyện, trao đổi hàng ngày với đồng nghiệp ngoại binh hay khi ra nước ngoài thi đấu cho CLB cũng như ĐTQG.
Lâu nay, thời gian khá hạn hẹp khi luôn phải bận bịu với việc tập luyện, thi đấu liên tục. Thời điểm này, tận dụng quãng thời gian V-League tạm dừng, em quyết tâm phải học tốt tiếng Anh, cố gắng bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, tiếp theo sẽ chú tâm cho công việc này nếu có thời gian và điều kiện”.
“Em thấy, trên môi trường ĐTQG mình các bạn nhỏ tuổi hơn, có điều kiện học tập bài bản nên nói chuyện bằng tiếng Anh rất tốt. Như thế, các bạn ấy sẽ có lợi thế khi trao đổi, nêu ý kiến hay tranh luận với trọng tài khi thi đấu trên sân.
Em tranh thủ học thêm tiếng Anh không chỉ phục vụ cho bây giờ, có thể giúp ích về sau khi muốn theo đuổi công tác huấn luyện, theo học các lớp bằng cấp, chứng chỉ dành cho HLV.
Chúng ta thấy, hiện nay ở Việt Nam, số HLV có thể trao đổi trực tiếp bằng tiếng Anh rất ít và phụ thuộc vào phiên dịch viên. Điều này cũng có những bất lợi trong công việc”.
Đội trưởng Hà Nội FC Nguyễn Văn Quyết: “Sợ nhất gặp phải chấn thương khi cứ tập chay hàng ngày”
“Khi giải đấu nghỉ dài hẳn nhiên ảnh hưởng đến thể trạng, phong độ cùng nhịp tâm lý, cảm giác thi đấu của anh em cầu thủ. Tuy vậy, với môi trường bóng đá chuyên nghiệp cũng như đời sống chuyên nghiệp của mỗi cầu thủ, mình phải biết điều chỉnh, tuân thủ và cố gắng gìn giữ mọi thứ và chờ thời điểm giải đấu được quay lại.
Đội bóng đã xả trại những tất cả anh em cùng tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy định. Rõ ràng, mùa giải vẫn còn khá dài ở trước mặt, mọi thứ còn ở phía trước, nên yêu cầu cao nhất về chuyện tập luyện hàng ngày, dù tập chỉ cá nhân rất quan trọng”, đội trưởng Hà Nội FC Nguyễn Văn Quyết chia sẻ.
Nguyễn Văn Quyết cho biết: “Ở thời điểm này, em và đồng đội chỉ biết là cố gắng, giữ được sự tập trung cao độ. Điều quan trọng khi phải tập chay, không được đá thật như thế này nằm ở chỗ giữ được sức vóc và tránh những chấn thương.
Nghĩa là mọi thứ phải luôn ở tâm thế sẵn sàng nhất, nếu giải đấu được tổ chức lúc nào thì cá nhân mình cũng như đồng đội hay các bạn đồng nghiệp cũng đều đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn để có thể thi đấu ở mức ổn định nhất”.
Nhìn từ những chia sẻ, tâm tư của anh em cầu thủ như thế, có thể hiểu, đồng thời cảm nhận được phần nào khó khăn mà họ đang gặp phải. Rõ ràng, khi các đội bóng phải dừng hẳn việc tập luyện sẽ ảnh hưởng lớn đến thể lực và chuyên môn của các cầu thủ.
Các cầu thủ trên tinh thần chuyên nghiệp cũng đã làm những việc cần làm hằng ngày trên ý thức cá nhân rất tốt của mình. Tuy vậy, việc tập luyện không theo giáo án chung nhất hay với tập thể đội bóng cũng khó mang lại hiệu quả cao nhất như mong muốn. Do vậy, sẽ một núi công việc cần giải quyết với các CLB không chỉ trong giai đoạn này, còn cả cho ngày V-League được phép trở lại.
Trần Tuấn
Giới cầu thủ duy trì phong độ trong mùa dịch Covid-19 như thế nào?
Cầu thủ Việt Nam gặp trở ngại trong việc duy trì phong độ. Nhưng nhìn rộng ra, cả thế giới bóng đá hiện đều như thế, nên khi quay trở lại, các đội nước ngoài cũng chưa chắc có lợi hơn chúng ta.
Và thời điểm bóng đá toàn cầu quay trở lại rất khó nói trước, bởi chưa rõ bao giờ dịch Covid-19 mới được dập tắt hoàn toàn? Và khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, làng cầu toàn thế giới mới yên tâm quay lại với công tác tổ chức các giải đấu, còn giới cầu thủ mới an tâm quay lại với cuộc chơi.
Bởi vì chưa an tâm nên các giải bóng đá tại châu Âu và cả châu Á cứ dời tới dời lui, chờ cho đến khi hết dịch, vì không dám mạo hiểm với sức khoẻ, thậm chí tính mạng của những người tham gia cuộc chơi và các lực lượng làm nhiệm vụ để duy trì cuộc chơi.
Điều đó cũng có nghĩa là các cầu thủ toàn thế giới hiện không có bất kỳ trận đấu chính thức nào trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng qua.
Cả thế giới bóng đá hiện đều tạm ngưng các hoạt động, nên việc giữ phong độ là việc chung của giới cầu thủ toàn cầu, chứ không riêng cầu thủ Việt Nam gặp khó vì thiếu giải đấu trong nước
Chí ít là các đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022 - khu vực châu Á, gồm Thái Lan, Malaysia, UAE và Indonesia cũng không được thi đấu, và tự tập để duy trì phong độ là chuyện của cầu thủ toàn cầu, chứ không riêng gì cầu thủ Việt Nam.
Dĩ nhiên, cầu thủ của chúng ta sẽ gặp vấn đề về phong độ khi quay lại đội tuyển quốc gia ở các giải đấu quốc tế, do thiếu các trận đấu ở giải trong nước để duy trì. Nhưng chắc chắn cầu thủ toàn thế giới nói chung, và cầu thủ của các đội là đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup nói riêng, cũng rơi vào cảnh tương tự.
Nên lo lắng về việc chúng ta thiệt thòi hơn họ, cầu thủ Việt Nam mất phong độ, sẽ... tăng cân vì thiếu giải đấu để cọ xát là lo lắng có vẻ... hơi thừa. Bởi, khó khăn là khó khăn chung, cầu thủ Việt Nam gặp khó như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thì cầu thủ toàn thế giới cũng gặp khó khăn tương tự.
Riêng chuyện giữ phong độ, thể lực và giữ "phom" lý tưởng để có thể trở lại thi đấu chuyên nghiệp ngay khi cần, là việc mà có lẽ giới cầu thủ hiểu hơn ai hết.
Vả lại, việc giữ được phong độ và giữ được thể lực trong giai đoạn không thi đấu hiện tại, cũng là cách thể hiện sự chuyên nghiệp của giới cầu thủ, là thước đo để đánh giá tính chuyên cần và mức độ chuyên nghiệp cầu thủ thuộc nền bóng đá này so với cầu thủ thuộc nền bóng đá khác.
Giới cầu thủ Việt Nam trong những năm gần đây được đào tạo bởi các học viện bóng đá có tiếng tăm, có chất lượng, ý thức và khả năng tự rèn luyện của họ chuyên nghiệp hơn hẳn trước.
Cầu thủ Việt Nam bây giờ, nhất là nhóm các tuyển thủ quốc gia, về lý thuyết là những người đá bóng ưu tú nhất nước, có lẽ thừa hiểu họ phải làm gì để duy trì phong độ và thể lực, ngay cả khi không được đá giải. Vì phong độ và thể lực chính là nguồn sống lâu dài của chính họ.
Họ chắc cũng thừa hiểu khó khăn hiện giờ là khó khăn chung ở phạm vi toàn thế giới, khó ta thì khó người, cầu thủ toàn thế giới hiện cũng không hề trải qua các giải đấu quốc nội y hệt như cầu thủ Việt Nam, nên đây không phải là vấn đề khiến giới bóng đá trong nước phải căng thẳng, càng không nên cường điệu hoá!
Không cường điều hoá những khó khăn chung để bình tĩnh tự tập luyện (cầu thủ chuyên nghiệp thì tự tập tại nhà cũng là rèn luyện) giữ phong độ, chờ cho dịch Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát, rồi từ tốn quay lại với sân cỏ, chứ không có gì phải vội.
Chắc chắn một điều rằng, thế giới bóng đá nói chung cũng sẽ chờ như chúng ta, tức là chờ hết dịch mới thi đấu, chứ chẳng ai dám mạo hiểm với dịch bệnh đâu!
Thiện Nhân
CLB Việt Nam chi 13 tỷ đồng/năm chiêu mộ "Iniesta Thái Lan" Tờ Siam Sport của Thái Lan đưa tin, một CLB Việt Nam sẵn sàng chi ra mức lương lên tới 13 tỷ đồng/năm để có sự phục vụ của Sarach Yooyen từ Muangthong United. Cách đây ít ngày, báo chí Việt Nam loan tin, có một CLB thuộc V.League muốn có sự phục vụ của Sarach Yooyen - tuyển thủ quốc gia Thái...