Cầu thủ Thái Lan đến J.League nhờ chơi bóng trên mặt sân chất lượng
Mặt sân ở Thái Lan không chỉ đẹp mà còn sản sinh những “nghệ sĩ sân cỏ” được giải đấu hàng đầu châu Á như J1 League công nhận như Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan.
“Mặt sân cỏ cũng như sân khấu cho các nghệ sĩ biểu diễn. Không đạt chuẩn thì đừng mong có những tác phẩm hay. Mà còn đánh mất khán giả.” Bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan đã nhận thức điều này từ gần 10 năm trước để rồi hiện nay họ không chỉ có những sân bóng đá chuẩn FIFA như sân Chang (Buriram United) hay sân SCG (Muangthong United) mà còn sản sinh được những “nghệ sĩ sân cỏ” được J. League 1 – giải đấu hàng đầu châu Á – công nhận như Chanathip Songkrasin hay Theerathon Bunmathan.
Sân của đội Customs United ở Thai League 2, nơi các cầu thủ U23 Việt Nam tập luyện trước thềm U23 châu Á 2020 hồi tháng Giêng đã khiến HLV Park Hang-seo hài lòng. Những sân vận động của 4 hạng tại Thái Lan được Liên đoàn Bóng đá tư vấn làm mặt cỏ. Ảnh: Quang Thịnh.
Cải thiện mặt sân để làm chiến thuật
Quay trở lại lịch sử phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Thái Lan, đặc biệt vào thời điểm đầu những năm 2000, Thai League đã bị nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á vượt qua trong việc thu hút ngôi sao, trong đó có V. League. Những cầu thủ Thái Lan như Kiatisuk Senamuang, Dusit Chalermsan, Tawan Sripan hay Datsakorn Thonglao rời đi để đến với những vùng đất hứa như Việt Nam, Singapore hay Malaysia.
Ngoại binh đa phần đến từ các nước châu Phi với điểm mạnh là tốc độ nên chiến thuật “phất bóng” tập trung cho các tiền đạo là chủ yếu. Do đó, mặt sân cỏ theo đúng tiêu chuẩn vẫn là điều “xa xỉ” đối với đa số các CLB ở Thái Lan.
Tuy nhiên, một số CLB hàng đầu dần nhận ra với chiến thuật đó, bóng đá Thái Lan không thể đi xa nên họ đã thay đổi tư duy. Tuyển chọn các cầu thủ có kỹ thuật đến từ Nam Mỹ, châu Âu hay Đông Á là chiến lược ngoại binh trong 10 năm trở lại đây của Thai League. Và lối chơi chuyền ngắn, nhanh và ít chạm dần trở nên phổ biến ở Thai League. Do đó, yêu cầu mặt sân đẹp, cỏ chất lượng là yếu tố cần thiết để cho lối chơi này có thể phát huy tốt nhất.
Hưởng lợi nhất trong việc cải thiện hệ thống sân cỏ ở các CLB Thái Lan đó chính là các đội tuyển Thái Lan. Trong thời điểm từ năm 2013 đến 2017, họ là “bá chủ” khu vực Đông Nam Á với 2 chức vô địch AFF Cup, “hattrick” vô địch SEA Games, hạng 4 ASIAD 2014 và lọt vào vòng cuối cùng của Vòng loại FIFA World Cup 2018 với tư cách 1/12 đội bóng mạnh nhất châu Á.
Kiatisuk Senamuang – nguyên HLV Trưởng các đội tuyển Thái Lan giai đoạn 2013 đến 2017 – từng chia sẻ: “Bóng đá Thái Lan phù hợp với lối đá bóng ngắn, nhỏ và phối hợp nhanh mà tôi hay gọi là “Thai tik-tok” – một phiên bản khác của Tiqui-taca nổi tiếng thế giới. Một lối đá mà các cầu thủ trong đội hình thi đấu bật nhả linh hoạt và nhuần nhuyễn.
Do đó, chất lượng sân cỏ cũng như lối chơi của các ngoại binh chủ chốt ở các CLB chuyên nghiệp Thái Lan đóng vai trò rất quan trọng. Khi có độ vênh giữa lối chơi của các đội tuyển quốc gia và các CLB thì thành tích bóng đá Thái Lan khó có thể đi xa.”
Không chỉ tuyển Thái Lan thăng hoa, các CLB Thái Lan khi đại diện quốc gia thi đấu ở AFC Champions League cũng thường xuyên giành những thành tích xuất sắc. Dù phải đối đầu với các CLB chuyên nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, hay Australia nhưng Muangthong United hay Buriram United đều giành được ngôi đầu bảng để đi tiếp vào vòng loại trực tiếp như ở AFC Champions League mùa bóng 2017 và 2018.
Thủ môn Đặng Văn Lâm và tiền vệ Lương Xuân Trường là những tuyển thủ Việt Nam có nhiều trải nghiệm trên sân cỏ Thái Lan. Mặt cỏ láng mượt, được chăm sóc kỹ càng, khoa học từ tư duy và cách làm bóng đá của từng ông chủ đội bóng. Ảnh: Quang Thịnh.
Kể từ thành công của Muangthong United ở AFC Champions League 2017, một số ngôi sao của đội như Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan, Teerasil Dangda đã sang thi đấu ở J. League 1 hay thủ môn Kawin Thamsatchanan sang giải chuyên nghiệp ở Bỉ từ mùa bóng 2018.
Hàng năm, có khoảng 10 cầu thủ Thái Lan chinh chiến ở các giải bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới. Trong đó nổi bật nhất là hậu vệ Theerathon Bunmathan đã giành ngôi vô địch J. League 1 với CLB Yokohama F. Marinos ở mùa bóng 2019 hay tiền vệ Chanathip Songkrasin đang thi đấu cho CLB Hokkaido Consadole Sapporo đã lọt vào Đội hình Ngôi sao J. League mùa bóng 2018.
Chuyên nghiệp hóa việc chăm sóc mặt sân
Một số sân cỏ hàng đầu của Thái Lan như Chang Arena (Buriram United), sân SCG (Muangthong United) hay sân PAT – Cảng vụ Thái Lan (Port FC) đã chuyển sang dùng loại cỏ Hybrid Bermuda – một loại cỏ cao cấp hiện dùng cho các sân golf. Chuẩn sân golf nên việc chăm sóc bảo trì sân cũng phải theo tiêu chuẩn 5 sao.
Không chỉ chăm sóc mặt sân vào những ngày nghỉ thi đấu mà bộ phận quản lý sân còn phải túc trực tại sân cỏ vào những ngày CLB thi đấu. Khán giả có thể nhìn thấy những xe chăm sóc cỏ chuyên dụng cùng với khoảng chục nhân viên đi kiểm tra từng cm2 mặt sân vào thời điểm sau khi hai đội khởi động, giữa hai hiệp đấu và ngay sau trận đấu kết thúc. Và đối với các CLB Thái Lan thì chăm sóc mặt sân cỏ đã có công ty đối tác của CLB phụ trách theo tư duy “ai giỏi việc gì thì làm việc đó”.
Chia sẻ với truyền thông trong lần thay cỏ mới tại sân SCG, ông Ronnarit Suewaja – Giám đốc Thể thao của CLB Muangthong United cho rằng: “Cứ sau 3 năm thì chúng tôi cho tiến hành thay mới mặt cỏ, cải tạo lại mặt sân cũng như lắp đặt đường ống thoát nước mới giúp cho hệ thống thoát nước được hiệu quả nhất. Cỏ cũ đã suy giảm chất lượng thì phải được thay bằng loại cỏ mới, hiện đại hơn. Điều đó cũng giúp cho chất lượng các trận đấu trên sân nhà của đội Muangthong United chất lượng hơn, hỗ trợ tốt hơn cho lối chơi của chúng tôi.”
CLB Buriam United đầu tư dàn xe gồm 5 chiếc chỉ đề cắt cỏ mặt sân Chang Arena vào giữa giờ nghỉ giải lao các trận đấu. Đội bóng cũ của Xuân Trường còn có bộ phận chăm sóc cả hàng chục người cho việc chuyên môn hóa bảo dưỡng mặt sân trước, trong và sau trận đấu. Ảnh: Quang Thịnh.
Còn theo Madam “Pang” Nualphan Lamsam – Chủ tịch CLB Port FC – thì mặt sân cỏ chất lượng là bộ mặt của bóng đá Thái Lan với bạn bè quốc tế. Madam Pang chia sẻ: “CLB Port FC tự hào khi đại diện cho Thái Lan tham gia AFC Champions League khi chúng tôi giành chức vô địch Cúp Quốc gia Thái Lan. Mặc dù sân PAT – Cảng vụ Thái Lan không thuộc quyền sở hữu của CLB nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đầu tư lại theo tiêu chuẩn quốc tế của AFC. Đó là niềm tự hào của CLB chúng tôi, của người hâm mộ Thái Lan cũng như hình ảnh của đất nước Thái Lan.”
Sự ủng hộ của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan
Trong Chương trình Phát triển của LĐBĐ Thái Lan (FA Development Program), Liên đoàn dành ra một khoản hỗ trợ hàng năm là 5 triệu baht Thái (khoảng 3,5 tỷ đồng) đối với các CLB đang thi đấu ở Thai League 1, và 1 triệu baht Thái (khoảng 700 triệu đồng) đối với các CLB ở Thai League 2, 3 và 4 là để cải tạo cơ sở vật chất như mặt sân cỏ, dàn đèn, phòng thay đồ hay phòng họp báo.
Do đó, khi Ban kiểm tra Chất lượng CLB của Thai League đi đến làm việc với các CLB vào đầu mùa giải, việc tuân theo tiêu chuẩn sẽ áp dụng đúng luật. Bên cạnh đó, BTC Thai League đều tổ chức những Hội thảo chuyên biệt về Quản lý Sân vận động hàng năm cho các CLB tham gia Thai League được nâng cao kiến thức cũng như giới thiệu những đối tác chất lượng, các chuyên gia quốc tế để phối hợp phát triển.
Ngoài những Quy định đặt ra cho các CLB ở đầu mùa giải cũng như việc kiểm soát chất lượng mặt sân cỏ hàng tuần qua báo cáo của Giám sát trận đấu, BTC Thai League cũng “đắc nhân tâm” khi đề cập trực tiếp đến nghề cầu thủ.
Thay mặt cho BTC Giải đấu Thai League, ông Benjamin Tan – CEO của Thai League – chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn nhấn mạnh rằng nếu CLB đầu tư vào bóng đá chuyên nghiệp và trả lương cao cho cầu thủ nhưng lại xảy ra tình trạng cầu thủ chấn thương do thi đấu trên bề mặt sân không bằng phẳng hay không an toàn”.
“Có đáng không khi một số cầu thủ chấn thương và không thể đóng góp cho đội trong vài tuần, thậm chí vài tháng hay nhiều hơn nữa do sân xấu. Vì vậy, như trong một buổi hoà nhạc, nghệ sĩ cần sân khấu hay cầu thủ cần sân cỏ có điều kiện tốt nhất để toả sáng và mang đến những buổi biểu diễn xuất sắc cho người hâm mộ”, ông Tan nói.
Ông Benjamin Tan là giám đốc điều hành người Singapore của giải Thai League đồng thời cũng là Trưởng ban cấp phép CLB của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan. Ông Ben đứng sau sự phát triển của sân cỏ ở Thái Lan nhà kinh nghiệm làm việc ở Liên đoàn Bóng đá AFC. Ông còn là một chàng rể Việt. Ảnh: Quang Thịnh.
Đề cập đến tác động của chất lượng sân cỏ đến bản quyền truyền hình của Thai League, ông Benjamin chia sẻ thêm: “Một lý do quan trọng khác là “cảm nhận” hình ảnh của Thai League khi xuất hiện ra ngoài công chúng. Nếu điều kiện sân cỏ không hấp dẫn, nó sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng và niềm tin của người hâm mộ đối với sản phẩm hay thương hiệu Thai League.”
Mặc dù vậy, Thai League vẫn có những CLB chuyên nghiệp nhưng vẫn chưa có sân vận động riêng cho CLB thì việc đầu tư cho mặt sân hay cơ sở vật chất đi kèm vẫn là một việc khá đau đầu. Không chỉ dùng quan điểm “thượng tôn pháp luật” như sử dụng người Singapore để làm CEO và Trưởng Ban cấp phép Thai League, bóng đá Thái Lan còn vận dụng tinh thần “đặt khó khăn lên bàn để cùng giải quyết” khi gặp những ca khó.
BTC Thai League luôn có những buổi làm việc giữa các bên để có giải pháp đưa bóng đá chuyên nghiệp phát triển theo đúng hướng. Điển hình là LĐBĐ Thái Lan, BTC Thai League, CLB Port FC và lãnh đạo Cảng vụ Thái Lan đã ngồi lại để có giải pháp cải thiện sân cỏ, ghế ngồi và đèn pha giúp cho CLB Port FC có đủ điều kiện thi đấu trên sân nhà ở AFC Champions League năm nay.
Cả trong quá khứ và hiện tại, cầu thủ Thái Lan chọn môi trường bóng đá J.League để thi đấu tích lũy kinh nghiệm. Tổng cộng, bóng đá Thái Lan đã đưa được 22 cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu theo nhiều dạng. Hiện tại, đang có 4 cầu thủ là Chanathip Songkrasin, Kawin trong màu áo Consadole, Teerasil Dangda vừa ký với Shimizu S-Pulse, Theerathon Bunmathan tiếp tục ở lại Yokohama Marinos.
Thiện Nga
Thai-League cân nhắc khả năng đá tập trung như V-League
Có ít nhất 3 Chủ tịch CLB của các đội bóng phía Bắc Thái Lan dự Thai-League đề xuất ý tưởng chưa từng có tiền lệ rằng mùa giải 2020 sẽ chỉ diễn ra đúng một nửa thay vì hai lượt đi và về như thông lệ. Và có thể các đội sẽ thi đấu tại một địa điểm tập trung.
Như đã biết, nền bóng đá Thái Lan và gần như toàn thế giới đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Mới đây, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) và công ty tổ chức giải Thai League Co., Ltd đã quyết định hoãn trận đấu 2 lần, tổng cộng khoảng 2 tháng kể từ vòng đấu cuối cùng hồi đầu tháng 3.
Dù trong mùa dịch bệnh, các CLB Thái Lan vẫn nhóm họp để tìm giải pháp tiến hành mùa giải 2020
Giải đấu đã chắc chắn phá sản phương án trở lại vào ngày 18/4, dù Chủ tịch FAT Somyot rất kỳ vọng điều này và tổ chức trên sân không khán giả. Nhưng tình hình dịch bệnh phức tạp với gần 1400 ca mắc bệnh, 7 người tử vong ở Thái Lan hiện tại đang khiến giới chức trách đau đầu, huỷ mọi sự kiện thể thao.
Giới chức Thái Lan thậm chí đã ban hành Nghị định khẩn cấp quốc gia vốn chỉ dùng trong năm 2005, nay có hiệu lực trở lại từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4.
Sau khi bàn bạc thêm, mới đây các CLB đã thống nhất sẽ dự định cho mùa bóng tiếp tục vào ngày 2-3/5 nếu tình hình dịch bệnh không còn đáng ngại. Bên cạnh đó, FAT cũng đang lắng nghe ý kiến khác trong trường hợp tình hình bất ổn của dịch bệnh kéo dài.
Đó là đề xuất tổ chức giải đấu từ Thai-League 1 đến Thai-League 3 trong điều kiện chỉ diễn ra một lượt. Còn Thai-League 4 vẫn giữ nguyên thể thức bởi giải này chỉ đá vòng tròn một lượt.
Hình thức thi đấu vòng tròn một lượt sẽ không còn đề cập nhiều về lợi thế sân nhà, sân khách đối với các CLB. Và trong hoàn cảnh không khán giả, điều đó càng không tồn tại.
Mối bận tâm nhất với các CLB lẫn FAT lúc này chính là lo ngại số tiền bản quyền từ phát sóng trực tiếp các trận đấu mà FAT nhận được sẽ chia cho các CLB (từ đối tác True Vision) sẽ không đáp ứng đúng thỏa thuận.
True Vision đã trả tiền bản quyền cho FAT từ đầu mùa bóng này nhưng giải đấu chỉ diễn ra được 4 vòng đã phải hoãn lại. Và FAT cũng đã chi trả xong phần tiền này cho các CLB.
Chủ tịch FAT tiết lộ trong trường hợp xấu nhất, Thai-League sẽ diễn ra một lượt, khó có chuyện huỷ bỏ
Chủ tịch FAT Somyot Phumpanmuang phát biểu: "Đầu tiên chúng tôi muốn nói phải cảm ơn các CLB đã giúp chúng tôi động não ra một phương án tốt, FAT và Thai League Co., Ltd sẽ tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh và các thông báo từ chính phủ một cách chặt chẽ trước khi ra quyết định. Chúng tôi đã nghĩ về các trận đấu khép kín, không khán giả.
Còn về vấn đề cạnh tranh trong vòng một lượt để xác định vị trí các đội, đây cũng là một trong những phương án trong trường hợp giải tiếp tục bị hoãn. Khi các trận đấu ít hơn, vẫn cần tính toán chi tiết về địa điểm và cách đá, phải có một cuộc thảo luận cuối cùng một lần nữa giữa các CLB để phá vỡ kế hoạch truyền thống".
Tuy nhiên, FAT cũng nhấn mạnh Liên đoàn sẽ ưu tiên số 1 cho phương án tổ chức giải đấu như bình thường, tức 2 lượt trận đi và về. Bởi ở Thai-League hiện tại, số tiền bản quyền chi trả cho các CLB là rất lớn và ngoài tài trợ từ các đối tác, các CLB sẽ nhận đến 90% tiền bản quyền truyền hình từ FAT.
"Chúng tôi theo dõi sát sao tình hình. Đánh giá diễn biến từng ngày và sẽ cố gắng sắp xếp giải đấu như bình thường. Nhưng phải dựa trên sự an toàn cao, làm theo thông báo của Chính phủ. Nếu giải phải hoãn trong một thời gian dài, tôi thừa nhận rằng cách cắt giảm mùa bóng xuống một nửa là trong kế hoạch", Chủ tịch FAT Somyot nói.
Việt Hà
Văn Lâm đỡ áp lực khi Thai League tạm hoãn vì Covid-19 Thai League tạm hoãn các trận đấu từ vòng 5 vì dịch Covid-19, giúp Đặng Văn Lâm chứng tỏ thêm năng lực trên sân tập trước huấn luyện viên thủ môn mới. Các CLB Thái Lan không muốn mất khoản thu khi phải thi đấu không có khán giả nên đề nghị Thai League tạm hoãn để chờ diễn biến mới của dịch...