Cầu Thia ở Yên Bái có “ốm yếu” trước khi bất ngờ gãy sập?
Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Yên Bái khẳng định với phóng viên Dân trí, trước khi cầu Ngòi Thia (còn gọi là cầu Thia, ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) bị gãy sập vào trưa 11.10, cơ quan chức năng không ghi nhận có dấu hiệu bất thường đe dọa sự an toàn của cây cầu này.
Trước đó, khoảng 12h trưa 11.10, cây cầu Ngòi Thia nói trên bất ngờ bị gãy sập. Theo nhà chức trách địa phương, thời điểm cầu này gãy sập xuất hiện nước lũ rất lớn, dòng nước chảy xiết, trên cầu có khoảng 6 người thì 4 người bị rơi xuống suối mất tích (trong đó có một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam), còn 2 người may thoát nạn.
Cầu Ngòi Thia bị gãy sập trưa 11.10 (Ảnh: Trần Thanh).
Nhiều ý kiến cho rằng, cầu Ngòi Thia đã bị xuống cấp nên dòng nước lũ mới làm cầu này gãy sập.
Tuy nhiên, chiều 16/10, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Danh Tú – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Yên Bái khẳng định, trước khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, cơ quan chức năng không ghi nhận có dấu hiệu bất thường đe dọa an toàn cây cầu này.
“Ngay sau khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã lên kiểm tra tình hình. Phó Thủ tướng giao cho bộ GTVT phải cử đoàn chuyên ngành lên đánh giá tổng thể, điều tra làm rõ nguyên nhân cầu sập” – ông Tú nói.
Về việc tổ chức giao thông đi lại cho người dân địa phương, ông Tú cho biết thêm: Cách cầu Ngòi Thia khoảng 100m có một cây cầu mới, do đó, không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, sinh hoạt của người dân và hoạt động kinh tế của địa phương.
Ông Bùi Danh Tú thông tin thêm, cầu Ngòi Thia được khởi công xây dựng từ năm 1985, đến năm 1990 thì hoàn thành, cầu có chiều dài hơn 100m, rộng 10,5m, gồm 4 nhịp. Năm 2005, do cầu gặp sự cố nên đã phải sửa chữa gia cố thêm. Từ đó đến nay, người dân đi lại bình thường trên cầu này, chưa ghi nhận có dấu hiệu bất thường.
Cũng liên quan đến nội dung trên, ông Hà Văn Nam – Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Trước khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, hàng ngày người dân địa phương vẫn đi lại trên cầu này rất đông. Chính quyền địa phương cũng không nhận được bất kỹ cảnh báo nào về nguy cơ mất an toàn của cây cầu.
“Trước khi cầu Ngòi Thia bị gãy sập, cầu vẫn bình thường, không có dấu hiệu bị xuống cấp đe dọa mất an toàn. Có thể do trưa 11.10, trận lũ lớn quá nên mới làm cầu bị gãy sập” – ông Nam nói.
Theo Tổng cục Đường bộ, do tác động các đợt mưa lớn kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại tới kết cấu công trình đường bộ trên các tuyên quốc lộ trên địa bàn các tỉnh phía Bắc và Bắc Miền Trung.
Trước đó, báo cáo nhanh của Tổng cục Đường bộ cập nhật thông tin về tình hình thiệt hại và công tác xử lý, khắc phục hậu quả thiệt hại, bảo đảm giao thông bước 1.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, hệ thống đường bộ các tỉnh hiện nay đang bị thiệt hại nặng nề là Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Quảng Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và địa bàn quản lý của Cục Quản lý đường bộ I, II.
Tại tỉnh Yên Bái, cơ quan này tạm tính kinh phí xử lý nhanh hệ thống cầu đường đang bị hư hỏng nặng là khoảng 26 tỷ đồng.
Cụ thể, trên quốc lộ 37 bị sạt taluy dương tại 8 điểm, gây tắc đường tại Km354 600. Trên quốc lộ 32, sạt taluy dương tại nhiều vị trí gây tắc đường, do thời tiết mưa lớn, thông tin liên lạc bị chia cắt nên tính đến 16h chưa có số liệu thiệt hại cụ thể.
Tại cầu Ngòi Thia mới (Km200 894), cầu Ngòi Nung (Km204 166), cầu suối Đôi I (Km205 372), cầu suối Đôi II (Km205 459) xảy ra xói lở kè ốp mố, trụ cầu, trôi mất 100m kè rọ thép đá hộc bảo vệ mố cầu Ngòi Thia. Trên đường tỉnh 174, cầu Ngòi Thia cũ (Km0 350) bị đổ trụ T5, làm trôi nhịp số 5, sập nhịp số 4, giao thông trên tuyến bị chia cắt.
Theo Nguyễn Dương (Dân Trí)
Phóng viên bị lũ cuốn trôi khi tác nghiệp: Dư ơi sao vẫn chưa về?
Trong hai ngày qua, trên các báo và mạng xã hội, cả anh em đồng nghiệp cùng "mái nhà" Thông tấn luôn khắc khoải nhắc đến em, một phóng viên năng động, nhiệt huyết của Thông tấn xã Việt Nam không may gặp nạn khi đang tác nghiệp phản ánh tình hình mưa lũ tại cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Em là phóng viên trẻ Đinh Hữu Dư, cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Yên Bái.
Clip: Sập cầu Thia
Phóng viên Đinh Hữu Dư trong một lần chuẩn bị tác nghiệp (ảnh chụp lại qua Facebook cá nhân).
Trưa 11/10, nhận được thông tin nước lũ lên cao, Đinh Hữu Dư và Phạm Thế Duyệt vội vàng chạy xe máy từ thành phố Yên Bái vào Nghĩa Lộ phản ánh mưa lũ. Trong lúc tác nghiệp trên cầu Thia, không may nhịp cầu bị sập, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) bị nạn và Đinh Hữu Dư bị dòng lũ cuốn trôi.
Đây là cây cầu nối giữa huyện Văn Chấn và Thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Yên Bái. Nghe hung tin, tôi bàng hoàng và nghĩ đó chỉ là đồn đoán chứ không phải là sự thật. Mở máy điện thoại gọi cho phóng viên Tuấn Anh, Thế Duyệt hiện đang công tác tại cơ quan TTXVN thường trú ở Yên Bái đều có tín hiệu trả lời. Nhưng số máy còn lại của Dư thì không liên lạc được.
Mọi lo lắng hoài nghi về chuyện xấu có thể xảy khiến tôi đứng ngồi không yên. Tôi mới biết Đinh Hữu Dư khi em trúng tuyển kỳ thi tuyển phóng viên của TTXVN cuối năm 2016. Ấn tượng của tôi về em là một phóng viên trẻ, khôi ngô và ít nói nhưng ẩn chứa trong tâm hồn một nghị lực sống mạnh mẽ. Sau đợt học nghiệp vụ tại Hà Nội, Dư được Lãnh đạo TTXVN phân công về "đầu quân" cho cơ quan thường trú trọng điểm tại Yên Bái.
Gặp em sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2017, tôi rất vui khi nghe em kể về thời sinh viên đầy ước mơ và hoài bão. Qua câu chuyện, Dư kể: Ngày theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, em là sinh viên Lớp báo in Khóa 27 (Khoa Báo chí). Năm học cuối, Dư được vinh dự kết nạp vào Đảng, đi thực tập và em được ba cơ quan báo lớn đón nhận về làm thử việc, đó là Báo Nhân dân, VTV và TTXVN. Sau khi nhận Bằng Thạc sĩ báo chí học, Dư trúng tuyển vào TTXVN đứng tốp đầu và em lên Yên Bái làm phóng viên thường trú của TTXVN tại đây.
Được biết, ngày theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Dư được bầu làm lớp phó phụ trách học tập. Thầy Hà Huy Phượng, Phó trưởng Khoa báo chí rất ấn tượng về Dư bởi tính tình hiền lành, ít nói, hay cười, những buổi họp phản ánh tình hình sinh viên, Dư đều báo cáo rất rõ ràng chuyện học tập và rèn luyện của lớp.
"Sự kiện nào diễn ra trong trường, cũng thấy em xông xáo chụp ảnh. Ý thức nghề và tinh thần trách nhiệm có trong Dư từ năm thứ nhất. Sau mỗi buổi dạy của thầy cô, Dư thường là học trò của lớp về sau cùng để chờ ký và nộp sổ đầu bài...", thầy Phượng kể lại.
Quả thực, khi chứng kiến cách Dư tác nghiệp, bạn bè đồng nghiệp ai cũng thán phục về phong độ, sức khỏe dẻo dai cũng như độ nhiệt huyết với nghề. Cách đây hai tháng, cũng trong trận lũ quét xảy ra trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, đồng nghiệp thấy Dư dũng cảm, không ngại gian khổ, có mặt ở những điểm khó khăn nhất, tác nghiệp kịp thời để có được những thông tin đắt giá, những thước phim, bức ảnh ấn tượng về sự tàn khốc của mưa lũ. Ghi nhận những thành tích trong đợt thông tin tình hình mưa lũ ấy, UBND tỉnh Yên Bái đã tặng Bằng khen cho em.
Có lần, qua trò chuyện về cây con đặc sản vùng cao, tôi trao đổi và gợi ý đặt Dư viết cho báo Tin Tức bài Cây Sơn Tra (cây táo mèo) ở Mù Cang Chải. Chỉ sau một tuần, Dư gửi bài rất đúng hẹn. Dư nói "Anh gợi ý đề tài em sẽ làm ngay. Được đăng bài trên báo Tin Tức thì còn gì bằng". Và bài viết "Triển vọng từ các mô hình nông nghiệp mới ở vùng cao" đã được phát trên báo điện tử baotintuc.vn ngày 28/2/2017 với dòng tác giả "Đinh Hữu Dư - TTXVN". Tôi rất trọng em bởi giữ lời hứa và chữ tín trọn nghĩa vẹn tình.
Khi tôi viết những dòng này, trong lòng vẫn nhói đau bởi đã hai ngày qua thông tin về em vẫn bặt vô âm tín. Biết bao con mắt dõi theo, từ Ban lãnh đạo cơ quan đến bạn bè đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc và cả mãi bên kia bán cầu đều hướng về Yên Bái ngóng chờ, mong tìm được em sớm nhất.
"Giang Phong" - nickname Facebook của em thật ấn tượng. Cầu mong ngọn "Gió" lành của ngòi Thia kia sớm trả lại chúng tôi người em quí mến. Nghĩ tưởng dòng sông hiền hòa đỏ nặng phù sa sẽ bồi đắp cho mùa màng, mang lại no ấm cho bà con các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú... chứ đâu ngờ chính dòng lũ dữ lại cướp em đi ngay trước mắt bạn bè.
Lật giở lại trang facebook cá nhân ngày 12/9, Đinh Hữu Dư từng viết: "Khi lỡ bước qua cả một khoảng trời thanh xuân, lại bỗng cảm thấy sống dậy bao nhiệt huyết như mới ngày hôm qua, từ một cậu bé tuổi 20!".
Lời tâm sự của em như nhắn nhủ một nhiệt huyết say nghề, say sáng tác. Những dòng tin, bài viết, những bức hình và cả những thước phim cho tác phẩm truyền hình em vẫn chưa kịp hoàn thiện. Còn đâu nữa bóng dáng ấy rong ruổi trên những nẻo đường miền Tây Yên Bái, mang sức trẻ và nhiệt huyết cống hiến cho cơ quan, cho độc giả những thông tin nóng hổi.
Trong một inbox với bạn, Dư chia sẻ không muốn cho gia đình biết mình lên thường trú ở vùng núi cao, rừng sâu. Dư bảo "bí mật". Dòng tin nhắn ấy khiến tim tôi thắt lại bởi em luôn là người kín đáo, không muốn ai thương hại cho mình, lo mình vất vả nên em đã giấu kín gia đình. Nhưng Dư ơi! em nghĩ đơn giản thế làm mọi người càng đau xót khi biết tin em gặp nạn trên đường khi tác nghiệp.
Về với anh và những đồng nghiệp của chúng mình, em nhé. Ngay mai chúng ta lại lên đường. Ở những vùng xa xôi kia, bà con dân bản vẫn hàng ngày chờ em đến đưa tin về đổi thay của vùng cao Tây Bắc. Nhiều em bé đang mong chờ manh áo và những cuốn vở ô ly của chuyến tình nguyện mà em vận động giúp trẻ em vùng cao. Và còn biết bao ước mơ, hoài bão mà em vẫn chưa thực hiện hết, đừng lỡ hẹn nhé, Dư ơi!
Cầu mong em sớm trở về. Cầu mong em nghe và xem được những tâm sự của đồng nghiệp viết về em trên từng trang báo. Dù em có muộn, anh vẫn chờ.
"Ở nơi ấy, tôi đã từng thường trú
Nghe hung tin tôi thấp thỏm đứng, ngồi
Phép nhiệm màu đưa em về tổ ấm
Đồng nghiệp thương mong ngóng suốt ngày qua".
Theo Nguyễn Viết Tôn (Báo Tin Tức)
Đồng nghiệp PV mất tích: "Dư còn trẻ quá, vẫn chưa lập gia đình!" Như Dân Việt đã đưa tin, PV Đinh Hữu Dư đang tác nghiệp trên cây cầu Thia (phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) ngày 11.10 thì bất ngờ cây cầu này sập khiến anh rơi xuống dòng nước lũ mất tích. Ông Nguyễn Quốc Sáng - Trưởng ban Trong nước của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) - cho...