Cầu Thanh Trì xuất hiện rãnh lún sâu hơn 10cm
Các vệt lún tạo thành những rãnh sâu ngay giữa mặt cầu khiến nhiều ô tô phải bỏ làn lưu thông vì sợ mất an toàn. Thêm một lần nữa cầu Thanh Trì lại bị phát hiện lún bề mặt.
Mặt cầu lún… ô tô phải bỏ làn
Ngày 16/11, có mặt tại cầu Thanh Trì, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều ô tô khi đi từ Quốc lộ 5 lên tới cầu Thanh Trì đều phải giảm tốc độ đột ngột. Một số khác, tài xế dừng hẳn xe nhảy xuống quan sát đường, kiểm tra xe sau đó mới đi tiếp.
Tại hiện trường, một chiếc xe container 30 tấn chạy hướng Hải Phòng-Hà Nội cũng đã phải dừng lại để kiểm tra. Tài xế Nguyễn Văn Vận, cho hay: “Khi lưu thông đến chính giữa cầu Thanh Trì, thấy xe bất ngờ dùng dằng rồi mất lái, tưởng xe bị xịt lốp tôi xuống kiểm tra nhưng không phải… Hoá ra xe đi vào chính giữa các vệt lún của mặt cầu…”.
Video đang HOT
Vệt lún trên mặt cầu Thanh Trì sâu hơn 10cm.
Anh Phạm Đức Trường, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, kể: “Tôi lái xe tải 2,5 tấn, ngày nào cũng đi qua cây cầu này để chở hàng. Nhưng từ khoảng 1 tháng trở lại đây, cảm nhận là mặt đường trên cầu thay đổi theo ngày. Độ rung lắc tay lái càng lúc càng rõ rệt, có khi, xe bất ngờ chệch hướng vì lao phải “lươn” hình thành do nhựa đường bị xô, lún”.
Tháng 12 mới xác định được nguyên nhân Ông Phạm Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc của Ban Quản lý dự án Thăng Long cho biết: “Ban quản lý dự án đã thuê Công ty Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng (Bộ Xây dựng) tiến hành khoan tại những nơi xuất hiện lún để lấy mẫu bê tông nhựa mang đi phân tích…”. Ông Bình cũng cho hay, phải đến giữa tháng 12/2010, việc phân tích các mẫu bê tông nhựa mới hoàn thành, khi đó nguyên nhân khiến mặt cầu Thanh Trì bị lún mới được xác định.
Cầu Thanh Trì mới được đưa vào khai thác từ tháng 6/2009. Nhưng đến nay, kể cả lần phát hiện này, cây cầu đã qua 3 lần bị “chỉ mặt” xô, lún phần nhựa mặt đường.
Hiện tại, cả 2 làn đường trên cầu đều xuất hiện những vệt lún chạy dài trên 1km ở phần đường dành cho ôtô. Nặng nhất là vệt lún thuộc làn cầu hướng từ Gia Lâm về nội thành. Điểm xuất phát của vết lún này được phát hiện từ cầu Bây Km 160 870 kéo dài đến hết cầu Thanh Trì.
Càng lên chính giữa mặt cầu, các vệt lún càng tạo thành những rãnh sâu. Thực địa hiện trường cho thấy, nhiều nơi các vệt lún có độ sâu hơn 10cm và chiều ngang rộng hơn nửa mét.
Tại hai bên mép của vệt lún, bê tông nhựa bị dồn thành cục, ụ, tạo lên gờ khiến nhiều ôtô đi qua bị chòng chành, khó kiểm soát. Nhiều ôtô khác vì chở hàng nặng sợ mất lái đã phải bỏ làn và lưu thông vào phần đường của xe máy.
Không chỉ bề mặt cầu chính Thanh Trì mới xuất hiện các vệt lún nứt, trên đoạn cầu nhánh bắc qua đường về xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm cũng có những vết lún sâu hoắm, mỗi lần xe có trọng tải lớn chạy qua, mặt cầu rung lên dữ dội, bánh xe như bị lọt thỏm xuống vệt lún. Sát làn đường dành cho xe máy, nhiều nơi phần nhựa bề mặt còn trồi lên tạo thành những đường kẻ thẳng tắp chia đôi đường.
Vào ban đêm, dưới phản quang của ánh đèn, các rãnh này rất khó quan sát bằng mắt thường khiến cho nguy cơ tai nạn tăng cao. Những ngày thời tiết xấu, có mưa, mức độ nguy hiểm của “mặt đường đánh võng” càng lớn hơn.
Một trong những vị trí được khoan lấy mẫu bê tông nhựa để phân tích xác định nguyên nhân gây lún bề mặt cầu Thanh Trì.
Sụt lún ngay khi vừa đưa vào khai thác
Đến nay, cầu Thanh Trì mới chính thức đưa vào khai thác chưa đầy 18 tháng. Trong khoảng thời gian này đã có 3 lần phát hiện ra các vệt lún. Vệt lún đầu tiên được tìm thấy vào tháng 10/2009, khi đó Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Xây dựng đường bộ 248 (công ty 248)- Đơn vị được giao quản lý và khai thác cầu Thanh Trì cùng đoạn tuyến Nam vành đai 3 Hà Nội từ Ban Quản lý Dự án Thăng Long – đã có thông báo về tình trạng mặt cầu Thanh Trì bị lún.
Lúc đó, cầu Thanh Trì mới chỉ xuất hiện hiện tượng trồi lún lớp bê tông nhựa từ 1- 3cm với bề mặt rộng trung bình 35 cm suốt chiều dài từ đuôi mố A1 của cầu vượt Quốc lộ 5 đến đuôi mố A2. Sau thông báo của Công ty 248, Ban Quản lý Dự án Thăng Long đã cho nhà thầu tiến hành sửa chữa và bù lún trong khoảng thời gian từ ngày 12- 17/10/2009.
Quá trình bù lún kể trên hoàn thành chưa được bao lâu thì đầu tháng 7/2010 các vệt lún lại bắt đầu xuất hiện trở lại. Tại lần lún này, các vệt lún khi bị phát hiện đều trong tình trạng sâu hơn và chạy dài hơn so với lần lún đầu. Khi đó, ông Nguyễn Tường An, Phó Giám đốc Công ty 248 vẫn khẳng định: “Bề mặt cầu không bị lún mà chỉ do lớp bê tông nhựa trên mặt cầu lõm xuống do thời tiết nắng nóng cùng với việc có quá nhiều ô tô trọng tải lớn lưu thông… Hiện tượng trên không ảnh hưởng tới độ an toàn của cây cầu…”.
Theo GiađinhNet