Cầu, sung, dừa, đủ… hốt bạc!
Tết đến, nhà nhà bày biện mâm ngũ quả thật đẹp để vừa cúng tổ tiên, ông bà vừa thể hiện ước muốn của gia chủ trong suốt 1 năm. Nhu cầu này đang làm cho một số loại trái cây sốt giá từng ngày
Bưởi là một trong những loại trái cây không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết. Do vậy, người dân trồng bưởi Năm Roi ở các huyện Châu Thành (Hậu Giang), Bình Minh, Tam Bình (Vĩnh Long) đang “cười như địa chủ” khi giá bưởi tăng từng ngày.
Rộn ràng xứ cam, bưởi
Cách đây 1 tháng, thương lái đến xem vườn rồi mua bưởi “xô” (đặt trước tiền cọc, đến cận Tết sẽ hái) với giá khoảng 25.000 đồng/kg thì nay tăng lên gấp đôi (bưởi loại 1 có trọng lượng từ 1 kg trở lên). Trong khi đó, bưởi da xanh có giá bán cao gần gấp đôi bưởi Năm Roi nhưng nhà vườn không đủ cung cấp cho thương lái.
Chị Nguyễn Thị Bích Như – một nhà vườn trồng bưởi ở thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành – phấn khởi: “Nhà tôi trồng gần 50 công bưởi xen canh với cam. Với giá bán cao như hiện nay, gia đình tôi và bà con lối xóm sẽ được đón cái Tết tươm tất sau nhiều năm bưởi rớt giá thê thảm”.
Quýt hồng Lai Vung đang sốt giá trong những ngày cận Tết Ảnh: Ngọc Trinh
Không chỉ nhà vườn mà các thương lái cũng hồ hởi trước giá bưởi tăng cao. “Tết năm rồi, bưởi bị dội chợ nên chúng tôi phải bán lỗ để kịp về nhà rước ông bà. Năm nay, các chợ đầu mối đều đặt hàng trước nên cánh thương lái không lo chuyện ứ hàng” – anh Phạm Chí Tâm, một thương lái chuyên thu mua bưởi dịp Tết, cho biết.
Video đang HOT
Bưởi da xanh thiết lập giá kỷ lục gần 100.000 đồng/kg Ảnh: Ngọc Trinh
Quýt cũng là loại trái cây túc trực trên mâm ngũ quả ngày Tết. Ở ĐBSCL, quýt hồng trồng trên vùng đất Lai Vung (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) từ lâu nổi tiếng thơm ngon. Những ngày này, người trồng quýt đang “nở mặt” vì được thương lái đến tận vườn đặt mua với giá gần 30.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với Tết năm rồi. Theo tính toán của các nhà vườn, những ngày cận Tết, giá quýt sẽ tăng thêm ít nhất 5.000-10.000 đồng/kg. Với giá bán này, mỗi hecta quýt hồng, người trồng sẽ có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Hốt bạc từ… thứ bỏ đi
Ngày thường, nhà nào trồng cây sung cũng cảm thấy phiền phức do phải quét dọn trái và lá rụng đầy sân. Tuy nhiên, vào dịp Tết, trái sung đã đem lại cho gia chủ số tiền không nhỏ. Chỉ tay về phía 2 cây sung trên 20 năm tuổi của mình, ông Tuấn Anh (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tiết lộ: “Nhìn nó xấu xí vậy chứ mỗi cái Tết đều đem về cho gia đình tôi cả chục triệu đồng”. Cũng theo ông Tuấn Anh, sau khi đến mua trái, các thương lái tranh nhau đặt hàng trước cả năm.
Trong khi đó, gần tháng qua, những nhà vườn trồng mãng cầu gai (còn gọi là mãng cầu xiêm) bắt đầu hạn chế tưới nước, bón phân để trái thôi phát triển. Bởi lẽ, muốn giữ cho trái mãng cầu hiện diện trên mâm ngũ quả từ 5-7 ngày thì gia chủ phải chọn mua những trái còn non, chưa nở gai. Ngày thường, những trái mãng cầu này rụng đầy vườn, chẳng ai ngó ngàng tới nhưng cận Tết thì giá trị của nó cao gấp 2-3 lần so với mãng cầu chín.
Ông Võ Văn Vinh – một hộ trồng mãng cầu ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ – cho biết nhiều ngày qua, thương lái rảo quanh các vườn để đặt mua trái non chứ tuyệt đối không mua trái sắp chín. So với Tết năm rồi, năm nay mãng cầu non được thương lái đặt mua với giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, những loại trái cây thường hiện diện trên mâm ngũ quả ngày Tết, như: dừa, thơm, đu đủ, xoài… cũng đang được các thương lái thu mua với giá cao hơn những năm trước.
Một lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết thông thường, nếu rơi vào năm nhuần thì hầu hết các loại trái cây đều tăng giá vào dịp Tết. Hơn nữa, do thời tiết năm nay không thuận lợi nên sản lượng trái cây không cao dẫn đến giá tăng đột biến.
Theo Phạm Công
Người Lao động
"Mai tặc" lộng hành dịp giáp Tết
Nỗi lo về một vụ mùa thua lỗ vẫn đang ám ảnh người dân thì nạn trộm cắp mai cảnh vào dịp giáp tết đang khiến nhiều nhà vườn ở hai làng mai cảnh nổi tiếng của thành phố lao đao, bất an, mất ngủ.
Những cây mai có giá trị cao luôn là "miếng mồi" ngắm đến của bọn "mai tặc"
Những ngày qua, hàng trăm nhà vườn trồng mai ở các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, Thạnh Xuân (quận 12), Hiệp Bình Phước (quận Thủ Đức) điêu đứng vì mai kiểng bị mất trộm tăng lên chóng mặt. Điều đáng nói, nhiều nhà vườn bị mất mai do khách gửi dưỡng phải tự bỏ tiền túi ra đền hoặc thế vào một cây mai khác với giá hàng chục triệu đồng.
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát (chủ một vườn mai tại phường An Phú Đông, quận 12) bức xúc: "Cả năm chăm sóc, thức khuya dậy sớm để vô phân, tưới nước, ghép cành, uốn thế cho từng cây mai của khách gửi nuôi. Mai tôi chăm sóc như chăm con thơ nên phát triển rất đều, tưởng rằng năm nay gia đình sẽ có cái tết đầm ấm thì bị bọn trộm đột nhập lấy mấy hơn 10 gốc. Coi như năm nay làm công cốc, thậm chí còn phải bỏ tiền túi đền cho khách gửi".
Ông Phát cho biết thêm, ông nhận nuôi khoảng 200 gốc mai của các công ty và nhiều người trên địa bàn thành phố. "Hầu hết đều là khách mối của tôi nhiều năm, họ tin tưởng vào tay nghề và sự cẩn thận, tỉ mỉ của mình nên mới gửi. Giờ mai của họ bị lấy mất không biết ăn nói thế nào. Đền những cây mai khác thì không thể hợp ý và tốt bằng những cây của khách đã chọn" - Ông Phát tâm sự.
Theo ông Phát, bọn "mai tặc" rất liều lĩnh và có cả một nhóm chuyên nghiệp, bọn chúng có thể "khống chế" mấy con chó canh vườn rồi dùng ván bắc qua con rạch để đột nhập vận chuyển mai ra ngoài.
"Mai tặc" không chỉ "hỏi thăm" vườn mai của ông Phát mà nhiều nhà vườn ở quận 12 , Thủ Đức cũng bị trộm cũng rơi vào cảnh tương tự. Người dân trồng mai khẳng định, nạn trộm mai xuất hiện vào thời điểm giáp tết, khi mai vừa được nhặt lá.
Một nghệ nhân trồng mai khác ở phường An Phú Đông (quận 12) là ông Nguyễn Tấn Lợi, trước nạn trộm cắp mai, ông Lợi đã rất cẩn thận khi rào kẽm gai quanh vườn là sáng đèn cả đêm. Nhưng đầu tháng 1/2015, ông Lợi thức canh mai khá mệt nên vào nhà "chợp mắt", khoảng 30 phút quay ra, ông Lợi tá hỏa khi phát hiện hàng rào kẽm gai bị trộm cắt đứt, trong vườn, hơn chục chậu mai loại 1 đã "bốc hơi" mất.
Các nhà vườn đang bất an với bọn "mai tặc"
Chủ vườn kiểng Tám Hồng (quận Thủ Đức) lo lắng: "Nhà vườn chúng tôi đã bất lực, ngoài việc rào vườn, gắn dây xích giữa các chậu kiểng lại với nhau, đêm đến bật điện sáng, bố trí người quan sát nhưng không ăn thua. Bất cứ lúc nào, nhà vườn thiếu cảnh giác là trộm vào đập bể chậu, vác mai đi. Nếu tình trạng này kéo dài, vụ mai năm nay nhà vườn chúng tôi trắng tay".
Theo ông Huỳnh Thế Trọng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường An Phú Đông, (quận 12), nạn trộm mai kiểng đang diễn biến phức tạp trên địa bàn trong thời gian gần đây. "Hội đã báo cáo việc này lên cấp trên. UBND và Công an quận 12 cho biết đang đẩy nhanh triển khai các biện pháp ngăn chặn" - Ông Trọng khẳng định.
Để ngăn chặn nạn "mai tặc", UBND quận 12 đã chỉ đạo công an quận và các phường chủ động và phối hợp với công an các địa phương khẩn trương theo dõi, bắt và xử lý nghiêm các trường hợp trộm mai kiểng, tránh gây bất an cho nhà vườn, đồng thời đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn nhất là vào thời điểm tết Nguyên Đán đang cận kề.
Trung Kiên
Theo Dantri
Thời tiết thất thường, người trồng hoa tết méo mặt Thời tiết Gia Lai nóng lạnh thất thường khiến cho quá trình phát triển của cây, hoa cho vụ hàng tết bị ảnh hưởng. Người trồng hoa tết đang như ngồi trên lửa. Những người trồng hoa tết tại Gia Lai, thời tiết năm nay liên tục thay đổi thất thường, không theo quy luật khiến cho quá trình sinh trưởng, phát triển...