Rắn lục đuôi đỏ tấn công người tràn lan
ĐBSCL đang vào mùa mưa, nước ngoài đồng dâng cao khiến rắn bò vào vườn, vào nhà, thậm chí vào tận giường ngủ cắn người. Riêng bệnh viện 121 Cần Thơ từ đầu năm đến nay đã cấp cứu và điều trị cho hơn 350 người bị rắn cắn.
Bị rắn cắn khi đang ngủ
Nạn nhân mới nhất của rắn lục đuôi đỏ là hai sinh viên trường Đại học Cần Thơ, em T.X T. 20 tuổi, sinh viên năm thứ hai khoa Sư phạm và em N.T. V, 21 tuổi, sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thông tin. Cả hai em đều nhập viện vào khoảng 21 giờ ngày 27/9 trong tình trạng bị rắn cắn ở bàn chân, mạch nhanh, đau nhức nhiều.
Một trong những con rắn đã tấn công người, bị đập chết và được đưa đến để bác sĩ xem
Em T.X.T. kể lại, khoảng 20h ngày 27/9, sau khi đi học nhóm tại nhà học C1 Đại học Cần Thơ xong, T. cùng nhóm bạn ra nhà xe để về thì bị con rắn lục đuôi đỏ tấn công vào chân. T. la lên thì các bạn đi cùng nhìn thấy con rắn nên đuổi theo nhưng không đập được. Sau đó T. được bạn chở đến bệnh viện 121 cấp cứu.
Vào thời điểm trên, em N.T.V. cùng nhóm bạn đi bộ từ sân tập võ về khu KTX Cà Mau nằm trong khuôn viên trường Đại học Cần Thơ cũng bất ngờ bị một con rắn lục to hơn ngón chân cái lao ra từ đám cỏ bên đường cắn vào chân. Ngay lập tức nhóm bạn của V. đập chết con rắn và chở V. đi tới bệnh viện cấp cứu.
Trước đó, đêm 6/9, bệnh nhi Tăng Hữu Hưng, 11 tuổi, ở khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền, Bình Thủy, TP Cần Thơ, bị rắn lục đuôi đỏ tấn công khi đang ngủ. Hưng nhập viện nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sưng nề bàn tay, do rắn cắn ở mu bàn tay, sau đó lan khắp cánh tay do bị rối loạn đông máu nặng. Tại bệnh viện, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ bị rắn cắn, sau 2 lần truyền huyết thanh để kháng nọc rắn, sức khỏe của cháu Hưng mới tạm ổn.
Cháu Tăng Hữu Hưng bị rắn tấn công khi đang ngủ trong nhà
Chị Nguyễn Thu Ba (mẹ Hưng) nói: “Khoảng 22h đêm 6/9, Hưng vào mùng ngủ được khoảng 30 phút. Lúc đó Hưng cựa quậy, quơ bàn tay lên và không ngờ trúng ngay con rắn lục đuôi đỏ đang nằm kế bên gối. Hưng bị con con rắn lục tấn công, cắn ngay vào mu bàn tay”.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, cho biết bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn nếu không đưa đến bệnh viện sớm sẽ bị rối loạn đông máu nặng dẫn đến xuất huyết não, có thể gây tử vong. Tuy nhiên, trường hợp cháu Hưng đã được người nhà đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời, hiện tại sức khỏe cháu ổn định và đã chuyển sang khoa nội tổng hợp điều trị tiếp.
Chưa rõ nguyên nhân vì sao rắn xuất hiện nhiều
Bác sĩ Hoàng Xuân Thục – nguyên trưởng khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện quân y 121 – cho biết: “Mấy năm trước, chúng tôi thường gặp rắn hổ và các loại rắn khác. Nhưng từ khoảng năm 2012 đến nay, rắn lục đuôi đỏ chiếm phần lớn. Vì vậy trong đề tài nghiên cứu điều trị rắn cắn mới đây, chúng tôi có riêng đề tài nghiên cứu về điều trị cho bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn”.
Video đang HOT
Cũng theo bác sĩ Thục, trong 100 trường hợp bị rắn lục cắn được nghiên cứu năm 2013 tại bệnh viện, có 63 trường hợp do rắn lục đuôi đỏ cắn. Các nạn nhân sau khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường rất đau đớn, vết cắn sưng nề, chảy máy không cầm, có tình trạng xuất huyết dưới da, xuất huyết tiêu hóa, có các triệu chứng nôn, đau bụng… Có thể bị hoại tử các chỗ bị rắn cắn, thậm chí là tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời. Tuy nhiên trong khuôn khổ nghiên cứu, các bác sĩ chỉ phân tích triệu chứng và phương pháp điều trị. Còn nguyên nhân vì sao loại rắn này gần đây gặp nhiều và tấn công nhiều người dân hơn thì chưa rõ.
Tay chân bị sưng phù, hoại tử do rắn cắn (ảnh bác sĩ Hoàng Xuân Thục cung cấp)
Còn dược sĩ Nguyễn Danh Sinh (nguyên Giám đốc Trung tâm nuôi trồng và chế biến dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) cho biết, rắn lục sinh sôi nảy nở chủ yếu trong môi trường tự nhiên, đây là loài rắn đẻ con chứ không đẻ trứng, thường đi tìm mồi vào ban đêm, mồi của chúng thường là các loại côn trùng, ếch nhái, chuột, thằn lằn…
Còn theo đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Nghiên cứu sinh lý sinh thái của rắn, các biện pháp phòng và điều trị rắn độc cắn” của Trại rắn Đồng Tâm có đoạn viết: rắn lục miền Nam thường đẻ con vào tháng 10 (thời kỳ ĐBSCL vào mùa nước lên), một con rắn lục cái đẻ từ 10-18 con, chúng móc mình trên cây đẻ cho rắn con rơi xuống, sau đó bò lên cây và bắt đầu cuộc sống độc lập.
Một số ý kiến khác thì cho rằng, do rắn lục đuôi đỏ người dân không bắt ăn như các loại khác, cộng thêm việc trước đây có thời gian rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán, sau đó thấy không có tác dụng nên thả ra, từ đó rắn sinh sôi nảy nở nhiều.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Chiếm – Phó Giám đốc bệnh viện Quân y 121 – từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 354 ca nhập viện do bị rắn cắn, trong đó bị rắn lục đuôi đỏ cắn 345 ca, rắn hổ 9 ca. Rất may các ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn đều đến bệnh viện cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng.
Còn theo Trung tâm nuôi trồng chế biến dược liệu Quân khu 9, mỗi năm trung tâm này tiếp nhận cấp cứu điều trị từ 500-600 ca rắn cắn, nhưng nguyên nhân vì sao thời gian gần đây rắn xuất hiện nhiều và liên tục cắn người thì chưa rõ.
Từ đâu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận và điều cho hơn 60 nạn nhân bị rắn cắn, trong đó hơn 90% số ca là do rắn lục đuôi đỏ cắn. Còn Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ từ đầu năm đến nay cũng điều trị gần cả trăm ca rắn cắn.
Phạm Tâm
Theo dantri
Kiếm ăn từ người chết
Chỉ cần biết địa chỉ nhà người chết, các "cò" lập tức gọi điện thoại cho cơ sở dịch vụ mai táng đưa quan tài, bàn ghế, đồ tang lễ đến, không cần biết có ai yêu cầu hay không...
Ông Nguyễn Hữu Tuyên, Đội trưởng Đội Bảo vệ Bệnh viện (BV) Đa khoa Khánh Hòa (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cho biết các nhóm "cò mai táng" ở BV này rất nhiều, có thời điểm 7-8 nhóm túc trực bất kể ngày đêm. Thông thường, có một xe lượn lờ trước BV còn những nhóm "cò mai táng" sẽ trà trộn vào các khoa có bệnh nhân nặng để tiếp cận, chào bán dịch vụ mai táng (DVMT) và thường xuyên thay đổi người để khó bị phát hiện.
Lắm chiêu, nhiều kế
Túc trực ở Khu Cấp cứu của BV Đa khoa Khánh Hòa hồi lâu, một người đàn ông thường xuyên hỏi han người nhà bệnh nhân, sau đó đưa danh thiếp giới thiệu về DVMT. Sau cuộc điện thoại, người này lật đật chạy ra ô tô, điều khiển xe về phía cổng khu vực bệnh nhân nặng. Một người đàn ông khác từ BV lên xe rồi bám theo xe chở bệnh nhân. Một cuộc đeo bám quyết liệt bắt đầu.
Từng bị một "cò mai táng" dụ dỗ, anh H. (ngụ phường Vạn Thạnh, TP Nha Trang) kể: "Ba tôi bị đột quỵ và được đưa vào BV Đa khoa Khánh Hòa. Các bác sĩ nói ba khó qua được, chỉ cần rút máy thở là hết. Trong thời gian chờ giờ tốt để đưa ông về, một thanh niên thường xuyên đến hỏi han. Gia đình cần gì, người này đều sốt sắng làm giúp và nói là đồng cảm nên chia sẻ khó khăn.
Khi đưa ba tôi về nhà, người này cũng theo về, thắp hương, mua trứng rồi nói người nhà nấu cơm, luộc trứng cúng cho ba tôi. Trong khi gia đình rối bời, người này tự ý kê dọn bàn ghế rồi tư vấn cho chúng tôi nên thuê DVMT nào, giá bao nhiêu. Thấy cũng cần thiết nên gia đình nghe theo. Sau này mới biết anh ta là "cò mai táng".
"Cò mai táng" thường xuyên xuất hiện ở căng-tin Bênh viên Đa khoa Khánh Hòa
Tại nhà tang lễ của BV Quân y 87, một người ở tỉnh Quảng Ngãi bị tai nạn giao thông tử vong vừa được đưa vào. Người nhà thì chưa có nhưng đã xuất hiện 2 "cò mai táng" túc trực, hỏi han tin tức. Khi thân nhân người chết đến, 2 "cò" sốt sắng dẫn vào nơi nạn nhân nằm, sắp xếp, giải thích sự việc như thật. Giữa lúc người nhà đang đau buồn, 2 "cò" thuyết phục người nhà chi 2,5 triệu đồng để tiêm thuốc, ướp xác; 8 triệu đồng mua hòm; 8 triệu đồng tiền xe đưa nạn nhân về quê. Đang lúc quá bối rối, thân nhân người chết đã đồng ý.
Một nhân viên ở Nhà Tang lễ TP Nha Trang (do BV Đa khoa Khánh Hòa quản lý) cho biết khi thấy nhà xác mở cửa, lập tức có hàng chục "cò mai táng" nam có, nữ có ngồi đầy trước sân, chào bán dịch vụ. Họ khuyến mãi sẽ miễn chi phí vận chuyển xác nạn nhân về tận nhà nếu sử dụng dịch vụ mai táng từ A đến Z.
Chưa hết, chỉ cần biết địa chỉ nhà nạn nhân, lập tức các "cò mai táng" gọi điện thoại cho các cơ sở DVMT đưa quan tài, bàn ghế, đồ tang lễ đến nhà để phục vụ mà chẳng cần biết có ai yêu cầu hay không!
Bán thông tin bệnh nhân?
Khi tang lễ kết thúc, nhìn bảng chi phí phía DVMT đưa ra, gia đình chị D. (ngụ xã Vĩnh Phương) phát hoảng khi quan tài có giá 25 triệu đồng; hương, hoa, đèn gần 10 triệu đồng; tiền rạp, ấm nước, cờ quạt cũng gần 10 triệu; tiền thuê xe tang, trống kèn hơn 20 triệu...
"Gia đình neo người, khi ở BV chúng tôi được "chăm sóc" chu đáo lắm, tưởng họ đàng hoàng. Ai dè lợi dụng gia đình bối rối không hỏi giá cụ thể, họ kê hóa đơn lên gần 80 triệu đồng. Năn nỉ bớt nhưng họ nhất quyết không chịu, gia đình đành phải vay mượn gần 50 triệu để trả nợ..." - chị D. ngao ngán.
Trong vai người nhà cần xe đưa bệnh nhân về quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, chúng tôi tiếp cận ông M. đang làm cho cơ sở DVMT Công Thọ có ô tô đậu trước BV Đa khoa Khánh Hòa. Người này giới thiệu xe đi đường dài nên có đăng kiểm đầy đủ, có dịch vụ đi kèm (bình thở, giường cho bệnh nhân, chỗ người nhà ngồi...), giá 8 triệu đồng/chuyến Nha Trang - Huế. Tuy nhiên, khi mở cửa xe, chúng tôi thấy giường của bệnh nhân chỉ là giường xếp, xe cũ kỹ, bình ôxy hoen gỉ.
Ông M. còn lật album giới thiệu quan tài với đủ giá từ 6 triệu đồng đến 45 triệu đồng/chiếc. Chúng tôi chê giá đắt, ông phân bua: "Xe ở BV làm gì chạy đường dài được. Họ không quen và không có đăng kiểm đâu. Anh là chủ đích thực của cơ sở mới báo giá đó chứ gặp mấy người làm marketing ở trong BV cũng in thiệp, nhận khách đàng hoàng nhưng đôn giá lên cao rồi đặt lại tụi anh làm dịch vụ thôi. Anh bớt cho em 500.000 đồng để em yên tâm".
Theo ông M., là chủ cơ sở DVMT nên ông phải trả phí hoa hồng cho một số người của BV từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/ca bệnh được giới thiệu. Để bù lại số tiền này, cơ sở phải nâng giá dịch vụ.
Theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, bảo vệ BV Đa khoa Khánh Hòa, đã nhận diện nhiều "cò mai táng" như Cảnh, Tâm "lác", Mẫn... thường xuyên lượn lờ ở BV để kiếm khách hàng. Khi tìm được bệnh nhân, nhóm này liên hệ với các cơ sở DVMT. Cơ sở nào trả giá cao thì bán thông tin bệnh nhân cho cơ sở đó.
Thượng tá Nguyễn Hồng Kỳ, Phó trưởng Công an TP Nha Trang, cho biết cách đây không lâu, cơ quan này có nhận đơn tố cáo từ một chủ cơ sở DVMT bị nhóm "cò mai táng" lừa hơn 30 triệu đồng. Theo đó, nhóm của "cò" Rim nhận khách hàng với giá quan tài là 39 triệu đồng nhưng đặt lại cho cơ sở DVMT với giá chỉ 8 triệu đồng. Khi phát hiện ra quan tài dỏm, người nhà bắt đền chủ DVMT, buộc phải sử dụng đúng quan tài 39 triệu đồng khiến cơ sở này rất bức xúc.
Nhiều trường hợp bệnh nhân vừa mới qua đời, "cò mai táng" đã sớm xuất hiện và gạ gẫm người nhà. Do đó, không loại trừ khả năng các nhóm này thông qua nhân viên BV để có thông tin về bệnh nhân chết hoặc sắp qua đời.
Hiện Công an TP Nha Trang nhận được một số đơn của một số cơ sở DVMT tố cáo các nhóm "cò mai táng" lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của họ hoặc đánh người gây thương tích... Công an TP Nha Trang đã xác minh nhưng bản thân người tố giác không tích cực hợp tác, gây khó khăn khi củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án.
Bác sĩ Đinh Tấn Hùng, Trưởng Phòng Hành chính quản trị BV Đa khoa Khánh Hòa, cho biết BV đã yêu cầu nhân viên không được tiếp tay cho các "cò mai táng", nếu phát hiện sẽ xử lý nặng. Đến nay vẫn chưa phát hiện trường hợp nào nhưng trên thực tế, BV không thể kiểm soát điện thoại cá nhân của từng người được.
Cũng theo bác sĩ Hùng, BV đã xây dựng quy chế phối hợp giữa BV và Công an TP Nha Trang, Công an phường Lộc Thọ để bảo đảm an ninh; nghiêm cấm nhân viên BV tiếp tay cho các DVMT, ai vi phạm sẽ bị đuổi việc; yêu cầu các khoa niêm yết công khai thủ tục giải quyết bệnh nhân tử vong; thông báo công khai các hoạt động "cò mai táng" cho người nhà biết; trang bị hệ thống camera quan sát ở 24 điểm, tổ chức đội xe đưa xác bệnh nhân, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của thân nhân người bệnh...
"Cò" dọa y, bác sĩ Lãnh đạo các khoa như Ung Bướu, Hồi sức tích cực - Chống độc, Giải phẫu bệnh lý, Cấp cứu 115 của BV Đa khoa Khánh Hòa đều xác nhận ở đây thường xuyên xuất hiện nhóm người tiếp cận người nhà bệnh nhân chào mời, ngã giá, tranh giành hợp đồng mai táng. Dù đã tăng cường công tác bảo vệ nhưng nhóm người này vẫn qua mặt bằng cách giả làm người nhà bệnh nhân, vì thế rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp y, bác sĩ, nhân viên bảo vệ mời các đối tượng này ra ngoài thì bị hăm dọa, như: "Chết vì bơm kim tiêm sida đấy", "Ra đường xe cán thì biết kêu ai". Tệ hơn thì bị ném đá lên nóc nhà hoặc bị ném chất bẩn vào người, vào nơi ở...
Hung hăng tranh giành lãnh địa Trên địa bàn TP Nha Trang có khoảng 12 cơ sở DVMT. Những cơ sở này phân chia "lãnh địa" ở các BV và nhà mai táng. Giữa các "cò mai táng" làm ăn tại đây thường xuyên tranh giành, xô xát, tố giác lẫn nhau khiến an ninh trật tự trong và ngoài BV không ổn định.
Cơ sở DVMT Phước Lộc Thọ Út Trung mới thành lập, thường xuyên giành mối với các cơ sở khác
Tháng 3-2014, người của một cơ sở DVMT ở khu vực cầu Hà Ra (TP Nha Trang) bị một nhóm "cò mai táng" đánh trọng thương vì " dám" vào BV Đa khoa Khánh Hòa làm dịch vụ. Nhóm này của cơ sở DVMT Phước Lộc Thọ Út Trung (86 Đồng Nai).
Chủ cơ sở là ông Nguyễn Hồng Quang nhưng thực tế điều hành là Út Trung (tên thật là Huỳnh Thế Giang Trung, 20 tuổi). Tuy còn trẻ nhưng Trung có nhiều năm là "cò" cho cơ sở DVMT Ông Thọ Mười chuyên cắm chốt ở BV Đa khoa Khánh Hòa. Do xích mích trong làm ăn, Trung tập hợp một số "cò mai táng" khác tách ra làm một nhóm độc lập và thường xuyên trấn áp, đuổi đánh người của các cơ sở khác hòng độc chiếm thị trường.
Một chủ cơ sở DVMT từng bị Trung đánh trọng thương kể: Chúng tôi có người quen gọi lên BV nhờ chở người nhà về nhưng Trung tỏ vẻ bực tức vì theo cả ngày rồi nhưng không giành hợp đồng được nên giở thói côn đồ, đuổi đánh chúng tôi. Nhỏ tuổi nhưng Trung có nhiều tiền án tiền sự nên chúng tôi rất ngại va chạm. Sau lần đó, cơ sở chúng tôi không dám lên BV Đa khoa Khánh Hòa nữa, cả khi có người gọi. Nhiều người bị Trung đánh đã gửi đơn tố giác lên Công an TP Nha Trang.
Trước đó, một nhóm khoảng 15 người đã xông vào khu cấp cứu BV Đa khoa Khánh Hòa đánh, chém trọng thương nhân viên bảo vệ. Các nhân viên bảo vệ cho biết lúc đó, tại khoa có bệnh nhân tử vong, một nhóm người xông vào đòi gặp người nhà để làm dịch vụ mai táng. Bị ngăn cản, nhóm này kêu thêm người tấn công nhóm bảo vệ khiến một người bất tỉnh, một người khác bị chém đứt gân tay.
Theo Kỳ Nam
Người lao động
Lấy lời khai nghi can gây ra vụ chặt xác cho vào bao tải phi tang Đến chiều 1/10, nghi can Đặng Văn Tuấn (44 tuổi, ngụ quận 1) đã hồi tỉnh sau khi cắt tay tự tử và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Sài Gòn. Tuấn được xác định chính là nghi can gây ra vụ chặt xác cho vào bao tải phi tang. Chiều 1/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn...