Cậu nhóc nhà quê và hành trình “bắc thang lên giời” để đổi màu giới tính: Cả huyện không ai giống em!
Mùng 1 Tết mò địa chỉ của người nổi tiếng để xin lời khuyên chuyển giới, 4 năm chạy vạy hơn 400 triệu, một mình khăn gói sang Thái Lan phẫu thuật – những điều tưởng chừng quá sức với cậu bé sống ở vùng quê nghèo – nơi mà ai cũng nghĩ chuyển giới là chuyện hoang đường.
Nguyễn Vũ Hà An sinh năm 1992, là em út trong một gia đình 6 anh chị em ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Cô gái được nhiều người biết đến khi là nữ chính trong một tập phát sóng của chương trình “Người ấy là ai?” gần đây.
Là nữ chính của chương trình lọt top thịnh hành Youtube, Hà An bỗng nổi tiếng là điều dễ hiểu. Nhưng người ta tò mò vì Hà An là một người chuyển giới khá xinh đẹp. Nếu biết hành trình của Hà An từ một cậu nhóc nhà quê tự biến mình thành cô gái quyến rũ như hôm nay, người ta sẽ còn ngạc nhiên và xúc động nhiều lần.
Bài viết dưới đây là lời tâm sự của Hà An về hành trình chuyển giới cách đây 3 năm.
Nhận ra giới tính nhờ một bức tranh vẽ
Với một đứa trẻ con, nó không quan tâm giới tính là cái gì. Nó chỉ có kẹo mút, sữa và đồ chơi thôi. Em cũng vậy. Em được sinh ra rồi được dạy bảo rằng mình là một bé trai, mình được chơi đồ chơi của con trai và xếp hàng bên phía các bạn nam. Mọi thứ đều như dạy em rằng em khác với các bé gái.
Lớn hơn một chút, khi bắt đầu có những ý thức về giới tính và bị một số bạn dè bỉu kiểu như “ sao đứa trẻ con này giống con gái quá vậy?”, “sao nó điệu quá vậy?” thì em chỉ nghĩ do tính cách và cá tính của mình như vậy, chứ không phải như những gì họ kì thị.
Em lên lớp 5, nhà mở cửa tiệm cho thuê truyện tranh. Em tình cờ đọc một tập truyện mang tên “Sôi động cầu trường”, thấy hình vẽ một bạn nam cởi trần đứng ở sân bóng, mồ hôi túa ra trên ngực, trên cổ và hàm bạnh hình vuông. Tất cả đường nét, hình khối họ vẽ rất chân thực và em bị thu hút bởi hình ảnh đó.
Em để hẳn quyển truyện đó ra ngoài và thỉnh thoảng lấy ra xem. Nó như một điềm báo vậy. Cũng kể từ đó, em dần ý thức sự khác biệt của bản thân.
Thời điểm em học cấp 2 là thời kì Internet “bùng nổ” ở các miền quê, em có lên mạng để tìm hiểu mình là ai, mình gặp phải vấn đề gì. Nhưng thực sự khi em hiểu rồi thì cũng thể chia sẻ với ai được.
Em nghĩ sự kì thị dành cho mình chắc chắn sẽ rất lớn. Có thể em chịu được vì bản thân là người ngang tàn, không quan tâm lời nói của người khác, nhưng liệu rằng mẹ và anh chị em có chịu được điều tiếng không? Biết vậy, em không thể hiện bản dạng giới của mình ra ngoài, em sống ẩn mình như một đứa con trai bình thường.
Em sống ở vùng quê nghèo, có tìm khắp nơi cũng không thấy 2 người đàn ông nào có biểu hiện yêu nhau. Chắc cái huyện của em không có ai thuộc cộng đồng LGBT cả.
Nhưng em vẫn ngấm ngầm nuôi ý định chuyển giới. Em vạch ra các bước cụ thể bản thân phải làm. Lúc đó, không ai chỉ dẫn cho em, không ai giúp em cả. Em băn khoăn không biết sang Thái Lan như thế nào, gặp ai, bệnh viện nào, ai phiên dịch cho, phẫu thuật có đau đớn không, có hàng ti tỉ câu hỏi…
Vào lúc em có nhiều khúc mắc nhất, trên truyền hình, chị Hương Giang Idol xuất hiện. Em cho rằng cách thức duy nhất để thành công là copy người thành công. Chị Giang đã là một người thành công, em so sánh xem mình và chị ấy có gì giống và khác nhau.
Trước đó, em có tìm hiểu về chị Cindy Thái Tài, chị ấy nổi tiếng trong showbiz, có điều kiện kinh tế nên chuyện chuyển giới có lẽ dễ dàng hơn. Nhưng em thì không thể như thế được vì không có nhiều tiền.
Còn chị Giang thì khác. Chị ấy là một người bình thường, gom góp tiền đi chuyển giới rồi mới về thi Vietnam Idol. Em nghĩ em có thể copy chị Giang.
Biết chị ấy Nam tiến để phát triển sự nghiệp, em loay hoay tìm cách gặp chị. Việc gặp sẽ khó khăn trừ trường hợp chị Giang đăng một bức ảnh và nói đang ở Hà Nội hoặc vào dịp Tết vì chị ấy sẽ về quê.
Video đang HOT
7 năm về trước, vào sáng mùng 1 Tết, khi mọi người còn đang ngủ sau đêm giao thừa thức muộn, em lẳng lặng ra bến xe và bắt xe khách đi Hà Nội. Với em, khả năng tìm được nhà chị Giang chắc chỉ rơi vào khoảng 2% thôi. Ở Hải Phòng, có địa chỉ cụ thể còn chưa chắc tìm được nữa là ở Hà Nội, một nơi quá phức tạp.
Em đến phố nhà chị Giang nhưng không ngờ nó quá rộng, sáng đầu năm lại vắng lặng vô cùng. Có thời điểm em đứng giữa phố tự nhủ “thôi về đi, đừng tìm nữa, không có tương lai đâu”. Quả thật, 10 giờ trưa mà phố xá vắng tanh, làm gì có ai để hỏi.
Chắc trời thương nên em mới tìm được nhà chị Giang. Nhưng bác trai đi xuống, nói không thể cho vào nhà vì không biết em là ai. Em không trách bác nhưng thực sự cảm giác lúc đó như trời đất sụp đổ. Bản thân em đang cố gắng hết sức và gần chạm tới cái điều mình ao ước thì lại bị chặn lại.
Em ngồi sụp xuống khóc nức nở và chính giây phút đó, em nhận được sự đồng cảm của bác trai. Bác bảo: “Thôi con vào nhà đi rồi bác gọi chị xuống cho con gặp”.
Cuộc nói chuyện với chị Giang kéo dài hơn nửa tiếng, bao trăn trở của em được cởi tỏa. Trước khi ra về, em có số điện thoại của bác gái để sau này nhỡ có chuyện gì thì liên lạc.
Em về nhà nhưng không thể hiện điều gì cả, chỉ nhớ lời chị Giang dặn là phải chuẩn bị tiền. Chị Giang khuyên em mặc đồ nữ, nuôi tóc dài để quen dần nhưng em không làm thế được. Em sợ trước khi mình làm được điều mình mong muốn, gia đình sẽ phải chịu tổn thương.
Nếu em giả làm con gái nhưng thời gian sau không lo đủ tiền đi chuyển giới, lại lộ giới tính thật thì người ta càng coi thường mình hơn. Chưa kể, việc kiếm ra tiền không không phụ thuộc vào chuyện em mạnh mẽ ra sao mà còn nhiều yếu tố khác, trong đó có may mắn.
Từ cậu bé trắng trẻo thành một “bộ xương vật vờ”
Sau này, em có tâm sự với người em họ. Chính nó là người kể lại với chị gái và để cả nhà em biết. Nhưng ở vùng nông thôn mà, chấp nhận giới tính “lạ” đã là chuyện khó nữa là chuyển giới. Với gia đình em và ngay cả chính bản thân em, việc chuyển giới khó như “bắc thang lên giời”.
Gia đình em tặc lưỡi cho qua, tưởng em nói chơi chứ không thể nào làm được. Mẹ em chỉ bảo không đồng ý nhưng nói xong thì để đấy. Kiểu của mẹ là “không biết nó nói cái gì vậy trời? Chắc là nó nói luyên thuyên, cứ thể một thời gian là hết”.
Về phần mình, em biết mình phải chuẩn bị số tiền hơn bốn trăm triệu. Thế là 4 năm em đi làm rồi tiết kiệm, chắt bóp, không dám ăn tiêu gì. Một nửa số tiền là của em, nửa còn lại em đi vay khắp nơi. Đến bây giờ vẫn đang làm để trả nợ.
Lúc còn ở nhà, em có nói với một người chị thân thiết, Chị ấy rất thương em nhưng chỉ cần em để lộ lịch trình đi Thái Lan chuyển giới, chị ấy sẽ lập tức báo với gia đình để người lớn ngăn em lại. Vậy nên em quyết định đi một mình.
Sang sân bay em ngơ ngác lắm nhưng cuối cùng cũng đến được bệnh viện và được phẫu thuật khá nhanh. 10h tối hôm trước em bay đến Thái Lan, ngủ một giấc đến sáng hôm sau thì đi khám tâm lý. 3h chiều em đã lên bàn mổ rồi.
Tâm lý em lúc đó sợ chứ. Nhưng càng sợ em càng muốn làm nhanh để không suy nghĩ thêm được nữa. Em sợ chậm một chút nữa thôi em sẽ chùn bước và quay về.
Một ngày sau mổ, em được dùng điện thoại. Lúc này, em gọi cho người chị gái vững tâm lý nhất nhà. Chị ấy nói ngay: “Đi chuyển giới à? Tao thấy mày mất tích là tao biết ngay. Sao, có ok không? Dù không đồng ý cho em làm đâu nhưng bây giờ đã làm rồi thì cũng không ai thay đổi được gì. Thôi thì giữ gìn sức khỏe và về là được”.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân ở viện khoảng 14 ngày thì được về nhưng em ở viện tận 25 ngày vì yếu quá.
Em cũng không muốn về, xin bác sĩ ở lại nhưng lúc đó hết hạn visa, họ khuyên tốt nhất là bay về Việt Nam 1-2 hôm rồi quay lại. Thế là em trở lại Việt Nam nhưng có về nhà đâu, em sợ gia đình nhìn thấy bộ dạng mình sẽ rất đau xót.
Sau ngần ấy ngày mất máu, mệt mỏi, không ăn được rồi bị tác dụng phụ của thuốc mê nên em không ngủ được. Khi đi là một cậu nhóc trắng trẻo mà về như bộ xương vật vờ.
Về nước, em ở nhờ một người quen ở Sài Gòn. Trong 4 ngày em về thì 3 ngày đầu không vấn đề gì, đến ngày cuối mới xảy ra sự cố. Em cũng có thể dậy và đi lại bình thường nhưng không hiểu sao máu trong âm đạo tự dưng chảy ra.
Chị bạn em là người chuyển giới, từng chăm sóc nhiều bạn như em nhưng cũng rất hoảng. Máu em chảy ướt hết đệm nhà chị ấy mà không sao cầm được. Chị ấy tìm mọi cách, thậm chí còn làm gạc để nhét vào âm đạo.
Em vừa đau vừa tức vì miếng gạc cuộn tròn nhét vào khá lớn. Sau đó còn tê bì cả chân cả tay, đầu óc quay cuồng. Trong lúc mê man tường chừng 5 phút nữa là “đi”, em nghe thấy tiếng chị bạn báo: “Cầm được máu rồi!”.
Sau đó, em nằm yên một chỗ nhưng bị tắc tiểu. Đến ngày hôm sau thì phải ra sân bay vì vé đặt rồi. Dù vết thương ở dưới rất nghiêm trọng nhưng em cố để bay sang Thái Lan và được bác sĩ ở đây xử lý.
Những nụ cười bẽn lẽn và sự lạ lẫm ngày trở về
Từ khi sang Thái đến khi về hẳn nhà là hành trình kéo dài gần 2 tháng. Lúc đó, em đã ra dáng một cô gái rồi, chỉ đợi thêm vài tháng để tóc thêm dài thôi.
Cả nhà biết tin em về nên cũng không bất ngờ mà chỉ đứng cười kiểu bẽn lẽn. Anh chị em ra tận sân bay đón, nhìn em với vẻ lạ lẫm.
Trước đó, mọi người phản đối em chuyển giới nhưng giờ thì không mắng mỏ câu nào, chỉ sợ sức khỏe em bị ảnh hưởng. Mọi người dặn em nghỉ ngơi và đừng nghĩ ngợi.
Hàng xóm cách nhà em vài trăm mét, thấy người nhà em đi qua thì gọi lại, trách: “tại sao chúng mày lại để nó làm như thế? Tại sao không bảo ban nó”, bạn của mẹ thì bảo “vào tôi, tôi đánh cho một trận là chẳng đi được đâu hết”.
Em cảm giác tất cả những lời nói đó không làm mình bận tâm được, chỉ có điều sợ người nhà thêm mệt mỏi thôi. Trước giờ, gia đình em không thể hiện sự quan tâm bằng roi vọt hay những điều quá gay gắt. Bây giờ, mẹ và anh chị của em cũng không quan tâm điều tiếng vì biết người ngoài đâu có hiểu chuyện.
Họ hàng thì cũng có người chỉ trỏ, tỏ ý không thiện cảm. Còn những người thân với em thì vẫn ủng hộ nhiệt tình.
Hiện tại, em vui vì mình thành công nhưng tiếc vì đã đánh đổi một thứ. Khi còn trẻ, mọi người đi chơi và tận hưởng thanh xuân còn em bận trăn trở về việc hình hài này, câu chuyện này và những mối quan hệ này không phải của mình.
Hồi đi học, em được khen là cậu bé nhỏ nhắn, dễ thương và có nhiều bạn nữ quan tâm đấy chứ!. Nhưng nó là một cậu nhóc không liên quan và em không muốn tận hưởng những điều được người ta khen ngợi.
Em vùi đầu kiếm tiền để đi chuyển giới. Hồi đó, em sống không hạnh phúc, không trọn vẹn và không đúng. Em gần như đánh rơi thời thanh xuân của mình và bây giờ nghĩ lại rất tiếc.
Tuổi đời em là 28 những mới chuyển giới được 3 năm, vậy cứ coi như là “ngựa non” vẫn còn mải mê rong chơi đi. Nhưng nếu gặp đúng người, em nghĩ có thể lập gia đình được rồi. Nói về mẫu đàn ông lý tưởng, em thích những người mũm mĩm một chút, trưởng thành và có nhiều trải nghiệm.
Trên mạng, cũng có những bình luận nói em chăm diện đồ gợi cảm, đơn giản vì em thích hình ảnh một người phụ nữ sexy nên em muốn thể hiện như vậy. Cá tính như nào thì em chọn đồ như thế.
Trước đây, em từng lọt top 20 chương trình “Chinh phục Hoàn mỹ” 2018. Để nói có tham gia cuộc thi sắc đẹp không thì em không chắc, nhưng em là tuýp người hướng ngoại, thích trải nghiệm những điều mới mẻ nên luôn trong trạng thái sẵn sàng thử thách chính mình.
Nữ tác giả Harry Potter tiếp tục khiến cộng đồng mạng "dậy sóng" khi tweet những tin nhắn tiêu cực đến người hâm mộ nhỏ tuổi
Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục phát hiện ra bà J.K Rowling còn có những phát ngôn mang tính xúc phạm với cộng đồng người chuyển giới trong một tweet với một cô bé 9 tuổi trên Twitter.
Tác giả của bộ truyện nổi tiếng Harry Potter, bà J.K Rowling đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội vì những phát ngôn tiêu cực liên quan đến cộng đồng người chuyển giới. Mới đây, cộng đồng mạng tiếp tục phát hiện ra bà còn có những phát ngôn mang tính xúc phạm với cộng đồng người chuyển giới trong một tweet với một cô bé 9 tuổi trên Twitter.
Theo đó, bà Rowling đã chuyển tiếp các bức tranh vẽ của trẻ em về một nhân vật mới trong dự án mà bà đang thực hiện. Nhưng khi chia sẻ lại bức vẽ của một bé gái 9 tuổi, bà đã viết vài dòng tweet với nội dung mỉa mai suy nghĩ của đứa trẻ: " Tôi rất thích bức tranh này, với đôi tai dơi, mắt lệch và hàm răng đẫm máu đáng sợ! Tại toà án, Wolf đã thừa nhận rằng đã viết trên Facebook rằng: "Hãy làm bọn TERF (chỉ những người có thái độ, cảm xúc hoặc hành động tiêu cực đối với người chuyển giới) rối loạn!", thật là dũng cảm".
Bà J.K Rowling.
Chia sẻ gây tranh cãi của nữ tác giả J.K Rowling.
Trước đó, Rowling được cho là đã nhấn thích một tweet từ tài khoản Twitter có tiểu sử là: "Hãy gọi tôi là kẻ cuồng tín, là TERF, hay là transphobe (đồng nghĩa với TERF). Tôi bảo vệ các quyền dựa trên giới tính của phụ nữ. Tôi tôn trọng ý nghĩa chính trị về mặt sinh học của những người phụ nữ!". Và sau đó, người phát ngôn của Rowling cũng cho biết có thể bà đã nhấp thích một cách tình cờ vì "những khoảnh khắc vụng về của tuổi trung niên".
Vào tháng 12, bà Rowling đã từng tweet rằng: " Giới tính là có thật". Đây là một tuyên bố chung được sử dụng bởi những transphobe để ám chỉ rằng giới tính khi sinh ra quyết định toàn bộ cuộc sống của một người. Bà cũng sử dụng hashtag #IStandWithMaya trong tweet đó, ám chỉ nhà hoạt động chống chuyển giới người Anh Maya Forstater, người đã mất việc vì những tuyên bố của mình về phụ nữ chuyển giới.
Mới đây, trong một bài viết trên Twitter, khi nói về phụ nữ, thay vì dùng từ "phụ nữ" theo cách thông thường, Rowling lại dùng cụm từ "những người có kinh nguyệt". Cách sử dụng từ ngữ này của bà đã bị chỉ trích là kỳ thị với những người chuyển giới.
Tweet của Rowling trong bức tranh của cô bé 9 tuổi sau đó đã được gỡ xuống. Tuy nhiên, cộng đồng mạng đã kịp thời nhìn thấy và phản ứng dữ dội.
Rowling sau đó đã xin lỗi và giải thích rằng bà đang đọc một câu chuyện khi tweet và đã viết nhầm. Sau đó, bà đã đăng lại tranh của cô bé 9 tuổi với nội dung: "Rất tiếc về những dòng chữ vô tình và hoàn toàn không liên quan trước đó. Tôi đã vô tình sao chép lại đoạn tin nhắn vào đây trong lúc không để ý".
Bà cũng đề nghị gửi cho cô bé một cuốn sách có chữ kí của bà.
Tuy vậy, phía cộng đồng LGBT đã không chấp nhận lời xin lỗi của nữ tác giả. Một người dùng Twiiter có tên là Jamie Drew đã hỏi bà Rowling rằng: "Bà đang xin lỗi vì những sai lầm, hay xin lỗi vì là transphobe?"
Tuy nhiên, phía Rowling đã không trả lời lại.
"Người đàn ông mang bầu" đầu tiên ở Việt Nam: Quên hết đớn đau khi nghe con khóc chào đời Quyết định mang thai trong quá trình chuyển giới từ nữ sang nam, Minh Khang, "người đàn ông mang bầu" đầu tiên ở Việt Nam, đã trải qua nhiều nguy hiểm, đau đớn để sinh con thay vợ. Minh Khang sinh ra với hình hài là nữ nhưng sau này đã thực hiện phẫu thuật chuyển giới sang nam. Còn Minh Anh sinh...