Cầu Long Biên: Chứng nhân vô giá của lịch sử
Cầu Long Biên (xây dựng 1899 – 1902) là một chứng nhân quan trọng trong suốt hơn một thế kỷ không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.
Sau những tàu chiến và đại bác, cùng với Đường sắt Việt Nam (khởi công xây dựng 1881), nó là chứng tích quan trọng nhất của thành tựu kỹ thuật – công nghiệp châu Âu tràn vào Việt Nam.
Về mặt kiến trúc và kỹ thuật xây dựng, nó là một công trình tuyệt đẹp có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo mà trên thế giới hiện chỉ còn 4 cái như vậy, trong đó có tháp Eiffel (có tài liệu ghi cầu Long Biên do chính kỹ sư Eiffel thiết kế), tức đã trở thành một di sản quý hiếm của nhân loại chứ chả riêng gì của Việt Nam và Hà Nội.
Hình dáng lên xuống, uốn lượn giống con Rồng của nó phù hợp một cách tuyệt vời với lịch sử Rồng bay nghìn năm văn hiến của đất Thăng Long.
Nhóm chiến sĩ đầu tiên qua cầu Long Biên tiến vào tiếp quản Thủ đô ngày 10/10/1954 (trái); Cầu Long Biên bị máy bay Mỹ làm hư hại năm 1972
Video đang HOT
Về công năng kinh tế – xã hội thì khó đánh giá hết được giá trị to lớn của nó trong sự phát triển của không riêng Hà Nội và các vùng phụ cận, không chỉ miền Bắc mà cả miền Trung, miền Nam, đặc biệt là trong giai đoạn rất dài khi nó là cái gạch nối liền duy nhất bằng đường bộ và đường sắt của phần còn lại của cả nước với Việt Nam phía Bắc sông Hồng và trong một thời gian là cả các nước xã hội chủ nghĩa.
Về lịch sử thì nó là chứng tích lịch sử quan trọng của nhiều giai đoạn: giai đoạn thuộc địa, giai đoạn chiến tranh giữ nước, giai đoạn hoà bình, kiến thiết. Lịch sử cầu Long Biên đặc biệt hào hùng trong chiến tranh giữ nước. Sử sách còn ghi cuộc rút lui bảo toàn lực lượng anh dũng của Trung đoàn Thủ đô và một bộ phận nhân dân qua gầm cầu Long Biên có lính Pháp gác ở trên vào đêm ngày 17 rạng sáng ngày 18/2/1947, sau 2 tháng chiến đấu cầm chân quân Pháp tại Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm công trường khôi phục cầu Long Biên năm 1973
Cầu Long Biên vào những ngày lịch sử tháng 10 năm 1954 cũng ghi dấu chân những tên lính viễn chinh Pháp rút qua để xuống Hải Phòng vĩnh viễn rời Việt Nam và đón chào đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Những năm chiến tranh chống Mỹ, cầu Long Biên là điểm nóng trên tuyến vận tải chiến lược bị không quân Mỹ tập trung đánh phá và phòng không ta tập trung bảo vệ. Cầu vài lần bị địch đánh hỏng nặng và được khôi phục hoàn toàn vào năm 1973.
Trong những năm khó khăn, nó là một trong những biểu tượng của Hà Nội vất vả, lam lũ.
Về văn hoá, nó là chiếc cầu – ký ức, một phần hồn của Hà Nội, của người Hà Nội. Nó là một trong những cái mà nghĩ về Hà Nội, người ta thường nhớ đến. Nó đi vào văn, thơ, họa, ảnh… Nó là cái mà ngộ nhỡ một mai không còn thì giống như một mảnh hồn Hà Nội bị dứt đi.
Theo Lê Xuân Sơn (Tiền Phong)
Phương án nào cũng phải bảo tồn cầu Long Biên
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết cầu Long Biên đã đi sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng, nên Bộ GTVT rất tôn trọng ý kiến của các nhà lịch sử, nhà văn hóa cũng như người dân góp ý về phương án bảo tồn cây cầu này.
Theo Thứ trưởng Đông, có nhiều phương án đối với cầu Long Biên, trong đó đưa ra quan điểm phải tôn tạo, lưu giữ; có những quan điểm phải vừa tôn tạo, giữ gìn vừa phát huy những công năng mới; có những quan điểm giữ nguyên cái cũ và làm cầu ở một vị trí khác. Tôi cho rằng cần lấy ý kiến đa chiều rồi mới quyết định vì mục tiêu chung giao thông thông suốt trên hành lang quan trọng này của Hà Nội, nhưng vẫn giữ được hình ảnh cầu Long Biên.
Thứ trưởng Đông cho rằng, phải định danh rõ sự hài hòa giữa bảo tồn và vận tải. Hà Nội đang đà phát triển mạnh, dân số tăng nhanh, không thể bắt người dân đi vòng khoảng cách xa lên tận Nhật Tân mới qua được sông Hồng. Hơn nữa giao thông là cần thiết để phát triển Hà Nội. Đây là trục quan trọng nên phải xây dựng cầu mới, nhưng chọn vị trí nào phải nghiên cứu kỹ. Chúng tôi đã đề nghị từ trước xây dựng cầu mới cách cầu cũ 30m. Phương án này sẽ bảo tồn nguyên vẹn cầu cũ nhưng vẫn có quan điểm lo ngại ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc của cầu cũ. Hà Nội vẫn đề nghị nghiên cứu xây cầu mới đi trùng tim cầu cũ.
Cầu Long Biên xưa
Trước đây, Bộ GTVT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, trong đó tuyến tránh 30m, 50m, 100m và trong vòng 200m trở lại nhưng tách ra khỏi cầu cũ và giữ lại cầu cũ để Hà Nội có các phương án nâng cấp, bảo tồn. Khi đó, phương án xây cầu mới cách cầu cũ 30m đã được Hà Nội đồng ý rồi trình Chính phủ và Chính phủ đã duyệt dự án khả thi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng khi xây dựng cầu mới song song sẽ làm ảnh hưởng tới không gian kiến trúc của cầu cũ nên đề nghị dịch ra khoảng 200m và cuối cùng phương án dịch ra khoảng 186m là hợp lí. Nhưng do vấn đề xã hội về giải phóng mặt bằng nên Hà Nội lại đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu phương án trùng tim của tuyến cũ.
Tuy nhiên, cầu Long Biên đã rất cũ, nếu tiếp tục sử dụng phải gia cố, tăng cường. Hơn nữa công năng cho đường thủy cũng thay đổi nên phải trùng tu, nâng độ cao. Nếu trùng vị trí cũ mà không cho động chạm đến cầu thì không thể đảm bảo giao thông cả đường sắt và đường thủy.
Mạng đường sắt đô thị Hà Nội được nghiên cứu quy hoạch rất chi tiết với 8 tuyến đường sắt. Đây là tuyến số 1 rất quan trọng với giao thông Hà Nội nên không thể dịch chuyển đi quá xa để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi tàu, từ đó giảm tải giao thông đường bộ. Thứ trưởng Đông nói: Với tuyến đường sắt chỉ cần dịch chuyển đi khoảng 500 m là hành khách đã ngại đi bộ rồi. Mà đặc thù đi đường sắt đô thị là đi bộ lên tàu, không thể bắt hành khách đi vòng lên Nhật Tân rồi mới vòng xuống được. Nên cần hoạch định các tuyến, mỗi tuyến sẽ ảnh hưởng đến một hành lang giao thông nhất định. Ở tuyến này, chỉ có thể dựa trên hành lang đó để lựa chọn vị trí. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và có thủ tục duyệt dự án từ trước, đề nghị để thực hiện được sẽ xây dựng cầu mới cạnh cầu cũ nhưng cũng có quan điểm lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc cầu cũ.
Theo ông Đông, nhu cầu triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 đang cấp bách, đã được đề ra từ những năm 1998. Năm 2005 đã xác định đường sắt đô thị rất cần thiết để tránh quá tải giao thông Hà Nội, tránh quá tải cầu Chương Dương. Phía Nhật Bản cũng đồng ý hỗ trợ khoản vay để xây dựng tuyến đường sắt này nhưng muốn chúng ta chốt phương án vị trí cầu Long Biên để thực hiện. Chúng tôi cần sự đồng thuận vì dự án đi trên địa bàn Hà Nội, rồi sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.
Theo Thiện Anh (Giaothongvantai.com.vn)
Sở GTVT Hà Nội nói gì về bảo tồn cầu Long Biên? "Sửa chữa một cây cầu không khó nhưng quan trọng là việc sửa chữa ấy phải có tính bảo tồn, gắn với lịch sử dân tộc". Người phát ngôn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Xuân Tân nêu quan điểm với phóng viên các báo đài về việc bảo tồn cầu Long Biên với nhiều phương án được đưa ra, và...