Cầu kỳ bánh ú nước tro
Để có cái bánh ú nước tro đẹp và trong, đòi hỏi sự nhọc công của người làm.
Hôm trước về quê, tôi tình cờ thấy người ta bán món bánh ú lá tre trên đường. Nói tình cờ vì hôm đó không phải là ngày mùng 5.5 âm lịch. Ngày tôi còn bé, ở quê tôi, món này chỉ có trong dịp tết Đoan Ngọ.
Vốn không phải là gia đình khá giả, nhưng mẹ tôi khá khéo tay biết làm nhiều món ngon nên khi có dịp lễ, tết, đám giỗ… là mẹ thường trổ tài. Trong số những món mẹ đã làm thì bánh ú nước tro là thứ cầu kì và cần sự khéo léo nhất.
Tôi còn nhớ rất rõ, cứ trước tết Đoan Ngọ vài tháng là mẹ phải mua những loại củi đặc biệt như: đước, mắm… về nấu bếp để lấy tro. “Tro những loại củi này có vị mặn, để tới tết “giữa năm” gói bánh cúng ông bà”, mẹ giải thích khi tôi thấy mẹ gom tro cất giữ cẩn thận. Rồi trước tết khoảng một tháng mẹ lấy tro này đem ngâm vào khạp nước. Nước tro ngâm càng lâu thì màu vàng càng đậm. Lấy nước đó đem ngâm với nếp vài ba ngày tùy theo độ mặn của tro, để gói bánh.
Video đang HOT
Bánh ú nước tro càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay – Ảnh: Đào Minh
Để có cái bánh ú nước tro đẹp, trong đến độ nhìn thấy nhân “lấp ló”, đòi hỏi sự nhọc công của người làm. Vì trong nếp thường có lẫn gạo nên mẹ phải nhặt từng hạt gạo “phá đám” để bỏ ra. “Nếu để gạo bị lẫn vào nếp, bánh sẽ bị lợn cợn mất ngon”, mẹ giải thích. Công việc này cũng kéo dài đôi ba tuần liền tùy theo lượng nếp nhiều hay ít.
Nước tro, nếp đã chuẩn bị xong mẹ quay sang chuẩn bị dây lạt, lá tre. Để bánh đẹp thì dây phải mảnh, nên mẹ thường chẽ từng cọng lạt theo ý mình. Còn lá tre loại to nhất cỡ 2 – 3 ngón tay người lớn, được mẹ rửa kỹ từng chiếc. Nhân dùng để làm bánh là loại đậu xanh được nấu chín, nghiền nhuyễn rồi ngào đường. Mẹ bảo “nhân phải có vị ngọt đậm đà và khô thì bánh mới ngon”.
Những chiếc lá tre nhỏ nhắn, sợi lạt thanh mảnh bọc lấy những cái bánh trong ngần be bé, xinh xinh… tất cả sự khéo léo, tinh tế đều nằm trong đó. Thú vị là loại bánh này càng nhỏ thì thể hiện người gói càng khéo tay.
Nếp có độ trong vừa phải vì nếu trong ít thì không đẹp và trong nhiều quá thì bánh có hậu đăng đắng. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm của từng người.
Tôi nhớ nhiều người hàng xóm, bà con hay nhờ mẹ gói giùm vì bánh mẹ ngon hơn bánh ngoài chợ. Tình cờ thấy người ta bán bánh ú nước tro, thèm lắm nhưng tôi vẫn không mua vì lời nhận xét của những người hàng xóm ngày xưa vẫn văng vẳng bên tai: “Bánh mẹ con làm ngon hơn bánh chợ nhiều lắm”. Tôi sợ đánh mất một ký ức tuổi thơ.
Theo ihay
[Chế biến] - Bánh ú lá tre nhân hạt sen thật ngon
Nguyên liệu
Nếp: 600g
Hạt sen tươi: 350g
250g đường cát trắng, 50ml nước tro tàu, 200g lá dứa, lá tre gói bánh
Cách làm
Nếp vo sạch. Lá dứa rửa sạch, để ráo. Cho nếp vào thau nước để xăm xắp nước, hòa chung với nước tro tàu và lá dứa ngâm qua đêm cho nếp được dẻo. Vớt nếp ra vo sạch lại, để ráo
Hạt sen tươi rửa sạch, luộc mềm, vớt ra để ráo, dùng thìa tán hạt sen cho đến khi hạt sen mềm nhừ. Cho phần hạt sen trộn đường vào chảo để lửa nhỏ sên lại cho hỗn hợp hòa trộn vào nhau, đến khi hạt sen sền sệt và cứng lại là được
Lá tre rửa sạch lau khô. Xoắn lá tre hình phễu có góc tam giác, dùng thìa súp múc 1 phần nếp cho vào trước, cho 1 ít nhân hạt sen để vào giữa và một phần nếp. Sau cùng xoay phần lá tre còn lại, ém chặt gói phần lá vào cho gọn, dùng dây lạt buộc, cố gắng kềm tay kẹp bánh để gói cho thật chặt bánh
Xâu bánh lại thành từng chùm để khi bánh chín vớt ra. Bắc nồi nước nóng trên bếp cho bánh vào luộc khoảng 2 tiếng là chín. Bánh chín vớt ra, rửa lại với nước lạnh, để ráo. Có thể ăn kèm với nước cốt dừa hoặc chấm đường cát trắng.
Mách nhỏ
Khi ngâm nếp cho nước tro tàu vào, nếp nấu ra sẽ sệt lại và trong bánh. Trong khi gói bánh mà phần nếp còn dư lại, có thể gói bánh không nhân để chấm với đường cát.
Theo VNE
Bình dị bánh rò xứ Quảng Tuy còn xa lạ với nhiều người, nhưng bánh rò là một đặc sản của người xứ Quảng, là thành phần không thể thiếu trong các ngày lễ tết hay giỗ chạp. Thành phần chính của bánh là nếp và đậu xanh, cách gói bánh cũng tương tự như cách gói bánh chưng nên bánh rò còn được xem như là một bản...