Câu hỏi tìm lời đáp
Nghị viện châu Âu vừa thông qua Hiệp ước châu Âu về tị nạn và di cư, với tiêu chí trọng tâm là “đoàn kết và trách nhiệm”, sự kiện được Thủ tướng Đức Olaf Scholz đánh giá là “lịch sử”.
Nhưng châu Âu đã tìm được giải pháp thực sự cho vấn đề di cư và thực hiện đúng với trách nhiệm của mình hay chưa vẫn là câu hỏi để ngỏ.
Người di cư tới đảo Lampedusa, Italy ngày 18/9/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Được Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen trình bày vào ngày 23/9/2020, hiệp ước trên là cuộc cải tổ lớn nhất các quy định về nhập cư và tị nạn của Liên minh châu Âu (EU) trong hơn một thập niên. Sau quá trình đàm phán kéo dài do vấn đề cực kỳ phức tạp, gây chia rẽ và các cuộc đàm phán mang tính chính trị hóa cao, hiệp ước đã được thông qua với đa số sít sao và chủ yếu nhờ vào số phiếu trắng của những nghị sĩ không đồng ý với văn bản nhưng muốn hiệp ước được thông qua.
Hiệp ước mới là một bộ gồm 10 công cụ (6 quy định, 3 khuyến nghị và một chỉ thị) được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát biên giới và tình đoàn kết trong việc tiếp nhận người di cư trên đất châu Âu, nhưng triết lý tổng thể vẫn là các quốc gia nhập cảnh chịu trách nhiệm về phần lớn việc tiếp nhận.
Cụ thể, Brussels dự định hành động dựa trên 3 yếu tố chính. Thứ nhất là xử lý nhanh hơn ở biên giới EU. Người di cư sẽ nhanh chóng biết được – trong vòng tối đa là 7 ngày – liệu họ có thể ở lại châu Âu hay phải rời đi, thông qua thủ tục “sàng lọc” khi nhập cảnh. Thứ hai là hợp tác chặt chẽ hơn với các nước xuất xứ và quá cảnh để hạn chế người di cư đến và chống lại các mạng lưới đưa người nhập cư trái phép.
Video đang HOT
Đặc biệt, EU đặt mục tiêu thay đổi cách thức xây dựng quan hệ đối tác di cư quốc tế với các nước bên ngoài và thiết lập một khuôn khổ tự nguyện hơn cho chính sách di cư lao động của châu Âu. Thứ ba là cơ chế đoàn kết mới linh hoạt hơn. Mỗi nước sẽ phải đóng góp vào cơ chế đoàn kết nhưng theo cách ít hạn chế hơn. Trong khi việc tái định cư (chuyển giao người xin tị nạn giữa các quốc gia thành viên EU) trước đây là bắt buộc thì giờ đây sẽ là tự nguyện. Họ có thể tiếp nhận người xin tị nạn, hay cung cấp tiền hoặc các nguồn lực khác cho các quốc gia “tiền tuyến” như Italy và Hy Lạp.
Trong hơn một thập niên trở lại đây, vấn đề di cư đã trở thành ưu tiên hàng đầu của tất cả các chính sách an ninh châu Âu, nhưng chưa được giải quyết do các quốc gia có tầm nhìn khác nhau. Cùng với đó, EU bị đánh giá là thiếu tầm nhìn xa và hành động vì mục tiêu bền vững, khi chỉ tập trung vào việc ngăn chặn người di cư, trong khi giải pháp căn cơ là tái định cư người di cư hầu như bị bỏ ngỏ. Chính sách di cư của châu Âu đang bị thách thức, khi dòng người di cư bất thường ồ ạt, với 46.000 người từ đầu năm 2024 đến nay và số đơn xin tị nạn kỷ lục, lên tới 1,14 triệu đơn đăng ký trong năm 2023, gây bất ổn nghiêm trọng cho sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên.
Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu kế hoạch tập thể mới có thể thay thế cho các phản ứng đơn độc của các quốc gia thành viên kéo dài hàng thập niên hay không. Đối với phe cực tả, những cải cách – bao gồm xây dựng các trung tâm biên giới để giam giữ những người xin tị nạn và đưa một số người ra các quốc gia “an toàn” bên ngoài, hay thỏa thuận của EU với các nước thứ ba nhằm kiểm soát dòng người di cư – là quá cứng rắn, không phù hợp với các giá trị châu Âu về lòng nhân ái và phẩm giá con người. Còn các nghị sĩ cực hữu phàn nàn rằng cuộc cải tổ đã không đi đủ xa để ngăn chặn những người nhập cư bất hợp pháp, những người mà họ cáo buộc đã gieo rắc sự bất an và đe dọa “nhấn chìm” bản sắc châu Âu.
Trong khi đó, các chuyên gia chỉ ra rằng hệ thống mới, mặc dù dựa trên trách nhiệm chung nhưng sẽ phức tạp hơn nhiều và không phải tất cả các quốc gia thành viên đều có xu hướng nỗ lực. Ví dụ, hiệp ước mới có các thỏa thuận mới về hạn ngạch chia sẻ gánh nặng, trong đó yêu cầu các chính phủ phải bồi thường tài chính cho các quốc gia tuyến đầu nếu họ từ chối nhận hạn ngạch. Nhưng Hungary và Ba Lan đã nhanh chóng tuyên bố sẽ không chấp nhận các quy tắc đoàn kết mới, trong khi các đảng cực hữu, cực tả và đảng xanh cũng như các tổ chức phi chính phủ đã cam kết – vì những lý do khác nhau – sẽ tiếp tục đấu tranh.
Điểm gây tranh cãi khác bao gồm các điều khoản cho phép người xin tị nạn được gửi đến các nước thứ ba “an toàn” để xử lý yêu cầu của họ, giống như thỏa thuận giữa Italy và Albania mới đây. Một điểm nữa là hiệp ước mới của EU chưa nêu được chi tiết về việc sẽ trục xuất người không đủ điều kiện xin tị nạn ra sao. EU thiếu các thỏa thuận trao trả người tị nạn với nhiều quốc gia và từng rất vất vả để thuyết phục một số quốc gia ở Trung Đông, châu Phi tiếp nhận người di cư bị trục xuất.
Thêm vào đó, kế hoạch chống nhập cư trái phép của khối vẫn chưa hoàn thành. Sau khi giải quyết được phần ngọn, các nhà lãnh đạo EU muốn tăng cường nỗ lực hoàn tất các thỏa thuận với các quốc gia láng giềng ở Bắc Phi và Trung Đông để cùng giải quyết các nguyên nhân cốt lõi của việc di cư.
Tuy nhiên, mọi việc còn tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới. Cho đến nay, EU đã ký kết các thỏa thuận với Tunisia, Mauritania và Ai Cập, liên quan đến những khoản tiền lớn để giúp các nước kiểm soát dòng di cư.
Thực tế thì việc EU đạt được thỏa thuận về một vấn đề đặc biệt nhạy cảm như di cư đã được xem là một thành công, nhất là trong bối cảnh Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) mới đây cảnh báo hành trình vượt biển từ Libya hoặc Tunisia qua Địa Trung Hải để đến châu Âu là tuyến đường di cư nguy hiểm nhất trên thế giới. Theo IOM, năm 2023 là năm nguy hiểm nhất đối với người di cư trong thập niên vừa qua khi có tới 8.541 người thiệt mạng, một phần do số người chết đuối ở Địa Trung Hải tăng mạnh.
Về lý thuyết, với hiệp ước mới, EU giờ đây sẽ phân bổ gánh nặng người nhập cư cho 27 quốc gia thành viên, buộc các quốc gia thành viên khác phải có nghĩa vụ giúp đỡ những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất từ làn sóng di cư. Hiệp ước đưa ra những quy tắc thuận lợi cho nhập cư hợp pháp, dùng nhập cư hợp pháp để chống lại nạn đưa người. Tuy nhiên, các quy định mới sẽ bắt đầu được áp dụng từ năm 2026, sau khi EC đặt ra cách thức thực hiện hiệp ước trong những tháng tới.
27 nước thành viên EU sẽ có 2 năm để đưa ra những thay đổi tương ứng trong luật pháp quốc gia của mình. Người ta vẫn cần chờ xem, liệu EU có thể cùng nhau vượt qua thách thức chung, chủ động quyết định ai sẽ đến EU và trong hoàn cảnh nào, đồng thời bảo đảm việc quản lý biên giới và các quyền cơ bản của người di cư hay không.
Đức tiếp nhận lại người tị nạn từ Italy
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong bối cảnh người tị nạn tiếp tục đổ tới đảo Lampedusa của Italy ở Địa Trung Hải, ngày 16/9, Chính phủ Đức thông báo kế hoạch nối lại việc tiếp nhận người tị nạn từ Italy, chỉ vài ngày sau khi Berlin tạm đình chỉ hoạt động này.
Hòn đảo nhỏ Lampedusa của Italy đang phải gồng mình đón nhận lượng người di cư, chủ yếu đến từ các nước Bắc Phi, lên tới 7.000 người, gần bằng dân số của đảo, ngày 15/9/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trước đó, Đức đã tạm đình chỉ quy trình tiếp nhận tự động người tị nạn do Italy không tuân thủ các thủ tục theo Hiệp ước Dublin của Liên minh châu Âu (EU), trong đó quy định người xin tị nạn phải nộp đăng ký tại quốc gia EU đầu tiên mà họ nhập cảnh. Các trường hợp có ý định đăng ký tị nạn ở một quốc gia khác đều có thể bị đưa trở lại nước đầu tiên tiếp nhận.
Theo chương trình tự nguyện tiếp nhận người tị nạn nhằm thể hiện tình đoàn kết của EU, Đức cam kết tiếp nhận 3.500 người tị nạn từ các quốc gia đặc biệt gặp khó khăn ở biên giới phía Nam châu Âu, trong đó có Italy.
Cho đến nay, khoảng 1.700 trường hợp (trong đó có trên 1.000 trường hợp từ Italy) đã được Đức tiếp nhận thông qua cái gọi là "cơ chế đoàn kết tự nguyện" của châu Âu để người di cư có thể hoàn tất thủ tục đăng ký tị nạn ở Đức. Ngày 13/9 vừa qua, Bộ Nội vụ Đức thông báo tạm dừng việc tiếp nhận theo cơ chế này do các quy định liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn theo thoả thuận Dublin không được tuân thủ. Cụ thể, Italy "nhiều lúc" ngừng tiếp nhận trở lại người tị nạn từ Đức theo quy định Dublin. Theo người phát ngôn Chính phủ Đức, đã có trên 12.400 trường hợp ở diện phải được đưa trở lại Italy, song cho tới nay mới chỉ có 10 người được xử lý.
Trong bối cảnh mỗi ngày có hàng nghìn người tị nạn tới Lampedusa những ngày qua, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã mời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tới thăm thực tế hòn đảo ở Địa Trung Hải này để người đứng đầu EC có thể hiểu rõ tình hình nghiêm trọng mà Italy đang phải đối mặt. Bà kêu gọi EU giúp ngăn chặn người di cư vượt Địa Trung Hải từ Bắc Phi và nếu cần thiết có thể triển khai hải quân để ngăn chặn các tàu thuyền của người di cư trái phép. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Italy, từ đầu năm đến ngày 15/9 vừa qua, đã có khoảng 127.200 người di cư đến Italy bằng thuyền, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 66.200 người).
Vấn đề người di cư: 9 người bị thiệt mạng ngoài khơi Italy Ngày 11/4, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy thông báo đã phát hiện thi thể của 9 người di cư, trong đó có 1 trẻ em, sau khi tàu chở họ bị chìm ở phía Đông Bắc đảo Lampedusa của nước này. 22 người trên tàu này đã được cứu. Lực lượng bảo vệ bờ biển Italy chuyển thi thể người di...