Câu hỏi ngỏ về tương lai “Thế kỷ Mỹ” dưới sự lãnh đạo của ông Donal Trump
Hệ thống trật tự quốc tế được Mỹ kiến tạo sau Thế chiến II – được gọi là “Thế kỷ Mỹ” – đang đối mặt với những thay đổi lớn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump bước vào nhiệm kỳ thứ hai.
Ông Donald Trump tại Des Moines, Iowa, Mỹ Ảnh: AFP/TTXVN
Với các chính sách táo bạo và định hướng khác biệt, chính quyền ông Trump đang tái cấu trúc các nền tảng từng đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong hơn tám thập kỷ qua.
Khái niệm “Thế kỷ Mỹ” lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 1941 bởi Henry Luce, nhà sáng lập tạp chí Time và Life. Ông kêu gọi Mỹ dẫn dắt toàn cầu, truyền bá các giá trị tự do, dân chủ và kinh tế thị trường. Sau Thế chiến II, Mỹ đã hiện thực hóa tầm nhìn này thông qua các chính sách kinh tế và quân sự mang tầm chiến lược – tiêu biểu là Kế hoạch Marshall nhằm tái thiết châu Âu và việc thành lập NATO để bảo vệ an ninh cho các đồng minh. Vai trò lãnh đạo đó không chỉ định hình trật tự thế giới mà còn củng cố vị thế siêu cường của Mỹ, mang lại sự thịnh vượng cho nhiều khu vực.
Tuy nhiên, chiến thắng thứ hai của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn. Không chỉ đơn thuần là sự trở lại chính trường, các chương trình nghị sự của ông tập trung vào các chính sách bảo hộ, rút khỏi cam kết quốc tế và tái định hình các liên minh toàn cầu. Những cam kết quan trọng như duy trì vai trò trung tâm trong NATO hay các hiệp định thương mại đa phương đang bị xem xét lại. Thay vào đó, chính quyền ông Trump ưu tiên lợi ích cốt lõi của Mỹ, tập trung vào các mục tiêu nội tại và điều chỉnh trật tự quốc tế mà Mỹ đã gắn bó trong nhiều thập kỷ qua. Những động thái này khiến nhiều người cho rằng “Thế kỷ Mỹ” đang dần nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới, nơi vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ không còn như trước.
Những lựa chọn nhân sự của ông Trump trong nhiệm kỳ mới đã làm nổi bật định hướng chính sách đầy tranh cãi. Bà Tulsi Gabbard – người được biết đến với quan điểm thân Nga và chính quyền Syria, được đề cử làm Giám đốc Tình báo Quốc gia, gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Quyết định này cho thấy chính quyền Trump có thể áp dụng cách tiếp cận khác biệt trong đối phó với các đối thủ chiến lược và định hình lại quan hệ quốc tế.
Video đang HOT
Ông Howard Lutnick – một nhà tài chính nổi tiếng và là người ủng hộ mạnh mẽ chính sách thuế quan bảo hộ, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại. Đây là một tín hiệu rõ ràng rằng chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục ưu tiên bảo vệ lợi ích kinh tế quốc gia, thậm chí chấp nhận điều chỉnh mạnh mẽ quan hệ thương mại quốc tế.
Về y tế, ông Robert F. Kennedy Jr. – cháu trai cố Tổng thống John F. Kennedy và người nổi tiếng với quan điểm hoài nghi về vaccine, được giao giữ chức Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh. Sự bổ nhiệm này dự báo những thay đổi lớn trong chính sách y tế, đặc biệt liên quan đến vaccine và sức khỏe cộng đồng.
Những quyết định nhân sự này không chỉ phản ánh cách tiếp cận khác biệt của chính quyền ông Trump đối với các vấn đề quốc gia và quốc tế mà còn hé lộ một cấu trúc chính sách mới. Với đội ngũ lãnh đạo mang quan điểm mạnh mẽ và không ngại đối đầu, nhiệm kỳ hai của ông Trump đang định hình lại vai trò của Mỹ trên trường quốc tế cũng như trong các vấn đề nội địa.
Vai trò của Mỹ như một “người bảo hộ” toàn cầu sau Thế chiến II đã duy trì hòa bình và ổn định khu vực, nhưng giờ đây đứng trước nguy cơ bị suy giảm. Chính sách nhập cư từng giúp Mỹ thu hút nhân tài và củng cố sức mạnh kinh tế cũng đang đối mặt với các hạn chế nghiêm ngặt hơn từ chính quyền mới của ông Trump.
Mặc dù các chính sách mới có thể mang lại lợi ích ngắn hạn nhưng chúng tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ trật tự quốc tế và tạo ra khoảng trống quyền lực. Những đối thủ như Trung Quốc và Nga có thể tận dụng cơ hội này để gia tăng ảnh hưởng, từ đó thay đổi cán cân quyền lực toàn cầu.
Liệu Mỹ có thể duy trì vai trò lãnh đạo toàn cầu hay sẽ rút lui vào vị trí ít ảnh hưởng hơn? Với gần 50% cử tri Mỹ ủng hộ chương trình nghị sự của ông Trump, điều này phản ánh mong muốn của một bộ phận lớn người dân về một nước Mỹ tập trung vào lợi ích nội tại. Tuy nhiên, nếu “Thế kỷ Mỹ” thực sự kết thúc, thế giới sẽ đi về đâu và Mỹ sẽ tìm được vị trí nào trong một trật tự quốc tế mới? Đây không chỉ là câu hỏi dành riêng cho nước Mỹ mà còn là mối quan tâm chung của toàn cầu khi đối mặt với những biến động khó lường.
Tương lai thuế quan Mỹ với thế giới
Việc ông Trump vẫn cam kết áp dụng thuế quan như trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiềm tàng của các biện pháp này đối với kinh tế Mỹ và nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả các nền kinh tế ở châu Á vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại.
Gần đây nhất, khi đề cử Howard Lutnick làm bộ trưởng thương mại để lãnh đạo "Chương trình nghị sự về Thuế quan và Thương mại của Mỹ", ông Trump đã biến nhà tài chính tỷ phú này trở thành một trong những nhà hoạch định chính sách kinh tế quan trọng nhất thế giới.
Ông Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Grand Rapids, bang Michigan.
Theo Đạo luật Mở rộng thương mại (TEA), Bộ trưởng Thương mại Mỹ có thẩm quyền áp dụng thuế quan theo "Mục 232" để kiểm soát hàng nhập khẩu vì lý do "an ninh quốc gia". Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, vào năm 2018, ông Trump đã áp đặt thuế quan đối với thép và nhôm nhập khẩu theo điều khoản này. Chính sách thuế quan này của ông Trump đã được chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục triển khai nhưng bảo vệ không thành công trong một vụ kiện tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong thông báo đề cử Lutnick làm Bộ trưởng Thương mại, ông Trump lưu ý rằng Lutnick sẽ lãnh đạo đường lối chính sách về thuế quan và thương mại, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp đối với Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, cơ quan đàm phán các thỏa thuận thương mại, mặc dù vẫn chưa rõ ai sẽ đảm nhiệm chức vụ Đại diện thương mại Mỹ.
Nhiều người hy vọng rằng việc đề cử Lutnick vào chức Bộ trưởng Thương mại Mỹ có thể báo hiệu một số khoảng trống trong lời hứa về thuế quan toàn diện mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Với tư cách là người đại diện cho chiến dịch tranh cử của ông Trump, Lutnick đã cố trấn an các doanh nghiệp Mỹ rằng thuế quan chủ yếu sẽ được sử dụng như chiến thuật đàm phán và được áp dụng một cách có chọn lọc. Các công ty của Lutnick cũng có quan hệ kinh doanh tại Trung Quốc, những mối quan hệ này chắc chắn sẽ gây trở ngại cho quá trình đề cử ông.
Về phần mình, Tổng thống đắc cử Donald Trump chưa bao giờ đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy thuế quan là một chiến thuật đàm phán, và có khả năng về vấn đề thuế quan cụ thể, căng thẳng giữa bản năng chính sách và chủ nghĩa thực dụng tương đối của một số thành viên trong chính quyền của ông sẽ là một đặc điểm chính trong nhiệm kỳ thứ hai giống như nhiệm kỳ đầu tiên.
Ngay cả mức thuế quan mà ông Trump áp đặt trong nhiệm kỳ đầu cũng tương đối khiêm tốn so với mức thuế quan ông đang hứa hẹn hiện nay, mặc dù quy mô và phạm vi của các biện pháp thuế quan mà Mỹ ban hành vào năm 2018 là chưa từng có. Những mức thuế quan đó dự kiến sẽ làm giảm GDP của Mỹ trong dài hạn ở mức 0,22% (55,7 tỷ USD), giảm 0,14% tiền lương và làm mất 173.000 việc làm toàn thời gian. Trong khi đó, việc áp thuế này thậm chí không giải quyết được thâm hụt thương mại của Mỹ vì việc áp thuế đối với hàng hóa của một quốc gia không những sẽ làm giảm nhu cầu đối với những hàng hóa mà về cơ bản làm mất giá đồng tiền của nhà xuất khẩu nước ngoài và làm tăng giá đồng tiền của quốc gia áp thuế. Do vậy, đồng USD tăng giá dưới thời ông Trump khiến hàng xuất khẩu của Mỹ trở nên kém cạnh tranh hơn.
Việc ông Trump áp thuế cao sẽ tác động trực tiếp đến giá cả tại Mỹ và các đối tác thương mại. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu chi phí cao hơn khi nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài bị đánh thuế mạnh. Nhiều doanh nghiệp cũng sẽ phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đối phó với các thay đổi trong chuỗi cung ứng.
Một yếu tố quan trọng trong chiến lược thương mại của ông Trump là làm suy yếu vị thế của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu. Chính quyền Trump 2.0 có thể sẽ xây dựng một hệ thống thương mại dựa trên các đồng minh chiến lược như G7, Australia và Hàn Quốc, trong khi "cô lập" Trung Quốc khỏi các chuỗi cung ứng quốc tế.
Tuy nhiên, chính sách thương mại của ông Trump vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn. Mức thuế chính xác mà chính quyền Trump 2.0 sẽ áp dụng vẫn chưa rõ ràng. Ông Trump đã đề xuất các mức thuế khác nhau, từ 10% đến 60% đối với Trung Quốc, và thậm chí đã nhắc đến mức thuế lên tới 200% trong một số trường hợp. Ngoài ra, việc ông sẵn sàng đàm phán đến mức nào để đổi lấy các nhượng bộ từ các đối tác thương mại vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
Robert Lighthizer, người đứng sau chiến lược thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu và hiện vẫn là một cố vấn có ảnh hưởng, cho rằng mục tiêu cuối cùng của thuế quan là "xóa bỏ thâm hụt thương mại của Mỹ". Điều này có thể đồng nghĩa với việc thuế quan cao sẽ tồn tại trong một thời gian dài, ngay cả khi các nước khác sẵn sàng nhượng bộ.
Tóm lại, với việc giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua và thực hiện những gì ông đã đề xuất, hệ thống thương mại toàn cầu sẽ bước vào một giai đoạn đầy biến động. Các mức thuế cao hơn sẽ gây ra áp lực lên người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ, đồng thời có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện. Tuy nhiên, với khả năng đàm phán và linh hoạt trong chính sách, ông Trump cũng có thể định hình lại hệ thống thương mại quốc tế theo hướng có lợi cho Mỹ và các đồng minh, đồng thời cô lập Trung Quốc. Điều này sẽ tạo ra một trật tự thương mại mới, khác biệt so với mô hình tự do thương mại từng thống trị trong những thập kỷ qua
Dự báo khó khăn cho Trung Quốc từ 'bộ sậu' kinh tế đối ngoại của ông Trump Đến nay, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã hoàn thiện các chọn lựa cho vị trí Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh quốc gia, Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Tài chính - vốn được xem là bộ khung quan trọng cho chính sách ngoại thương của Nhà Trắng trong 4 năm sắp tới. Cụ thể, sau khi chọn Thượng...