Cậu học trò nghèo và mấy dây bầu
Nhà tôi nghèo lắm, ở thành thị mà chẳng biết đến ánh đèn điện, vẫn tranh tre như ở quê. Mẹ mua gánh bán bưng độ nhật qua ngày, nên chuyện học hành là cả một cuộc vật lộn ghê gớm. Tôi thường đói lòng đến lớp, và triền miên làm đơn xin miễn giảm học phí, cho dù khi ấy mức đóng góp chẳng là bao.
Thui thủi học rồi về, chẳng có được mấy người bạn. Quần áo cũ mèm, tập vở thiếu thốn. Cái nghèo của hơn 20 năm trước thật khó diễn tả. Nhưng tôi rất cố gắng học, và có kết quả tốt. Trường phổ thông cơ sở của thị trấn rêu phong được xây dựng từ thời thuộc Pháp, tường vách bong tróc. Các dãy phòng học chắn ba phía, dãy nhà tập thể cho giáo viên mới dựng sau ngày giải phóng rất cho đơn sơ, cũng tranh tre nứa lá như nhà của tôi thôi.
Cô hiệu trưởng ở phòng đầu tiên của dãy nhà tập thể, một cái phòng bé xíu. Cô nghiêm nghị, mảnh khảnh, có phần khắc khổ. Cô đến từ miệt sông Tiền, gắn bó với ngôi trường miền cuối đất này đã khá lâu. Cái nghèo, cái khổ, sự cố gắng của tôi đã được cô chú ý. Cô âm thầm quan sát và hỗ trợ bằng tấm lòng nhạy cảm của một người mẹ, người chị. Cô cho tôi mượn sách, nhờ đó mà tôi được đọc rất nhiều. Hàng loạt tác phẩm kinh điển đã được tôi nghiền ngẫm trong thời gian đó, và đấy thực sự là một cái vốn văn hóa cần thiết cho một học trò nghèo. Tôi vẫn nhớ như in những quyển sách cô cho mượn khi ấy: Những người khốn khổ, Không gia đình, Sông Đông êm đềm, Ngõ hẻm dưới ánh trăng, Thép đã tôi thế đấy…
Cạnh nhà kho thiết bị, cô trồng mấy dây bầu. Sức sống của loại thực vật này khiến tôi kinh ngạc: bức tường nóng như thế, trơn tru như thế, mà dây bầu vẫn sống vẫn leo tít lên cao, lá to và xanh trông vô cùng khỏe khoắn. Cô tưới nước thường xuyên, và tôi nhớ là cô tưới nhiều lắm. Tôi cũng giúp cô tưới. Dây bầu to gần bằng cổ tay tôi, gân guốc. Trái thì nhiều đến khó tin, và to nữa. Mấy dây bầu bò trên tường đủ cho cô dùng suốt năm.
Cô không có gia đình riêng, cho dù cô khá xinh đẹp và đứng tuổi. Nơi chôn nhau cắt rốn thì rất xa, và cô cứ sống như thế với công việc quản lý một trường học, chăm sóc ngôi nhà tranh nhỏ xíu và tất nhiên là cả mấy dây bầu. Tất cả chỉ có thế.
Những quyển sách văn chương của cô hiệu trưởng đã nuôi tình yêu văn học trong tôi. Ngoài ra, đấy còn là sự chăm sóc một học sinh nghèo hiếu học, theo cách của cô. Ngày tôi vào đội tuyển học sinh giỏi văn dự thi vòng tỉnh, cô rất vui, cho dù chẳng nói gì. Khi ấy, chuyện học trò nghèo nhất trường là tôi được lên tỉnh thi học sinh giỏi là cả một sự kiện.
Video đang HOT
Đến mãi sau này, khi đã xa cô rồi, nhớ lại mấy dây bầu mà cô và tôi âm thầm vun tưới. Ngẫm nghĩ mãi, tôi vỡ ra: hay đấy là thông điệp mà cô muốn tôi mang vào đời: “Dù khó khổ đến đâu, nghị lực mạnh mẽ sẽ giúp ta vươn lên, ra hoa kết trái như mấy dây bầu đã kiên cường làm được”. Thực ra, so sánh thân phận tôi với mấy dây bầu kia cũng khá tương đồng.
Không biết giờ cô đang ở đâu, đã yên bề gia thất chưa, và chắc là vẫn nhớ nhiều về ngôi trường cấp II ngày ấy, cả mấy dây bầu và cậu học trò nghèo rớt mồng tơi mà cô coi như một đứa con, một đứa em.
Viết những dòng này gửi đến cô, như những lời tri ân tận đáy lòng. Mong cô, dù ở đâu, cũng luôn được bình an, hạnh phúc. Cô đáng được như thế, thưa cô!
Theo người lao động
Không có cú hích ấy, tôi sẽ ra sao?
Mới đó mà đã hơn ba mươi lăm năm, cậu học trò lớp 8E (như lớp 10 bây giờ) năm học 1976-1977 của trường cấp 3 Đức Thọ (Hà Tĩnh) bây giờ đã 50 tuổi, là một cán bộ quản lý giáo dục ở Tây Nguyên.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm thời học trò. Nhưng nhớ nhất là giờ trả bài tập làm văn của cô Minh. Bài văn ấy có đề ra là "Em hãy kể lại chuyện cây khế". Giờ trả bài hôm đó, nhờ có cô mà tôi từ một học sinh chỉ học khá các môn tự nhiên nhưng học kém về môn văn, chán học môn văn đã trở thành một học sinh học khá môn văn và yêu thích môn văn.
Với gần 50 học sinh trong lớp 8E mà cô nhớ đến từng lỗi trong bài tập làm văn của từng người, dù đó là lỗi nhỏ nhất. Nhờ vậy mà ai cũng cố gắng học để cô vui lòng. Sửa xong lỗi cô ôn tồn:
- Cao điểm nhất bài tập làm văn hôm nay là điểm 8. Cô mong lần sau em sẽ phát huy kết quả này.
Cả lớp hồi hộp không biết điểm 8 là của ai. Còn tôi thì không bao giờ nghĩ đến mình được điểm 8. Chỉ cần nằm trong số không bị nêu tên mắc lỗi là tốt lắm rồi. Nhưng từ trên bục giảng giọng cô nhẹ nhàng động viên:
- Bài điểm 8 là của bạn Thạch, bài viết rõ ràng mạch lạc. Kể chuyện hấp dẫn... Chữ viết còn chưa đẹp (cô không dùng từ chữ xấu - dù chữ tôi rất xấu), em phải cố gắng luyện thêm về chữ viết.
Lúc đó, tôi thực sự sung sướng, có pha lẫn chút tự hào. Và từ đó về sau, tôi rất cố gắng học văn và yêu thích môn văn, trở thành học sinh học khá môn văn.
Tôi vẫn thường nghĩ lại "cú hích" ấy. Nếu như ngày đó, không có điểm 8 cao nhất lớp ấy, đặc biệt là không có những lời khen ngợi động viên kịp thời của cô thì chắc là tôi vẫn mãi mãi là một học sinh học yếu môn văn.
Có thể đối với cô, giờ văn đó là bình thường như mọi giờ văn khác và cô cũng không nhớ. Nhưng đối với tôi đó là một bước ngoặt lớn trong sự tiến bộ về môn văn của mình. Đó vẫn là kỷ niệm không bao giờ quên đối với tôi, đồng hành cùng tôi trên bước đường học hành, công tác.
Khi trở thành thầy giáo và bây giờ là cán bộ quản lý giáo dục cấp huyện, tôi vẫn thường lấy đó làm kinh nghiệm sư phạm cho mình trong các giờ lên lớp, đặc biệt là các giờ trả bài kiểm tra. Tôi cũng thường xuyên tâm sự với các bạn đồng nghiệp về bài học ấy.
Tôi biết sau đó vài năm cô tiếp tục dạy văn cho các thế hệ học sinh ở Trường THPT Nguyễn Du (Huyện Nghi Xuân - Hà Tĩnh) và đã có nhiều thế hệ học sinh thành đạt.
Tôi viết những dòng này, ghi lại một kỷ niệm và cũng là cảm ơn cô đã cho tôi một động lực học tốt môn văn. Đồng thời cho chúng tôi, những người đang tiếp bước của cô làm công tác giáo dục thế hệ trẻ, một kinh nghiệm sư phạm quý giá.
Chúc cô mạnh khỏe hạnh phúc.
Theo người lao động
Có một con đường cần phải đi Bước ra từ tòa soạn báo, tôi vui mừng muốn hét lên. Tôi đã được nhận kiến tập tại cơ quan báo mà tôi thích. Tôi muốn chia sẻ niềm vui và gửi lời cảm ơn đến mọi người thân, bạn bè của tôi. Đặc biệt, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến cô, người đã cho tôi động lực để đi trên...