Câu chuyện về lần duy nhất cờ Mỹ treo tại Điện Kremlin
Trong lịch sử tính đến nay, mới chỉ có một lần duy nhất cờ Mỹ phấp phới bay tại Điện Kremlin. Vào năm 1972, lãnh đạo Liên Xô khi đó đã chỉ thị treo quốc kỳ Mỹ tại Điện Kremlin trong 9 ngày.
Các lãnh đạo Liên Xô đón tiếp Tổng thống Mỹ Richard Nixon cùng Đệ nhất phu nhân Pat tại sân bay quốc tế Vnukovo. Ảnh: TASS
Tờ Russia Beyond (Nga) cho biết vào tháng 5/1972, một sự kiện đột phá diễn ra, tạm thời giúp giảm căng thẳng trong quan hệ Washington- Moskva. Đó là sự kiện đánh dấu mốc lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đến thăm chính thức Liên Xô.
Đây là kết quả của nhiều diễn biến đáng chú ý trong 5 năm trước đó. Tháng 1/1967, Mỹ và Liên Xô thống nhất hợp tác với dự án vũ trụ Soyuz-Apollo. Đến tháng 6 cùng năm, Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin đến thăm Mỹ. Tháng 12/1967, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô thành lập Viện nghiên cứu Canada và Mỹ. Năm 1969, Liên Xô và Mỹ đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược ở Helsinki (Phần Lan). Tháng 9/1971, đường dây nóng giữa Điện Kremlin và Nhà Trắng được thiết lập. Thời điểm này, Mỹ và Liên Xô cho rằng cuộc đua vũ khí hạt nhân cần chấm dứt và hai bên nên xây dựng cầu nối quan hệ.
Tiếp đó là chuyến thăm chính thức của Tổng thống Mỹ khi đó Richard Nixon đến Liên Xô dự kiến vào ngày 22/5/1972. Thủ tướng Kosygin và Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev đã đón tiếp Tổng thống Nixon tại sân bay Vnukovo.
Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Tổng bí thư Leonid Brezhnev ký thỏa thuận vào ngày 26/5/1972. Ảnh: Getty Images
Phía Liên Xô đã dành quan tâm đến cả những chi tiết nhỏ nhất để chuẩn bị cho sự kiện này. Tại sân bay, ngoài lực lượng đón tiếp theo đúng nguyên tắc ngoại giao, còn có sự hiện diện đông đảo của thanh niên Liên Xô vẫy quốc kỳ của hai quốc gia. Từ sân bay, đoàn xe đưa Tổng thống Nixon đến thẳng Điện Kremlin nơi lần đầu tiên trong lịch sử đã treo quốc kỳ Mỹ.
Tổng thống Richard Nixon dành 9 ngày lại Liên Xô và chuyến thăm này đã gặt hái được nhiều kết quả. Ngày 29/5, Tổng bí thư Brezhnev và Tổng thống Nixon đã ký kết 8 văn kiện quan trọng, bao gồm Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo, Hiệp ước Hạn chế vũ khí chiến lược SALT-1 và thỏa thuận song phương về hợp tác khoa học, vũ trụ, y dược và bảo vệ môi trường.
Cũng sau chuyến thăm này, chính phủ Liên Xô đồng ý để Pepsi xây một nhà máy gần Sochi, đổi lại công ty này được quyền bán Stolichnaya vodka tại Mỹ.
Bitcoin là cơ hội làm giàu hay bong bóng khổng lồ?
Bitcoin là chủ đề gây tranh cãi với nhiều cảm xúc khác nhau. Điều đó đã khiến tôi hoài nghi. Những cảm xúc này thường gây bất lợi khi đầu tư.
* Tiến sĩ Rainer Zitelmann là một nhà sử học, doanh nhân và tác giả sách, đồng thời là chuyên gia về kinh tế thị trường và tư vấn đầu tư. Ông đã xuất bản 24 cuốn sách về các chủ đề lịch sử, kinh tế thị trường, đầu tư và tinh thần nghiệp chủ. Cuốn sách Dare to be different and grow rich của ông là một bestseller quốc tế.
Với Bitcoin, nó không chỉ là cảm xúc, đôi khi người ta còn có cảm giác là họ đang tranh cãi như tôn thờ một tôn giáo. Dường như người ta rất ít khi để ý đến những ý kiến trái chiều và những phân tích có phần cẩn trọng. Tuy nhiên, hãy để tôi thử phân tích ở đây.
Những người ủng hộ Bitcoin thường là những người chỉ trích hệ thống tiền tệ đang thịnh hành hiện nay. Họ gọi hệ thống này bằng những tên gọi như "hệ thống tiền giấy" hoặc "tiền pháp định". "Tiền pháp định" là loại tiền "không có giá trị vật chất", thiếu sự bảo chứng bằng tài sản thực, ví dụ như vàng.
Video đang HOT
Nó là tiền từ "hư không", chỉ xuất hiện trên cơ sở các quyết định của cơ quan lập pháp. Loại tiền này được bảo đảm chấp nhận lưu thông nhờ vào các quy định pháp luật. Vào ngày 15/08/1971, Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng đồng USD từ nay sẽ tạm thời không thể chuyển đổi sang vàng nữa.
Từ trạng thái "tạm thời", nó đã trở thành một trạng thái vĩnh viễn. Kể từ đó, tất cả các loại tiền trên thế giới đều là tiền giấy không thể chuyển đổi.
Giá Bitcoin đang dao động ở mức trên 58.300 USD/đồng. Ảnh: Coin Desk .
Quan điểm không mới mẻ
Thực tế, việc phê phán "tiền pháp định" trở thành chủ đề được quan tâm ngày nay là do chính sách của các ngân hàng trung ương ngày càng trở nên mạo hiểm hơn, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Nguồn cung tiền không ngừng mở rộng, và ngày càng nhiều tiền được in ra.
Nhiều trái phiếu chính phủ, ví dụ như ở Đức, đã có lãi suất âm, tức là nhà đầu tư không nhận được tiền từ chính phủ, mà phải trả thêm tiền cho chính phủ khi mua trái phiếu chính phủ. Các nhà phê bình lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến lạm phát hoặc thậm chí là siêu lạm phát.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có tình trạng lạm phát giá cả hàng hóa, mặc dù điều này đã được cảnh báo kể từ năm 2008. Mặc dù vậy, đã có tình trạng tăng giá đối với tất cả các loại tài sản, đặc biệt là trái phiếu chính phủ, bất động sản và cổ phiếu.
Những người chỉ trích chính sách này lo sợ rằng điều này sẽ không mang đến kết thúc tốt đẹp. Vì thế, một số người đã mua vàng để đảm bảo an toàn hơn trong trường hợp này.
Tất cả những điều này có liên quan gì đến Bitcoin và "tiền kỹ thuật số"? Vấn đề chỉ trích tiền pháp định không phải là mới. Gần nửa thế kỷ trước, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel Friedrich August von Hayek đã chỉ trích hệ thống tiền giấy và năm 1975, trong bài trình bày của mình về chủ đề Lựa chọn tiền tệ , ông đề xuất bãi bỏ chế độ độc quyền tiền tệ của nhà nước.
Bitcoin không phù hợp làm phương tiện thanh toán. Ảnh: Reuters .
Sau đó một năm, trong hai ấn phẩm Lựa chọn tiền tệ tự do và Phi quốc gia hóa tiền tệ , ông kêu gọi mọi người nên có tự do trong việc cung cấp các loại hàng hóa mà có thể được coi là tiền tệ. Nhà nước không nên độc quyền trong việc tạo ra tiền, mà mỗi cá nhân đều nên được phép cung cấp tiền. Giống như thông lệ trong nền kinh tế thị trường, trong cạnh tranh thì cái gì tốt hơn sẽ chiến thắng.
Những người ủng hộ Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác coi đây là cách triển khai thực tế ý tưởng tiền cá nhân của Hayek. Tuy nhiên, Bitcoin có thực sự là một loại tiền tệ không? Tiền, các loại tiền tệ, có các chức năng khác nhau, bao gồm cả chức năng lưu trữ giá trị và làm phương tiện thanh toán.
Bitcoin không phù hợp đối với cả hai mục đích này. Do sự biến động lớn về giá trị, Bitcoin hoàn toàn không phù hợp làm phương tiện lưu trữ giá trị. Và rất hiếm có các trường hợp mà Bitcoin được chấp nhận làm phương tiện thanh toán.
Phương tiện đầu cơ
Loại tiền này đóng một vai trò nhất định trong lĩnh vực tội phạm có tổ chức, nhưng không có vai trò gì trong giao dịch thanh toán thông thường. Mới đây, mặc dù Elon Musk tuyên bố chấp nhận cho phép sử dụng Bitcoin để thanh toán xe ô tô Tesla, nhưng điều này có thực sự được triển khai hay không, vẫn còn phải chờ xem.
Đối với phần lớn nhà đầu tư vào tiền kỹ thuật số, thì những loại tiền này chủ yếu là một đối tượng để đầu cơ. Họ mua loại tiền kỹ thuật số này vì họ muốn đầu cơ kiếm lợi nhuận cao, mức lợi nhuận này đã từng đạt được trong quá khứ.
Ai tham gia vào đúng thời điểm thì có thể làm giàu lên gấp nhiều lần. Tuy nhiên, lợi nhuận cao từ tiền kỹ thuật số không phải là cơ sở để khẳng định rằng đây là một khoản đầu tư cần xem xét. Kể cả trong sòng bạc, người ta có thể kiếm được lợi nhuận rất lớn, tuy nhiên không có bất cứ ai gọi việc đặt cược trong sòng bạc là một khoản đầu tư.
Những người chỉ trích Bitcoin chỉ ra các bong bóng đầu cơ đã tồn tại trong nhiều thế kỷ và cuối cùng thì chúng đã vỡ. Người ta nhớ đến "Cơn cuồng củ hoa tulip" vào thế kỷ 17 ở Hà Lan, khi những củ tulip đặc biệt trở thành đối tượng để đầu cơ.
Đôi khi, người ta trả giá cho một củ tulip ngang bằng với những ngôi nhà đắt đỏ nhất Amsterdam. Giống như tất cả các loại bong bóng, bong bóng này cuối cùng cũng đã vỡ và đây cũng chính là lo ngại của những người chỉ trích Bitcoin.
Tỷ phú Elon Musk cho biết hãng xe điện Tesla chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin, nhưng việc triển khai vẫn là một dấu hỏi. Ảnh: Getty Images .
Tuy nhiên cần phải nói rằng những khoản đầu tư vững chắc có thể trở thành đối tượng để đầu cơ, giống như cổ phiếu hoặc bất động sản. Xin nhắc lại ở đây hiện tượng tăng giá nhà ở Mỹ, tăng gấp nhiều lần từ đầu những năm 2000 ở nhiều thành phố tại Mỹ, trước khi bong bóng này vỡ.
Sự thổi phồng "Nền kinh tế mới" trên thị trường cổ phiếu vào cuối thập niên 1990 cũng là một ví dụ điển hình cho loại bong bóng này. Thực tế hình thành bong bóng ở một loại đầu tư không phải là bằng chứng về cơ bản phản đối hình thức đầu tư này.
Nhưng tôi sẽ luôn cẩn thận, khi một thứ gì đó "đang là mốt" và nhiều người bảo nhau nên đầu tư vào nó. Tôi luôn có sự cảnh giác. Tôi làm giàu bằng cách không bao giờ làm thứ gì đó theo "mốt", mà bằng cách đầu tư vào những tài sản mà nhiều người khác lắc đầu.
Không thể vừa là đối tượng đầu cơ, vừa là phương tiện thanh toán
Và sau đó khi việc đầu tư vào những tài sản này trở thành "mốt" thì tôi bán tài sản đó, ví dụ như việc tôi đầu tư vào bất động sản ở Berlin (Đức) quê tôi. Người đầu tư vào những thứ đang "mốt", trước tiên là không có tầm nhìn đầu tư dài hạn và cần có may mắn. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tin vào may mắn của mình để đầu tư.
Liên quan đến tiền kỹ thuật số, chuyên gia thị trường tài chính Đức Gerd Kommer chia sẻ: "Nhiều nhà đầu tư cá nhân không hiểu việc tiền kỹ thuật số chỉ có thể hoặc là một đối tượng để đầu cơ hoặc là một phương tiện thanh toán, tuy nhiên không thể là cả hai cùng lúc".
"Nếu tiền kỹ thuật số trở thành thứ như người ta mong muốn, tức là trở thành tiền thật (dù trên thực tế không phải vậy, mà chỉ được sử dụng làm phương tiện thanh toán ở một quy mô rất nhỏ), thay vì chủ yếu là đối tượng để đầu cơ và chơi bạc, thì lợi nhuận mong đợi thực tế của nó sẽ giảm về 0, cũng giống như tất cả các loại tiền tệ thông thường".
Khác với cổ phiếu hoặc bất động sản là những thứ mà người ta thường kiếm được cổ tức hoặc lợi nhuận từ cho thuê, Bitcoin không tạo ra bất kỳ thu nhập nào, chính vì vậy không thể tính được giá trị nội tại phù hợp của nó. Những người ủng hộ Bitcoin phản đối lập luận này, khẳng định Bitcoin và vàng đều có điểm chung là không tạo ra thu nhập.
Giá trị vốn hóa của thị trường Bitcoin đã vượt 1.000 tỷ USD, vượt qua định giá của nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ. Ảnh: Coinsmart .
Mặc dù điều đó đúng, nhưng sự so sánh này là khập khiễng, vì Bitcoin mới có từ 12 năm nay, trong khi các dấu hiệu đầu tiên về việc sử dụng vàng làm tiền tệ đã được tìm thấy trong Bộ luật Hammurapi của vua Babylon năm 1870 trước Công nguyên. Ở Trung Quốc, người ta đã sử dụng vàng làm tiền tệ từ năm 1100 trước Công nguyên, dưới dạng các khối lập phương nhỏ.
Những truyền thống này có vai trò rất quan trọng, vì một trong những phát hiện quan trọng nhất của nhà kinh tế và triết học Hayek đã nói ở trên là nguồn gốc của các thể chế hoạt động "không phải nằm trong phát minh hay kế hoạch, mà nằm trong sự tồn tại của những người thành công", trong đó người ta "lựa chọn theo cách bắt chước các thể chế và phong tục thành công".
Vàng đã vượt qua thử thách này kể từ nhiều thiên niên kỷ. Việc một trong các loại tiền kỹ thuật số có trải qua "sự lựa chọn theo cách bắt chước" này hay không, vẫn là một câu hỏi hoàn toàn mở.
Ngày nay, nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa đầu tư và chơi bạc. Các khoản đầu tư thường được thực hiện dài hạn và không chỉ phụ thuộc duy nhất vào việc ngày mai tìm thấy một ai khác sẵn sàng trả nhiều tiền cho một hàng hóa hơn giá trị tôi trả hôm nay. Tất nhiên, người mua tiền kỹ thuật số có thể may mắn, giống như người chơi bạc gặp may trong sòng bạc.
Tuy nhiên, có một điều tôi muốn cảnh báo. Đó là bạn nên gạt bỏ niềm tin kinh tế - chính trị của mình khi đầu tư. Bản thân tôi luôn quan tâm đến chính trị trong suốt cuộc đời mình và có một quan điểm kinh tế - chính trị rất vững vàng. Tuy nhiên tôi bỏ chúng sang một bên khi đầu tư.
Ví dụ, tôi có một số thiện cảm với các quan điểm theo chủ nghĩa tự do trong kinh tế và đánh giá cao các cuốn sách của Ludwig von Mises và Hayek. Tôi thường thảo luận với những người có tư tưởng chính trị tương tự như tôi và họ hay đưa ra những kết luận trực tiếp cho việc đầu tư.
Họ thường phê phán tiền giấy (tiền pháp định) bằng nhiều lập luận đúng đắn, sau đó họ kết luận rằng mọi người nên đầu tư vào tiền kỹ thuật số, ví dụ như Bitcoin. Hầu hết họ đều có chính kiến mạnh mẽ, nhưng thực tế chưa bao giờ họ kiếm được nhiều tiền bằng cách đầu tư.
Các quan điểm chính trị thường đi liền với những cảm xúc mạnh mẽ, và chính những cảm xúc này không có chỗ trong đầu tư.
Nga phản ứng trước thông tin Anh tăng cường kho vũ khí hạt nhân Ngày 17/3, Điện Kremlin bày tỏ rất tiếc về việc Anh quyết định tăng cường kho vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo động thái này sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sự ổn định quốc tế. Bộ Ngoại giao Nga cũng mô tả các kế hoạch của Anh là "đòn giáng" vào nỗ lực kiểm soát vũ khí toàn cầu. Hãng...