Dân Texas đệ đơn đòi nhà bán điện bồi thường 1 tỉ USD vì tính giá ‘cắt cổ’
Người dân Texas đã đệ đơn kiện tập thể đòi nhà bán lẻ điện Griddy Energy bồi thường 1 tỉ USD vì tính giá “cắt cổ” trong cơn bão tuyết lịch sử vào tuần trước, khiến hàng triệu người phải khốn đốn trong giá rét.
Cơn bão tuyết lịch sử đã làm tê liệt hệ thống điện nước của bang Texas. Ảnh: Getty Images
Theo trang ABC News , bà Lisa Khoury đại diện cho cư dân hạt Chambers , bang Texas, Mỹ, đã đệ đơn kiện lên tòa án vào hôm 22/2. Bà cho biết hóa đơn tiền điện của gia đình bà đã tăng lên 9.340 USD trong tuần bão. Theo đơn kiện, các hóa đơn trung bình hàng tháng của bà chỉ thường dao động khoảng 200 – 250 USD.
Bà Khoury cho rằng Công ty Griddy đã tự động rút 1.200 USD từ tài khoản ngân hàng của bà từ ngày 13/2 đến ngày 18/2. Tổng hóa đơn của bà từ ngày 1-19/2 là 9.546 USD. Đơn kiện cũng tiết lộ một số khách hàng có hóa đơn cao tới 17.000 USD.
Đơn kiện cáo buộc công ty đã “tính phí quá mức” cho khoảng 29.000 khách hàng, dù “biết rằng người tiêu dùng sẽ bị tổn hại”.
Khoury và chồng bà đã phải chịu đựng cảnh “hầu như không có điện” trong nhà từ ngày 17 – 18/2, khi bà tiếp đón bố mẹ chồng ngoài 80 tuổi trong cơn bão. Mặc dù đã khiếu nại, song Khoury chưa nhận được phản hồi từ Griddy. Cuối cùng, bà ấy đã dừng thanh toán bằng tài khoản ngân hàng của mình vào ngày 18/ 2.
Ở Texas, cư dân có thể chọn giữa hai phương án thanh toán hóa đơn tiền điện . Phương án cố định, trong đó giá điện của người dân sẽ ở một mức giá bất kể điều kiện thị trường. Phương án thứ hai là thanh toán theo giá thị trường, có thể dao động dựa trên mức tiêu thụ điện và giá điện thị trường. Công ty Griddy tính giá điện theo phương án thứ hai.
“Chúng tôi tính phí với khách hàng với giá bán buôn theo thời gian thực, giá này thay đổi 5 phút một lần”, công ty Griddyy cho biết trên website và nói rằng phương án này sẽ rẻ hơn đối với hầu hết khách hàng.
Quốc kỳ Mỹ và cờ của bang Texas tung bay trước tháp tải điện cao thế. Ảnh: Getty
Cơn bão tuyết lịch sử tuần trước đã đánh sập mạng lưới điện của bang Texas và dẫn đến tình trạng mất điện toàn bộ. Nó cũng khiến giá bán buôn điện của Griddy tăng vọt lên 9.000 USD/mW/h do thiếu nguồn cung và nhu cầu điện tiêu thụ điện tăng. Trước cơn bão, mức giá là 50 USD/mW/h, đơn kiện cho biết.
Trước cơn bão, nhà cung cấp điện Griddy đã khuyên khách hàng của mình nên chuyển sang một nhà cung cấp khác với mức giá cố định. Công ty này cũng thông báo với khách hàng rằng họ đang “tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý tiện ích”. Nhưng nhiều người đã không thể thay đổi do thời tiết tồi tệ xảy đến.
Vụ kiện nhằm tìm kiếm khoản bồi thường trị giá 1 tỉ USD cho bà Khoury và “đại diện cho tất cả những người khác có hoàn cảnh tương tự.”
Đơn kiện cũng cáo buộc Công ty Griddy vi phạm Đạo luật đạo đức Thương mại và yêu cầu lệnh cấm công ty thu tiền điện với mức “giá cắt cổ”.
Người dân dọn tuyết phủ dày trước nhà tại Waco , bang Texas, Mỹ ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Luật sư Derek Potts thuộc Công ty Luật Potts có trụ sở tại Houston , người đại diện cho bà Khoury , nói với ABC News rằng Griddy có 29.000 khách hàng ở Texas bị ảnh hưởng.
“Điều gì đã xảy ra về mặt tài chính với tất cả các khách hàng của Griddy cả về mức giá cắt cổ và cách họ thu tiền từ tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của người dân giữa thảm họa. Trong thời điểm đó, nhiều người không có điện, nước và không thể sưởi âm. Rõ ràng, công ty đã làm trái luật bảo vệ người tiêu dùng của bang Texas”, luật sư Potts nói.
Công ty điện Griddy vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của ABC News. Tuy nhiên, họ bác bỏ vụ kiện này và cho rằng điều đó chỉ “vô ích”.
Griddy đã đổ lỗi cho Ủy ban Công ích vì đã tăng giá bán buôn điện trên thị trường trong cuộc khủng hoảng. Công ty này cũng cho biết họ không thu được lợi nhuận từ việc tăng giá .
“Chúng tôi cũng dự định cùng với khách hàng đấu tranh vì điều này, vì sự công bằng và trách nhiệm giải trình, để tiết lộ lý do tại sao việc tăng giá điện lại xảy ra khi hàng triệu người dân Texas bị mất điện”, Griddy cho biết trong một bài đăng trên blog.
Nhà điều hành lưới điện của Texas cũng đang gặp khủng hoảng. Hội đồng Điều phối Điện lực bang Texas (ERCOT) cũng đang phải đối mặt với các vụ kiện sau khi trên 4 triệu khách hàng bị mất điện trong cơn bão.
Hôm 23/2, các nhà lãnh đạo hàng đầu của ERCOT đã tuyên bố rằng họ sẽ từ chức trong bối cảnh người dân phẫn nộ về việc xử lý cơn bão. 4 nhà lãnh đạo thuộc hội đồng quản trị, bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch, đã nộp đơn từ chức. Đơn từ chức có hiệu lực từ ngày 24/2. Một ứng cử viên cho vị trí giám đốc cũng cho biết ông đang rút tên để xem xét. Cả năm người này đều không sống tại bang Texas.
Giá rét 'đóng băng' ngành sản xuất dầu ở Texas
Bang Texas miền Nam nước Mỹ đang phải trải qua những ngày lạnh giá chưa từng có, gây mất điện và thiếu nước sạch trên diện rộng. Không chỉ có vậy, bang này cũng đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí khi các nhà máy lọc dầu xả hàng tấn khí thải lên bầu trời vào tuần qua.
Tuyết phủ trắng xóa tại Waco, Texas, Mỹ, ngày 17/2/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Một khối không khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống đã đẩy nhiệt độ ở bang Tesas xuống mức thấp lịch sử. Thời tiết lạnh giá đã cướp đi sinh mạng hàng chục người ở bang này và gây mất điện diện rộng, đỉnh điểm có lúc trên 4 triệu người không có điện sử dụng.
Ngành sản xuất dầu của bang Texas bị "đóng băng" khi các nhà máy lọc dầu và hóa dầu dọc bờ biển vùng Vịnh Mexico buộc phải dừng sản xuất do các thiết bị đều đóng băng, thiếu điện để vận hành trong thời tiết lạnh giá. Việc ngừng sản xuất dẫn tới các nhà máy lọc dầu phải đốt khí và xả ra môi trường để ngăn chặn thiệt hại đối với các cơ sở chế xuất. Hoạt động này khiến bầu trời ở phía Đông bang Texas bị bao trùm trong khói đen bất thường kéo dài khắp hàng dặm.
Theo dữ liệu sơ bộ của Ủy ban Chất lượng Môi trường Texas (TCEQ), 5 nhà máy lọc dầu lớn nhất của Texas đã xả gần 170 tấn khí thải ô nhiễm, gồm benzene, carbon monoxide (CO), hydrogen sulfide (H2S) và sulfur dioxide (SO2).
Trong hồ sơ gửi TCEQ, công ty Valero Energy cho biết họ đã xả gần 40 tấn khí thải trong vòng 24 giờ bắt đầu từ ngày 15/2 từ nhà máy lọc dầu ở Port Arthur. Từ ngày 15 - 18/2, nhà máy lọc dầu Port Arthur của công ty Motiva đã xả gần 60 tấn khí thải - cao gấp 3 lần so với lượng khí thải vượt mức mà hãng này đã khai báo với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ trong cả năm 2019.
Trong khi đó, nhà máy lọc dầu Galveston Bay của Marathon Petroleum xả gần 7 tấn khí thải trong chưa đầy 5 giờ đồng hồ trong ngày 15/2, tương đương 10% tổng lượng phát thải trên mức cho phép vào năm 2019.
Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil cho biết nhà máy Baytown Olefins của hãng đã xả gần 1 tấn benzene và 68.000 tấn CO, viện dẫn lý do phải đóng cửa nhiều cơ sở chế xuất và sử dụng an toàn hệ thống xử lý khí thải. Công ty này cho biết phải đóng cửa 2 nhà máy lọc dầu ở Texas do thời tiết băng giá và thiệt hại nguồn cung khí thiên nhiên.
Dữ liệu của TCEQ còn cho thấy các công ty dầu khí ở Texas đã đệ trình 174 thông báo về việc phát thải ô nhiễm vượt mức cho phép trong khoảng thời gian từ ngày 11/2 đến 18/2, gấp 4 lần so với tuần trước đó. Tổng mức ô nhiễm tại các cơ sở trong khu vực Houston trong thời tiết lạnh giá đã lên tới khoảng 350 tấn, chiếm khoảng 3% tổng ô nhiễm vượt mức cho phép.
Trước tình trạng này, bà Sharon Wilson, một nhà nghiên cứu thuộc nhóm tư vấn Earthworks, cho biết việc phát thải khí gây ô nhiễm là đáng báo động. Theo bà, việc các nhà sản xuất dầu và khí đốt ở bang Texas đốt khí methane trong tuần qua "chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn và điều này lẽ ra có thể ngăn chặn được" khi có sự chuẩn bị cho mùa Đông.
Trong khi đó, bà Jane Williams - chủ tịch Nhóm Không khí sạch quốc gia của Sierra Club - cho rằng các nhà quản lý của Mỹ phải thay đổi chính sách cho phép xảy ra lượng khí thải khổng lồ này mà không bị trừng phạt.
Bang Texas sản xuất dầu và khí đốt nhiều nhất nước Mỹ nhưng các nhà sản xuất không quen xử lý tình huống nhiệt độ xuống thấp ở mức đóng băng. Trước đây hiếm khi thời tiết ảnh hưởng tới ngành sản xuất dầu ở khu vực này như tình trạng hiện nay.
Ít nhất 40 người chết trong giá rét kỷ lục ở Mỹ Số người chết tại một số bang Mỹ do giá rét bất thường đã tăng lên 40, trong đó nhiều người ngộ độc khí khi sưởi ấm. Theo số liệu của AP, số người chết ở Mỹ do thời tiết khắc nghiệt tiếp tục gia tăng trong hai ngày 17/2 và 18/2. Số ca tử vong vì giá rét chủ yếu tập trung...