Câu chuyện về bản năng làm mẹ của cô chó hoang nhận mèo làm con nuôi chạm tới trái tim tất cả mọi người
Chó và mèo hiếm khi gần gũi nhưng trong cảnh khốn cùng, một đôi bạn 4 chân ở Nam Carolina đã hợp sức để bảo vệ nhau không rời nửa bước.
Cơ quan bảo vệ động vật ở Nam Carolina, Mỹ, đã phát hiện ra một cô chó đầy ngọt ngào đã “nhận nuôi” một chú mèo con bị bỏ rơi.
Mọi thứ bắt đầu vào năm 2014, khi sĩ quan Michelle Smith đến từ Trung tâm Kiểm soát Động vật Anderson, nhận được cuộc gọi về tiếng chó sủa trong khu phố. Điều này cũng không có gì lạ lắm vì cô nhận được hàng chục cuộc gọi với nội dung tương tự mỗi ngày. Tuy nhiên, đó là trách nhiệm nên Michelle vẫn phải đến tận nơi kiểm tra.
Cô chó nhận nuôi bé mèo hoang cơ nhỡ ở Nam Carolina, Mỹ khiến dân tình xúc động
Khi Michelle có mặt, cô tìm thấy đôi chó và mèo đang trốn trong khe núi cạnh một con lạch. Bộ đôi này đều không đeo vòng cổ hay thẻ tên, dường như chúng đều bị bỏ rơi và tình cờ phát hiện ra nhau.
Michelle nói: “Con chó có thể dễ dàng ra khỏi đó và bỏ đi nơi khác, nhưng có vẻ như nó không thể và cũng không muốn bỏ rơi mèo con”.
Trên thực tế, chó là một trong những loài có bản năng làm mẹ rất mạnh mẽ. Ngay cả khi phát hiện ra con non của loài khác, chúng vẫn bị bản năng hối thúc và trở thành một người mẹ bất cứ lúc nào.
Michelle đem bộ đôi chó mèo này về trung tâm. Cô thậm chí đã cố tách rời chúng để bác sĩ thú y tắm rửa và chăm sóc. Tuy nhiên, cô chó không hề muốn rời xa mèo con, nó tỏ ra giận giữ và chỉ im lặng khi được liếm láp chú mèo nhỏ. Hành động này khiến những người chứng kiến cực kỳ xúc động và quyết định không tách rời bộ đôi nữa.
Trong 17 năm công tác, Michelle hiếm khi được chứng kiến tình bạn như thế này. Thậm chí, đây là lần đầu tiên cô thấy chó nhận nuôi mèo.
Điều tuyệt vời và kỳ diệu nhất chính là: Cô chó đã cho mèo con bú dù nó chưa bao giờ mang thai! Bản năng làm mẹ trỗi dậy đã khiến nó tiết sữa.
Tuy nhiên, lượng sữa đó là không đủ để mèo con được khỏe mạnh, vì vậy lực lượng cứu hộ đã cho nó bú bình.
Cho rằng bộ đôi này thuộc về ai đó, họ đã giữ chúng trong 14 ngày để chờ chủ nhân đến tìm. Tuy nhiên, không ai xuất hiện nên cặp chó mèo này được cho phép nhận nuôi.
Nhân viên cứu hộ đặt tên cô chó là Goldie, bé mèo là Kate. Câu chuyện xúc động của cặp đôi đã nhanh chóng lan truyền trên mạng với hơn 430.000 likes và 88.000 lượt chia sẻ.
Đã có hàng nghìn email gửi về Trung tâm Kiểm soát Động vật Anderson để xin nhận nuôi Goldie và Kate. Đội ngũ nhân viên rất đau đầu mới dám chọn mặt gửi vàng cặp đôi cho gia đình Harris.
Sau một thời gian, Kate đã khỏe mạnh lớn lên nhưng tuyệt đối không rời chó Goldie nửa bước. Câu chuyện này không chỉ lay động trái tim của người yêu động vật, mà còn là lời cảnh tỉnh cho những kẻ dám nhẫn tâm bỏ rơi thú cưng của họ.
Theo T.H/afamily
Người đàn bà sống dưới chân cầu, thích nuôi mèo hoang: 'Tôi no thì lũ mèo no, tôi đói thì lũ mèo đói'
Từ lúc bắt đầu cưu mang lũ mèo, cuộc sống của bà rắc rối hẳn. Bà phải nhường cho chúng miếng ăn, chỗ ngủ, tốn công dõi mắt theo để mèo khỏi bị bắt, bị xe đâm.
Người xung quanh bị mùi hôi, tiếng ồn làm phiền đôi lúc cũng càm ràm sau lưng... Vậy mà kệ, bà cứ nuôi, cứ chăm bẵm và yêu thương vô điều kiện...
Chân cầu Ông Lãnh - góc giao giữa Nguyễn Thái Học và Võ Văn Kiệt không phải là một nơi dễ khiến người ta đi đến một lần và muốn quay trở lại. Nơi này ẩm thấp vì đọng nước, dơ bẩn vì bụi, khói xe, hôi thối vì rác và... nghèo.
Một thế giới mà việc mỗi người tự lo cho mình một cuộc sống tử tế đã là không dễ, việc nuôi thêm cái gì đó, bảo bọc thêm cái gì đó lại càng là thứ xa xỉ không ngờ. Thế mà, ở một góc hẹp nhất, cơ hàn nhất, mưa tạt gió lùa nhất, có một người phụ nữ kì lạ không chỉ nuôi một, mà rất nhiều mèo suốt năm nay.
Cuộc hội ngộ của những phận không nhà
Bà Sáu (58 tuổi) dùng phần lớn cuộc đời để gắn mình với nơi chân cầu cũ kỹ và phủ rêu này. Ngày mười mấy tuổi tóc còn xanh, bà đã dùng hết thời con gái ngồi chỗ này ngắm mây, ngắm nắng, giờ thoắt cái tóc đã chuyển sang màu khác.
Bà có một người con, ở nơi khác. Người mẹ già này từng vào một ngôi nhà đúng nghĩa để ở, nhưng thấy tù túng và ngột ngạt quá. Loay hoay mãi rồi cũng tìm về lại chỗ chân cầu này, biết bao nhiêu người chê, vậy mà bà lại không dứt nổi.
Mấy mươi năm qua, bà gọi nơi này là nhà. Một ngôi nhà không mái, không cửa, không vách che và... không hề giống một căn nhà.
Bà không nhớ nổi mình bắt đầu nuôi mèo bao nhiêu năm rồi, nhưng nhớ được lý do vì sao mình lại ôm cả mấy chục sinh mạng vào người thế này.
'Chỗ này bụi nhiều, lùm nhiều, mèo nó bị bỏ hoang tìm tới đây núp. Phần thì bị chủ đem đến bỏ, có khi một con, có khi cả bầy một lượt. Mà ở đây xe cộ qua lại nhiều, cứ lâu lâu nhìn thấy một con mèo bị xe cán nằm chết trên đường. Mình thấy tội quá nên gom tụi nó về cho ăn, cho uống, cho tụi nó có chổ nằm ngủ...', bà Sáu kể.
Đàn mèo bà cưu mang cứ duy trì ở mức tầm mười mấy, hai mươi con. Chuyện người ta đến xin với việc bà nhặt được một chú mèo khác cứ xoay như một vòng tròn. Hôm nay một chú mèo được về với chủ mới thì ngày mai, lại có một chú mèo tội nghiệp khác bị bỏ rơi được mang về đoàn tụ với gia đình nhỏ này.
Mỗi chú mèo đều được buộc dây ở cổ để không chạy lạc ra đường đầy xe cộ.
Bà Sáu làm nghề bán rau quả ở góc cầu này, chủ yếu là hành tây. Ngày nào lời nhiều thì được 80 - 100k, ngày nào mưa gió ể ẩm thì thôi chỉ biết thở dài. Thi thoảng, có người xin mèo gửi lại bà vài chục, một trăm, bà dùng số tiền ấy lo cho những con mèo còn ở lại.
Mèo được cho ăn thức ăn động vật, ăn cơm bụi lẫn cơm từ thiện từ người qua đường. Thu nhập ít ỏi, khi có khi không, miệng ăn lại quá đông nên thi thoảng vẫn hay túng thiếu. Có những ngày đúng nghĩa không đủ tiền để chạy đủ ba bữa cơm, bà với cả hàng chục con mèo cùng nhịn đói vào buổi sáng, đợi đến buổi chiều mới cùng ăn lót dạ.
'Tui no thì tụi nhỏ nó no, tui đói thì tụi nhỏ nó đói, thì chịu chung vậy á mà..', bà Sáu vừa cười vừa nói. Cái kiểu cười ấy không thể khiến người ta cười theo nổi, chỉ thấy thương và tội.
Ở tuổi của bà, đây vẫn là một công việc tốt, vì không phải đi, không quá nặng nhọc, và vẫn có thể kiếm được tiền, dẫu ít...
Chỗ ngủ của lũ mèo là hai cái thúng nhỏ, bà lót vào đó những lớp áo cũ chồng lên nhau, để vừa êm lưng vừa giữ ấm. Vừa may phía đối diện chân cầu là một lò bán cát, bà mỗi ngày chạy qua xin vài nắm về để có chỗ lấp phân cho chúng.
Duy chỉ có việc bệnh tật của mèo là bà không tự lo được. Bên quận 4 có một đội chuyên về thú y, mỗi khi mèo bệnh hay mệt, bà gọi cho họ để được đem về trạm chăm sóc, cho thuốc, hết bệnh lại đem trả lại nơi này.
Chai thuốc nhỏ mắt dùng dở, bà để dành. Vì nơi này khói bụi, mèo bị cườm, bị đỏ mắt khá thường xuyên.
Coi như làm phước...
Bà đã già, mắt đã mờ, chân đã chậm chạp nên khổng thể quản đàn mèo tốt nhất dù lòng bà muốn thế. Thi thoảng, vẫn có những chú mèo chết đi trước khi được một ai đó đón về, không kịp sống một phần đời sung sướng để bù lại những ngày tháng no, đói bấp bênh gắn với chân cầu này.
'Hồi đó tui có nuôi con mèo kia được 2 năm, ú nu à, hanh hanh nắng còn ra hong cho ấm, vậy mà không biết trưa đó tự nhiên cái ngã ngang ra chết. Rồi cũng có mấy con mèo mình bị tuột dây, tự chạy ra đường lúc mình không để ý, lúc sực đếm lại thấy thiếu thì đi tìm thấy bị xe cán rồi...', bà Sáu nhớ lại.
Suốt mấy năm cứu hết những con mèo này đến con mèo khác, cũng không thể 'cứu' bà khỏi những nỗi buồn về những lần chia ly như thế.
Con bà mỗi lần ra thăm mẹ cứ hay càm ràm, 'sao mẹ nuôi mèo chi cho cực dữ vậy'. Bà cũng muốn nghe lời con lắm, con vừa vui, thân mình cũng vừa đỡ cực mà không hiểu sao lại chẳng đành lơ những con mèo bị bỏ rơi. Nhiều người sống dưới chân cầu này, thấy bà già tha cả mấy chục con mèo về nuôi ở đó thì cũng vài lần tỏ ra khó chịu. Cái nghèo, thiếu thốn đã đủ khiến họ mỏi mệt rồi, nay lại còn bồi thêm những âm thanh léo nhéo, mùi hôi và sự bẩn thỉu.
Mấy lời sau lưng, bà nghe thấy nhưng giả vờ lơ đi. Mấy lời cằn nhằn trước mặt, bà im lặng nghe không nói lại. Người ta than đúng mà...
Bà Sáu cũng cực, lũ mèo phá phách cào rách hết mấy cái giỏ đựng rau, mùi hôi của chúng ám cả vào người bà, bữa ăn của bà cũng bị chúng mò mẫm đến làm phiền...
'Kiếp con mèo cũng là một kiếp, chắc kiếp trước cũng là người, làm gì quấy lắm, ác lắm nên kiếp này mới đầu thai thành mèo. Số sinh ra làm con vật đã là khổ rồi, bị bỏ rơi còn khổ nhiều hơn nữa. Thôi mình làm phước, nuôi nấng, chở che nó tạm một quãng đời...', người đàn bà tóc bạc vừa bồng một chú mèo, vừa thở dài kín kẽ.
Nhiều người nhìn từ ngoài vào thấy bà cho lũ mèo nhiều quá, duy chỉ có bà, bà thấy lũ mèo cho ngược lại mình: ' Chiều chiều buồn thì ẵm mấy nó lên nói chuyện, vạch lông bắt bọ chét này nọ, thấy cũng vui. Ít ra có một thứ gì đó quẩn quanh bên cạnh, chứ không phải thấy chỉ đơn độc một mình...'.
Ừ, Sài Gòn mà, tìm một thứ không bỏ mình đi, tìm một thứ để gắn bó dài lâu, đâu có dễ...
Theo tiin.vn
Chú chó đáng thương bị bỏ rơi vì mang bệnh ghẻ và 171 ngày 'lột xác' không ngờ Môt cô gai tôt bung đa mang chu cho nay vê nuôi sau 2 lân thây chú chó bơi rac ơ lê đương. Sau nhiêu thang ngay đươc chưa tri chu đao, hinh anh hiên tai cua 'em' khiên nhiêu ngươi không khỏi bất ngờ. Hinh anh nhưng chu cho đang thương lang thang, bi bo rơi co le la điêu ma không...