Câu chuyện về 2 thần đồng Parma bị chôn vùi tại Premier League
Khi họ đặt chân tới nước Anh vào năm 2004, cả hai đều là những thần đồng của lò đào tạo Parma. Arturo Lupoli cập bến Arsenal còn Giuseppe Rossi gia nhập Manchester United. Nhưng rồi hai người bạn thân cùng lạc lối tại xứ sở sương mù.
Parma đã từng có một thời oai hùng cách đây hai thập kỷ. Thế hệ tài năng của Lilian Thuram, Gianluigi Buffon, Fabio Cannavaro, Dino Baggio, Hernan Crespo, Ariel Ortega, Di Vaio biến đội bóng áo vàng thành một quyền lực trong nhóm “7 chị em” tại Serie A. Lò đào tạo Parma cũng sản sinh ra những viên ngọc thô đủ sức kế thừa. Trong đó hai cái tên ấn tượng nhất là Arturo Lupoli và Giuseppe Rossi.
Cả hai cùng sinh năm 1987, cùng chiều cao 1m73, cùng đá trên hàng công và sở hữu năng khiếu trời cho. Lupoli thậm chí còn được đánh giá cao hơn cả cậu bạn thân Rossi. Đằng sau vóc dáng còi cọc là một “nghệ nhân” chơi bóng với kỹ thuật rê dắt và dứt điểm vượt trội bạn đồng lứa. “Lupoli giống như một tay bắn tỉa. Chỉ cần một cơ hội, cậu ấy sẽ tận dụng tối đa”, HLV Arsene Wenger nhận xét về thần đồng người Italia.
Điểm yếu của Lupoli là tầm vóc nhỏ thó và nền tảng thể lực kém. Tiền đạo sinh ra ở Brescia cũng không có ý thức cải thiện hạn chế về mặt thể chất. Lupoli che giấu tất cả bằng đôi chân thiên phú giúp anh trở thành trụ cột của các đội tuyển trẻ Italia. Trong màu áo U17 Parma, Lupoli ghi tới 45 bàn chỉ sau 22 trận ở mùa giải 2003/04. Đối tác ăn ý nhất với Lupoli ở CLB cũng như ở các lứa U không ai khác ngoài Rossi.
3 mùa giải ở M.U, Rossi chỉ chơi có 5 trận cùng 1 bàn thắng ở Premier League
“Tôi lớn lên cùng Giuseppe”, Lupoli nói về cậu bạn chí cốt. Rossi nhỏ con như Lupoli nhưng rắn rỏi hơn. Rossi cũng rất giỏi rê bóng và dứt điểm tốt bằng cả hai chân. Họ gánh kỳ vọng trở thành chủ nhân tương lai của Parma thì biến cố xảy ra. Đội bóng miền Bắc Italia tuyên bố phá sản vào năm 2004, các ông lớn nhảy vào xâu xé đội hình Parma. Arsenal sẵn sàng chi 300.000 euro để có Lupoli còn Rossi cũng tới theo tiếng gọi M.U.
Được Sir Alex đánh giá cao về tiềm năng nhưng Giuseppe Rossi không thích nghi được với Premier League. Trong ba mùa giải tại Old Trafford, tiền đạo người Italia chỉ chơi vỏn vẹn 5 trận tại Premier League và có 1 bàn thắng (đều tại mùa 2005/06). Rossi chỉ tìm lại cảm hứng khi được trở về Parma dưới dạng cho mượn ở nửa sau mùa giải 2006/07. 9 bàn thắng sau 19 trận tại Serie A giúp Rossi kiếm được bản hợp đồng tại miền đất lành Villarreal.
Phong cách bóng đá thiên về kỹ thuật ở La Liga đã chắp cánh cho tài năng của Rossi bay cao. Cựu tiền đạo M.U đóng vai trụ cột trên hàng công Villarreal mà đỉnh cao là mùa 2010/11 với tổng cộng 32 bàn thắng. Nhưng bước ngoặt đen tối đến vào tháng 10/2011, Rossi đứt dây chằng chéo đầu gối. Anh đã nỗ lực tìm lại phong độ đặc biệt tại bến đỗ tiếp theo Fiorentina.
Song số phận tiếp tục ngoảnh mặt với Rossi. Mùa giải thăng hoa 2013/14 của Rossi chấm dứt vào tháng 1/2014 khi tiền đạo người Italia tái phát chấn thương dây chằng. Cựu thần đồng Parma không còn có thể trở lại đỉnh cao được nữa. Rossi phiêu dạt ở các CLB nhỏ và mới được Real Salt Lake (Mỹ) ký hợp đồng hồi cuối tháng 2 sau 18 tháng thất nghiệp.
còn Polli (phải) quá yếu để chơi bóng ở Anh
Video đang HOT
“Nếu không gặp xui xẻo chấn thương, Rossi sẽ nằm trong số 7, 8 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới”, Lupoli nhận xét. Bản thân Lupoli không gặp chấn thương nặng, xuất phát điểm ấn tượng hơn cả Rossi, nhưng sự nghiệp thì thua xa người đồng đội ở Parma. Tại Arsenal, Lupoli đã khởi đầu không tồi với 28 bàn thắng chỉ sau 17 trận cho đội B ở mùa giải 2004/05. Wenger tưởng thưởng cho thần đồng Italia bằng một suất đá chính cạnh Patrick Vieira và Ashley Cole trong một trận đấu tại FA Cup vào tháng 3/2005.
Nhưng Wenger sớm nhận ra Lupoli không đáp ứng được yêu cầu thể lực. “Về mặt thể chất, Lupoli tụt lại khá xa so với lứa tuổi”, vị thuyền thưởng Arsenal nhận xét. Bất luận đôi chân tài hoa, cựu thần đồng Parma quá yếu để chơi bóng tại môi trường bóng đá Anh giàu sức mạnh. Lupoli bị đẩy cho mượn khắp nơi. Sự nghiệp của cầu thủ này cũng chỉ quanh quẩn ở các hạng đấu thấp. Ở tuổi 32, Lupoli chỉ còn là cái tên vô danh ở đội hạng Ba Italia, Virtus Verona.
Tiếc cho hai thần đồng thuở nào của Parma. Một người bị chấn thương vùi dập, một người không có ý chí rèn luyện thể chất. Vì thế, Lupoli không thể là Messi dù họ sinh cùng ngày (24/06/1987) và cùng lớn lên với thể chất yếu ớt.
Thầy của Lupoli và Rossi qua đời vì Covid-19
Cựu hậu vệ Ermes Polli đã qua đời hôm 27/3 ở tuổi 82 vì nghiễm virus corona. Polli là một tượng đài trong lịch sử Parma với 310 trận khoác áo đội bóng miền Bắc Italia, chỉ đứng sau kỷ lục gia Alessandro Lucarelli (317 trận). Sau khi giải nghệ, Polli có hai thập kỷ làm công tác đào tạo trẻ cho Parma. HLV sinh năm 1937 là người phát hiện ra nhiều tài năng cho Parma như Ivan Franceschini, Gianluigi Buffon, Giuseppe Rossi, Daniele Dessena và Arturo Lupoli.
“10 phút tuyệt vời”
Giuseppe Rossi mới chỉ thi đấu 10 phút cho Real Salt Lake kể từ khi gia nhập đội bóng Mỹ vào cuối tháng 2 vừa rồi. “Đó là 10 phút tuyệt vời. Tôi lập tức yêu MLS và đội bóng này. Tôi cảm thấy niềm vui chơi bóng trở lại”, tiền vệ 32 tuổi phát biểu sau khi vào sân 10 phút cuối trận Orlando City – Real Salt Lake hôm 1/3. Trước khi tới MLS, Rossi có 18 tháng thất nghiệp và phải tập nhờ tại M.U và Villarreal. Hôm 27/2/20, cựu tiền vệ ĐT Italia ký hợp đồng Real Salt Lake tới hết năm 2020.
Việt Hà
Fabio Cannavaro: 'Tinh thần đoàn kết sẽ giúp Italy chiến thắng dịch bệnh'
Huyền thoại Fabio Cannavaro kêu gọi sự đoàn kết từ người dân Italy trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19.
Cựu trung vệ Fabio Cannavaro vừa gửi bức tâm thư động viên người dân Italy trong cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới. Đất nước hình chiếc ủng đã ghi nhận 105.792 ca nhiễm và 12.428 trường hợp thiệt mạng do SARS-CoV-2 trong ngày 1/4, trở thành nước thiệt hại nặng nề nhất châu Âu trong gần 2 tuần qua.
Theo thủ quân của tuyển Italy vô địch World Cup 2006, chỉ có tinh thần đoàn kết cùng sự chung tay vì cộng đồng mới giúp Italy vượt qua cuộc chiến gian khổ với dịch bệnh này.
Cannavaro cùng Italy vô địch World Cup 2006.
"Gửi đến những ai vừa trở về nhà.
Những gì đang xảy ra với đất nước của chúng ta khiến tôi lo âu và đau đớn. Tôi không thể diễn ra cảm xúc tồi tệ của mình khi chứng kiến Italy trải qua chuyện này, chứng kiến nhiều sinh mạng bị tước đoạt mỗi ngày. Trái tim tôi luôn ở bên những người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt với những ai mất đi người thân yêu.
Tôi luôn muốn ngả mũ kính phục những nhân viên y tế đang làm việc ngày đêm để cứu được càng nhiều người càng tốt. Họ là những người hùng thực thụ mà Italy đang cần.
Buồn thay, chẳng ai trong số chúng ta là Siêu nhân cả. Không ai có thể miễn nhiễm với virus. Khi thảm họa toàn cầu bùng phát ở Trung Quốc, tôi cũng như nhiều người Italy cảm giác rồi sẽ ổn thôi, hoặc ít nhất dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng tới mình. Tôi từng đánh giá thấp nó, nghĩ nó chỉ là bệnh cúm thông thường. Chúng ta quá sai rồi.
Italy tan hoang vì Covid-19.
Chúng ta phong tỏa đất nước và yêu cầu mọi người ở nhà. Tại Trung Quốc, nơi tôi đang huấn luyện Quảng Châu Hằng Đại, tôi phải tự cách ly vài tuần. Người dân Trung Quốc từng đối đầu với dịch SARS, nên họ biết phải làm gì.
Ở Italy, chưa bao giờ chúng ta đối diện với tình trạng khẩn cấp như vậy. Nhưng giờ, chúng ta đang ở giữa cuộc chiến, buộc phải chiến đấu cùng nhau và thể hiện phiên bản tốt nhất của mình.
Tất nhiên, chúng ta đều biết Italy tuyệt vời thế nào. Chúng ta có đường bờ biển đẹp và những vùng quê thơ mộng như tranh vẽ. Chúng ta có khí hậu cho phép mọi người dành rất nhiều thời gian ngoài trời. Chúng ta có thời trang, có ẩm thực.
Dù vậy, đôi khi cuộc sống viên mãn khiến chúng ta ngủ quên trên vòng nguyệt quế của mình. Đôi khi chúng ta chỉ chăm sóc bản thân, thay vì lợi ích cộng đồng. Làm như vậy là tự lãng phí tiềm năng của mình.
May mắn là, luôn có những khoảnh khắc người dân Italy thể hiện niềm tự tôn trong khó khăn, khi điều gì đó quan trọng với chúng ta bị đe doạ.
Tôi từng trải nghiệm điều đó nhiều lần. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là khi Italy thi đấu tại World Cup. Thật kỳ lạ khi nói về bóng đá lúc này khi nó đang trở nên tầm thường hơn bao giờ hết, nhưng ở Italy, bóng đá còn hơn cả một môn thể thao. Khi Italy thi đấu, chúng ta đến với nhau và luôn cảm thấy mình là một phần của đội bóng. Và khi người Italy xích lại gần nhau, chúng ta luôn làm rất tốt.
Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc chứng kiến Italy vô địch World Cup 1982. Tôi đang là đứa nhóc 8 tuổi tại Naples khi ấy, xem trận đấu với bạn bè và người thân. Khi Italy ghi bàn, chúng tôi hét lên, ôm nhau, dù không phải ai cũng quen nhau.
Khi tôi đeo băng đội trưởng Italy ở World Cup 2006, tôi thấy điều tương tự lặp lại ở các cầu thủ. Bê bối Calciopoli bùng nổ ngay trước khi World Cup bắt đầu, nên khi chúng tôi gặp mặt để chuẩn bị giải đấu, rất nhiều người nghĩ Italy sẽ bị phân tâm.
Italy vượt qua bê bối Calciopoli để lần thứ 5 xưng vương ở World Cup.
Nhưng không. Bầu không khí ở khu tập luyện rất tuyệt, đó là chìa khoá. Ở khoảnh khắc sinh tử, chúng tôi không chỉ lo cho bản thân mình, mà còn quan tâm người khác. Italy cũng có chỉ huy tuyệt vời là HLV Marcello Lippi, người luôn duy trì sự hài hoà và động lực cho cả tập thể. Ngay khi Italy tới Đức, chúng tôi lập tức quên vụ bê bối, và không thể chờ đợi lâu hơn để được ra sân.
Người ta vẫn hay hỏi nhờ đâu Italy vô địch World Cup. Chúng tôi không chiến thắng nhờ may mắn. Italy chiến thắng nhờ có đội ngũ tốt nhất cùng niềm tin vượt trên tất cả.
Hôm nay, chúng ta cảm nhận được khí thế của tinh thần đoàn kết không thể lay chuyển của Italy. Chúng ta đã có những bài học về sự đoàn kết. Italy có câu ngạn ngữ andrà tutto bene, tức là "mọi thứ sẽ ổn thôi". Đó là thông điệp cho tất cả những ai đang mắc kẹt ở nhà, sợ hãi, cô đơn và buồn khổ.
Hãy bước ra ban công và dành những tràng vỗ tay cho những nhân viên y tế. Những người hàng xóm hãy cùng nhau cất tiếng hát. Đó là sự đoàn kết Italy cần lúc này.
Người dân Italy cất cao tiếng hát trên những ban công.
Khi khủng hoảng qua đi, Italy sẽ rất khác. Nhiều người sẽ mất việc, có quá nhiều thứ khó khăn phải vượt qua. Hãy cùng kỳ vọng vaccine sẽ được điều chế càng sớm càng tốt, để Italy chấm dứt cơn ác mộng này một lần và mãi mãi. Đến lúc ấy, chúng ta cần giữ niềm tin. Hãy ở nhà, dành thời gian cho gia đình và tiếp xúc với càng ít người càng tốt.
Hãy cố gắng làm những gì có thể vì lợi ích chung. Về cá nhân mình, tôi vừa thành lập quỹ ủng hộ cùng với những đồng đội ở World Cup 2006. Số tiền thu được sẽ được chuyển tới Hội Chữ thập đỏ Italy để hỗ trợ các bệnh viện tất cả những vật tư cần thiết để đánh bại virus. Hy vọng các bạn sẽ cùng chung tay đóng góp. Hãy nhớ, cuộc chiến này cần sự nỗ lực của cả tập thể và chúng ta cần tất cả vào cuộc.
Đúng, không ai trong số chúng ta là Siêu nhân, nhưng khi cùng nhau xích lại, chúng ta sẽ chinh phục tất cả. Mạnh mẽ lên, những người anh, người chị của tôi".
HỒNG NAM
Pirlo: 'Barca mời tôi làm huấn luyện viên' Cựu danh thủ người Italy có những phát ngôn úp mở về khả năng trở thành một huấn luyện viên trong tương lai. Khi được Fabio Cannavaro hỏi về việc sắp trở thành huấn luyện viên của đội U23 Juventus, Andrea Pirlo trả lời đầy hóm hỉnh: "Tôi đã nhận được nhiều lời đề nghị và sẽ không làm việc cho U23 Juventus"....