Câu chuyện rớt nước mắt của những người nghèo đội mưa nhận gạo từ thiện
Dù mưa to, nhưng điểm phát gạo từ thiện tại số 8 Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội) vẫn nườm nượp từng đoàn người người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận hỗ trợ.
Sáng 12/4, Chủ nhật cuối tuần, Hà Nội đột ngột đón đợt không khí lạnh mới, nhiệt độ giảm mạnh, mưa lớn, ông Nguyễn Văn Hùng nay đã 80 tuổi vẫn khoác vội chiếc áo mưa cũ trước đó ông mua 5.000 đồng, đội chiếc mũ cối đã sờn đạp xe đến số 8 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội để nhận gạo từ thiện. Có lẽ với những gia đình khác, số gạo ấy chẳng đáng là bao, nhưng lại có thể giúp cụ ông này yên tâm cả tuần không cần lo nghĩ đến cái ăn mùa dịch.
“Dù nhiều dù ít, nhưng những người lao động nghèo chúng tôi cũng cảm thấy ấm lòng. Trong mùa dịch, chúng tôi khó khăn lắm, phải lo ăn từng bữa, nên khi thấy được mọi người hỗ trợ thấy mừng lắm”, ông Hùng nói.
Dù mưa to, nhưng điểm phát gạo từ thiện tại số 8 Quang Trung, Hà Đông (Hà Nội) vẫn rất đông người có hoàn cảnh khó khăn đến nhận hỗ trợ.
Chia sẻ thêm về cuộc sống những ngày dịch bệnh đang hoàng hành, ông kể, sống ở ngoại thành Hà Nội, cuộc sống của ông trông vào mấy sào ruộng, nhưng năm được năm mất, còn tùy thuộc vào thời tiết. Nhà có 2 cô con gái, cả 2 đều đã lấy chồng ở Thanh Hóa, Nghệ An, lâu lắm mới về thăm nhà một lần. Ở một mình, cuộc sống khó khăn sao ông cũng có thể cố, làm thuê, làm mướn đây đó, nhưng khi mùa dịch đến, mọi hoạt động mưu sinh của ông dường như đứng lại hoàn toàn, khó khăn chồng chất khó khăn.
Bà Hoàng Thị Vân, hơn 70 tuổi cũng cùng hàng xóm đạp xe hơn 2km từ làng Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông) đến nhận gạo miễn phí. Vốn sống nhờ vào nghề rèn, chuyên sản xuất dao kéo các loại… nhưng đến nay cuộc sống của 2 mẹ con bà Hoàng Thị Vân bị đảo lộn do dịch Covid-19.
“Từ nhiều tháng nay, hàng hóa làm ra không có ai mua, cuộc sống khó khăn, nhiều gia đình lao đao không biết sống bằng gì. Ruộng nương đều đã bán hết, nên nếu không làm làng nghề, chúng tôi không biết lấy gì để sống. Nhiều ngày nay, kinh tế quay về tự cung tự cấp, có bữa chỉ ăn lạc rang, hái vài ngọn rau ngoài ruộng cũng được qua quýt bữa cho qua ngày đoạn tháng. Vào khoảng tháng 3, khi dịch chưa quá phức tạp, ai thuê gì tôi làm nấy, nhưng đến nay cũng chẳng có ai thuê để làm, không biết lấy gì để sống”, bà Vân nói.
Video đang HOT
Đời sống kinh tế khó khăn, bà Vân hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch.
Đời sống kinh tế khó khăn, những người dân này hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những chương trình hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch.
Bà Ngô Thị Thơm (54 tuổi, Hạ Đình) chẳng kịp khoác chiếc áo mưa, đội tạm chiếc nón lá đã cũ đạp thẳng xe từ Hạ Đình đến số 8 Quang Trung để nhận gạo cứu trợ khi được một người ở tổ dân phố báo tin.
Quẹt vội những giọt nước mưa còn vương trên trán, bà Thơm bảo: “Ban đầu cũng ngại lắm, vì mình đã già đâu, mà lại nhận hàng từ thiện, cứu trợ. Thế nhưng mọi người xung quanh, rồi cả mẹ chồng tôi hơn 80 tuổi ở nhà cứ động viên, nói đừng ngại nên tôi lại đến. Thấy các cháu phát gạo toàn người trẻ chỉ chạc tuổi các cháu ở nhà, lại thân thiện lắm, nên cũng bớt ngại”.
Cầm túi gạo trên tay, bà Thơm mừng rỡ, vì trong vài ngày tới, gia đình bà sẽ không phải lo đến nồi cơm nữa. Phải nuôi mẹ già hơn 80 tuổi bị ung thư, cùng 2 con đang học đại học và phổ thông, kinh tế gia đình phụ thuộc cả vào công việc phụ vữa với mức lương 200.000 đồng/ngày của bà Thơm. Song vì dịch Covid-19, đã từ vài tháng nay, bà Thơm không có việc làm, phải đi nhặt ve chai, cầm cự qua ngày. Từ khi có Chỉ thị 16 cách ly toàn xã hội, cuộc sống của gia đình bà Thơm càng khó khăn hơn nữa.
“Mang tiếng là người Hà Nội, nhưng cũng chẳng có nổi cái nhà để ở. Chỉ vì một lần nhẹ dạ cả tin mà trước kia cả gia đình tôi bị lừa, lâm vào đường cùng. Hy vọng rằng, những chính sách hỗ trợ người nghèo trong mùa dịch sớm được triển khai để người dân bớt vất vả”, bà Thơm nói.
Những điểm từ thiện như thế này đã làm ấm lòng nhiều người dân nghèo trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát mạnh.
Vừa đi vừa tính nhẩm, chị Bùi Hồng Thuyên mừng ra mặt khi những ngày tới không phải lo vấn đề lương thực. Quê ở Hòa Bình, nhưng từ 3 năm trước, chị Thuyên đã phải chuyển lên thuê nhà ở Hà Nội để tiện cho mẹ chạy thận. Một mình vừa nuôi mẹ già, con nhỏ đang học lớp 5, chi phí khám chữa bệnh, học tập và những khoản tiền khác khác trong cuộc sống đều phụ thuộc cả vào việc bán trà đá vỉa hè của chị Thuyên.
“Vì dịch nên chẳng làm gì để sống, có ngày đi nhặt được vài cá vỏ chai, kiếm được vài nghìn đồng, nhưng sống giữa đất Thủ đô, số tiền ấy chẳng đủ mua nổi bìa đậu, mớ rau. Trong những lúc khó khăn, một miếng khi đói, bằng một gói khi no, chúng tôi thấy vui và cảm động khi ngày càng có nhiều các tổ chức, cá nhân ủng hộ những người khó khăn”, chị Thuyên nói.
Chị Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Kiểm soát nội bộ Công ty cổ phần Toàn Thắng, đơn vị phát gạo từ thiện tại số 8 Quang Trung (Hà Đông) cho biết: “Trong đợt dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất đều bị ngưng trệ, bản thân các công ty cũng gặp khó khăn. Cũng bởi vậy, ban lãnh đạo công ty nghĩ rằng, sẽ có rất nhiều người lao động, người nghèo sẽ càng khó khăn hơn nữa và cần sự giúp đỡ. Với tinh thần lá lành đùm lá rách, công ty đã quyết định phát miễn phí 10 tấn gạo ủng hộ người dân trong mùa dịch Covid-19 ngay trước trụ sở công ty tại số 8 Quang Trung, Hà Đông.
Toàn bộ gạo sẽ được phát bằng máy tự động do cán bộ, công nhân viên công ty tự chế. Ngoài ra, từ ngày 13/4, hệ thống các nhà hàng của công ty sẽ triển khai phát bánh ngọt tại 5 điểm toàn thành phố với 500 chiếc/điểm/ngày”.
Cụ thể, các địa điểm phát bánh ngọt từ thiện gồm: Ngõ 54 Lê Văn Lương (Thanh Xuân), số 420 Lạc Long Quân (Tây Hồ), số nhà 74 liền kề 6A, phố Nguyễn Văn Lộc, Hà Đông, Hà Nội, số 6 Phan Kế Bính (Ba Đình), 31 Lương Khánh Thiện- Tượng đài Hoàng Văn Thụ, phường Tương Mai (Hoàng Mai), số 1 Xa La, phường Xa La (Hà Đông), trường Tiểu học Nguyễn Trãi, phường Khương Trung (Thanh Xuân)./.
Vũ Hạnh
Hà Nội: 382 xã đạt, cơ bản đạt tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới
Đây là kết quả rà soát, đến quý I/2020, của Sở NN&PTNT Hà Nội về nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.
Theo Sở NN&PTNT, trong quý I, đời sống nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Các huyện có thu nhập bình quân của người dân cao như: Thạch Thất 63 triệu đồng/người/năm, Đông Anh: 60 triệu đồng/người/năm, Hoài Đức: 55 triệu đồng/người/năm, Đan Phượng 53,8 triệu đồng/người/năm... Nhờ vậy, so với Bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 367 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về thu nhập, còn 15 xã chưa đạt.
Cùng với đó để giảm hộ nghèo, ngân sách thành phố đã bố trí trên 8.500 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Trong đó, hơn 2.500 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, xây dựng nhà ở... Gần 5.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho người nghèo, hộ nghèo (683,1 tỷ đồng đóng BHYT cho người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo; 4.000 tỷ đồng chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng; gần 98 tỷ đồng hỗ trợ tiền điện; hơn 33 tỷ đồng miễn, giảm học phí cho học sinh có cha mẹ thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hơn 15 tỷ đồng trợ cấp cho người già yếu, ốm đau không có khả năng lao động thoát nghèo; hơn 26,7 tỷ đồng hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo cô đơn, mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật đặc biệt nặng mà trong hộ không có người còn khả năng lao động; hơn 52,3 tỷ đồng quà tết cho hộ nghèo và nhiều nội dung khác). Qua rà soát, thành phố đã đầu tư 1.050 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã dân tộc, miền núi. Với nguồn lực đầu tư lớn, đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 371 xã đạt và cơ bản đạt, còn 11 xã chưa đạt tiêu chí hộ nghèo trong xây dựng NTM.
Liên quan đến tiêu chí lao động có việc làm, qua rà soát, của Sở NN&PTNT, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội chỉ còn 1,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,3% vượt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020 (đạt 95%). So với Bộ tiêu chí về xây dựng NTM, đến nay, toàn thành phố có 381 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí này. Còn 01 xã Ba Vì của huyện Ba Vì chưa đạt.
Đáng chú ý, trong tổ chức sản xuất, hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn thành phố đã từng bước đổi mới, khẳng định và phát huy mạnh vai trò quan trọng trong xây dựng NTM. Nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp đã làm tốt các khâu dịch vụ thiết yếu có tính cộng đồng cao liên quan chặt chẽ tới sản xuất của các hộ và nhân dân. Nội dung đề án củng cố của nhiều hợp tác xã đã tập trung vào việc mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh mới để nâng cao đời sống cho thành viên hợp tác xã và nhân dân. Vì vậy, đến nay, Hà Nội có 382 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí theo quy định về xây dựng NTM.
TQ
Mùng 4 Tết, trời rét đậm nông dân vẫn hối hả xuống đồng đầu năm Mùng 4 Tết Canh Tý, trời rét đậm và không khí vui Xuân vẫn còn rộn ràng trên khắp các nẻo quê, nhưng nhiều bà con nông dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã hối hả xuống đồng sản xuất với mong muốn thu về một vụ mùa thắng lợi. Bà con thu lưới trên cánh đồng hoa dơn, bắt tay vào...