Câu chuyện đằng sau hòn đá Mặt trăng trong phòng Bầu Dục của Tổng thống Biden
Món đồ trang trí văn phòng đặc biệt của vị Tổng thống Mỹ thứ 46 tượng trưng cho sức mạnh của việc ước mơ lớn.
Ông Joe Biden muốn có một tảng đá Mặt trăng cho Phòng Bầu dục của mình, theo Fast Company.
Thế là hai nhân viên từ Trung tâm Vũ trụ Johnson, NASA đã lên đường từ Houston đến Washington, D.C., ngày 18/1, hai ngày trước lễ nhậm chức của ông, mang theo “mẫu vật mặt trăng 76015,143″.
Tảng đá hình kim cương, màu xám đen, nặng khoảng 332 gram, được giữ kín trong một hộp trưng bày bằng thủy tinh và nhôm, chứa đầy nitơ, để ngăn đá không bị ảnh hưởng bởi không khí hoặc độ ẩm.
Phóng viên Washington Post lần đầu phát hiện tảng đá Mặt trăng của ông Biden khi đi tham quan Phòng Bầu dục, đã được trang trí lại vào Ngày nhậm chức, trước khi chính Biden vào phòng này. Tảng đá Mặt trăng nằm trên kệ thấp nhất của giá sách, bên trái Bàn Kiên định (Resolute Desk) của Tổng thống.
Nhà khoa học-phi hành gia Harrison Schmitt, phi công Mặt Trăng của Apollo 17, thu thập các mẫu Mặt trăng trong chuyến đi bộ ngoài không gian. (Ảnh: NASA)
Người phát ngôn của NASA cho biết, trong quá trình lên kế hoạch trang trí văn phòng tân Tổng thống, ” Văn phòng quản lý Nhà Trắng đã liên hệ với NASA để xem liệu có thể cho mượn một mẫu vật trên Mặt trăng để trưng bày trong Phòng Bầu dục hay không, và NASA rất vui lòng đáp ứng yêu cầu”.
Theo Fast Company, ông Biden muốn tảng đá như một lời nhắc nhở về tham vọng và thành tích của những người từng làm việc trong Phòng Bầu dục, về sức mạnh yêu cầu người Mỹ ngày càng vươn xa hơn chính họ.
Ngày 25/5/1961, lúc 12h30, khi Tổng thống John F.Kennedy lên bục phát biểu tại Hạ viện Mỹ rằng “quốc gia này nên cam kết đạt được mục tiêu, trước khi thập kỷ này kết thúc, là đưa một người lên Mặt trăng và đưa anh ta trở về Trái đất một cách an toàn”, ông đã yêu cầu người Mỹ làm một điều mà khi đó, theo nghĩa đen, là không thể. Nước Mỹ khi đó không có công nghệ hoặc kiến thức đủ để bay lên Mặt trăng. Nhưng, như Kennedy đã báo trước, đó không chỉ là việc các phi hành gia Mỹ đáp xuống Mặt Trăng, mà “đó sẽ là cả một quốc gia. Vì tất cả chúng ta phải làm việc để đưa họ lên đó” .
Kennedy nói rằng việc đi lên Mặt trăng là mục tiêu nhằm “tổ chức và đo lường những năng lượng và kỹ năng tốt nhất của chúng ta”.
Tảng đá Mặt trăng mà NASA gửi cho Tổng thống Biden được thu về trong chuyến đi bộ trên Mặt trăng thứ 3 của tàu Apollo 17 tức là trong lần cuối cùng Mỹ hạ cánh lên Mặt trăng, vào ngày 13/12/1972.
Video đang HOT
Tảng đá này được gắn trong hộp trưng bày kính đẹp mắt, có thể nhìn thấy từ mọi góc độ theo yêu cầu của ông Biden. Vỏ hộp có nhãn giải thích về hành trình trở về Trái đất của tảng đá: Chỉ huy tàu Apollo 17 Gene Cernan và nhà địa chất học kiêm phi công Mặt trăng Harrison Schmitt “tách tảng đá này từ một tảng đá lớn ở North Massif trong Thung lũng Taurus-Littrow” của Mặt trăng.
Vào ngày nó được thu thập, ngày 13/12/1972, ông Biden vừa được bầu vào Thượng viện Mỹ, đại diện cho bang Delaware và chuẩn bị nhậm chức vào tháng 1. Khi đó ông 30 tuổi.
Tảng đá Mặt trăng ở Văn phòng Bầu dục của Biden, vì được tách từ một tảng đá lớn hơn, nên có một mặt không phẳng, lấp ló những vết va chạm của các vật thể cực nhỏ trên Mặt trăng.
Hòn đá Mặt trăng tron phòng Bầu dục. (Ảnh: NASA)
Biden không phải là Tổng thống Mỹ đầu tiên giữ một tảng đá Mặt trăng trong Phòng Bầu dục. Bill Clinton là Tổng thống vào tháng 7/1999, khi tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm lần đầu tiên Mỹ lên Mặt trăng. Các phi hành gia của Apollo 11 Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đã tặng Clinton một tảng đá Mặt trăng mà họ thu thập được, cũng đặt trong hộp kín, trong chuyến thăm Phòng Bầu dục.
Vào cuộc phỏng vấn năm 2015 với nhà vật lý thiên văn Neil deGrasse Tyson, Clinton nói rằng tảng đá Mặt trăng là “thứ quý giá nhất mà tôi có nếu nói về quan điểm chính trị trong Nhà Trắng”.
Trong hai năm cuối nhiệm kỳ, Clinton nói, ông đã giữ tảng đá Mặt trăng Apollo 11 rất gần mình. “Khi các thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong phòng, hoặc có bất kỳ vấn đề nào chia mọi người làm hai phía, và họ bắt đầu vượt ra khỏi tầm kiểm soát, tôi sẽ nói, ‘Chờ đã, mọi người có thấy tảng đá Mặt trăng đó không? Nó đã 3,6 tỷ năm tuổi. Tất cả chúng ta đều chỉ đi lướt qua nơi này thôi. Và chúng ta không có nhiều thời gian. Vì vậy, chúng ta hãy bình tĩnh và tìm ra điều đúng đắn cần làm’”.
Ông cho biết: “Và nó luôn có tác dụng. Họ nhìn vào một vật thể tồn tại ở thời điểm mà họ khó có thể tưởng tượng được. Và nó cho họ một chút không gian tinh thần để cố gắng tìm cách, rằng, được rồi, hãy tiếp tục thử lại một lần nữa”.
NASA cho biết tảng đá Mặt trăng mà Biden trưng bày thậm chí còn lâu đời hơn thời của Clinton: 3,9 tỷ năm. Chưa biết các cuộc trò chuyện tại Phòng Bầu dục của Biden có “thách thức hơn” của Clinton hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong phòng Bầu dục. (Ảnh: AP)
Kỷ luật Phòng Bầu dục thời Biden
Trong khi Trump không ngại để các phụ tá và đồng minh ra vào Phòng Bầu dục, dưới thời Biden, những người tới đây được kiểm soát chặt chẽ.
Kể từ khi chuyển đến hai tuần trước, Joe Biden thường xuyên dạo quanh Nhà Trắng. Ông xuất hiện trong các văn phòng báo chí, đến Cánh Đông để thăm văn phòng quân sự, nơi xử lý mọi thứ, từ ăn uống đến việc di chuyển của Tổng thống. Vào ngày Thượng viện phê chuẩn Antony Blinken làm Ngoại trưởng, ông ghé qua văn phòng của vợ Blinken, Thư ký Nội các Nhà Trắng Evan Ryan, để chúc mừng gia đình họ.
Tổng thống Biden tại Nhà Trắng ở Phòng Bầu dục, Nhà Trắng ngày 2/2. Ảnh: AFP .
Biden từ lâu đã thích tiếp xúc với các trợ lý, chuyên gia chính sách, quan chức địa phương, nghị sĩ và cả những người dân bình thường. Việc ông trở thành tổng thống không thay đổi điều đó, theo 4 nguồn tin am hiểu cách ông làm việc. Niềm yêu thích đến thăm nhân viên của Biden còn tăng lên khi các biện pháp phòng ngừa Covid-19 đã hạn chế các chuyến thăm Nhà Trắng và đi lại trên khắp đất nước.
Tính cách hướng ngoại đó của Biden là một trong những điểm khác biệt rõ ràng nhất với sếp cũ của mình, Barack Obama. Về mặt này, Biden giống người tiền nhiệm Donald Trump. Nhưng niềm yêu thích tương tác của ông đã không biến thành những cuộc trao đổi hỗn loạn đã trở thành nét đặc trưng của 4 năm Trump ở Nhà Trắng. Cánh Tây của Biden kỷ luật hơn nhiều so với thời Trump, đặc biệt là khi liên quan đến việc tiếp cận Tổng thống.
Trong khi Trump thường đột ngột gọi cho bạn bè và đồng minh, Biden có một danh sách các cuộc điện đàm được lên lịch từ trước. Trong khi Trump không ngại để các trợ lý và các đồng minh ra vào Phòng Bầu dục, Biden có một số "người gác cổng" kiểm soát quyền tiếp cận văn phòng quyền lực này. Trong khi Trump đôi khi dành cả ngày để viết tweet và xem truyền hình, Biden xem các bản ghi nhớ chính sách, họp trực tuyến với chuyên gia bên ngoài và thăm nhân viên ở quanh Nhà Trắng.
Tóm lại, Tổng thống thứ 46 thích phong cách truyền thống hơn, phong cách mà ông hy vọng sẽ đưa Nhà Trắng trở lại như cũ, theo cách mà ông nghĩ nó phải như vậy.
"Chúng tôi thấy rằng khi Trump dành tất cả thời gian để viết tweet và tự lên lịch các cuộc họp cho mình, ông ấy đã phung phí cơ hội lãnh đạo. Nếu bạn là Biden, bạn tự hỏi mình có thực sự muốn mất thời gian vào việc tự sắp xếp các cuộc họp không, hay muốn dùng khoảng thời gian đó để ra quyết sách về luật pháp và an ninh quốc gia? Câu trả lời khá rõ ràng", Terry Sullivan, giám đốc điều hành Dự án Chuyển giao Nhà Trắng, chuyên nghiên cứu cách các tổng thống sử dụng thời gian, cho biết.
Trump thường bực bội khi chánh văn phòng cố gắng sắp xếp thời gian biểu và kiểm soát những ai có thể vào Phòng Bầu dục. "Khi bạn nghĩ về cựu tổng thống Trump, bạn nghĩ đến một ông trùm điện ảnh làm việc với điện thoại, để mọi người tự do ra vào văn phòng và đột ngột nói 'này, gọi điện cho Joe đi'", đồng minh của Trump, Matt Schlapp, Chủ tịch Liên minh Bảo thủ Mỹ, nói.
Những ngày đó đã qua. Lịch trình của Biden phần lớn do ba "người gác cổng" đã gắn bó với ông trong nhiều năm sắp xếp: Chánh văn phòng Ron Klain, giám đốc hoạt động Phòng Bầu dục Annie Tomasini và và Ashley Williams, người ngồi bên ngoài Phòng Bầu dục với tư cách là trợ lý điều hành nhưng được trao chức danh phó giám đốc hoạt động Phòng Bầu dục để biểu thị tầm quan trọng của cô.
Một số phụ tá hàng đầu, bao gồm cố vấn cấp cao Mike Donilon và Steve Ricchetti, có đặc quyền vào Phòng Bầu dục. Những con chó của Biden cũng vậy - một trong hai con chó béc-giê, Major, đã đến thăm ông gần đây tại Phòng Bầu dục.
Nhưng cũng giống như cách Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả mọi người trên khắp đất nước, đại dịch đã thay đổi cách Biden làm việc.
Ông thay thế các cuộc họp trực tiếp bằng trực tuyến. Ông chỉ cho phép một số lượng người hạn chế có mặt trong Nhà Trắng, ngay cả những nhân viên vốn thường trực ở Cánh Tây giờ làm việc tại nhà hoặc trong Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở bên cạnh. Ông không rời Nhà Trắng thường xuyên, mặc dù ông đã đến Đồi Capitol để vinh danh cảnh sát bị giết trong cuộc bạo loạn ngày 6/1 và thăm thương binh ở Walter Reed. Ông chưa có kế hoạch thực hiện chuyến công du nước ngoài hay trong nước nào.
Biden đã không mời khách đến thăm Nhà Trắng cho đến tuần này, khi ông tiếp các thượng nghị sĩ của cả hai đảng để bàn về dự luật cứu trợ Covid-19.
Biden vẫn cố gắng tương tác với mọi người khi có thể. Ngày 25/1, khi Phó Tổng thống Kamala Harris cử hành lễ tuyên thệ nhậm chức của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Biden đã mời gia đình ông vào Phòng Bầu dục. Trong một cuộc họp chính sách gần đây, ông đã gọi điện chào con của một thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia.
"Biden đi lại quanh Cánh Tây khá nhiều, có lẽ vì ông ấy quá quen thuộc với nó", một cựu phụ tá của Biden cho biết. "Ông ấy đã ngồi ở Cánh Tây trong 8 năm và biết năng lượng của nơi này như thế nào".
Mỗi ngày, Biden tổ chức một cuộc họp để nghe báo cáo tình báo, cập nhật tình hình Covid-19 và đọc báo cáo tóm tắt thông tin hàng ngày, bao gồm lịch trình, bản ghi nhớ chính sách và báo cáo tình báo về ngày hôm sau, theo quan chức Nhà Trắng.
"Ông ấy thích báo cáo súc tích nhưng cặn kẽ, làm rõ các mối quan tâm, thông tin nền, các bên liên quan, tiền lệ, tác động. Sau đó ông thảo luận với các cố vấn cốt lõi và tiếp tục tranh luận với các chuyên gia bên ngoài", Coons nói.
Trong khi Trump không thích đọc các tài liệu tóm tắt còn Obama thích những tài liệu dài hơn và đôi khi bỏ qua các cuộc trò chuyện với phụ tá sau đó, Biden thích đọc bản ghi nhớ và sau đó hỏi các phụ tá về tác động sẽ xảy ra ở các vùng khác nhau của đất nước. Scott Mulhauser, nhà tư vấn đảng Dân chủ và là cựu phụ tá của Biden cho biết: "Việc hoạch định chính sách đối với ông ấy không phải là một bài tập lý thuyết. Đó là một nỗ lực thực tế".
Biden cũng tham khảo ý kiến của một loạt chuyên gia bên ngoài, một số người ông quen biết hàng chục năm nhưng cũng có cả các chuyên gia mới. Ông đánh dấu vào danh sách những người ông muốn nói chuyện về một vấn đề, từ ủy viên hội đồng thành phố ở Wisconsin cho đến một lãnh đạo thế giới ở châu Âu. Ông cũng yêu cầu nhân viên gợi ý thêm vài người mà ông không biết.
Nhà Trắng không thường xuyên công bố các cuộc gọi, nhưng Biden cũng thường nói chuyện với các thống đốc, thị trưởng và quan chức dân cử địa phương để tìm kiếm "thông tin về cách mọi thứ đang diễn ra trên thực địa", theo một quan chức Nhà Trắng. Tuần trước, ông đã gọi cho Thống đốc bang Alabama Kay Ivey, người thuộc đảng Cộng hòa.
Hầu hết các cuộc gọi đều do nhân viên lên lịch. Nhưng đôi khi, ông cũng gọi điện đột xuất.
"Biden thích nói chuyện với mọi người", một cựu trợ lý cho biết. "Ông ấy là một người hướng ngoại điển hình. Ông ấy thích nhận năng lượng từ người khác và thuyết phục mọi người bằng tư duy, logic cũng như các chính sách và đề xuất của mình. Vì vậy, một biện pháp để làm điều đó là đưa ra phản hồi và nhận phản hồi bằng cách trò chuyện với mọi người".
Chó cưng của Biden nô đùa tại Nhà Trắng 'Đệ nhất khuyển' Champ và Major của tân Tổng thống Biden đã được vào Nhà Trắng, đánh dấu lần đầu tiên thú cưng tái xuất tại đây sau 4 năm. Hai chú chó căn cừu Đức được nhìn thấy nô đùa trên bãi cỏ Nhà Trắng hôm 25/1 và các phóng viên có thể nghe thấy tiếng sủa của chúng khi dự sự...