Câu chuyện cảm động nữ sinh tài hoa bị ung thư máu
Hoàng Thị Diệu Thuần nổi tiếng ngay từ thời còn là nữ sinh chuyên Nga của trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (TP. Vinh – Nghệ An). Không chỉ là một học sinh giỏi, Thuần còn có biệt tài chơi đàn guitar.
Sức sống kỳ diệu của cô gái trẻ
Với nhiều học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu, hình ảnh cô nữ sinh phiêu bên cạnh cây đàn guitar không còn xa lạ. Bây giờ, Diệu Thuận còn nổi tiếng hơn ngày đó nhiều lần. Mọi người không chỉ biết em là cựu nữ sinh trường chuyên danh tiếng, cựu sinh viên ngành Tài chính – Ngân hàng của Đại học Quốc gia mà họ nhớ đến cô bé với câu chuyện đẫm nước mắt.
Thuần nổi tiếng trên khắp các diễn đàn, báo chí, truyền hình bởi nghị lực mà em đã dùng để chống chọi với những cơn đau từ bạo bệnh.
Diệu Thuần trước khi bị cơn bạo bệnh hành hạ.
Hoàng Thị Diệu Thuần sinh năm 1987, tại xã Xuân Nghĩa (Quỳ Hợp – Nghệ An). Niềm vui được là sinh viên chưa bao lâu thì một ngày giữa tháng 9/2005, Thuần nhập viện vì mắc căn bệnh “Bạch cầu kinh dòng tủy” (một căn bệnh cực hiếm tại Viện Huyết học và Truyền máu trung ương)
Từ một cô gái năng động, em buộc phải rời KTX trường Đại học Quốc gia Hà Nội để đến với bệnh viện. Bốn năm đại học của Thuần là những ngày tháng gắn liền với giường bệnh, với những lần chọc tủy buốt nhói.
Theo bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện huyết học, tại Việt Nam, số lượng người mắc bệnh “Bạch cầu kinh dòng tủy” như Diệu Thuần rất ít. Đây là một trong những căn bệnh rất khó chữa trị và tốn kém.
“Bệnh nhân khi mắc vào chứng bệnh này thì chỉ sống được từ 3-5 năm, thường thì 4 năm là tử vong. Có lẽ, đây là lần đầu tiên các bác sĩ ở Viện mới điều trị một bệnh nhân mắc bệnh “Bạch cầu kinh dòng tủy” mà sống đến bảy năm như Thuần. Điều đó cho thấy Thuần có một nghị lực và sức sống diệu kỳ để chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo đó” - bác sĩ Khánh cho biết.
Vượt qua “cửa tử” của căn bệnh hiểm nghèo là một kỳ tích của Diệu Thuần và cũng là niềm hạnh phúc của rất nhiều người. Sau bảy năm đối mặt với những cơn đau thắt lòng, tháng 7 vừa qua, Viện đã tiến hành ghép tủy của anh trai vào cơ thể Diệu Thuần.
Video đang HOT
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Tế bào gốc, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật cho Diệu Thuần chia sẻ, Diệu Thuần không chỉ là bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo này lâu nhất ở Việt Nam mà cô còn có những khó khăn khác ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của việc ghép tủy như tiền sử mắc bệnh viêm gan C, sức khỏe đang rất yếu. Mặt khác tủy của anh trai và tủy Diệu Thuận chỉ thích ứng được 5/6 tiêu chuẩn.
“Với những yếu tố như vậy, nếu tiến hành phẫu thuật thì rất khó khăn và khả năng thành công không cao. Nhưng nếu không ghép thì sợ rằng cô bé khó vượt qua được. Có lẽ, thần may mắn đã đứng về phía Diệu Thuần. Sức sống kỳ diệu đã đưa cô bé vượt qua tất cả” - bác sĩ Bình cho biết.
Khát khao được đi làm để… trả nợ đời
Đến thăm Thuần tại căn phòng nhỏ bé của khu tập thể Bưu Điện (đường Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy, Hà Nội), Thuần đã hoàn toàn khác xưa. Mái tóc phiêu bồng ngày nào của cô giờ đã không còn vì ảnh hưởng từ những lần truyền hóa chất.
Căn phòng nhỏ nằm ở phía cuối tầng 5 của khu tập thể bị nắng cuối mùa rọi chiếu nóng bức nhưng Thuần vẫn phải cố chịu. Bởi cô phải kiêng gió để đảm bảo sức khỏe. Trò chuyện với Thuần, nhìn vóc dáng gầy gò khiến chúng tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng.
Nghị lực sống phi thường đã đưa cô gái thoát khỏi bàn tay tử thần.
Mặc dù mới từ viện về, sức khỏe còn yếu nhưng Thuần vẫn giữ được nét tươi vui trên khuôn mặt của mình. Thuần cho biết, cô xuất viện từ hôm thứ 6.
Hiện tại Thuần về trọ ở phòng của anh họ, còn bố mẹ thì đang về quê để thu xếp việc gia đình. Một mình cô gái ở đây với sự đùm bọc, yêu thương của bạn bè.
“Sau bao nhiêu năm lăn lộn cùng con, ở bên con để chống lại bệnh tật, mẹ em cũng đã quá mệt mỏi và gầy đi nhiều. Dịp này sức khỏe đã tốt hơn, em muốn mẹ về quê nghỉ ngơi một thời gian, trước khi em bước vào cuộc “chiến đấu” mới. Cuối tháng này em lại nhập viện để tiếp tục theo dõi và điều trị” - Diệu Thuần tâm sự.
Nhớ lại những ngày tháng “làm bạn” với giường bệnh, Diệu Thuần rùng mình với những cơn đau xé lòng và những cơn sốt hành hạ vào ban đêm. Thế nhưng, vượt qua những cơn đau, cô gái này vẫn cố gắng để lấy được tấm bằng đại học ngành Tài chính – Ngân hàng với tấm bằng loại khá. Đây là việc không phải sinh viên bình thường nào cũng làm được.
Sau khi tốt nghiệp, dù vẫn bị căn bệnh quái ác hành hạ nhưng Thuần vẫn cố nén đau để đi tìm cho mình một công việc phù hợp với chuyên môn. Mỗi khi đi phỏng vấn, cô cũng không muốn giấu giếm bệnh tật của mình với nhà tuyển dụng. Và sau đó, Thuần lại cầm hồ sơ ra về.
Diệu Thuần chia sẻ: “Cứ mỗi khi ai hỏi đã đi làm ở đâu chưa là tim em lại nhói đau. Bạn bè em giờ công việc cũng đã ổn định rồi nên em thấy chạnh lòng lắm. Em mong sẽ nhanh khỏi bệnh để có thể đi làm giúp bố mẹ, để “trả nợ” với đời. Em thấy mình nợ cuộc đời này nhiều lắm”.
Theo người đưa tin
Nghị lực của cô nữ sinh một chân
Nụ cười hồn nhiên trên gương mặt em, một cô gái nhanh nhẹn và sống lạc quan - Nguyễn Thị Lệ Thu (xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang), tân sinh viên trường Đại học kinh tế kĩ thuật công nghiệp Hà Nội. Có ai biết rằng đằng sau nụ cười ấy bao nhiêu nước mắt đã rơi?
Vết thương quá khứ!
Tai nạn xảy ra với Thu năm lớp 5, Thu cùng mấy đứa nhỏ hàng xóm trèo lên bãi đất cao xem máy xúc, một sự cố không may xảy ra, chiếc máy xúc bị lật, mấy đứa nhỏ nhanh chân nhảy xuống. Thu tay vẫn bế em nhỏ nên không xuống được, Thu cố dâng em gái lên cao ngang tầm ngực mà hét "Mọi người cứu em cháu với". Em gái Thu thoát chết, nhưng số phận đã cướp đi của Thu một bên chân, với suy nghĩ non nớt của một đứa bé 11 tuổi thì Thu không hề biết rằng chân phải của em đã mất đi vĩnh viễn.
Sau tai nạn, Thu được chuyển lên viện Việt Đức điều trị, khi vết thương đã lành, Thu đòi bố mẹ được đến trường. Tuy nhiên, cuộc sống của Thu không như trước nữa, việc đi lại, sinh hoạt của em gặp nhiều khó khăn hơn, Thu bắt đầu mặc cảm về bản thân khi bị trẻ con trêu đùa.
Mong muốn thấy con gái được đến trường như bao đứa trẻ khác, bố mẹ Thu đã quyết định lắp chân giả cho con. "Ngày đầu đeo chân giả, bố lại mua cho một chiếc quần mới nữa, em cảm thấy hạnh phúc lắm, cảm giác đến trường cũng khác mọi ngày" - Thu chia sẻ. Thu dần thích nghi với cuộc sống "mới" của mình, để đỡ bố mẹ phải đưa đón đi học, Thu tập đi xe đạp bằng một chân, với sự cố gắng hết mình và niềm lạc quan vào cuộc sống, hàng ngày, cô bé một chân đã có thể tự đạp xe đến trường như bao bạn bè khác.
Bước qua cánh cổng đại học
Thu mong muốn thành một cô giáo, được đứng trên bục giảng là đam mê từ khi còn học phổ thông, nhưng bố mẹ, người thân khuyên không nên chọn ngành này, vì sẽ vất vả cho em sau này. Từ bỏ ước mơ nghề giáo, Thu nộp hồ sơ vào Đại học kinh tế kĩ thuật công nghiệp Hà Nội chuyên ngành kế toán. Những ngày thi Đại học, em ở tại kí túc xá ĐH Sư Phạm Hà Nội, bên cạnh em luôn có bố và những anh chị tình nguyện trong Hội sinh viên Bắc Giang tại Hà Nội.
Kết thúc kì thi trong bộn bề lo lắng, biết bao nhiêu người đặt hy vọng, niềm tin vào em. Và niềm vui vỡ òa khi em nhận được tin báo đỗ, "Nhà em không có mạng, muốn xem điểm thi phải đi ra quán cách nhà xa lắm. Trường có điểm em cũng không biết cho đến khi các anh chị trong hội tình nguyện gọi điện về tận nhà, cảm giác biết tin mình đỗ đại học hạnh phúc vô cùng" - Thu tâm sự
Hiện tại Thu đang là tân sinh viên trường ĐH Kinh tế kĩ thuật công nghiệp, tháng 9 vừa qua, Thu đã được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" - hỗ trợ cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Thu cũng đã dần quen với cuộc sống sinh viên, "ngoài này xe cộ đông hơn, đi lại khó hơn, không giống ở quê, em ở đây được một thời gian rồi, cũng quen với không khí sinh viên, em quen với cả mấy bác bán rau quả ngoài chợ nữa" - Thu cười nói.
Nghị lực sống!
Lệ Thu với cuộc sống sinh viên
Trước đám đông, dường như nụ cười trên gương mặt em không bao giờ tắt, Lệ Thu là một cô gái lạc quan, sau tất cả những khó khăn, những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, em gượng mình đứng dậy và đi tiếp đường đời của mình bằng một chân. "Nhìn thấy người thân sống vui vẻ là em cảm thấy vui rồi" - Thu nói.
Cuộc sống sinh viên mới bắt đầu, cô gái 18 tuổi này cũng bắt đầu những mong muốn được cống hiến cho xã hội. Thu tham gia tình nguyện, "được khoác trên mình màu áo xanh giống các anh chị, em cảm thấy vui lắm" - Thu cười nói
"Em muốn tìm một công việc làm thêm để phụ bố mẹ, em cũng biết xin việc làm đối với em là rất khó khăn, nhưng nghĩ đến bố mẹ ở nhà mà thương lắm. Đồng lương ít ỏi từ công việc bóc lạc thuê của mẹ, thu nhập từ việc đi làm thợ xây của bố dường như là không đủ để nuôi hai chị em ăn học" - Thu tâm sự. Thu mang trong mình những ước mơ lớn, Thu luôn cố gắng để không trở thành gánh nặng của bố mẹ, đó là một nghị lực mạnh mẽ đáng khâm phục.
Theo VNN
Khen thưởng dồn cho chức sắc (?!) Chiếm phần lớn trong số 60 người được đề nghị phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2012 là lãnh đạo các đơn vị. Không thấy thợ thủ công, công nhân, chiến sĩ biên phòng, hải đảo... trong danh sách này. Rất cần tôn vinh những người lao động trực tiếp để tạo động lực thực chất cho thi...