Câu chuyện cảm động chị nhận em ruột làm… con
Cũng từng muốn lấy chồng, sinh con, đi theo tiếng gọi tình yêu, nhưng rồi 2 chị lại hi sinh cái thiên chức cao quý để ở vậy chăm 2 đứa em ruột đáng thương với căn bệnh teo cơ, quanh năm chỉ biết bò lê bò lết quanh nhà.
Về thăm chị em cô Phạm Thị Miến và Phạm Thị Minh (thôn Khu La tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh cô Miến ngồi quạt cho hai em ngủ, còn cô Minh vẫn tranh thủ đi làm ngoài đồng để lo bữa cơm cho cả nhà. Trời nắng hè oi bức, căn nhà nhỏ chừng 10 mét vuông càng trở nên hầm hập trong ngày mất điện này. Nằm co quắp trên nền nhà là hai em của cô Miến, chú Phạm Văn Cương (48 tuổi) và cô Phạm Thị Mơ (43 tuổi).
Cô Mơ bị viêm màng não dẫn đến chân tay co quắp không hoạt động được.
Thương chị gái, cô Mơ chỉ biết tự trách bản thân mình đã trở thành gánh nặng làm khổ chị gái.
Nhìn hai em ngủ, cô Miến cho chúng tôi hay: “Ngày nhỏ Mơ bị viêm màng não rồi chân tay cứ teo tóp dần, còn em Cương lúc nhỏ phát hiện có một cái mụn ở chân sau đó chân tay cũng nhỏ dần, nhỏ dần và không hoạt động được nữa vì quá nhỏ và yếu. Chân tay hai đứa nó thế nên mỗi lần muốn di chuyển từ chỗ này ra chỗ kia chúng chỉ biết bò hoặc lấy tay nhấc mông và chân đi từng bước”.
Tương tự như em gái, gần 50 năm chú Cương không đi lại được.
Mà phải bò đi như thế này mỗi lần di chuyển.
Bố mẹ mất sớm, nhà cô Miến có tất thảy 7 anh chị em nhưng mỗi người mỗi phận, người thì nghèo khó, người lại đi lấy chồng xa, người thì đã qua đời… còn hai chị em cô Miến và cô Minh vì thương các em không có ai chăm sóc nên đã ở vậy không đi lấy chồng để nuôi em. Cuộc đời ngắn ngủi tựa chỉ một cái quay đầu, cô Miến tiếp câu chuyện:
“Mới đấy mà đã gần 50 năm hai đứa nó ở với cô rồi. Ngày trẻ cũng có nhiều đám đến hỏi hai chị em cô, trong đó cũng có chỗ nặng tình lắm nhưng không ai chấp nhận để cô mang hai em theo nên cũng thôi. Yêu thì có yêu đấy, cô cũng muốn có gia đình riêng nhưng hai em mình nó thiệt thòi, nó đã khổ thế rồi, mình lại nỡ lòng nào bỏ chúng lại để đi theo người ta. Âu cũng là cái số cháu ạ, ở vùng này mọi người vẫn cứ trêu hai chị em cô là có hai con “nuôi mãi không lớn”.Nghĩ cũng vui vì được chăm sóc cho em của mình nhưng xót xa lắm, cả hai đứa nó vẫn thỉnh thoảng lại thủ thỉ vào tai cô “Em chỉ ước một lần được đứng lên bằng đôi chân của mình, sau đó có chết cũng không ân hận”. Nghe chúng nó nói vậy, cô như thắt từng khúc ruột nhưng cũng bất lực thôi”.
Thương hai em, cô Miến không đi lấy chồng mà ở vậy chăm các em.
Nói rồi hai hàng nước mắt lại chảy dài trên má cô và cái giọng nghèn nghẹn như sắp nấc. Nghe thấy chị gái nói chuyện, cả chú Cương và cô Mơ đều tỉnh giấc nhưng mỗi người quay mỗi ngả mắt đỏ hoe nằm khóc. Hơn ai hết hai cô chú đều hiểu sự hi sinh của hai chị gái đối với mình nên lại càng thương chị và trách hận bản thân mình đã trở thành gánh nặng. Đời người con gái, có ai lại không muốn được yêu để được làm vợ, làm mẹ, ấy vậy mà vì em cả hai cô đều gác tình riêng lại để trở thành “người mẹ, người cha” cho những đứa em khổ sở và thiệt thòi của mình.
Video đang HOT
Cô kể : “Hai đứa là em nhưng cũng là những đứa con đặc biệt của cô mà cô không thể bỏ”.
Ngồi nói chuyện, chốc chốc cô Miến lại phải đứng dậy để lấy chiếc khăn lau mặt cho em trai rồi lại rót cho em gái cốc nước uống. Mỗi lúc buồn đi vệ sinh, cả hai cô chú đều tự bò vào gần nhà vệ sinh rồi chị gái lại ra đỡ, nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng bởi: “Có những khi chúng muốn đi quá mà phải mất đến 10, 15 phút nó mới lê được vào nhà vệ sinh thành ra không kịp là đi ngay ra quần. Nhiều lúc như thế là cả hai đứa lại ngồi khóc, hỏi ra thì bảo là thương chị …”- cô Miến kể.
Hai em thường xuyên đau ốm nên số tiền nhận trợ cấp không đủ lo bữa cơm cho chúng – cô Miến lo lắng.
Với cô, hai em cũng là những “đứa con” như mọi người vẫn nói bởi từ cái ăn, cái mặc cô đều chăm bẵm suốt mấy chục năm qua. Được hưởng chế độ 360.000 đồng/người/tháng, nếu không đau ốm gì tằng tiện cô cũng lo đủ bữa cơm, bữa cháo cho hai em cho dù nó đạm bạc, sơ sài. Tuy nhiên sức khỏe của cả chú Cương và cô Mơ đều ở độ “một bữa cơm lo ba bữa thuốc” nên cảnh thiếu ăn xảy ra liên miên.
Trao đổi với chú Nguyễn Văn Thọ (Trưởng thôn Khu La tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) được biết: “Gia đình hai cô Miến, Minh vào dạng khó khăn đặc biệt trong nhiều năm nay. Chúng tôi ở địa phương cũng đã có phương án giúp đỡ nhưng chỉ được một phần rất nhỏ bởi điều kiện, hoàn cảnh không có. Ở đây ai cũng thương cho 4 chị em nhà cô ấy, cả hai chị gái đều không lấy chồng mà ở vậy chăm sóc hai em nhưng cái đói, cái nghèo không buông tha cho các cô ấy khiến chúng tôi cũng xót xa quá…”
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Cô Phạm Thị Miến và cô Phạm Thị Minh (Khu La Tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương). Số ĐT: 0169.454.2368
Theo báo Dân trí
Độc đáo: Ngựa "đưa đón" học sinh đến trường
Hằng ngày, cứ đúng giờ đi học, nghe tiếng vó ngựa, tiếng móng ngựa gõ lốc cốc trên đường, các em học sinh lại ra cổng nhà bắt xe ngựa đến trường.
Đối với nhiều em nhỏ ở thành phố hay các nơi khác, đi học bằng xe có ngựa kéo là chuyện lạ. Nhưng đối với các em học sinh tiểu học thị trấn Tứ Kỳ, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương thì điều này đã quá quen thuộc.
Chủ nhân của chiếc xe ngựa độc đáo này là ông Nguyễn Văn Lực (khu Tỉnh Nam, thị trấn Tứ Kỳ). Ông Lực đã có gần 10 năm làm nghề chạy xe ngựa đưa đón học sinh. Hằng ngày, vợ chồng ông dậy từ 5 giờ sáng để cho ngựa ăn và giúp đưa đón con em của gần 90 gia đình đi học ở trường Tiểu học thị trấn Tứ Kỳ.
Do nhiều gia đình không có thời gian đưa, đón con đến trường nên chiếc xe ngựa kéo của ông Lực rất được người dân ủng hộ. Sau một thời gian, nhờ sự thuận tiện và an toàn của loại xe này nên ông Lục càng đắt hàng
Đối với người dân nơi đây, việc các em được đưa đón đến trường bằng xe ngựa đã quá quen thuộc
Hiện, nhà ông Nguyễn Văn Lực có 2 xe. Mỗi ngày 4 lượt, ông đưa đón học sinh tuyến đường vào chợ Yên còn vợ ông đảm nhiệm tuyến đi cầu Vạn dài khoảng 2 km.
Chiếc xe ngựa 4 bánh này dài 4 mét, có 3 hàng ghế, bạt nylon che mưa. Mỗi xe chở được khoảng 40 học sinh, các em ngồi đối diện trên 2 ghế dọc thành xe dài khoảng 3 mét, cặp sách để ở giá phía trên. Được biết, chi phí là 150.000 đồng/tháng/em, đưa đón tận nhà
Ông Lực cho biết: "Các cháu được gia đình tôi đưa đi, đón về an toàn, không để sót cháu nào. Cũng chưa có sự cố nào, trừ vài lần thủng săm vì đinh. Nhưng trên xe tôi cũng đã để sẵn săm lốp để thay bất cứ khi nào cần".
Đi học bằng xe ngựa từ năm lớp 1, em Lê Thị Thảo (học sinh lớp 2A) cho biết: "Đi học bằng xe ngựa thích hơn đi xe máy, xe đạp".
Vì việc đưa đón các em học sinh phải đảm bảo an toàn nên giữa chủ xe và phụ huynh đã có cam kết, hợp đồng, giá cả và các nghĩa vụ khác
Ông Nguyễn Văn Trong, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tứ Kỳ cho biết: "Do phụ huynh cho nhu cầu đưa đón con, trong khi địa phương còn nghèo, không có điều kiện xây nhà bán trú cho học sinh nên đành chấp nhận. Nhà trường không khuyến khích các em đến trường bằng xe ngựa. Thay vì cấm đoán, các cơ quan chức năng nên có sự giám sát, quản lý tốt".
Hình ảnh các em học sinh tiểu học ở Tứ Kỳ, Hải Dương đến trường bằng xe ngựa:
Sau giờ tan học vào buổi chiều, các em học sinh tiểu học thị trấn Tứ Kỳ, Hải Dương được đón về nhà bằng xe ngựa
Ông Lực, chủ xe ngựa kéo tận tình dắt các em nhỏ sang đường để lên xe
Xe chở được trên 40 người, có cả giá để cặp sách
Trước cổng trường luôn có 3 xe ngựa, 2 xe của vợ chồng ông Lực còn một chiếc xe của người hàng xóm gần nhà ông Lực
Em Lê Thị Thảo (học sinh lớp 2) cho biết, đi học bằng xe ngựa thích hơn đi xe máy, xe đạp
Việc di chuyển đúng tốc độ, dừng xe luôn được ông Lực chú ý. Con ngựa của ông được huấn kỹ trước khi chở các em học sinh.
Xe ngựa của nhà hàng xóm ông Lực có cả phụ xe. Mỗi lần dừng xe, phụ xe phải bế các bé xuống cho an toàn.
Nhiều em đã quen với việc xuống xe
Các em ngồi trên xe được trò chuyện cùng nhau, ngắm cảnh hai bên đường
Nét hồn nhiên của các em nhỏ khi nhận ra người thân của mình từ trên xe
Xe mỗi lúc một vơi
Các em nhỏ nhà ở sâu trong ngõ của làng cũng được đưa về tận nơi
Trên xe có gắn cả gương, còi
Trẻ vui vẻ về nhà sau một ngày đi học
Hai chú ngựa nhà ông Ngọc luôn được chăm sóc chu đáo sau mỗi chuyến chở học sinh đi học
Theo Khampha