Câu chuyện cà phê và bóng đá của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải
Một quỹ tài năng chắp cánh ước mơ cho các tài năng trẻ sẽ ra đời từ một thương hiệu cà phê, đáng nói liên quan rất nhiều với bóng đá Việt Nam…
1. Theo kế hoạch, bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải, Công Phượng… sẽ gặp mặt nhiều người hâm mộ trong lễ khai trương chuỗi cà phê Ông Bầu vào hôm nay. Nhưng trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 thì sự kiện này phải hoãn lại.
Trước đó, bầu Đức đã đến các quán cà để trực tiếp giám sát mọi thứ. Ông chủ CLB HAGL rất tâm huyết với thương hiệu cà phê này, vì nó gắn liền với hai từ: Ông Bầu. Tức không chỉ đơn thuần là chuyện kinh doanh, đó còn là chuyện thương hiệu của chính bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải ( Chủ tịch NutiFood). Bởi họ đã có nhiều cống hiến cho bóng đá Việt Nam trong nhiều năm qua.
Bầu Đức ghé thăm quán cà phê Ông Bầu thì lập tức được nhiều khách hàng xin chụp ảnh.
Ví dụ người hâm mộ Việt Nam quá quen với những câu chuyện về bầu Đức, bầu Thắng cống hiến cho bóng đá nước nhà, nhưng không nhiều người biết về câu chuyện của ông Trần Thanh Hải – Chủ tịch NutiFood. Tại sao gọi là bầu Hải?
Bầu Hải đồng hành cùng bầu Đức từ ngày lứa Công Phượng trình làng. Ông Hải tham gia tài trợ để cho ra đời nhiều giải đấu, thậm chí tầm quốc tế để lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam được thi đấu, trưởng thành. Cũng chính từ những giải đấu như thế thì lứa Công Phượng đến gần với người hâm mộ cả nước, qua đó tạo nên làn gió mới cho bóng đá nước nhà về tình yêu bóng đá trong thời điểm niềm tin gần như chạm đáy.
Ông Trần Thanh Hải còn mở Học viện bóng đá NutiFood, tài trợ cho những VĐV đỉnh cao như “Tiểu Ánh Viên” Nguyễn Diệp Phương Trâm, hay tài trợ chính cho V.League 2018. Tức trong giai đoạn bóng đá Việt Nam khó khăn nhất thì ông Hải luôn đồng hành từ bóng đá trẻ đến chuyên nghiệp, dù ông không có đội bóng thi đấu V.League.
Bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải có nhiều điểm tương đồng vì tình yêu bóng đá.
Mẫu số chung khi nói về những câu chuyện trên là bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải có thể thấy những điểm chung là tình yêu bóng đá, cống hiến cho bóng đá và khát khao được thấy bóng đá Việt Nam thành công. Vì tình yêu của bầu Đức và bầu Thắng dành cho bóng đá là câu chuyện không cần phải bàn cãi, họ chính là biểu tượng cho sự thành công của bóng đá Việt Nam trong hai giai đoạn rực rỡ nhất.
2. Trở lại với câu chuyện kinh doanh cà phê từ các ông bầu, độc giả có thể nhìn qua lăng kính bóng đá và cà phê. Hai thứ có thể nói là sự kết hợp tuyệt vời dành cho nhau. Đó cũng là lý do ở Việt Nam có rất nhiều quán cà phê đề bảng trực tiếp bóng đá, hay còn gọi với tên quen thuộc là quán cà phê bóng đá.
Bóng đá có hỉ – nộ – ái – ố, tức chứa đủ mọi cung bậc cảm xúc. Cà phê có hương vị như đắng, ngọt. Hai điều này hòa quyện nhau theo đúng bối cảnh ngồi nhâm nhi ly cà phê và xem một trận bóng đá, thực sự quá tuyệt vời.
Bóng đá cũng là hình thức giải trí mà mọi người trên thế giới đều dễ dàng tìm đến. Nếu có tiền và thời gian thì đến sân vận động để dõi theo trực tiếp, hoặc bận công việc thì ngồi trước tivi để xem. Hình thức đơn giản nhất là xem qua điện thoại smartphone.
Những đứa trẻ đam mê bóng đá thì dễ dàng chắp ước mơ. Tụi trẻ có thể thỏa thích chơi đùa với một quả bóng nhựa. Nơi thi đấu cũng có thể tìm thấy mọi nơi, từ cánh đồng đến đường quê hay sân trường…
Đúng hơn, bóng đá được yêu mến vì dành cho tất cả chúng ta theo cách rẻ nhất và đơn giản nhất.
Video đang HOT
Cà phê ở Việt Nam được thưởng thức như bóng đá. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức ly cà phê từ vỉa hè đến một quán sang trọng. Mức giá từ bình dân đến đắt đỏ đều có đủ cho mọi người chọn lựa phù hợp túi tiền.
3. Cà phê Ông Bầu của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cũng ra đời từ những điều giản đơn: Sống thật, cà phê thật. Họ muốn tạo dựng nên một thương hiệu cà phê giống như cách họ cống hiến cho bóng đá gói gọn trong chữ THẬT. Mỗi ly cà phê chỉ bán với mức giá 16 nghìn đồng – mức giá có thể nói dành cho tất cả mọi người yêu cà phê và bóng đá.
Tất nhiên, câu chuyện cà phê và bóng đá của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải không chỉ đơn giản là chuyện kinh doanh. Họ còn có một quỹ tài năng Việt, với số tiền bán mỗi ly cà phê trích lại 1 nghìn đồng. Đây là quỹ hỗ trợ cho các em nhỏ có tài năng, trong đó bóng đá là hạt nhân.
Đó chính là tâm huyết của bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải khi làm một thương hiệu cà phê gắn bó với bóng đá. Tức mọi người đều có thể góp một phần nhỏ vì tình yêu bóng đá, mong muốn thấy bóng đá nước nhà bay cao – bay xa. Mọi thứ rõ ràng rất thực tế, không phải là sự mơ hồ.
Thật ý nghĩa khi bóng đá và cà phê đang có thể kết hợp cùng nhau để hứa hẹn tạo ra những giá trị, vượt qua khuôn khổ câu chuyện trái bóng tròn. Và bất cứ điều gì chắp cánh ước mơ cho các tài năng ở nhiều lĩnh vực trong xã hội thì rất đáng trân trọng.
Theo SaoStar
Bầu Thắng: 'Cảng Quốc tế Long An là tâm huyết của đời tôi'
Nổi tiếng là người đàn ông nói được làm được, Chủ tịch tập Đồng Tâm - ông Võ Quốc Thắng sắp hoàn thành tâm huyết lớn trong cuộc đời: Cảng Quốc tế Long An sẽ là cửa ngõ để cả Đồng bằng sông Cửu Long thay da đổi thịt.
Nhân dịp khai trương cà phê Ông Bầu ở Căn tin Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, Long An), người viết đến Cảng Cảng Quốc tế Long An và chứng kiến sự "thay da đổi thịt" của vùng đất từng bị ngập mặn, nhiễm phèn. Qua đó, Saostar đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm ông Võ Quốc Thắng.
- Ngoài những cống hiến cho bóng đá, người hâm mộ cả nước còn biết đến bầu Thắng là một doanh nhân rất nổi tiếng. Hiện tại, Tập đoàn Đồng Tâm đang thực hiện những kế hoạch lớn nào ở địa hạt kinh doanh, thưa ông?
Ông Võ Quốc Thắng (Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm): Khi nói về Đồng Tâm thì nhiều người nghĩ ngay đến gạch, nhưng trên thực tế, chúng tôi kinh doanh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như khu công nghiệp, cảng biển.
Chúng tôi có khu công nghiệp Thuận Đạo ở Bến Lức, tỉnh Long An với hơn 50 nghìn người lao động. Một dự án khác đang trong quá trình hoàn thành là Cảng Quốc tế Long An.
- Cảng Quốc tế Long An và KCN Cảng Long An được kỳ vọng không chỉ đánh thức tiềm năng phát triển của tỉnh Long An mà còn cho cả Đồng bằng sông Cửu Long vươn mình, cũng như kết nối với TPHCM bằng đường bộ và đường thủy trong việc vận chuyển hàng hóa, ông có thể chia sẻ về sự tiến triển trong thời gian qua?
Cảng Quốc tế Long An chính là công trình tâm huyết của tôi cũng như các anh em trong công ty, mọi thứ đang phát triển theo đúng kế hoạch, chỉ còn chờ hoàn thành 100%. Hiện tại, Cảng và KCN vẫn đang vừa khai thác, vừa thi công hoàn thiện.
Cảng Quốc tế Long An đang trong quá trình hoàn thiện.
Vốn đầu tư cho Cảng Quốc tế Long An là 10 nghìn tỷ, chia làm 3 giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2023. Khi hoàn thành thì 7 bến cầu cảng có thể tiếp nhận tàu 30.000 - 70.000 DWT với tổng chiều dài cầu cảng là 1.670m, 4 bến sà lan tiếp nhận sà lan 2.000 tấn. Trong quá trình thi công, tôi được sự góp ý từ nhiều chuyên gia về định hướng lâu dài cũng như được ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện khâu thủ tục để mở rộng thêm 2 bến cầu cảng, nâng tổng số lên 9 cầu cảng với chiều dài hơn 2 km và dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Dự án Cảng quốc tế Long An gồm 1.935 ha là khu liên hợp bao gồm đô thị, dịch vụ cảng biển, logistics cùng các tiện ích đáp ứng nhu cầu trọn gói cho các doanh nghiệp đến đầu tư. Với lợi thế đường liền đường, sông liền sông, Cảng quốc tế Long An chính là cửa ngõ thuận tiện đi về TPHCM nên thời gian qua đã thu hút được nhiều doanh nghiệp về đầu tư tại KCN Cảng.
Tôi biết khi có tin về dự án KCN, đô thị và cảng Quốc tế Long An hình thành, các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã rất vui mừng. Tất cả đang chờ Cảng Quốc tế Long An đưa vào khai thác, hàng hóa sẽ xuất đi từ đây. Ngoài tiết kiệm chi phí vận chuyển cùng nhiều chi phí khác thì đặc biệt quan trọng là giảm được áp lực giao thông cho khu vực TPHCM.
Với dấu mốc đón gần 1.000 con tàu trong và ngoài nước ra vào Cảng, đạt gần 1 triệu tấn hàng hóa xuất nhập thông qua cảng, Cảng đã tiếp nhận và bốc dỡ hàng hóa thành công nhiều tàu tải trọng trên 50.000 DWT.
- Với một dự án rất lớn như Cảng Quốc tế Long An thì quá trình đầu tư phải gặp những khó khăn gì?
Mỗi khi nhắc đến điều này thì tôi lại nhớ về những chuyến tàu quốc tế đầu tiên cập Cảng. Tôi tận mắt chứng kiến điều đó thì vô cùng xúc động và cảm xúc khó mà nói thành lời được.
Những ngày đầu xây dựng cảng, thật sự chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, điều kiện hạ tầng giao thông không thuận lợi, phải làm đường để vận chuyển vật liệu, nhưng tôi xác định phải vượt qua mọi trở ngại để quyết tâm thực hiện thật tốt dự án này. Vì tôi biết bà con ở hai xã Tân Tập và Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc, Long An) rất hy vọng vào sự đổi thay của quê hương.
Bầu Thắng trực tiếp đôn đốc công việc ở Cảng Quốc tế Long An.
Mấy năm qua, mọi thứ đang tốt lên và thay đổi để tạo sinh khí cho vùng quê nghèo. Ngày xưa, nơi đây không có lợi thế trồng trọt, chăn nuôi, đất đai thường xuyên bị ngập mặn, nhiễm phèn. Tôi biết bà con chắc cũng chưa thể hình dung hết được sự thay đổi, sau khi đi vào hoạt động thì Cảng Quốc tế Long An sử dụng nhiều lao động trong nước và nước ngoài, trong đó có nhiều con em của địa phương.
- Phải chăng vì dành tâm huyết rất lớn cho Cảng Quốc tế Long An là lý do khiến ông tạm dừng đam mê với bóng đá?
Chắc chắn là không rồi. Bóng đá với tôi là sự đam mê rất lớn trong cuộc đời. Tôi yêu bóng đá và không bao giờ dừng đam mê. Hiện tại, có một số điều chưa thích hợp nên tôi chưa muốn đầu tư mạnh trở lại cho bóng đá, vài năm tới thì tôi sẽ đưa CLB Long An trở lại chuyên nghiệp.
- Ngoài chuyện đầu tư cho Khu công nghiệp và cảng biển, thời gian gần đây thì ông cùng bầu Đức, ông Trần Thanh Hải (Chủ tịch NutiFood) cho ra đời Cà phê Ông Bầu. Tại sao ông lấn sang lĩnh vực này?
Cà phê Ông Bầu là sự ấp ủ của tôi, anh Đức (bầu Đức - pv) và anh Hải. Người Việt Nam thích uống cà phê nên chúng tôi muốn tạo ra một thương hiệu cà phê thật - sạch để mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm chất lượng.
Chúng tôi sẽ mở rộng quy mô, đa dạng hóa hình thức kinh doanh trên cả nước, qua đó xây dựng một Quỹ xã hội dành cho tài năng trẻ ở nhiều lĩnh vực chứ không riêng bóng đá. Tôi cũng cho mở một quầy cà phê trong căn tin ở Cảng Quốc tế Long An để phục vụ cho anh em công nhân. Mục đích của tôi là muốn các anh em công nhân được chăm sóc thật tốt.
Tôi còn nhớ trong một lần mở camera lúc 2 giờ đêm, nhìn cảnh hàng trăm xe tải khắp mọi miền về chờ nhận hàng, đậu xe trước Cảng. Tôi đã thật sự giật mình và tự hỏi: "Bây giờ nếu anh em công nhân, các bác tài muốn ăn uống hay tắm rửa thì phải làm sao?".
Ngay hôm sau, tôi mở cuộc họp và xác định các anh em công nhân, các bác tài phải được quan tâm, chăm lo nhiều hơn. HĐQT Công ty đã quyết định ưu tiên xây dựng Căn tin Cảng Quốc tế Long An với diện tích 2000 mét vuông. Đây là một công trình xanh khi toàn bộ mái nhà được lắp các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện năng. Tôi cũng nói rất rõ ràng là Căng tin không phải để kiếm tiền, giá bán ở đây phải rất phù hợp với túi tiền của anh em công nhân. Vì tôi cho mở Căn tin là để phục vụ mọi người có nơi ăn uống sạch sẽ, lành mạnh, an toàn, vệ sinh.
Tôi kể lại câu chuyện trên để nói rằng, kinh doanh là điều phải làm nhưng chúng tôi hướng đến giá trị tốt đẹp cho xã hội, đúng với slogan của Đồng Tâm: "Vì cuộc sống tươi đẹp". Kinh doanh cà phê cũng thế, cà phê phải thật, qua đó mỗi ly nước bán ra đều trích 1 nghìn đồng đưa vào Qũy phát triển tài năng Việt.
- Với rất nhiều việc ở các lĩnh vực kinh doanh khác nhau, mỗi ngày thì ông phải dành bao nhiêu giờ để làm việc?
(Cười). Câu này khó trả lời cho chính xác, vì có những hôm thì tôi phải làm cả ngày lẫn đêm. Tôi chỉ biết là buổi sáng thức dậy từ sớm, sau đó làm việc và mệt lúc nào thì ngả lưng để chợp mắt một tí.
Nói như thế nào nhỉ? Tôi đâu thể dừng lại để dành thời gian cho chính mình, vì trách nhiệm của tôi với tất cả những ai đang gắn bó với Đồng Tâm, sau đó trách nhiệm của tôi - một người công dân phải tận tụy làm việc để góp phần phát triển xã hội.
Bầu Thắng khát khao tạo nên sự đổi mới cho vùng quê nghèo bị ngập mặn ở Long An nên quyết tâm thực hiện thật tốt dự án Cảng Quốc tế Long An.
- Với quỹ thời gian mỗi ngày làm việc nhiều như thế, ông dành thời gian cho gia đình như thế nào?
Tôi nói thật thời gian dành cho gia đình phải có nhưng không được trọn vẹn. Ai cũng ao ước có thật nhiều thời gian bên gia đình nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
- Vậy ông có điều gì tiếc nuối vì chưa làm được?
Rất nhiều thứ mà tôi mong muốn nhưng chưa làm được. Cũng như chuyện kinh doanh phải có lúc thăng - trầm, không thể lúc nào cũng tốt đẹp cả!
- Triết lý của ông trong kinh doanh là gì để có được thành công?
Như tôi đã nói ở trên, slogan của Đồng Tâm là "Vì cuộc sống tươi đẹp". Tôi luôn hướng đến những điều tốt đẹp và không ngừng tạo ra giá trị cho xã hội. Tính tôi rất lạc quan, luôn nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống và tôi luôn chia sẻ điều này cho nhân viên, bạn bè của mình.
- Trong những lúc cần đưa ra một quyết định quan trọng, hoặc cần gạt bỏ mọi thứ để suy nghĩ thì ông thường làm gì?
Tôi thích đi lang thang một mình, hoặc có những ngày đi lang thang nơi công trường. Với tôi, đó là một hình thức giải trí, qua đó có thể cảm nhận được mọi thứ. Tôi nhớ năm 2008, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup thì tôi cũng từng đi lang thang ở Hà Nội để cảm nhận về niềm vui, sự hạnh phúc...
Xin cảm ơn ông Võ Quốc Thắng!
Theo SaoStar
Bầu Thắng đứng bán cà phê giữa lòng Sài Gòn Bầu Thắng đứng bán cà phê ở Sài Gòn đang trở thành chủ đề được quan tâm cực lớn của người hâm mộ. "Bán cho một ly cà phê đá nhé". Một vị khách trung niên dừng xe lại gọi ly cà phê trước một quán cà phê ở đường Hoàng Diệu, Quận 4. Vài phút sau, một người mang ly cà phê...