Câu chuyện buồn của một luật sư lầm lạc
Bố tôi luôn nói rằng: “Con tự chọn con đường đi cho mình nên con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với nó” (ảnh minh họa)
Nghe quản giáo ở trại giam Thủ Đức gọi Nguyễn Ngọc Thiện là “luật sư”, tôi cứ nghĩ đó là biệt danh mà mọi người ở đây dành để gọi anh chàng nhỏ thó với đôi kính cận dày cộp trên mắt. Té ra khi hỏi chuyện, Thiện xác nhận anh đúng là một luật sư “xịn” từng công tác ở Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Câu chuyện của cựu luật sư lầm lạc có thể chỉ đơn giản là câu chuyện buồn của một con người, nhưng đằng sau đó là một câu chuyện buồn của tình yêu.
Tôi từng có tất cả mọi thứ mà người đời mơ ước Ba tôi là một dược sĩ, ông kỳ vọng cậu con trai út là tôi sẽ trở thành bác sĩ nhưng tôi lại đi ngược lại ước muốn đó của ông để trở thành sinh viên trường luật. Dù vậy cha tôi vẫn tôn trọng quyết định của tôi. Ông nói rằng: “Con tự chọn con đường đi cho mình nên con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với nó”. Thật đáng buồn, đó không phải là lần duy nhất cha nói với tôi điều đó.
Học trường luật, tôi là một trong những sinh viên xuất sắc. Tôi cũng tích cực trong hoạt động đoàn thể, tham dự phong trào Mùa hè xanh suốt mấy năm học đại học. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc ấy chúng tôi cũng trồng rau và lao động. Thật khó tưởng tượng sau chừng ấy năm, tôi lại làm những công việc ấy trong trại giam.
Sau khi tốt nghiệp ra trường, với bảng kết quả học tập tốt và một quá trình hoạt động năng nổ, tôi được nhận vào Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Vốn là người năng động, tôi không chịu ngồi yên với công việc của một công chức mà còn làm thêm nghề tay trái là buôn bán xe hơi. Thời điểm ấy, tôi có một công việc ổn định và danh giá, có vợ đẹp con khôn và kiếm được rất nhiều tiền. Tôi có cuộc sống mà mọi người khác cũng đều phải mơ ước.
Mọi thứ đến quá dễ dàng khiến cho tôi giống như con thú bị say tiền. Tôi lao vào cuộc kiếm tiền đó mà không cần biết hậu quả. Lúc đó, tôi đem rất nhiều tiền về cho ba. Là người từng trải, ba tôi nhanh chóng nhìn ra vấn đề. Với một luật sư trẻ mới hành nghề như tôi, làm sao có thể kiếm được một số tiền lớn như thế nếu không làm ăn phi pháp. Ba nhắc lại với tôi câu nói mà ông đã từng nói trước đó: “Con tự chọn con đường đi cho mình nên con sẽ phải tự chịu trách nhiệm với nó”.
Anh trai tôi cũng khuyên tôi nên làm ăn đàng hoàng. Trước kia, tôi và anh trai không hợp nhau nên anh ấy càng khuyên tôi càng không nghe. Thanh niên còn trẻ muốn chứng tỏ mình, hơn nữa tôi muốn cho anh ấy thấy rằng, không phải lúc nào anh ấy cũng đúng. Thực ra công việc của tôi khi ấy là buôn lậu xe hơi từ Mỹ về Việt Nam. Mọi chuyện suôn sẻ tới mức tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ vấp ngã. Nhưng có lẽ, chuyện làm ăn phi pháp của tôi không sớm thì muộn cũng sẽ bị phát giác.
Năm 2007, một chuyến hàng của tôi bị bắt khi vừa cập cảng nhưng tôi chưa bị bắt ngay. Có điều, tôi đã nhận của bạn rất nhiều tiền nhưng lại không có hàng để giao cho họ. Khách hàng của tôi thưa lên tòa án. Công an điều tra vào cuộc ngay lập tức bắt tạm giam tôi. Khi ấy, tôi phải đối mặt với bản án 22 năm tù. Nhờ luật sư và hiểu rõ luật nên cuối cùng tôi lãnh án 8 năm cho tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.Từ trên đỉnh tôi rớt xuống đáy vực thẳm. Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong những bi kịch mà tôi phải gánh chịu cho sai lầm của mình.
Tôi lầm lạc nhưng vẫn còn kịp để quay trở lại
Ngay sau khi tôi bị bắt, tôi chủ động nói lời chia tay vợ để cho cô ấy đi tìm cuộc sống mới. Anh hỏi tôi sao lại làm điều đó ư? Anh đừng lầm tưởng tôi cao thượng hay không yêu vợ. Vì tôi rất yêu vợ nên mới phải đưa ra quyết định ấy dù rất khó khăn. Án của tôi dài mà cô ấy còn quá trẻ. Nếu tôi cứ quyết giữ cô ấy thì chỉ làm cho cả hai thêm đau khổ. Tôi đã nghĩ rất kỹ trước khi quyết định giải phóng cho cô ấy. Tôi làm như vậy vì hạnh phúc của con trai tôi, cũng là vì chính bản thân mình nữa.
Nhưng đó không phải là điều đau lòng nhất mà tôi và bản án của mình gây ra cho những người thân. Ngay sau khi tôi bị bắt, ba tôi bị tai biến lần thứ nhất. Đến năm 2010, ba tôi bị tai biến lần thứ hai và hoàn toàn không còn khả năng bình phục. Ba tôi hiện đang sống đời thực vật. Tất cả những điều đó đều do tôi mà ra. Ngày xưa khi ba nói với tôi về việc tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình, tôi cứ nghĩ rằng ba ghét tôi, ba không thương tôi. Thế nhưng khi bước vào trại giam rồi, tôi mới hiểu rằng ba thương tôi nhiều chứ. Ông nghĩ rất nhiều cho thằng con trai út chịu lắm thiệt thòi như tôi.
Ở trong trại giam, tôi cải tạo tốt. Bữa mới vào, tôi cũng suy nghĩ rất nhiều. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng vẫn còn nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời của mình nên bớt nghĩ ngợi hơn, chăm lo cải tạo để sớm trở về. Tôi vẫn hy vọng có ngày mình sẽ cùng vợ đoàn tụ vì tôi còn yêu cô ấy rất nhiều và tôi cũng không muốn con tôi phải sống trong cảnh không trọn vẹn. Là người chịu hậu quả của việc ba mẹ chia tay nên tôi rất hiểu điều đó. Trẻ con nhạy cảm lắm anh ạ, thời nào cũng thế thôi. Đừng nghĩ rằng xã hội cởi mở hơn với chuyện li hôn mà con trẻ không bị tổn thương. Dù thế nào đi nữa, một đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh cha mẹ li hôn có đầy đủ tình thương và sự quan tâm của cha mẹ. Li dị rồi, người đau khổ nhất không phải là hai người lớn mà là những đứa con. Tôi là người hiểu rất rõ điều đó. Trước kia tôi đã từng muốn sang Mỹ để hỏi mẹ tôi, tại sao mẹ lại bỏ tôi ra đi mà không một lần ngoái đầu lại xem tôi sống thế nào.
Thế nhưng khi tôi vào trong trại giam và nhìn lại chính bản thân mình, tôi hiểu rằng, không phải mẹ không thương tôi mà bỏ tôi đi. Cũng giống như tôi, tôi chia tay với vợ vì tôi quá yêu cô ấy, bởi vì tôi quá yêu con trai của mình. Tôi vì tương lai của họ nên mới đưa ra quyết định ấy. Thế nên khi nhận được thiệp cưới của cô ấy, tôi đau lòng lắm. Bao nhiêu hy vọng le lói trước đó giờ hoàn toàn bị dập tắt. Tôi học được rất nhiều từ cuộc sống ở trại giam. Những nỗi buồn dù có sâu đến mấy thì tôi cũng phải cố gắng vượt qua nếu không muốn mình gục ngã. Vấn đề của mình thì mình phải tự tìm lối thoát, không nên né tránh. Tôi nghĩ thế và lấy đó làm động lực để cố gắng. Dù sao thì cũng đã sai lầm rồi, việc quan trọng bây giờ không phải là đau khổ mà là làm sao để anh sửa chữa những sai lầm đó.
Tôi luôn tự an ủi mình rằng, mình bị bắt sớm cũng là may mắn bởi việc làm phạm pháp của tôi sớm muộn cũng bị phát giác. Tôi bị bắt sớm thì sẽ có cơ hội làm lại cuộc đời mình bởi tôi vẫn còn trẻ. Năm 2004, tôi có một người bạn rất thân tự tử vì tình. Đêm hôm đó, tôi ngồi nhậu với anh ấy rất muộn và là người cuối cùng gặp mặt anh ấy. Khoảng 2 giờ sáng, tôi đòi về vì quá mệt. Đêm đó anh ấy cứ bảo tôi ngồi nói chuyện thêm với anh ấy một lúc nữa. Khi nghe tin anh ấy mất, tôi luôn tự trách mình rằng giá như đêm ấy tôi ngồi với anh lâu hơn, giá như tôi lắng nghe anh tâm sự thì có lẽ anh ấy đã không chết.
Những lúc buồn phiền vì những việc gia đình, tôi cũng từng nghĩ đến chuyện buông xuôi. Nhưng ngẫm lại mới thấy ba tôi nói rất đúng. Tôi mới chính là người phải tự giải quyết vấn đề của mình. Mọi người có chìa tay họ thì tôi cũng tuột ra khỏi vòng tay của họ. Tôi chỉ còn một quãng thời gian không dài nữa là hết hạn cải tạo. Tôi tin rằng, mình đã quá hiểu cái giá phải trả cho việc làm nông nổi của mình và sẽ biết trân trọng những gì tôi đang có. Cảm ơn anh đã ngồi lắng nghe câu chuyện của tôi, biết đâu sau này chúng ta sẽ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh khác, chắc chắn là phải tốt hơn hiện tại rồi.
Tiểu Phi (Ghi theo lời kể của phạm nhân Nguyễn Ngọc Thiện – trại giam Thủ Đức).
Theo 24h
Video đang HOT
Người tù bất cần và kiếp bên lề xã hội
Người tù mà tôi gặp ở trại giam Thủ Đức trong một ngày giáp tết là một thanh niên trẻ, có vẻ bề ngoài bất cần. Khi mới trò chuyện, Nguyễn Văn Tý dường như tỏ vẻ không thoải mái nên trả lời nhát gừng. Thế nhưng khi cuộc trò chuyện bắt đúng mạch, anh khóc như một đứa trẻ. Tý nói rằng, Tết đối với anh là những ký ức đau buồn trong quá khứ và là sự hành hạ tâm thần trong hiện tại.
Tuổi thơ dữ dội
Nghe Nguyễn Văn Tý nói vậy, tôi tưởng anh còn vướng mắc điều gì với cán bộ Trại giam Thủ Đức. Trước đó tôi đã trò chuyện riêng với rất nhiều phạm nhân ở trại giam này nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ lời ta thán hay phàn nàn nhiều. Có những phạm nhân thậm chí còn nói với tôi rằng, họ không thể ngờ môi trường cải tạo ở trại giam này lại trái ngược hoàn toàn so với sự tưởng tượng không mấy tốt đẹp của họ trước khi vào đây.
Nguyễn Văn Tý bảo, khi còn ở ngoài xã hội, nhiều lúc anh còn không có lấy một chỗ tử tế để ngủ, thế nên chẳng có điều gì phàn nàn về trại giam, thế nhưng mỗi dịp tết đến, anh lại ý thức rõ nhất về sự bơ vơ của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Tý cải tạo tại Trại giam Thủ Đức. Trước đó Tý từng thụ án tại trại giam này do tội danh cố ý gây thương tích khi anh chưa đủ 18 tuổi. Vừa ra khỏi trại giam chưa được bao lâu, Nguyễn Văn Tý lại tiếp tục lĩnh án 9 năm vì buôn bán ma túy.
Trong cuộc trò chuyện với tôi, Tý luôn miệng nói rằng mình làm sai thì mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhưng Tý khóc nấc lên trước câu hỏi tại sao của tôi, bởi câu hỏi ấy khiến cho những dòng ký ức đau buồn của anh, giống như một cuốn phim quay chậm lần lượt chạy lại rõ mồn một, không thiếu một chi tiết nào.
Ngay từ khi sinh ra, Tý đã không biết mặt cha mình là ai. Bi kịch hơn, 7 đứa em còn lại của Tý cũng không biết mặt cha chúng là ai. Tý chỉ biết rằng, từ khi biết nhận thức, anh đã là một đứa trẻ bụi đời. Ngày, thằng nhóc lầm lụi theo mẹ đi xin ăn dọc các phố phường ở Sài thành. Tối đến, công viên Lê Văn Tám trở thành nhà và ghế đá trở thành giường ngủ của thằng bé ấy.
Một đứa trẻ chưa bao giờ biết đến một ngôi nhà tử tế thì nó sẽ chẳng bao giờ mơ đến một ngôi nhà tử tế. Hơn nữa, ít nhất trong ngôi nhà nghìn sao của mình, mẹ nó vẫn yêu thương nó giống như bao bà mẹ thương con khác. Cuộc đời sẽ cứ thế trôi đi nếu không có những biến cố. Nhưng cuộc đời lại không có chỗ cho hai từ giá như.
Tối đến, công viên Lê Văn Tám trở thành nhà và ghế đá trở thành giường ngủ của thằng bé ấy (ảnh minh họa).
Biến cố ấy bắt đầu khi các em của Tý lần lượt ra đời. Cuộc sống dù có vất vả hơn khi số tiền hai mẹ con kiếm được mỗi ngày phải san sẻ thêm cho các em nhưng nó vẫn trôi qua một cách yên ổn bởi tình thương mẹ dành cho Tý không hề giảm dù có phải chia bớt cho các em. Bi kịch bắt đầu đến khi các em của Tý ốm phải đi bệnh viện.
Khi mẹ tất bật chăm em trong bệnh viện, cả bốn miệng ăn đều trông chờ vào thằng bé 5 tuổi. Tý nói rằng anh không bao giờ quên cái cảm giác một mình lầm lũi cúi mặt đi khắp các chợ để xin tiền cho các em có được một bữa ăn no trong bệnh viện. Những ngày không xin được đồng nào, thằng nhóc 5 tuổi phải đi ăn cắp để có tiền mang về cho các em trong bệnh viện. Có những lần bị bắt, Tý bị người ta đánh thừa sống thiếu chết nhưng rồi người ta cũng tha không đưa đi trại trẻ mồ côi hay trại giáo dưỡng vì còn quá nhỏ. Những lúc ấy, Tý mới thấm hết ý nghĩa của hai tiếng bụi đời.
Suốt mấy tháng ròng như thế từ khi em nhập viện, mỗi ngày trôi qua với Tý vừa là áp lực vừa là cực hình. Thế nhưng Tý không thể nói không bởi mẹ, bởi em còn đang chờ đợi trong bệnh viện. Nếu không có những đồng tiền lẻ nhàu nát do Tý mang về, mẹ và hai em sẽ chết đói. Với một thằng bé mới 5 tuổi, những ý nghĩ ấy buộc nó phải tiếp tục kiên cường, không còn biết xấu hổ, không còn biết sợ hãi là gì nữa.
Một lần đang ngồi lầm lũi trong công viên đếm những đồng tiền mới xin được, những người cùng cảnh ngộ bụi đời nói với Tý: "Sao mẹ con mày phải khổ thế, về mà nhờ gia đình mẹ mày giúp. Nhà ngoại mày đông anh em, ai cũng giàu lắm".
Chưa bao giờ Tý nghe đến hai tiếng gia đình. Nó tưởng rằng gia đình của nó chính là mẹ, là các em, là những người cùng cảnh ngộ bụi đời ở công viên Lê Văn Tám. Chưa bao giờ nó hỏi mẹ nó cha nó là ai, cha các em nó là ai. Nó chưa bao giờ nghĩ rằng mẹ nó lại có một gia đình, đừng nói tới chuyện gia đình đó còn rất khá giả. Nhưng thằng bé ấy không thể không bận tâm tới những lời nói kia, nó bắt đầu có những câu hỏi và nó buộc phải tìm câu trả lời từ người duy nhất có đáp án - mẹ nó.
Câu trả lời mà nó nhận được chỉ là sự tức giận của mẹ nó cùng lời nói hết sức nghiệt ngã: "Mày không có gia đình gì hết, mày chỉ có tao với em mày thôi. Đừng bao giờ mày hỏi về gia đình nữa". Từ đó, nó luôn ghi nhớ trong đầu, nó chỉ có duy nhất một gia đình là mẹ và các em của nó. Người mẹ đã phải đi móc túi của người ta, phải đi xin ăn của người ta để cho anh em nó được ăn no. Những người mà nó đã phải đi ăn xin, đi ăn cắp để họ không bị chết đói.
Năm Tý 12 tuổi, mẹ đột nhiên đưa nó cùng đám em lóc nhóc trở về nhà. Không phải là công viên Lê Văn Tám nơi anh em nó lớn lên mà là nhà - nơi những người anh em của mẹ nó đang cư ngụ.
Đó là lần đầu tiên nó biết được cảm giác có một ngôi nhà ở trên đầu, một ngôi nhà thực sự vững chãi. Không phải ngôi nhà với mái vòm rộng lớn ở công viên Lê Văn Tám nơi có những ánh đèn đường rực sáng cả khi về đêm, nơi những ngôi sao lấp láy tỏa sáng những khi những ngọn đèn không thắp, nơi những đêm co ro tránh rét dưới mái hiên khi những cơn mưa dông ào ào ập xuống.
Ngôi nhà mà nó đang đứng là một ngôi nhà đúng nghĩa, hơn thế nữa ngôi nhà ấy lại hào hoa hơn tất cả những ngôi nhà mà nó từng tưởng tượng trước đó. Thế nhưng, cảm giác choáng ngợp nhanh chóng mất đi, thay vào đó là sự tổn thương sâu sắc. Nó cảm giác như nó vừa bị cả thế giới này phản bội. Ngay cả người mẹ mà nó tưởng chừng như không thể nào làm điều đó với nó nay cũng phản bội nó, phản bội niềm tin của nó.
Nó nhớ lại từng lời của mẹ nó đã từng nói: "Mày không có gia đình gì hết, mày chỉ có tao với em mày thôi. Đừng bao giờ mày hỏi về gia đình nữa". Khi nó muốn có một ngôi nhà, mẹ nó đã đập ngôi nhà trong mơ ấy của nó vỡ tan tành một cách không thương tiếc, dập tắt những mơ ước của nó về một ngôi nhà như nó hy vọng. Đến khi ước mơ ấy không còn nữa, thì mẹ nó lại đưa nó về ngôi nhà ấy, ngôi nhà đã chết trong tiềm thức của nó.
Nó có cảm giác mình bị phản bội bởi thời điểm ấy, những ký ức về những ngày lang thang khắp các ngõ chợ của Sài Gòn xin ăn, những lúc nó bị người ta đánh đập thiếu nước chết, những lúc mẹ và em nó suýt chết vì không có tiền để chữa bệnh và không có tiền ăn. Bao nhiêu tủi nhục ấy giờ dội ngược trở lại và tràn ra ngoài cùng những dòng nước mắt và câu hỏi: Khi ấy gia đình ở đâu.
Khi ấy, những người giàu có trong ngôi nhà kia ở đâu? Nguyễn Văn Tý không kìm được nước mắt khi nhớ lại quãng đời tuổi thơ đầy dữ dội của mình. Tý nói với tôi rằng, anh biết những việc mình đã làm là sai trái. Nó là một cách phản ứng ngược với tất cả những điều mà gia đình kia mong muốn. Nó giống như một sự phản kháng của bản thân anh với những người thân của mình.
Từ tổn thương biến thành thù địch
Tất cả những ý nghĩ về gia đình, về những người thân của mẹ, Tý giữ trong lòng. Vì mẹ anh nói với anh rằng: "Từ bây giờ đây là gia đình của mày. Là ngoại mày, là cậu mày. Mày phải ngoan ngoãn và nghe lời" nên anh tạm chấp nhận nó. Thế nhưng chưa bao giờ Tý dừng ý nghĩ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Khi chúng tôi cay đắng tủi nhục nhất các người ở đâu?".
Người đầu tiên Tý tìm đến là ngoại dù ngay từ ánh mắt đầu tiên nó biết ngoại không có cảm tình với thằng bé đen đúa, xấu xí như nó. Khi nó hỏi ngoại tại sao các cậu đều có nhà cửa đàng hoàng trong khi mẹ nó thì phải lang thang đầu đường xó chợ. Tại sao mọi người đều được yêu thương trong khi mẹ con nó bị hắt hủi, ngoại nói với nó: "Tại mẹ mày không thích, tại mẹ mày không chịu nghe lời nên tao không cho". Từ đó, nó bắt đầu không nghe lời bà ngoại, không nghe lời các cậu mà bỏ đi bụi, quậy phá.
Thêm một lần nữa, những kẻ xa lạ ấy lại chìa tay giúp Tý trong khi những người thân chối bỏ anh (ảnh minh họa).
Nguyễn Văn Tý nhớ lại: "Sở dĩ khi ấy mẹ con em được chấp nhận trở lại bởi vì mẹ em đã có tiền. Dù đó là những đồng tiền phi pháp do buôn bán ma túy".
Tý từng nhiều lần ngăn mẹ buôn bán ma túy nhưng khi nó lên tiếng vì sợ sẽ có một ngày mẹ nó phải ngồi tù hoặc xử bắn thì mẹ nó nói rằng "không làm thì lấy đâu ra tiền nuôi chúng mày" rồi lại tiếp tục lao vào con đường phi pháp. Ngay cả những người dì, người cậu của nó, dù ai cũng có nhà cao cửa rộng, ai cũng có xe đẹp đi nhưng vẫn xin tiền của mẹ nó dù họ biết rằng đó là những đồng tiền do buôn bán ma túy.
Khi nhìn thấy những cảnh "chướng tai gai mắt" đó, Tý từng hỏi mẹ mình câu hỏi tại sao thì mẹ nó mắng lại nó và nói rằng "mày thì biết cái gì, gia đình là trên hết". Lúc đó Tý cự lại mẹ: "Lúc con khổ nhục nhất gia đình có ai giúp được gì không. Bây giờ mẹ có tiền thì ai cũng bu vào". Thế nhưng mẹ nó vẫn không chịu nghe lời nó, bao nhiêu tiền kiếm được từ việc buôn bán ma túy, mẹ nó đều cho hết những người thân. Ngay cả khi nó khuyên mẹ phải biết tích cóp riêng cho mình đề phòng sau này có chuyện không hay, mẹ nó cũng không nghe lời.
Từ đó trở đi, Tý mâu thuẫn, thù địch với những người thân trong cái "gia đình ấy". Hễ họ nói với anh điều gì không được làm, anh càng làm lớn những chuyện đó chứ không bao giờ nghe theo lời họ. Tý nói rằng, trong lòng anh biết mình sai nhưng đó là cách để anh chống đối lại họ. Kể cả ngoại cũng trở nên khó chịu với nó từ sau khi nó hỏi bà hàng loạt những câu hỏi khó trả lời. Bà cùng mọi người trong gia đình nói xấu nó trước mặt mẹ nó. Thậm chí ngoại còn nói với mẹ nó rằng nó sử dụng ma túy dù cho sự thật nó chưa bao giờ động vào ma túy.
Mẹ nó cũng tin những lời nói ấy và không cho nó tiền tiêu vặt như trước kia. Quá thất vọng về mẹ và về những người thân của mẹ, Tý rạch tay và nói với mẹ rằng: "Con sinh ra không có gia đình. Từ nhỏ đã bụi đời nên bây giờ cũng không có gia đình" rồi sau đó cùng bạn bè bỏ đi bụi.
Trong quãng thời gian ấy, Tý được một người quen ở gần nhà thương quý và dạy cho nghề sửa chữa xe máy. Mọi sinh hoạt ăn ở đều diễn ra ở xưởng. Số tiền thù lao hằng tháng không nhiều nhưng Tý hạnh phúc với quãng thời gian đó bởi dù có đôi chút vất vả nhưng anh thanh thản với số tiền chân chính mình kiếm được.
Trong thâm tâm Tý, một mặt anh muốn chối bỏ gia đình của mình. Mặt khác anh vẫn muốn tha thứ và chấp nhận nó. Dù sao, một gia đình đầy đủ vẫn là thứ mà anh mơ ước từ khi còn lang thang ở công viên Lê Văn Tám. Ngay khi nghe tin cậu mình bị người khác đánh hội đồng, lập tức Tý chạy đến giúp. Lần ấy, nạn nhân của Tý bị thương nặng. Còn Tý chạy trốn để tránh sự truy nã của pháp luật.
Những tháng ngày sống chui lủi ấy, Tý không nhận được bất cứ sự quan tâm nào của gia đình dù đã vì họ mà ẩu đả với người khác. Trong một lần đi nhậu với bạn bè và đánh nhau với bàn bên cạnh, Tý bị Công an bắt. Cộng với tiền án trong vụ cố ý gây thương tích lần trước, Tý phải lãnh án 5 năm tù giam khi mới tròn 16 tuổi.
Tý nói rằng, trước khi ở tù, anh chỉ muốn chết sớm ngày nào hay ngày đó, không hề nghĩ tới hậu quả. Miễn là có thể đi khuất mắt khỏi gia đình. Thế nhưng quãng thời gian cải tạo giúp anh nhìn nhận lại bản thân. Anh muốn tha thứ cho những người thân của mình, muốn sống hòa hữu với họ sau khi ra tù và muốn làm lại công việc đàng hoàng tử tế. Nhưng những ý muốn của anh thêm một lần nữa bị những người thân trong gia đình làm tổn thương. Khi Tý đang thụ án ở Trại giam Thủ Đức thì mẹ Tý cũng bị bắt và phải lĩnh án 15 năm do tội mua bán trái phép chất ma túy.
Thêm một lần lầm lạc
Ngay khi ra tù, từ bến xe Tý trở về nhà người dì để xin 50 nghìn trả tiền xe ôm. Lúc này người dì nhìn Tý như một người xa lạ, lạnh lùng đáp: "Tao làm gì có tiền cho mày". Sau một hồi năn nỉ, người dì cho Tý vay 100 nghìn và nói rằng "khi nào có tiền mày phải trả lại cho tao".
Vừa ra tù, trong túi không có tiền, không có nhà để về, không có công việc để làm và không có ai để nương tựa, Tý buộc phải tìm đến những người bạn bụi đời trước khi vào tù nhờ giúp đỡ. Thêm một lần nữa, những kẻ xa lạ ấy lại chìa tay giúp Tý trong khi những người thân chối bỏ anh.
Những ngày đầu khi mới ra tù, Tý được người bạn này cho chỗ ở và cho vay tiền để bắt đầu lại cuộc sống. May mắn tưởng chừng đã mỉm cười với anh khi ông chủ tiệm sửa xe ngày xưa nhận anh trở lại tiệm.
Quãng thời gian ấy, anh cũng lặn lội lên Trại giam Xuân Lộc để thăm mẹ đang cải tạo nhưng không được gặp do Tý không có giấy tờ. Nguyễn Văn Tý cắn môi bảo: "Từ khi sinh ra, em chưa bao giờ được thừa nhận là một con người. Em không có giấy khai sinh, không có chứng minh thư và cũng không có hộ khẩu".
Khi công việc đang vào guồng và tưởng chừng như quá khứ đã bị những bánh răng cuốn đi rất xa thì tai họa trở lại. Người bạn đã cưu mang Tý khi mới ra tù đến và nhờ Tý đi đưa ma túy. Nguyễn Văn Tý thừa nhận, anh biết đó là ma túy, người bạn kia cũng không giấu giếm chuyện đó nhưng anh không thể chối từ. Khi anh bị những người thân quay lưng thì họ chìa cho anh một bàn tay, đến khi họ nhờ lại anh không thể không báo đáp. Tý bị bắt ngay khi giúp bạn chuyển ma túy và lĩnh án 9 năm, tiếp tục vào cải tạo tại Trại giam Thủ Đức.
Tý nói rằng, những phạm nhân giống như anh thường mong đến Tết bởi sau mỗi cái Tết, thời gian cải tạo của họ ngắn dần lại. Hơn nữa trong dịp Tết thường có những đợt đặc xá hoặc giảm án từ Nhà nước. Thế nhưng với anh, Tết là những ký ức đau buồn mà anh không bao giờ muốn nhớ lại.
Tý bảo: "Chưa bao giờ em có một bữa ăn mẹ con đầy đủ hết đừng nói là Tết. Kể cả khi đã về nhà, em vẫn luôn ước giá như mình được sống bụi đời thì tốt hơn. Nếu như được chọn, em sẽ chọn cuộc sống như trước kia còn hơn là về nhà sống trong giả dối. Tết đối với em vẫn chẳng khác gì ngày thường, vẫn là đi bụi. Chỉ có điều khi ấy buồn hơn vì thấy mọi người ai cũng quây quần bên gia đình, chỉ có mình là bơ vơ bên lề xã hội".
Khi tôi hỏi Tý, có bao giờ mong ai đó lên thăm mình vào dịp Tết không, Tý buồn bã lắc đầu: "Em không mong điều đó và em cũng không buồn vì điều đó, bởi trước đó đã có quá nhiều nỗi buồn rồi. Thà họ đừng bao giờ đến thăm để sau này ra trại, em và họ không còn dính dáng gì tới nhau nữa".
Vĩ thanh
Câu chuyện của tôi là một câu chuyện về một phạm nhân có thật. Câu chuyện anh kể lại cho tôi có thật hay không, điều đó đối với tôi không quá quan trọng nhưng tôi tin câu chuyện ấy bởi một người không hề biết chữ, một người chưa từng được đi học như Nguyễn Văn Tý phải dụng công lắm mới bịa được một câu chuyện hay như thế để kể với tôi. Hơn nữa điều ấy không cần thiết bởi sự mủi lòng của tôi, những giọt nước mắt của tôi không mang lại cho anh bất cứ lợi ích gì.
Nhiều độc giả hẳn cũng đang trách tôi, tại sao lại kể một câu chuyện buồn, một câu chuyện thiếu niềm tin về gia đình như thế trong dịp Tết - ngày mà người ta chỉ nên nói những điều vui, những điều may mắn và nói về sự sum họp đầm ấm.
Nói thực lòng, vào dịp tết năm ngoái tôi cũng không ở cùng những người thân trong gia đình mà lang thang du lịch xa nhà. Tôi luôn nghĩ rằng, cả một năm bận rộn, vất vả làm ăn rồi, ngày Tết cũng nên thưởng cho mình một chuyến đi nghỉ thoải mái, không phải bận rộn với những tụ tập, với những cỗ bàn.
Thế nhưng nghe câu chuyện của phạm nhân Nguyễn Văn Tý, tôi giật mình: Trời ơi, tại sao tôi không nhìn vấn đề theo một cách khác. Cả một năm tôi không được ở bên cha mẹ mình, ở bên những người thân của mình rồi, chỉ có một dịp Tết đoàn viên thôi mà tôi lại chối từ nó. Điều quý giá mà tôi đang có - một gia đình hạnh phúc, mọi người yêu thương nhau - là điều Nguyễn Văn Tý vĩnh viễn không bao giờ có được. Tất cả mọi thiếu hụt của tâm hồn anh, mọi lầm lạc của cuộc đời anh có lẽ cũng đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt ấy.
Tôi kể lại câu chuyện này cho quý độc giả của tôi nghe cũng chỉ với một hy vọng nhỏ nhoi, hy vọng mọi người sẽ lắng mình lại trong năm mới để chia sẻ, để kết nối với những người thân trong gia đình của mình. Gia đình là thành trì vững chãi nhất trước bất cứ phong ba bão tố nào của cuộc đời, bởi nếu như không có nó, chúng ta rất dễ dàng lạc lối giữa cuộc đời đầy những cám dỗ này.
Về bản thân tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình may mắn như lúc này. Có thể tôi không giàu, có thể tôi không thành đạt nhưng cha mẹ tôi, những người thân của tôi vẫn thương yêu tôi. Vẫn chờ đợi tôi trở về nhà cùng với họ ăn một cái Tết đầm ấm, sum vầy. Họ vẫn yêu thương vô điều kiện. Đó là những thứ vô giá mà có bao nhiêu tiền cũng không mua được và tôi tin rằng, nhiều độc giả đang đọc bài báo này cũng đang sở hữu những điều quý giá ấy.
Theo 24h
Đứa con nuôi tuyệt vời của bà mẹ tù tội Chúng tôi đã luôn là một gia đình và luôn yêu thương nhau, còn hơn ruột thịt (ảnh minh họa) Con trai út của tôi thi đỗ đại học, cũng là nhờ công của nó. Ngày hai anh em nó lên trại thăm tôi, thông báo tin thằng út thi đỗ đại học, tôi thậm chí đã suýt quỳ xuống chân con trai...