Câu chuyện bức tranh phục chế xấu xí “cứu sống” cả một thị trấn
Khi bức “Ecce Homo” bị phục chế hỏng và trở thành trò cười nổi tiếng trên mạng hồi năm 2012, không ai có thể nghĩ rằng bức tranh rồi sẽ “cứu sống” một thị trấn miền biển vô danh.
Bức “Ecce Homo” hồi năm 2002 – 2012 – và sau khi phục chế
Nữ họa sĩ Cecilia Giménez đã trở thành một trong những họa sĩ đương đại nổi tiếng nhất Tây Ban Nha kể từ tháng 8/2012 theo một cách không mong đợi nhất.
Khi đó, nữ họa sĩ cao niên Cecilia Giménez được giao nhiệm vụ phục chế bức bích họa cổ vẽ trên tường một nhà thờ địa phương – bức “Ecce Homo” ( Đây là Người! – bức bích họa của họa sĩ Elías García Martínez, vẽ vào khoảng thập niên 1930). Bức vẽ khắc họa Chúa Jesus, nằm trên tường nhà thờ Santuario de Misericordia ở thị trấn Borja – nơi họa sĩ Giménez sinh sống.
Nhiệm vụ phục chế này bất ngờ thu hút sự quan tâm của cả thế giới và trở thành một trong những câu chuyện hài hước nhất trên mạng tại thời điểm bấy giờ, thậm chí, cho tới bây giờ, người ta vẫn còn nhắc đến. Lý do là bởi bà Giménez đã phục chế hỏng hoàn toàn bức vẽ, từ hình ảnh khắc họa Chúa Jesus đã trở thành… một bức biếm họa.
Những tưởng đó là “bi kịch” cho cả nhà thờ và họa sĩ, thì hóa ra, đó lại là một việc may mắn không ai ngờ tới. Kể từ ngày bức tranh bị phục chế hỏng, khách du lịch ùn ùn đổ về thị trấn Borja để được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm đã nổi danh trên mạng – tác phẩm được mệnh danh là… “phục chế tệ nhất lịch sử”.
Nữ họa sĩ Giménez
Ở thời điểm năm 2012, khi mọi người còn đang chế giễu họa sĩ Giménez vì sự phục chế vụng về của bà, bà Giménez chỉ mong có thể quay ngược thời gian để thay đổi quyết định, bởi bà sẽ không bao giờ mạo hiểm tên tuổi mình để cố gắng thực hiện một nhiệm vụ đưa lại nhiều tai tiếng như thế này. Nhưng giờ đây, khi nhìn lại bức bức bích họa “Ecce Homo”, bà Cecilia Giménez đã có thể mỉm cười và nhìn thấy trong đó những điều tích cực.
Video đang HOT
Phải mất tới hai năm, bà Giménez mới vượt qua được những dư chấn tâm lý sau vụ phục chế tranh hỏng. Đã có giai đoạn bà bị sốc, khủng hoảng, mỗi ngày đều khóc lóc, bị sút 6kg trong vòng một tháng và phải uống thuốc an thần để điều trị tâm lý.
Thời điểm đó, luôn có phóng viên và những người hiếu kỳ đứng chờ ngoài cửa, họ chạy theo bà mỗi khi bà đi ra ngoài, họ chụp hình và phỏng vấn bất kể bà có muốn hay không. Khi đó, bà Giménez – một góa phụ 81 tuổi – cảm thấy mọi việc vượt quá sức chịu đựng.
Cecilia Giménez không phải một họa sĩ nổi tiếng, nhưng cả cuộc đời bà đã dành để theo đuổi hội họa và đã có vài triển lãm tranh. Trong suốt hai thập kỷ, bà được giao trông nom bức bích họa “Ecce Homo” ở nhà thờ Santuario de Misericordia. Bà được quyền sửa chữa bức bích họa bất cứ khi nào thấy cần thiết.
Bởi không khí ở thị trấn Borja gần biển, luôn ẩm ướt và nhiều muối, nên bức bích họa thường bị bong ra khỏi mặt tường. Để bức tranh có thể tồn tại được tới ngày hôm nay chắc chắn cần rất nhiều công sức của bà Giménez, nhưng khi bà quyết định “đại tu” toàn bộ bức tranh hồi năm 2012, đó là một việc làm mạo hiểm.
Khách du lịch chụp hình bức tranh bị phục chế hỏng
Giờ đây, sau hai năm, mọi người (ít nhất là những người dân ở thị trấn Borja) đã nhìn nhận bà Giménez theo một cách khác. Bức tranh bị phục chế hỏng đã bất ngờ hút khách du lịch, thị trấn miền biển Borja bất ngờ được nhắc tới nhiều hơn trên khắp thế giới. Đó là điều mà trước đây chưa ai có thể làm được cho thị trấn Borja.
Theo chính quyền địa phương, trong hai năm qua, thị trấn Borja đã bất ngờ chứng kiến hơn 150.000 lượt khách du lịch đổ về đây, chủ yếu để xem bức “Ecce Homo”.
Khi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tên tuổi là tất cả đối với một nghệ sĩ. Một khi tên của người nghệ sĩ gắn với scandal lùm xùm, sẽ rất khó để phục hồi lại danh tiếng. Nhưng chính nhờ một thất bại “kinh điển” trong nghề mà giờ đây bà Giménez được biết tới nhiều hơn.
Năm ngoái bà đã tổ chức một triển lãm tranh và năm nay lại đang chuẩn bị cho một triển lãm nữa với khoảng hơn 20 bức do chính bà thực hiện. Trước khi xảy ra vụ phục chế tranh hỏng, mỗi bức vẽ của bà Giménez có giá khoảng 500-1000 euro (13-25 triệu đồng), nhưng giờ đây bà Giménez cho biết giá tranh của bà đã cao hơn (bà quyết không hé lộ con số thực mà chỉ “bật mí” rằng giá tranh hiện giờ khiến bà rất hài lòng).
Bích Ngọc
Theo Dantri/ Guardian
Đâu là địa điểm xét xử Chúa Jesus thực sự?
Các nhà khảo cổ vừa thông báo rằng họ tìm được nơi có thể đã diễn ra phiên tòa xét xử Chúa Jesus ở thành phố Jerusalem, khác với địa điểm mà trước nay nhiều học giả nghi ngờ nơi phiên tòa diễn ra, theo CNN ngày 7.1.
Bảo tàng tháp David ở Jerusalem - Ảnh: Reuters
Các nhà khảo cổ vừa thông báo họ đã phát hiện ra tàn tích lâu đài của vua Herod nằm sát Bảo tàng tháp David ở thành phố Jerusalem và kèm theo đó là nơi mà phiên tòa xét xử Chúa Jesus có thể đã diễn ra.
Theo tờ The Washington Post, các sử gia gần như chắc chắn phiên tòa nổi tiếng trong Tân ước diễn ra trong lâu đài của vua Herod (trị vì từ năm 37 - 4 trước Công nguyên).
Theo Phúc âm Matthew (1 trong 4 sách Phúc âm trong Tân Ước viết về cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Chúa Jesus), phiên tòa xét xử Chúa Jesus trước thống đốc Pilate ở một địa điểm được gọi là praetorium (từ được dùng để chỉ nơi ở của tướng chỉ huy hoặc pháp quan trong quân đội La Mã).
Ở Jerusalem, đây là lâu đài của vua Herod. Theo các nhân chứng cổ xưa, địa điểm đó là tại cung điện của Herod nơi những thống đốc như Pilate tổ chức các phiên xử cần thiết suốt chuyến thăm của họ tới thành phố, theo CNN.
Những tác giả xưa cũng từng viết rằng lâu đài của vua Herod nằm ở phía tây của thành phố Jerusalem, gần với tòa tháp David, theo CNN. Trong khi đó, các học giả từ lâu đã nghi ngờ rằng pháo đài Antonia ở tây bắc thành phố Jerusalem mới là nơi đặt praetorium và phiên tòa xét xử Chúa Jesus diễn ra.
Địa điểm khai quật - Ảnh: Bộ Du lịch Israel
Theo CNN, thông báo mới nhất từ các nhà khảo cổ rất bất ngờ, vì pháo đài Antonia là trạm đầu tiên trong 14 trạm thập tự giá trên con đường khổ nạn của chúa Jesus (Via Dolorosa - một con đường trong khu phố cổ của thành Jerusalem theo truyền thuyết).
Con đường này được cho là bắt đầu từ nơi Chúa bị xét xử tới nơi bị đóng đinh và chôn cất tại đồi Golgotha, con đường này kết thúc bằng 5 trạm cuối cùng bên trong Nhà thờ Mộ Thánh. Thế nhưng, pháo đài Antonia lại nằm ở phía hoàn toàn khác so với địa điểm mà các nhà khảo cổ vừa tìm ra.
Theo CNN, có thể cả 2 địa điểm được cho là nơi Chúa Jesus bị xét xử cùng tồn tại, giống như việc 2 luồng ý kiến về địa điểm được cho là nơi Chúa Jesus bị đóng đinh vẫn là vấn đề chưa rõ ràng. Một mặt, người ta cho rằng Chúa bị đóng đinh ở Nhà thờ Mộ Thánh Chúa ở khu phố cổ của thành phố Jerusalem, mặt khác, người ta tin rằng Chúa bị đóng đinh ở Đồi Sọ, nằm phía bắc khu phố cổ gần Garden Tomb (Ngôi mộ trong vườn).
Việc tìm kiếm lâu đài của vua Herod gần tòa tháp David đã được tiến hành từ năm 2001 trong dự án mở rộng bảo tàng. Sau gần 15 năm, các nhà khảo cổ đưa ra thông báo về tàn tích khu lâu đài của vua Herod và kèm theo nơi mà theo họ đã diễn ra phiên tòa xét xử Chúa Jesus.
Thông báo này rất có thể sẽ làm cho khu bảo tàng tháp David tiếp tục thu hút nhiều du khách trong thời gian tới. Theo CNN, phát hiện này trên thực tế mang nhiều lợi ích cho ngành công nghiệp du lịch của thành phố Jerusalem hơn là ý nghĩa về mặt lịch sử và tôn giáo tại thời điểm này.
Ngọc Mai
Theo Thanhnien
Phát hiện 'địa điểm xét xử Chúa Jesus' Các nhà khảo cổ vừa thông báo họ đã phát hiện ra tàn tích lâu đài của vua Herod nằm sát Bảo tàng tháp David ở thành phố Jerusalem và kèm theo đó là nơi mà phiên tòa xét xử Chúa Jesus có thể đã diễn ra. Địa điểm khai quật - Ảnh: Bộ Du lịch Israel Theo tờ The Washington Post, các...