Câu chuyện bóng đá: Từ anh hùng cái thế đến tội nhân thiên cổ
Có những cái tên trở thành bất tử vì những đóng góp lớn lao và hi sinh vĩ đại cho nhân loại, như Prometheus – đánh cắp lửa của thần Zeus cho loài người, cũng có những cái tên trở thành bất tử vì sự nhục nhã và ô uế như Herostratos – kẻ đốt đền thờ thần Artemis, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại, chỉ để được lưu danh muôn đời. Nhưng trong lịch sử bóng đá Pháp lại có một cái tên được biết đến vì có cả “lưu danh thiên cổ”, lẫn “lưu xú vạn niên” – Alex Villaplane.
Từ Prometheus…
Sinh năm 1905 tại thành phố Constantine của Algeria, Villaplane là cầu thủ đầu tiên người Bắc Phi góp mặt trong thành phần đội tuyển quốc gia Pháp. Ngay sau khi chuyển đến miền Nam nước Pháp để sống với người chú ruột, cậu bé 16 tuổi Alex Villaplane nhanh chóng nhận được sự quan tâm đặc biệt của HLV người Scoland Victor Gibson, và ngay lập tức được trải thảm đỏ rước về FC Sète. Sự có mặt của tiền vệ tài hoa này lập tức đem lại thành công cho Sète khi họ ba năm liền đạo chức vô địch giải DH Sud-Est.
Thời đó, chuyện cầu thủ được trả lương để chơi bóng là không được phép. Đó cũng là lý do để chàng trai 22 tuổi Villaplane dứt áo khỏi đội bóng chuyên nghiệp đầu tiên của mình, để về với đối thủ truyền kiếp của họ là Nimes, khi CLB này “lách luật” trả cho cầu thủ này một khoản lương khổng lồ cho công việc trên danh nghĩa là… tạp vụ.
Góp mặt trong ĐTQG Pháp lần đầu tiên trong trận đấu với Bỉ năm 1926, khi vẫn còn khoác áo Sète, sự nghiệp của cầu thủ gốc Bắc Phi này nhanh chóng tiếp tục thăng hoa trong màu áo mới Nimes. Không chỉ nhận được sự hâm mộ cuồng nhiệt của các CĐV Nimes, cái tên Villaplane nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí trang trọng trên các tờ báo thể thao danh giá, cả nước Pháp phát cuồng vì thần tượng bóng đá mới của mình. Mặc nhiên trong mắt của giới chuyên môn, cũng như những người hâm mộ bóng đá Pháp, Villaplane là ngôi sao bóng đá sáng nhất trong số những cầu thủ cùng thời. Đỉnh điểm trong sự nghiệp vinh quang của anh là việc được trao chiếc băng thủ quân ĐTQG Pháp ngay trước thềm VKC Wolrd Cup đầu tiên trong lịch sử được tổ chức tại Uruguay năm 1930. Sau trận đấu đầu tiên trong vai trò thủ quân đưa Pháp thắng Mexico 4-1 tại Montevideo, Alex Villaplane đã phát biểu: “Đây là ngày hạnh phúc nhất của đời tôi!”.
Video đang HOT
Alex Villaplane (bìa phải, hàng đứng) cùng các đồng đội tại Wolrd Cup 1930
Giai đoạn này không những là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp thể thao đỉnh cao, mà còn đưa anh bước lên một nấc thang mới của cuộc đời – nấc thang của phú quý và danh vọng. Khi một giải bóng đá chuyên nghiệp đang được manh nha định hình tại nước Pháp, một số CLB lớn với sự chống lưng của những ông chủ giàu sụ và đầy toan tính bắt đầu thực hiện việc “thôn tính” các cầu thủ hàng đầu để hiện thực hóa tham vọng của mình. Racing Club de Paris là một trong số đó. Bản hợp đồng đưa Villaplane về với Racing Club de Paris năm 1929 đã đem lại cho tiền vệ tài hoa này cả một gia tài. Đổi lại, thủ quân ĐTQG Pháp lúc bấy giờ lập tức đền đáp cho đội nhà chức vô địch FFFA Ligue De Paris hai năm liền (1931 và 1932). Cũng trong thời gian này, số tiền khổng lồ kiếm được quá nhanh chóng có phần khiến anh choáng váng và mất cân bằng. Sự ổn định tâm lý chỉ được lấy lại khi Villaplane không mất quá nhiều thời gian để phát hiện ra cách để… tiêu bớt tiền. Bỏ lại những ngày tập luyện, nghỉ ngơi phía sau, mục tiêu vẫy gọi ngay phía trước của “cầu thủ đại gia” này lúc bấy giờ là những quán bar, hộp đêm, và nhất là trường đua ngựa với những khoản cá cược khổng lồ. Đây cũng chính là nơi Villaplane làm quen và bắt đầu giao du với thế giới ngầm, kèm theo đó là những mánh khóe bẩn thỉu trong nghề cá cược.
Cuối cùng thì bóng đá chuyên nghiệp cũng được công nhận tại Pháp vào năm 1932. Giống hệt như cái cách mà Racing Club de Paris đã làm ba năm trước đó với Nimes, không mấy khó khăn Antibes giằng lấy “viên ngọc quý nhất của bóng đá Pháp” từ tay đội bóng thành Paris. Ngay năm đó, với sự đóng góp to lớn của Villaplane, Antibes lập tức đoạt chức vô địch giải VĐQG khu vực phía Nam (thời đó giải VĐQG Pháp được chia đôi: Bắc và Nam) để tiến vào trận play-off thống nhất danh hiệu với SC Fives Lille. Antibes giành chiến thắng trong trận đấu này, nhưng ngay sau đó bị tước bỏ toàn bộ danh hiệu có được trong mùa bóng đó vì cáo buộc dàn xếp tỷ số. HLV của đội bóng bị tước giấy phép và cấm hành nghề, nhưng giới chuyên môn và những người trong cuộc đều tin rằng ông chỉ là vật tế thần, còn thủ phạm thực sự không ai khác, chính là Villaplane cùng hai đồng đội đã từng thi đấu với anh từ thời còn ở Sète. Cả ba sau đó ngay lập tức ra đi.
Nice lập tức vồ lấy Villaplane như một món hời, nhưng họ cũng nhanh chóng hối tiếc vì quyết định này. Động lực với bóng đá dường như không còn hiện diện trong từng bước chạy của chàng tiền vệ tài năng một thời này, Villaplane thường xuyên bỏ tập và thi đấu vật vờ như một cái bóng trên sân. Nice sa thải anh nhanh như lúc rước về. Đội bóng đang thi đấu tại hạng hai Bastidienne de Bordeaux với HLV chính là ông thầy cũ Gibson là đội bóng duy nhất chứa chấp Villaplane, nhưng cũng chẳng được lâu. Ba tháng sau, anh lại bị sa thải. Cái tên Villaplane biến mất khỏi thế giới bóng đá như bong bóng xà phòng. Lần cuối cùng cầu thủ này tái xuất trên mặt báo là khi bị bỏ tù vì dàn xếp kết quả ở một số cuộc đua ngựa tại Paris và Côte d’Azur.
…đến Herostratos
Tháng 6 năm 1940, Paris rơi vào tay Đức quốc xã. Với người dân Paris, đây là một thảm họa, nhưng với một số ít người, đây chính là cơ hội. Quân Đức cần một số tay sai bản địa, dưới lốt danh nhân địa phương để thực hiện việc thu gom những thứ chúng không thể cướp được, từ khí đốt, thực phẩm cho đến những tác phẩm nghệ thuật. Xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi đường phố, Henri Lafont (tên thật là Henri Chamberlin) được ghi nhận là tên tay sai đắc lực nhất của Đức quốc xã trong giai đoạn này. Như nhận vật Signor Ferarri trong bộ phim nổi tiếng Casablanca, hắn từng tuyên bố về mình: “Cầm đầu tất cả các hoạt động bất hợp pháp tại Paris, dĩ nhiên tôi là người có ảnh hưởng rất lớn và được kính trọng”.
Người Đức cũng chỉ tin tên tay sai này có một nửa, nửa còn lại hắn phải tự chứng minh. Để lấy được lòng tin của phát xít Đức, ngoài việc buôn lậu, Henri Lafont quyết định thành lập một lực lượng vũ trang hòng giúp phát xít Đức tiêu diệt quân kháng chiến. Dạo qua các nhà tù, Henri Lafont tuyển dụng được một lực lượng đông đảo những tên tay sai có cùng chí hướng. Hai cái tên nổi tiếng nhất trong số đó, cũng là hai phó tướng đắc lực nhất của hắn chính là Pierre Bonny – một trong các sĩ quan cảnh sát nổi tiếng nhất ở Pháp trước khi bị bỏ tù vì tội tham nhũng, và ngôi sao bóng đá Villaplane.
Về với Henri Lafont, ngôi sao sân cỏ ngày nào lập tức gây ấn tượng với các hành xử tàn bạo và giết người không gớm tay. Trong căn hầm đặt ở đại bản doanh của cơ quan Gestapo Pháp do Henri Lafont cầm đầu tại số nhà 93 phố Lauriston, Villaplane đã tra tấn và giết hàng chục du kích quân kháng chiến. Tháng 2 năm 1944, lữ đoàn Bắc Phi (BNA) được thành lập với mục tiêu “làm sạch” khu vực Périgord, với kẻ chỉ huy mang tên Alex Villaplane.
Đơn vị của Villaplane nhanh chóng trở nên nổi tiếng vì sự tàn bạo của nó. Ngày 11 tháng 6 năm 1944, chúng bắt được 11 du kích quân tại Mussidan, một ngôi làng nhỏ ở Dordogne. Tất cả 11 người từ 17 đến 26 tuổi được giải đến một con kênh và bị hành quyết tập thể. Trong cuốn sách của mình viết về Henri Lafont cùng đồng bọn được xuất bản năm 1970, tác giả Philippe Aziz đã mô tả Alex Villaplane qua một câu chuyện: “Từ một nguồn tin tình báo của Gestapo Périgord, Villaplane cùng ba tên lính của mình xộc vào nhà bà Geneviève Leonard, cáo buộc họ chứa chấp người Do Thái. Villaplane tóm tóc bà mẹ sáu con giật ngược ra phía sau rồi quát: “Bọn Do Thái ở đâu?”. Không có được câu trả lời, hắn đạp vào mặt bà, giải sang trang trại láng giềng bằng một serie báng súng vào đầu để bắt bà chứng kiến cảnh tra tấn bà hành hình hai nông dân láng giềng. Sau khi tra tấn và đổ xăng thiêu sống, cả hai người bị lính của Villaplane xả súng máy liên thanh ở cự ly gần. Villaplane cười sảng khoái chứng kiến. Ngay lúc đó, lính BNA bắt được một người Do Thái – Antoine Bachman. Villaplane đánh ông và cho lính giải đi, sau đó ra lệnh cho bà Geneviève Leonard nộp cho hắn 200.000 franc.”
“Chúng cướp bóc, hãm hiếp, giết và giao nộp người Do Thái cho bọn phát xít, và thậm tệ hơn là tổ chức các cuộc hành hình man rợ và vô nhân tính nhất”, công tố viên tại phiên tòa xử Villaplane sau khi được giải phóng đã đọc từ cáo trạng. “Chúng thiêu sống những người bị bắt. Một nhân chứng đã thấy tận mắt lính của Villaplane thu thập đồ trang sức từ những bộ phận cơ thể người còn co giật và dính đẫm máu tươi. Villaplane đứng chứng kiến tất cả những chuyện này, hoàn toàn bình tĩnh, mỉm cười vui vẻ và cổ vũ như một CĐV bóng đá.”
Phiên tòa xét xử Villaplane, Henri Lafont, Pierre Bonny và đồng bọn
Bất chấp sự tàn bạo của Villaplane và đồng bọn, lực lượng kháng chiến ngày một đông thêm. Villaplane cũng ngày càng nhận ra rằng phát xít Đức không thể giành được chiến thắng trong cuộc chiến này. Hắn bắt đầu tìm kiếm một lối thoát cho mình bằng cách tỏ ra động lòng xót thương, nương tay hơn với những người bị bắt, gián tiếp thanh minh cho hành động của mình theo hướng làm việc cho phát xít Đức để có cơ hội giải cứu đồng bào của mình. Nhưng cũng theo các công tố viên, lòng tham mới chính là mục đích cơ bản cho những hành động trong giai đoạn này của Villaplane. “Tâm lý của hắn khác với những thành viên khác trong băng đảng. Sau khi nghiên cứu kỹ về hắn, tôi có thể nói hắn là một kẻ hai mặt bẩm sinh. Những việc hắn làm trong giai đoạn này, ngoài việc che đậy cho những tội ác xấu xa của mình, còn để đạt được thứ mà hắn muốn – tiền. Hắn sử dụng mọi kỹ năng có được để thực hiện hành vi tống tiền đê tiện nhất – tống tiền hi vọng. Một nhân chứng đã kể cho chúng tôi: “Hắn đến một ngôi làng trên ô tô quân sự của Đức và nỉ non với nạn nhân: “Thời thế thật là khủng khiếp, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên khủng khiếp! Để giữ mạng sống cho mình, tôi – một người Pháp, phải khoác trên mình quân phục của bọn phát xít Đức. Những người bạn dũng cảm của tôi, các bạn đã thấy những điều kinh khủng chúng làm rồi đấy! Tôi không thể tự mình quyết định được! Họ sẽ giết các bạn mất thôi! Tôi sẽ giúp bạn, nhưng tôi sẽ chịu những rủi ro lớn nếu việc này lộ ra. Tôi đã giúp rất nhiều người. Chính xác là 54 người. Bạn sẽ là người thứ 55 nếu như đưa cho tôi 400.00 franc.”
Tháng 8 năm 1944, với sự hỗ trợ của quân Đồng Minh, Paris đã vùng lên. Quân đội Pháp với hơn một nửa là người gốc Phi đã tiến vào để giải phóng hoàn toàn thủ đô khỏi sự thống trị của phát xít Đức. Việc trả thù bọn tay sai diễn ra rất nhanh chóng và đẫm máu. Những tên cầm đầu binh đoàn Gestapo Pháp tất nhiên cũng chung số phận. Chúng bị truy đuổi, bắt giam và đưa ta tòa ngay sau đó. Chỉ một ngày sau lễ Giáng sinh năm 1944, Villaplane, Henri Lafont, Pierre Bonny cùng 5 tên khác bị đưa đến Fort de Montrouge, thuộc ngoại ô Paris và xử tử.
Theo TTVN