Cậu bé quê Thái Nguyên lưu lạc cùng chiếc xe đạp ở biên giới Campuchia: ‘Mẹ bỏ con rồi sao?’
&’Mẹ chỉ đưa mấy chục ngàn đem theo ăn quà và dặn nếu không tìm được cậu thì mua cơm mà ăn. Tên, số điện thoại, mặt mũi của cậu thế nào cháu cũng không biết. Mẹ bỏ con rồi sao?”, Cường khóc.
Cường đang được chăm sóc tại Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An – Ảnh: Khôi Nguyên
11 giờ 40 ngày 6.5, chúng tôi tìm đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Long An (gọi tắt là trung tâm, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) và được chị Ngọc Diễm, nhân viên hành chính đưa xuống dãy nhà khá khang trang dành cho những người tuổi cao không nơi nương tựa.
Khi đến phòng, chị Diễm kêu lên: “Cường đâu rồi con? Ăn uống xong chưa, hết mệt rồi phải không? Có bác tìm gặp hỏi thăm”.
Đang nằm trên giường, Bế Minh Cường (10 tuổi), ngụ xã Phương Giao, H.Võ Nhai, Thái Nguyên nhanh nhẹn nhảy xuống, áo thun, quần đùi sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng. Cường chạy ra cửa, khép nép khoanh tay: “Thưa bác ạ! Thưa cô Diễm ạ!”. “Con ăn ngon miệng không? Đã khỏe chưa?”, chúng tôi hỏi. “Con ăn ngon lắm ạ. Mấy ông, bà còn cho bánh nữa”, Cường hào hứng kể.
Theo những người lớn tuổi tại trung tâm, khoảng 20 giờ đêm qua, Cường được cơ quan chức năng H.Thạnh Hóa đưa về đây. Lúc vào nhận phòng, cháu còn rất mệt. Nhân viên cùng ban quản lý đã đưa cháu đi tắm, sau đó cho ăn uống để lấy lại sức khỏe. “Sáng nay ăn xong tô mì, 9 giờ cháu lại ăn thêm hộp cơm. Nhìn thằng nhỏ ăn thấy mắc thèm”, ông Sang (68 tuổi) ở phòng kế bên cho biết.
Cháu Bế Minh Cường (10 tuổi, quê Thái Nguyên) được tìm thấy khi lưu lạc ở một xã thuộc địa bàn tỉnh Long An (giáp Campuchia) – Ảnh: Khôi Nguyên
Cường khá nhút nhát. Khi hỏi điều gì đó, cháu suy nghĩ khá lâu rồi mới trả lời. Nói đến gia đình, Cường kể chậm rãi: Mẹ nói, cha con mất từ khi mới sinh ra. Vài năm sau, mẹ lấy chồng khác tên H.V.L (37 tuổi), sau đó sinh thêm hai em tên H.A.T (7 tuổi) và H.T.N (5 tuổi). Từ khi sinh ra, hai tay cháu bị dị tật bẩm sinh nên không thể làm nặng bất kỳ công việc gì. Theo Cường, cháu ở với bà ngoại và bà chỉ kêu phụ chuyện nhà chứ không thể phụ bà kiếm tiền.
Do khó khăn, mẹ và cha kế phải sang tận Trung Quốc để lao động. Cường và hai người em cùng mẹ khác cha sống chung với bà ngoại. “Ngoại con vẫn khỏe, con nhớ bà ngoại và hai đứa em lắm. Giờ làm sao để đi về nhà cho thật sớm!”, đứa bé vô tư nói.
Video đang HOT
Do nhà nghèo, từ nhỏ Cường không được cha mẹ cho tới trường nên phải đi học “ké” người chị bà con gần nhà nhưng chỉ biết vài ba chữ cái. Hai đứa em thì mới đi học lớp 1 và mẫu giáo.
Nhớ lại ngày mẹ đưa đi, Cường kể: Khuya đêm đó ra bến xe, mẹ còn gói hết mấy cái quần áo cũ bỏ trong giỏ xách máng váo cổ chiếc xe đạp cũ kỹ rồi căn dặn: “Vé số mẹ đã mua rồi, con cầm lấy. Mấy chục ngàn đồng nhét vào túi quần coi chừng bị mất cắp; lúc đói mua quà ăn. Lúc xe dừng ở bến tại TP.HCM, con xuống đó cậu sẽ ra đón. Đừng lo sợ! Cậu đưa về nhà ở thôi”. Cường hỏi: “Cậu tên gì? Tướng tá ra sao? Có số điện thoại không?”. Mẹ bảo: “Đã điện báo cho cậu rồi, con cứ đi đi, có gì mẹ sẽ liên lạc lại sau”. Lên xe, Cường ngồi co ro ở hàng ghế sau. Suốt 2 ngày đêm, không dám lấy tiền ra mua bánh, nước uống. Đến 8 giờ sáng 5.5, xe đỗ ở bến, Cường lấy xe đạp ra đứng chờ ở lề đường.
Nhìn dòng người đông đúc qua lại, Cường chỉ có một ước ao mong gặp cậu thật sớm để được ăn và uống nước do cơn đói khát kéo dài. Nhưng tất cả đều vô vọng…
Không còn chút hy vọng, Cường lên xe đạp qua nhiều ngã tư, ngã ba đèn xanh đỏ rồi…dừng chân nghỉ ở một cánh đồng lúa mênh mông. Đạp mệt rồi nghỉ và cuộc hành trình vô vọng đưa Cường đến ấp Cây Gãy, xã Thuận Bình, H.Thạnh Hóa, tỉnh Long An (địa phương tiếp giáp biên giới Campuchia – PV).
“Không biết mẹ muốn bỏ con luôn trong này hay sao mà chẳng nói cậu là ai”, Cường mếu máo.
Chúng tôi lấy một ít tiền tặng Cường. Cầm tiền trên tay, Cường nói: “Con cất đem về cho bà ngoại. Ngoại già không làm ra tiền. Quê con nghèo lắm!”. Rồi Cường vui mừng, bỏ chạy lại giường, nằm xuống, lấy khăn trùm kín mặt…
(Theo Thanh Niên)
Người cha tìm được con gái sau 16 năm thất lạc nhờ Facebook
Một lần nóng giận, ông Hán lỡ tay đánh khiến con gái mới lớn giận dỗi bỏ nhà đi biệt tích. 16 năm sau, ông tìm được con nhờ tấm hình đăng trên Facebook.
Ngôi nhà nhỏ nằm nép bên sườn đồi của gia đình ông Bùi Văn Hán (65 tuổi, xã Thành Thọ, Thạch Thành, Thanh Hóa) gần đây vui hơn thường lệ. Nhiều người thân và hàng xóm đến chia vui, hỏi han về người con gái ông Hán thất lạc từ 16 năm trước, nay bỗng tìm thấy.
Ông Hán bảo vui vì con gái còn sống, nhưng luôn đau đáu mong mỏi ngày gặp mặt con sau bao năm xa cách. Ảnh: Lê Hoàng.
"Đúng là kỳ diệu, không thể tin được là con gái tôi còn sống. Chuyện này cách đây ít lâu có nằm mơ tôi cũng không hề nghĩ tới...", ông Hán nói.
Đánh bệt trước hiên nhà trong bộ quần áo bạc phếch, ông Hán kể những năm cuối thập kỷ 90, gia đình ông thuộc diện nghèo nhất xã. Không có gạo ăn, nhà lại đông khẩu nên các con nghỉ học từ sớm đi thả trâu, mò cua bắt ốc và làm việc đồng áng. Đứa con thứ tư của vợ chồng ông Hán là Bùi Thị Hà (sinh năm 1982) phải bỏ học từ lớp 2.
Khoảng giữa tháng 2/2000, trong lúc gia đình ông Hán dựng lại ngôi nhà cấp 4, sau bữa cơm trưa Hà và người em gái xảy ra cãi cọ. Trong lúc nóng giận, ông Hán quát mắng và tát con gái một cái. Sau lần đó, Hà bỏ đi biệt tăm.
"Tối hôm đó không thấy con về ăn cơm, cả nhà đi tìm khắp làng trên xóm dưới đều không thấy. Cứ nghĩ nó bỏ đi loanh quanh đâu đó rồi quay về, nhưng một năm, hai năm không thấy bóng dáng...", người cha kể. Nhiều năm không có tung tích, gia đình nghĩ Hà đã chết. Chính quyền cũng hủy luôn hộ khẩu của Hà.
"Suốt mười mấy năm qua, chẳng đêm nào tôi ngủ tròn canh vì nghĩ đến đứa con dứt ruột đẻ ra không biết giờ ở phương trời nào, số mệnh ra sao. Rồi lại nghĩ đến cái tát hôm đó mà tôi cứ day dứt", ông Hán trải lòng. Hà bỏ đi được vài năm, vợ ông Hán lâm bệnh nặng rồi qua đời.
Ông Hán bảo, khi mọi hy vọng tìm lại con gái tưởng chừng đã tắt thì niềm vui lại đến thật bất ngờ. Cuối tháng 4/2016, đôi vợ chồng trẻ ở Hà Nội trong lần đi du lịch đến thành phố Quế Lâm (Trung Quốc) tình cờ gặp chị Hà. Thấy nhóm du khách mua quần áo giao tiếp bằng tiếng Việt, Hà lân la hỏi chuyện rồi kể lại hoàn cảnh với thỉnh cầu tìm lại người thân và quê hương.
Tuy nhiên, do nhiều năm xa quê, chị Hà chỉ nhớ nhà ở huyện miền núi Thạch Thành, Thanh Hóa cùng tên anh em, cha mẹ. Trước khi chia tay, chị Hà để lại số điện thoại liên hệ từ Quế Lâm.
Nhờ bức ảnh được đăng trên Facebook mà người thân và chị Hà tìm được nhau. Ảnh: GĐCC.
Trở về nước, cặp vợ chồng đăng bức hình cùng thông tin về người phụ nữ gốc Việt tên Hà trên các Fanpape với mong muốn người thân có thể vô tình xem được. Và đúng ngày 9/5, khi gia đình ông Hán đang tổ chức đám giỗ cho vợ thì một người họ hàng từ Hà Nội gọi về thông báo, tìm thấy tung tích chị Hà qua bức ảnh được đăng trên Facebook.
"Nhìn qua bức ảnh, dù con gái thay đổi khác xưa nhiều nét nhưng tôi vẫn nhận ra nó", ông Hán kể và cho hay bữa cơm cúng giỗ hôm ấy, nhiều người thân đã bật khóc vì vui mừng.
Ông Hán và con gái đã liên lạc nhiều lần qua điện thoại. "Nó bảo rất nhớ nhà, nhớ bố, nhớ anh chị em và muốn trở về nước, song không biết đường, sợ lại rơi vào tay kẻ xấu...", người cha thuật lại. Sau nhiều năm xa quê, chị Hà đã không còn nói rõ tiếng Việt.
Trong những lần nói chuyện với người thân, chị Hà kể, sau khi rời nhà bị một nhóm người lạ lừa sang Trung Quốc. Ngay khi đặt chân đến đất Quảng Châu, chị bị thu hết giấy tờ rồi bán cho một người đàn ông ở vùng hẻo lánh.
Sau 3 năm chung sống với người đàn ông lớn tuổi ở Quảng Châu, chị Hà thoát được ra ngoài, dẫn theo các con lưu lạc đến thành phố Quế Lâm. Hiện chị chung sống với một người đàn ông làm công nhân xây dựng. Hàng ngày, chị buôn bán quần áo ở khu thương mại. Do không có giấy tờ tùy thân nên cuộc hôn nhân hiện tại không được coi là hợp pháp.
Chị có 2 con trai, đứa lớn 13 tuổi, đứa bé 7 tuổi, đều không phải con của người chồng mới. Song anh này rất thông cảm và yêu thương vợ, sẵn sàng đồng ý cho chị về Việt Nam thăm người thân.
Gia cảnh khó khăn khiến ông Hán không thể sang Trung Quốc tìm con. Ảnh: Lê Hoàng.
Ông Hán bảo, từ khi nghe tin con gái còn sống, lòng ông như lửa đốt, rất muốn sang thăm và đón con, nhưng tuổi cao và kinh tế không cho phép. "Tôi chẳng có cách nào khác ngoài chờ đợi con tự tìm đường về hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp trợ giúp thôi", ông Hán tâm sự.
Ông Bùi Văn Hội, Phó chủ tịch xã Thành Thọ cho hay, sau khi nhận được thông tin chị Hà còn sống và đang lưu lạc ở nước ngoài, chính quyền đã báo cáo công an huyện đề nghị gửi công văn cho Đại sứ quán Việt Nam và Trung Quốc hỗ trợ giấy tờ để chị Hà trở về theo con đường hợp pháp, sớm đoàn tụ với gia đình.
Hiện cơ quan chức năng chưa có phản hồi.
Lê Hoàng
Theo VNE
Thanh niên được tìm thấy sau 4 ngày đi lạc trong rừng Sau 4 ngày lạc trong rừng ở Lâm Đồng, nam thanh niên 26 tuổi được lực lượng cứu hộ tìm thấy trong tình trạng suy kiệt. Ngày 2/11, anh Nguyễn Toàn Lộc (26 tuổi, ở huyện Di Linh) được lực lượng cứu hộ Công an tỉnh Lâm Đồng tìm thấy trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, gầy gò, trên người không còn...