Cậu bé ‘Người rừng’ ở Huế bây giờ ra sao?
Em vẫn như chú mèo hoang, lang thang khắp mọi ngõ ngách của khu xóm. Lặng lẽ ngồi một mình ở góc cửa sổ, hành lang, ánh mắt nhìn một cách vô định…
Câu chuyện về cậu bé “Người rừng” ở thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) cách đây hơn 1 năm, khiến dư luận xôn xao khi giữa cuộc sống hiện đại vẫn còn một cậu bé không tên, không hộ khẩu, ăn lông ở lỗ chẳng khác… người ở trên rừng.
Nghe bảo sau đợt ấy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm đến em hơn.
Giữa cái lạnh tê tái của đông muộn, tôi trở lại thôn Sư Lỗ, xã Lộc Điền thăm gia đình của em.
Ngôi nhà mới được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm xây dựng cho ba mẹ con.
Bên trong căn nhà ba mẹ con cậu bé người rừng đang ở.
Thấy tôi, chị Nguyễn Thị Thanh Minh tỏ ra khá ngại ngùng. Chị bảo, tối lên nhà mới ngủ, ban ngày chỉ ở đây thôi. Nhưng cu Nhỏ thì thầm với tôi, cả ngày mẹ bắt hai anh em ở dưới đây. “Thế em ngủ ở đâu, khi không có giường, nhà thì dột nước?”, cu Nhỏ chỉ tay về đống quần áo cũ. Hóa ra, đêm đến, ba mẹ con chui rúc trong đống quần áo cũ ấy và trùm áo mưa lên rồi đi ngủ.
Rất ít khi thấy nụ cười của cậu bé “người rừng”
Nhìn thấy tôi, em vội bỏ chạy, miệng lẩm bẩm. Tôi nhẹ nhàng theo sau. Em chạy lên nhà văn hóa thôn, rồi lại leo lên ngồi ở góc cửa sổ quen thuộc. Tôi tiến gần, em nhìn tôi tỏ vẻ khó chịu. Tôi định bắt chuyện, em lại chạy sang nhà hàng xóm, ngồi ở góc hành lang… Em ngồi đó, chẳng ai để ý đến em, dường như em trở thành người “vô hình” với những người xung quanh.
Quanh câu chuyện của gia đình cu Lớn, tôi ngồi nói chuyện với bác Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng thôn Sư Lỗ. Bác Thành cho biết, trong ba mẹ con chị Minh thì bà mẹ với cu Lớn là có dấu hiệu bị bệnh về tâm thần, khi điên khi tỉnh. Mỗi cu Nhỏ là bình thường. Sau đợt năm ngoái, chính quyền địa phương có làm hộ khẩu cho ba mẹ con ở cùng bà chị gái. Hàng tháng, ba mẹ con được hỗ trợ khoảng hơn 900.000 đồng, rồi thi thoảng các nhà hảo tâm lại đến cho gạo, mỳ tôm.
Video đang HOT
Với cu Nhỏ, đoàn thể phụ nữ, cô giáo trường cấp 1 có đến động viên đi học nhưng đi được thời gian thì nghỉ. Đánh giá về em, bác Thành bảo, cu Nhỏ tính hiền lành, ngoan, thật thà, ai gọi làm việc vặt gì cũng nhanh nhảu làm liền. Bởi vậy, em thường được bà con lối xóm nhờ làm mấy việc nhỏ, sau mỗi lần vậy họ lại cho em nắm xôi, gói mỳ tôm hay ít tiền. Còn về cu Lớn, bấy lâu nay nhìn chung vẫn vô hại với người xung quanh. Nhưng bác Thành chia sẻ, cu Lớn ngày càng lớn, việc em không mặc gì trông rất phản cảm. Với lại, em đang tuổi dậy thì, lại thường thoắt ẩn, thoắt hiện, nhiều phụ huynh có con gái đi học thêm về ban đêm tỏ ra rất lo ngại.
“Trong các cuộc họp, phía thôn cũng đề xuất đưa cu Lớn đến một trung tâm nào đó, chứ ở mãi như thế nhiều bà con có con gái là học sinh mới lớn rất lo lắng”, bác Thành cho biết thêm.
Còn chuyện ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thanh Minh chưa chịu lên ở nhà mới. Bác Thành bảo, đang bàn với anh em, họ hàng chị Minh tháo dỡ, đập bỏ căn nhà cũ. Khi đã không còn căn nhà cũ thì buộc ba mẹ con phải lên ở căn nhà mới.
Tạm biệt bác Thành, ba mẹ con chị Minh, trên quãng đường về, ngoài hình ảnh cậu bé “người rừng” cu Lớn ngồi ở góc cửa sổ ám ảnh tâm trí, thì hình ảnh cu Nhỏ vẫn khiến tôi phải suy nghĩ. Chắc hẳn, mẹ và anh trai như vậy, một mai lớn lên, cuộc sống này sẽ không thật sự dễ dàng đối với em.
Lê Kông
Theo_Người Đưa Tin
Cậu bé 2 tuổi bị cha mẹ bỏ rơi, bán bột chiên cùng ông bà ở vỉa hè giờ ra sao?
Năm ngoái, người dân Sài Gòn xôn xao gọi nhau giúp đỡ cậu bé 26 tháng tuổi bị cha mẹ bỏ rơi, phải ở vỉa hè mưu sinh cùng ông bà... Hơn 1 năm trôi qua, Tuấn đã lớn hơn và biết buồn khi ai đó hỏi về cha mẹ.
Cách đây hơn 1 năm, hình ảnh về cậu bé 26 tháng tuổi đang co ro bên xe bán bột chiên ở TP.HCM đang được nhiều cư dân mạng chia sẻ...
Một ngày mưa, người ta bỗng chạnh lòng khi thấy hình ảnh một đứa bé nhỏ xíu, mặc 2,3 lớp áo, trùm nón kín đầu, ngồi lặng lẽ bên xe bột chiên của hai ông bà cụ già nua...
Tuấn là một đứa bé đáng thương khi em bị chính cha ruột và họ hàng bên nội chối bỏ, mẹ Tuấn vì không chịu được cảnh nuôi con một mình nên cũng đã bỏ mặc Tuấn cho ông bà ngoại nuôi khi em tròn 1 tuổi. Từ đó, hàng ngày Tuấn đều phải theo ông bà đi bán bột chiên đến tận 1,2h khuya để kiếm sống qua ngày.
Câu chuyện tạo nên hiệu ứng tốt đẹp, khiến nhiều người cảm động.
Cậu bé Nguyễn Thanh Tuấn nay đã hơn 3 tuổi, hiện ở cùng với ông bà ngoại. Hơn 1 năm qua, câu chuyện đã lắng lại nhưng cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn. Xe bột chiên này vốn đã có mặt ở góc đường Phùng Khắc Khoan - Điện Biên Phủ (Quận 1) hơn 10 năm nay, vẫn tiếp tục là công cụ mưu sinh của ông bà Tuấn.
Cái tên Tuấn do bà Nguyễn Thị Liên Hoa - bà ngoại (63 tuổi, quê H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đặt cho.
Bà Liên kể: "Tên là tôi lấy họ của mình đặt vì cháu không có bố. Ngày xưa bố mẹ cháu sớm có tình cảm với nhau nên sinh ra Tuấn. Thằng bé sinh ra thì cả cha và họ hàng bên nội không ai nhận, nên tôi đem về nuôi".
Người mẹ chỉ nuôi con đến lúc 15 tháng tuổi thì bỏ nhà đi. "Từ đó đến giờ mẹ cháu vẫn chưa quay về, không một lời liên lạc. Tuấn không cha không mẹ, gần như bé mồ côi", bà Liên nói.
Nhưng bà cũng không trách con gái mình. Bà chia sẻ: "Hồi mẹ thằng Tuấn còn bé, cũng bị bỏ rơi, tôi cũng nhặt về nuôi. Nó không có được minh mẫn như người ta, yêu đương sớm rồi bị phụ bạc nên càng bị sốc mới quẫn trí bỏ đi. Tôi có tìm hiểu thì biết con gái đang làm công nhân, chỉ biết vậy thôi. Chồng của nó vẫn ở Sài Gòn, nhưng chưa một lời thăm nom con mình".
Xe bột chiên của hai ông bà đã hoạt động suốt 25 năm ròng vẫn tiếp tục đỏ lửa mỗi tối để nuôi mấy bà cháu. "Bây giờ thì bán cũng lai rai như hồi trước chứ không nhiều đột biến như hồi câu chuyện thằng Tuấn được chia sẻ. Cũng không dư dả nhiều, nhưng hai chúng tôi còn đủ sức làm, vẫn lo cho Tuấn được", ông ngoại Nguyễn Quang Sắt chia sẻ.
Hơn 1 năm trôi qua, Tuấn giờ đã lớn hơn, lanh lẹ hơn và có vẻ đã hiểu chuyện của chính mình nhiều hơn. cậu bé cũng biết buồn mỗi khi ai đó hỏi về cha mẹ mình. Nhưng khi Tuấn hỏi ba đâu, ông bà lạnh lùng trả lời rằng ba con... chết rồi. Vậy là Tuấn tin tuyệt đối. Ngày trước Tuấn cũng hay hỏi sao mẹ không quay về với con nữa, nhưng giờ em không còn hỏi nữa.
Khi mới 26 tháng tuổi, cậu bé cũng đã biết phụ ông bà bán bột chiên. Ở tuổi lên ba, Tuấn còn tỏ ra "lành nghề" hơn. Mỗi khi khách đến, cậu nhanh nhẹn lấy ghế ra.
Rồi tự biết bưng bê, phục vụ khách, khiến nhiều người thích thú.
"Nó ngoan, hiếu động và biết tự giác lắm, không để ông bà phải cực nhiều", bà Liên chia sẻ. Tuấn tự biết uống sữa.
Cậu bé ngồi một góc, tự ăn cơm. Bà Nguyễn Thị Liên Hoa (63 tuổi, quê H.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã từng rất vất vả để có thể vừa bán bột chiên phục vụ khách, vừa trông nom, cho cháu ngoại ăn uống nhưng giờ thì nỗi cực đã vơi đi nhiều.
Trước kia, bà không dám nghĩ đến việc sẽ cho Tuấn đi học vì kinh tế khó khăn. Tuy nhiên về sau khi mọi người biết được hoàn cảnh, Tuấn được mọi người giúp đỡ các thủ tục để đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội trẻ em thiệt thòi trên đường Tú Xương, quận 3 cách đây 1 năm.
Tuấn đi học và ngủ tại Trung tâm bảo trợ từ thứ 2 đến thứ 6. Ngày thứ 7 và Chủ nhật thì ông bà phải đến đón bé về và ra vỉa hè để cùng bán với ông bà. Tối đến, gần 0h đêm, ông bà lại dẫn em về căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Phi Khanh để tắm rửa, cho cháu ăn uống nghỉ mệt.
Câu chuyện của Tuấn vẫn được mọi người quan tâm, lâu lâu lại có tấm lòng thơm thảo dành cho cậu bé.
Điều ông Sắt và bà Hoa mong mỏi nhất bây giờ là mẹ của Tuấn chịu quay về để phụ ông bà nuôi con. "Chỉ hy vọng hai ông bà già này còn sống được đến lúc nó trưởng thành, nên người, không phải lang thang vỉa hè như thế này nữa"...
Theo Afamily/ trí thức trẻ
Theo_2Sao
Bé ung thư làm CSGT 1 ngày, ai khóc? Sở Công an Đà Nẵng rất nhân văn khi cho 1 bé trai 10 tuổi đang bị ung thư được thực hiện ước mơ 1 ngày làm CSGT của mình. Cậu bé Đỗ Tuấn Dũng trong trang phục CSGT. Ảnh: Báo ĐSPL Cuối tuần qua, ngày hội Hoa hướng dương để gây quỹ "Vì bệnh nhân ung thư" được đồng loạt tổ chức...