‘Cậu bé không chân’ Điểu Khuy Ních vượt lên nghịch cảnh
Điểu Khuy Ních đã là học sinh lớp 5. Hàng ngày, cậu vẫn đến trường bằng đôi tay của mình. Khác với tâm lý mặc cảm, khép mình của 3 năm trước, Ních đã mạnh dạn hơn rất nhiều.
Điểu Khuy Ních đã là học sinh lớp 5. Hàng ngày, cậu vẫn đến trường bằng đôi tay của mình. Khác với tâm lý mặc cảm, khép mình của 3 năm trước, Ních đã mạnh dạn hơn rất nhiều.
Điểu Khuy Ních là con thứ 5 của bà Thị Xuân (dân tộc M’nông) ở bon Bù Đách, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp (Đắk Nông)
Sự ra đời của cậu bé đã từng được bác sĩ cảnh báo trước. Bởi ngày ấy, bà Xuân đi khám, bác sĩ phát hiện những bất thường khi bào thai bước sang tháng thứ 6.
10 năm qua, cơ thể của Điểu Khuy Ních không phát triển nhiều. Những ngày được nghỉ học, Ních theo mẹ lên rẫy để trò chuyện cùng mẹ.
” Nếu cháu sinh ra đời, không chỉ chị khổ mà cuộc đời cháu sẽ khổ. Anh chị nên suy nghĩ kỹ!“, lời bác sĩ cứ văng vẳng bên tai của bà Thị Xuân khi nhắc về quãng thời gian khó khăn nhất của đời mình.
Suy đi nghĩ lại, không nhẫn tâm bỏ đi máu mủ của mình, vợ chồng bà Xuân vẫn giữ lại bào thai ấy. Đến giữa năm 2013, Điểu Khuy Ních chào đời trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
” Lúc nhìn thấy con, điều bà nghĩ đến đầu tiên là gì ?”, tôi gặng hỏi.
” Tôi chết lặng, không tin vào mắt mình. Những đứa trẻ khác đều có hình hài đầy đủ, vậy mà con tôi chỉ nhỏ như một cục thịt và thiếu mất đôi chân“, bà Xuân nhớ lại.
Giọng người phụ nữ bỗng nức nở: ” Hai vợ chồng chỉ biết ôm mặt khóc. Tôi thương con quá, nó nhỏ mà phải chịu bất hạnh“.
Tiếp lời mẹ, chị Thị Nguyên, chị gái của Điểu Khuy Ních kể, đã có thời gian, những người trong bon cho rằng, bất hạnh của Ních là sự trừng phạt của ông trời.
Thời gian dài sau ngày Ních chào đời, gia đình chị Nguyên sống trong ánh mắt hiếu kỳ của nhiều người. Có những người cảm thông, họ tìm đến để động viên gia đình vượt lên khó khăn. Thế nhưng cũng có người ít qua lại, vì một điều đơn giản, họ sợ khi nhìn thấy Điểu Khuy Ních.
” Ngày mẹ sinh em, Ních nhỏ lắm. Cả người thằng bé gói trọn trong bộ đồ sơ sinh, nhưng nhìn kỹ thì chỉ có đầu và nửa phần thân trên. Bế em trên tay, tôi không thể tưởng tượng được tương lai của nó sẽ thế nào“, chị Thị Nguyên kể.
Ních lớn lên trong cuộc sống khó khăn nhưng bù lại, cậu bé được bố mẹ và 4 anh chị dành hết sự yêu thương.
Vượt lên nghịch cảnh, những khiếm khuyết trên cơ thể lại được Ních đón nhận bằng thái độ lạc quan. Và từ đó, ánh nhìn của dân làng đối với cậu cũng dần được thay đổi.
” Khi lớn lên, Ních cũng từng hỏi, chân của nó đâu rồi. Tôi chỉ ôm con vào lòng và nói, ông trời không cho con đôi chân, con hãy tập đi bằng đôi tay của mình“, bà Thị Xuân kể.
Được sự động viên của gia đình, cậu bé Điểu Khuy Ních tập đi ngay trên chiếc giường mình đang nằm. Mỗi lần ngã, cậu bé tự đứng dậy mà không cần sự giúp đỡ của người khác.
Video đang HOT
Được sự ủng hộ của mọi người cùng với những nỗ lực của bản thân, Điểu Khuy Ních đã tự tin đi những bước đầu tiên trên đôi tay của mình.
Nửa năm sau, điều kỳ diệu đã đến, Ních đã đi những bước đầu tiên, khi mà đôi tay đã bắt đầu rỉ máu.
” Nhìn con bước đi những bước đầu tiên, vợ chồng tôi không thể kìm được nước mắt. Tôi hiểu rằng, cuộc đời của con sẽ tốt hơn khi con đi được trên đôi tay của mình“, bà Thị Xuân nói.
Ních đi học về khi đồng hồ đã điểm 11 giờ. Cậu bé vội cởi bỏ bộ quần áo đi học để khoác lên người bộ đồ đá bóng quen thuộc.
Tiếng trẻ gọi nhau đã vang vang gần đó. Cậu bé lao như một cơn gió, ra phía trước sân để đi chơi cùng bạn.
Đã có lúc, gia đình Điểu Khuy Ních phải cách xa nhau do Covid-19. Thế nhưng cũng vì thế mà Ních tự lập và biết tự chăm sóc bản thân.
Nhìn em trai đưa thân mình lướt trên những vạt cỏ dọc đường, Thị Nguyên bảo rằng: ” Đã có lúc, chúng tôi tưởng chừng sẽ không còn cơ hội để ở bên nhau !”.
Theo chị Nguyên, tháng 9/2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cả gia đình chị đều mắc bệnh. Ních theo mẹ và chị vào bệnh viện, nhưng được sắp xếp ở một phòng riêng. Bà Thị Xuân và chị Thị Nguyên bị nặng nhất nên phải điều trị đặc biệt.
” Tôi và mẹ thở máy, được điều trị trong một phòng riêng. Lúc tỉnh lúc mê, nhưng lúc nào đầu óc minh mẫn, mẹ đều hỏi Ních thế nào rồi. Dù bệnh nặng, nhưng điều mà chúng tôi lo nhất vẫn là Điểu Khuy Ních“, chị Nguyên kể.
Cuộc sống của cậu bé không tay ít nhiều thay đổi, khi Ních đã biết tự lập, tự lo cho bản thân mình.
Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe của bà Xuân dần phục hồi. Bước ra khỏi giường bệnh, bà mong muốn nhất là được gặp Ních.
Ngày ấy, dù chỉ được phép đứng từ xa nói chuyện, thế nhưng khi nhìn thấy con trai bình an vô sự, bà Xuân hạnh phúc không nói lên lời.
” Quãng thời gian đi cách ly điều trị bệnh có lẽ là thời gian khó khăn nhất của gia đình tôi. Mỗi người một nơi, nhưng ai cũng lo lắng cho cuộc sống của Ních. Lần đầu tiên em ấy xa nhà, lần đầu tiên Ních tự phải chăm sóc bản thân mà không có bàn tay của mẹ“, chị Nguyên kể lại.
May mắn, sau trận đại dịch, cả gia đình Điểu Khuy Ních đều có cơ hội trở về. Cuộc sống của cậu bé không tay ít nhiều thay đổi, khi Ních đã biết tự lập, tự lo cho bản thân mình.
Câu chuyện về nghị lực của Điểu Khuy Ních sẽ khiến nhiều người liên tưởng đến nhân vật truyền cảm hứng Nick Vujicic- người đàn ông không chân tại Úc.
Không thể dùng chân đá bóng, Ních dùng toàn bộ cơ thể mình để đỡ bóng. Thậm chí, có lúc cậu bé đưa cả thân mình lao về phía trước, cản phá sự tấn công của đội bạn.
Ních kể: ” Hàng ngày sau giờ học, em vẫn tham gia chơi bóng cùng các bạn trong bon. Tham gia đội bóng, em thích nhất là vị trí thủ môn, bởi lúc đó em có thể tự tin chơi bóng bằng tay“.
Trong câu chuyện của mình, Ních cho biết, cậu luôn cảm thấy biết ơn khi được đến với thế giới này. Dù không lành lặn như những đứa trẻ khác, nhưng Ních vẫn được mọi người đón nhận và giúp đỡ.
” Ở trên trường, thầy cô và bạn bè giúp đỡ em rất nhiều. Mỗi giờ ra chơi, các bạn lại thay nhau cõng em ra sân trường hoặc đi vệ sinh. Không ai xa lánh em cả“, Ních nói thêm.
Hiểu được cuộc sống của mình sẽ còn rất nhiều khó khăn phía trước, Ních luôn cố gắng vươn lên trong học tập. 5 năm đến trường, Điểu Khuy Ních luôn là một tấm gương sáng về tinh thần hiếu học và vượt khó. Cậu bé ước mơ, không chỉ tự lo được cho bản thân mà sẽ có một công việc để có nuôi mẹ.
” E m ước mơ được làm một lập trình viên máy tính. Sau này đi làm, em sẽ có tiền nuôi mẹ“, Ních cười bẽn lẽn, nói về những dự định trong tương lai của mình.
Cô Lê Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, xã Quảng Tín cho biết, trong thời gian qua, chính quyền địa phương và nhà trường đã tạo điều kiện thuận lợi để Ních yên tâm đến trường.
Đặc biệt, câu chuyện vượt khó đến trường của Ních đã nhận được sự cảm phục của rất nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhiều người đã dành cho Ních món quà ý nghĩa, tiếp thêm động lực cậu học trò không chân này.
Người xóm trọ chạy thận thành Vinh - bây giờ
Trên con đường Lê Ninh (thành phố Vinh) có một khu nhà trọ đặc biệt. Những người thuê trọ nơi đây đến từ nhiều địa phương khác nhau, song hầu hết đều chung cảnh ngộ: Khó khăn về vật chất, mệt mỏi về tinh thần, yếu ớt về sức khỏe.
Vậy nhưng, vượt lên nghịch cảnh, những con người ở khu nhà trọ nghèo ấy vẫn nỗ lực từng ngày, không nguôi hy vọng vào ngày mai, cuộc sống sẽ tốt lên...
Hạnh phúc lấp lánh trong khổ đau
"Những người chạy thận như tôi, đặc biệt là chạy trên 15 năm thì có thể ra đi bất cứ lúc nào nếu chẳng may gặp cơn tăng huyết áp đột ngột hay nhồi máu cơ tim. Vậy nên, mỗi sớm mai thức dậy thấy mình còn sống, bản thân tôi hạnh phúc vô cùng. Việc đầu tiên tôi làm là gọi về để nghe tiếng vợ, tiếng con, rồi sau đó lại lao ra đường kiếm sống. Chỉ có thế, tôi mới có đủ tiền trang trải chi phí chữa bệnh, và cũng là tự tạo niềm vui cho mình", ông Nguyễn Tiến Lập (sinh năm 1969) - người đã có hơn 15 năm chạy thận chia sẻ.
Sáng chạy thận, chiều chạy xe ôm nhưng ông Nguyễn Tiến Lập (sinh năm 1969, xã Tân Sơn, huyện Quỳnh Lưu) luôn giữ niềm lạc quan sống. Ảnh: Thanh Quỳnh
Trước cổng Bệnh viện Đa khoa Thành phố Vinh, hình ảnh ông Lập với vóc dáng gầy gò, nước da đen sạm bên chiếc xe máy cũ kỹ đã quá quen thuộc với những người dân sinh sống nơi đây. Quệt vội những giọt mồ hôi khi phải đứng nhiều giờ dưới nắng để chờ khách, ông Lập trải lòng về hoàn cảnh của mình.
Ông sinh ra tại mảnh đất Quỳnh Lưu, từng có cuộc sống hạnh phúc bên vợ và 3 con của mình. Cho đến năm 2007, khi thấy bản thân liên tục khó thở, mệt mỏi, buồn nôn, ông đã đến bệnh viện thăm khám thì được biết, chức năng thận của mình đã suy giảm dưới 20%, buộc phải tiến hành chạy thận. Thời điểm đó, vợ ông vừa sinh con thứ 3, con đầu mới học lớp 6.
Dưới lớp áo dài, cánh tay ông Nguyễn Tiến Lập đầy các cục u sần là vết tích của những tháng ngày lọc máu, chạy thận để kéo dài sự sống. Ảnh: Thanh Quỳnh
Nghĩ đến việc mình phải xa gia đình để vào thành phố chữa bệnh và mọi gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên vai vợ khiến ông thấy xót xa. Vậy nhưng, để chiến thắng nghịch cảnh, ông đã tự mình vào thành phố Vinh và thuê một căn phòng nhỏ gần Bệnh viện Đa khoa thành phố, nơi mình điều trị bệnh.
Mỗi tuần, lịch chạy thận diễn ra từ 6h30' sáng tới 11h các ngày thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Khoảng thời gian còn lại, ông đến chợ Vinh để làm cửu vạn, ai thuê gì làm nấy, miễn là kiếm được tiền để trang trải chi phí chữa bệnh. Cho đến 7 năm gần đây, khi sức khỏe đã quá yếu, ông buộc phải lựa chọn nghề xe ôm để mưu sinh. Có ngày kiếm được 100 ngàn đồng, nhưng cũng có ngày thời tiết khắc nghiệt, không tìm được khách thì ông cũng đành ra về tay trắng. Dù sao như thế vẫn tốt hơn là nằm dài trên giường bệnh, bởi đối với ông, những khoảnh khắc ấy khiến bản thân dễ nghĩ tới những điều tiêu cực hơn.
Trong những phòng trọ nghèo, những bệnh nhân chạy thận vẫn nỗ lực từng ngày để điều trị bệnh. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên
"Tôi từng chứng kiến những người ra đi ngay trước mắt. Thậm chí, có những người nằm cạnh giường trong bệnh viện, đang nói chuyện với nhau, khi mệt họ nhắm mắt lại và lặng lẽ ra đi trong một giấc ngủ dài. Đó là lý do vì sao tôi muốn được làm việc, được sống một cuộc đời đúng nghĩa và giữ tinh thần tích cực để lan tỏa niềm vui đến những người cũng đang mang trọng bệnh như mình. 15 năm qua, tôi chưa bao giờ nguôi hy vọng, rồi một ngày nào đó may mắn sẽ mỉm cười, mình sẽ khỏi bệnh và được đoàn tụ cùng gia đình" - ông Nguyễn Tiến Lập nói. Có lẽ đó là lý do giúp ông trở thành người có số tuổi chạy thận cao nhất khu trọ này.
Cũng gạn lọc những niềm vui trong cuộc sống để chiến đấu với bệnh tật, ánh mắt của chị Đặng Thị Thủy (sinh năm 1988) bỗng rạng rỡ hơn khi nhắc đến hai người con trai của mình.
Vừa chiến đấu với bệnh tật, chị Đặng Thị Thủy (sinh năm 1988, quê ở huyện Đô Lương) lại vừa động viên các con học tập tốt. Ảnh: Thanh Quỳnh
Chị kể, mình mất chồng vào năm 2015 khi anh bị tai nạn lao động ở Lào. Sau đó 2 năm, chị bàng hoàng nhận tin mình mắc bệnh thận. Xuống TP. Vinh chữa trị, chị buộc lòng phải làm đơn gửi hai con trai (sinh năm 2006 và 2008) vào Làng trẻ SOS. Ba mẹ con rời quê nhà Đô Lương xuống TP. Vinh cũng đã hơn 6 năm, vất vả chẳng kể xiết, nhưng hy vọng thì luôn lấp lánh khi hai con của chị những năm qua đều đạt kết quả học tập tốt. Thậm chí, còn là học sinh giỏi trường môn Toán. Mỗi khi buồn, chị lại mở điện thoại lên để ngắm nhìn những tấm giấy khen con gửi để tiếp thêm động lực sống.
"Với tôi, sống tiếp mới khó chứ buông xuôi thì đơn giản lắm, có khi chỉ cần dừng uống thuốc một hôm thôi... Thế nhưng, tự dặn lòng phải cố gắng sống tiếp vì còn có các con, để các con biết rằng, mẹ mình vẫn còn đó và các con không cô đơn trên cuộc đời này. Tôi muốn nhìn thấy các con trưởng thành, lập gia đình và sống một cuộc đời hạnh phúc hơn tôi", chị Thủy trải lòng.
Khu nhà trọ trên đường Lê Ninh vốn là tòa nhà cũ của một doanh nghiệp, nay cho các bệnh nhân thuê ở để sinh sống trong quá trình chạy thận. Ảnh: Thanh Quỳnh
Bệnh viện là nhà, xóm trọ là gia đình
Những bệnh nhân tại xóm chạy thận luôn lưu trong danh bạ mình một số điện thoại đặc biệt, đó là số của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh năm 1981) - là người được thuê để quản lý khu nhà trọ này.
Bởi những người chạy thận đến thuê trọ nơi đây đều phải sống xa gia đình, trong những hoàn cảnh nguy kịch, họ coi chị là chỗ dựa tin cậy để mình vượt qua những thời khắc khó khăn. Ví như, năm 2022 vừa rồi, ông Lê Văn Lam (68 tuổi), một bệnh nhân đang thuê trọ nơi đây đột ngột tăng huyết áp. Lúc đó là 4 giờ sáng, trong khi gia đình lại ở huyện Quỳnh Lưu nên người đầu tiên ông nghĩ đến là chị Tâm. Gọi cho chị xong cũng là lúc ông rơi vào trạng thái bất tỉnh. Ngay lập tức, chị Tâm đưa ông Lam vào bệnh viện, trong vai trò là người thân để hoàn tất các giấy tờ và chi phí để cấp cứu. Sau đó, vì bệnh có chiều hướng tăng nặng, ông phải chuyển viện, chính chị lại là người làm thủ tục chuyển viện cho ông.
Dù cho hoàn cảnh cũng không khá giả gì, nhưng chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh năm 1981, bìa phải) là điểm tựa cho nhiều bệnh nhân chạy thận ở khu nhà trọ. Ảnh: Thanh Quỳnh
Hoặc như đầu năm nay, trong buổi sáng đi kiểm tra các phòng trọ, chị Tâm phát hiện ra phòng của bà Nguyễn Thị Kỳ (70 tuổi, quê Diễn Châu) không mở cửa. Trong khi, theo lịch ngày hôm đó bà phải dậy sớm để chạy thận. Biết có chuyện chẳng lành, chị tìm cách gọi mọi người mở cửa thì phát hiện bà Kỳ đang nằm gục ở góc phòng. Nhờ được chị Tâm đưa đi cấp cứu kịp thời nên bà Kỳ đã qua cơn nguy kịch.
Tìm hiểu về người phụ nữ ấy, chúng tôi mới biết chị quê ở huyện Quỳ Hợp, dự định ban đầu chỉ là xuống thành phố Vinh để làm việc trong ít năm. Nhưng rồi, vì cảm thương và thân thiết với những mảnh đời tại xóm chạy thận mà chị đã ở lại đây cho đến hôm nay. Chị vừa quản lý nhà trọ, vừa bán nước ở đầu đường. Dù hoàn cảnh của chị cũng chẳng khá giả gì, nhưng mỗi lúc bệnh nhân trong khu trọ cần giúp đỡ thì chị luôn sẵn sàng hỗ trợ.
Tình yêu thương đã giúp cho những bệnh nhân chạy thận có thêm chỗ dựa vững vàng để vươn lên nghịch cảnh. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên
Chị chia sẻ: "Hiện khu trọ có 15 bệnh nhân chạy thận đang thuê nhà. Mỗi năm ở đây lại có 3, 4 người ra đi và lại đón thêm 3, 4 người mới tới. Có lẽ vì đồng cảm nên họ coi nhau như người thân trong gia đình, giúp đỡ và chia sẻ cùng nhau mọi vui buồn trong cuộc sống. Đối với những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bệnh viện chính là nhà và khu trọ nghèo này cũng chính là một gia đình. Họ yêu thương, đùm bọc, nương tựa nhau, dìu dắt nhau sống lạc quan, tin tưởng vào một ngày bệnh tình thuyên giảm và được ra viện. Dẫu trong khổ đau, họ vẫn giữ niềm lạc quan và tình yêu thương dành cho nhau để mỉm cười sống tiếp".
Nữ giáo viên bị điếc, liệt vĩnh viễn và hành trình trở thành tác giả truyền cảm hứng Nhờ nghị lực phi thường cùng với sự đồng hành và tình yêu thương vô bờ bến của người bạn đời, nữ giáo viên Hà Nội làm được những điều khó tưởng từ trong nghịch cảnh. Cuộc sống của bất kỳ ai cũng sẽ có lúc thăng, lúc trầm. Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, không hành trình nào bằng...