Cậu bé đạp xe 100km thăm em: “Cái lý của tình thương”
Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em.
Chuyện cậu bé con ở huyện Vân Hồ, Sơn La, cứ thế đạp xe về Hà Nội để thăm đứa em bé bỏng của mình phải đi viện cấp cứu, đã tạo nên những trao đổi trên mạng. Nhiều người phản đối chuyện này, vì lo lắng và sợ nguy hiểm. Đúng vậy! Nhưng nhìn từ góc độ của trẻ con, của nhân vật trong câu chuyện, là rất đáng suy ngẫm, như cách chia sẻ của Nhà báo Trần Đăng Tuấn dưới đây…
Vượt hơn 100km, cậu bé đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội để thăm em
Cậu bé 13 tuổi, ở Chiềng Yên, một xã của huyện miền núi Vân Hồ, trưa ngày 25.3 vừa rồi đi học về thì biết bố mẹ đã đưa đứa em bé tý của cậu bé về Hà Nội cấp cứu. Cậu bé không nói cho ai biết, lấy chiếc xe đạp trẻ em lên đường đạp về Hà Nội. Trước đó cậu chưa bao giờ ra khỏi xã Chiềng Yên của cậu. Cứ ra đường to, vừa đi vừa hỏi đường. Con đường từ Vân Hồ về đến thành phố Hòa Bình thì tôi thường xuyên đi. Đèo dốc lắm. Không biết cậu đã đạp xe bao nhiêu cây số. Đến khi mệt rồi, trời tối hẳn, cậu được một nhóm thanh niên đi ô tô để ý thấy, dừng xe hỏi han. Căn cứ câu nói của một người trong số họ: “Đưa về Cao Phong gửi vào đồn công an”, thì có thể biết chỗ họ thấy cậu bé là điểm trước thị trấn Cao Phong. Như vậy cậu đã đi ít nhất là 50 – 60km, trong đó có đèo Thung Khe, đèo Đá Trắng, rất dốc. Nếu đã gần Cao Phong, thì có thể tới 70km. Xe hỏng phanh, cậu dùng dép tỳ vào bánh xe hãm xe khi xuống dốc. Mòn vẹt cả dép, chân bị đau, mà vẫn đi.
Mọi người thương, nhưng cũng phản đối vì như thế là dại dột. Có nhiều người nói không nên khen cậu, như thế là khuyến khích làm chuyện nguy hiểm. Họ nói đúng. Nhưng vẫn phải nói rằng đó là cái đúng của chúng ta, vì lo lắng cho cậu bé nên thấy thế. Còn cậu bé, cậu có cái lý của cậu. Cậu không biết Hà Nội xa đến đâu. Cậu không biết chiếc xe nhỏ kia đâu phải là phương tiện để đi hàng trăm cây số đường có nhiều đèo dốc. Cậu nhất định muốn nhìn thấy đứa em đang nguy hiểm. Cậu tin là có đường, có chiếc xe, đi là đến. Đi là gặp đứa em. Cậu bé không thể ngồi nhà được. Cậu không thể không đi. Cái lý của tình thương là như thế.
Cũng vừa mới đây thôi, báo chí nói về cô bé mười tuổi ở Trung Quốc, có đứa em ba tuổi leo nghịch ở ban công, rớt ra ngoài, may mà lại bám được vào lan can. Có cái gờ rất hẹp bé để chân vào, nhưng tư thế đó bé sẽ chẳng lâu sẽ buông tay rơi xuống từ tầng cao. Bé chị nắm lấy tay em, vừa la khóc vừa giữ. Suốt gần nửa giờ nắm tay em, khóc kêu “Cháu mỏi lắm rồi, cứu cháu!”. Người ta đã phá cửa vào cứu. Và người ta kinh ngạc: làm sao đứa trẻ mười tuổi có thể giữ được đứa em như thế bằng ấy thời gian. Sức lực ấy bình thường không có được. Nhưng tình thương yêu, máu mủ ruột rà cho người ta sức mạnh đó, những lúc chẳng có gì ngoài tình thương là vũ khí.
Tôi nhớ lại câu chuyện người xưa kể: Một người vào rừng đào củ. Vô tình anh ta đào đúng chỗ giấu vàng. Một chum đầy. Anh ta sung sướng phát cuồng. Vét vàng nhét vào bao tải. Hết cả số vàng trong chum. Những thỏi vàng đó dĩ nhiên là rất nặng. Anh ta vác vàng đi. Lúc đầu anh ta thấy nặng nhưng hả hê. Vì nặng nghĩ là nhiều vàng. Nhưng rồi càng đi càng thấy quá nặng. Đến con dốc thì nặng thêm gấp bội.
Video đang HOT
Anh ta hì hục leo, kiệt sức. Lên đến đỉnh dốc thì anh ta kiệt sức. Dù đó là vàng, anh ta đã nghĩ đến phải bỏ bớt ra mới đi được. Ham thì ham lắm đấy, nhưng lực bất tòng tâm. Đúng lúc đó, có tiếng cười lanh lảnh của trẻ con. Anh ta thấy một bé gái nhỏ cõng đứa em bụ bẫm chạy lên từ chân dốc. Người vác vàng thấy, bé gái còn nhỏ lắm, đứa em nặng thế kia nếu xét về tương quan cân nặng thì cũng như anh ta với số vàng. Vậy mà sao bé gái vẫn cõng em một mạch lên đỉnh dốc, hai chị em còn ríu rít nói cười nữa. Người đàn ông vác vàng hỏi bé gái: “Sao cháu cõng được em nặng thế lên dốc mà không mệt?”. Bé gái ngạc nhiên trả lời: “Đây là em cháu mà!”.
Vậy đó. Vì đây là em của bé. Là cùng mẹ sinh ra. Nên sao lại có chuyện nặng hay nhẹ. Chỉ có mỗi một điều là chị phải cõng em, và nhất định là cõng leo lên dốc được. Không thể khác.
Cái lý của tình thương yêu là như thế. Cái sức của tình thương yêu là như thế.
Theo Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Reatimes)
Cậu bé đạp xe 100km thăm em: Hành trình trái tim từ những người lạ
Trời tối, thấy một cậu bé vẫy xe, ban đầu tài xế xe khách tưởng cậu bé đùa nên đi qua.
Nhưng rồi người tài xế ấy dừng lại, cầm đèn pin xuống hỏi han cậu bé, những người lạ trên xe khách cũng vậy. Chuyến xe bỗng trở thành hành trình trái tim ấm áp tình người.
Quãng đường mà cậu bé Vì Quyết Chiến đi được bằng xe đạp khoảng 103km từ Sơn La đến Hòa Bình, tính sơ sơ đối với sức một đứa trẻ như Chiến phải mất khoảng 8 - 9 tiếng, ở điều kiện đường bằng phẳng và cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Nếu không kiệt sức vì mắc bệnh bẩm sinh, dễ ngất xỉu, chắc cậu bé 13 tuổi ở Vân Hồ đã tiếp tục hành trình từ Sơn La đi Hà Nội vào Bệnh viện Nhi trung ương thăm em trai bị ốm.
Hành trình của cậu bé đạp xe 100km xuống Hà Nội thăm em. Ảnh: I.T
Chiến nói dối ông nội là đi tập thể dục ở trường rồi... đi luôn. Chưa được xuống thăm em lần nào, nhớ bố, nhớ mẹ, Chiến không thấy đói, thấy khát. "Em nhớ đến em, nhớ đến bố mẹ thì em đạp, không có gì ăn uống nhưng nhớ đến em, em không đói không khát", Chiến nói với báo chí.
Nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ ở Bệnh viện Nhi trung ương, Chiến được bố đưa về nhà trong ngày 26.3 để cậu bé tiếp tục đi học. Câu chuyện đạp xe hơn 100km thăm em của Chiến lan truyền trên mạng xã hội, trên các phương tiện truyền thông như một "chuyện lạ chưa từng xảy ra".
Nhiều nhà hảo tâm muốn giúp đỡ cậu bé có chiếc xe mới, ủng hộ gia đình Chiến tiền chạy chữa cho em trai Chiến. Nhưng, điều đáng quý nhất trong câu chuyện của Chiến chính là những con người tốt bụng, xa lạ đã giúp đỡ Chiến trên chuyến xe đưa cậu bé về Hà Nội an toàn.
Chuyến xe ấy là câu chuyện về lòng nhân văn, là hành trình trái tim ấm áp tình người.
Vì Quyết Chiến trên chuyến xe khách từ Sơn La về Hà Nội. Ảnh: F.B
Trên chuyến xe ấy, dù chẳng ai quen Vì Quyết Chiến nhưng họ hỏi han, đưa cậu bé đến điểm cuối. Nhà xe còn mua bánh, nước cho cậu bé ăn uống, liên lạc với bố của Chiến. Chắc hẳn ai nấy trên xe đều kinh ngạc khi cậu bé chẳng có gì ngoài chiếc xe mất phanh lại "đòi" đi Hà Nội thăm em trai, đôi dép của cậu thì mòn cháy do phanh xe, bàn chân xước xát, trên người không tiền, không điện thoại.
Khuôn mặt cậu bé lúc được "cứu", theo lời miêu tả của anh Lê Công Huy - khách trên xe - là tái nhợt.
Tài xế xe khách kể, trời tối, thấy cậu bé nhỏ nhắn vẫy xe, ban đầu anh tưởng cậu bé đùa nên đi qua. Nhưng rồi người tài xế ấy dừng lại, cầm đèn pin xuống hỏi han cậu bé và không tin nổi chuyện Chiến đạp xe đạp 100km đi thăm em bị ốm. Lúc Chiến vẫy xe cũng là lúc em quá đói và không thể tiếp tục hành trình. Nếu chiếc xe không dừng lại, có lẽ câu chuyện của Chiến đã sang một hướng khác.
Tài xế xe khách tốt bụng là thế song anh lại ngại nêu tên khi chia sẻ với báo chí bởi "làm việc tốt nên không muốn để tên mình". Để Chiến được an toàn tuyệt đối, khi gặp bố cậu bé, anh còn bắt trình chứng minh thư để... đối chiếu.
Nhớ em, nhớ bố mẹ, Vì Quyết Chiến một mình đạp xe từ Sơn La đi Hà Nội.
Còn anh Lê Công Huy - người đem câu chuyện này lên mạng xã hội - từ chối nhuận bút của một tờ báo đăng tải clip của anh để tặng cho Chiến. "Món quà" này tuy nhỏ nhưng xuất phát từ tâm.
Trong câu chuyện của Chiến, họ - những con người bình thường đã có nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng, và chính họ đã nhân lên lòng tốt trong xã hội.
Cậu bé Chiến đạp xe 100km đi thăm em từ Sơn La xuống Hà Nội bằng chiếc xe đạp mất phanh, đó là hành trình trái tim tràn đầy yêu thương của người anh trai đối với người em.
Và chuyến xe khách đưa Chiến về Hà Nội là hành trình trái tim tiếp nối hành trình của Chiến mà những người lạ dành cho cậu bé 13 tuổi nhỏ nhắn.
Theo Danviet
Em nhập viện cấp cứu, anh trai 13 tuổi đạp xe đạp từ Sơn La xuống Hà Nội thăm Nghe ông nội nói em trai xuống Hà Nội điều trị bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương, bé Chiến 13 tuổi ở Vân Hồ Sơn La đã đạp xe đạp xuống thăm em. Bé Chiến 13 tuổi đạp xe từ Sơn La xuống Hà Nội thăm em Anh Vì Văn Nam, bố bé Vì Quyết Chiến (13 tuổi, dân tộc Thái, sống...