Cậu bé 9 tuổi đột nhiên bị xuất huyết não vì lý do ai cũng có thể mắc và lời cảnh báo từ người mẹ
Tưởng chừng như chỉ bị cảm cúm thông thường, nhưng cuối cùng cậu bé lại phải đối mặt với tử thần vì bệnh xuất huyết não đáng sợ.
Có nhiều căn bệnh nguy hiểm ở trẻ thường bắt nguồn từ dấu hiệu đơn giản đến không ngờ mà dễ lầm tưởng chỉ là một trận cảm cúm. Ấy thế nhưng những gì diễn biến sau đấy thì thật sự khủng khiếp, khiến nhiều đứa trẻ phải đối mặt với tử thần. Biến cố mà hai mẹ con chị Đoàn Thanh Giang (32 tuổi) và cậu bé Bùi Đoàn Hải Anh (9 tuổi) vừa phải trải qua, là một trong những câu chuyện kinh khủng như thế. Bởi tưởng chừng như chỉ bị cảm khi nôn, vã mồ hôi, nhưng cuối cùng, Hải Anh đã bị xuất huyết não do dị tật mạch máu não bẩm sinh mà bất kỳ ai cũng có thể mắc.
May mắn thay, sau cùng điều kỳ diệu đã xảy ra khi Hải Anh được cứu và hồi sinh từ ca mổ não, để chị Giang có thể bình tĩnh ngồi lại, kể về những trải nghiệm kinh hoàng đã qua, góp thêm một tiếng nói cảnh báo, hướng dẫn các bố mẹ khác nếu như có gặp trường hợp tương tự.
Bé Hải Anh (phải) cùng mẹ và em trai chụp ảnh khi chưa bị bệnh.
Biểu hiện nôn, rơi vào trạng thái li bì và bị chẩn đoán nhầm bệnh
Chị Giang kể lại: “Hôm đầu tiên ấy, con bỗng nhiên nôn nhiều ở lớp, nằm vật ra sàn, mồ hôi vã ra như tắm từ đầu tới chân. Bà được gọi lên đón con về nhà. Lúc này, mọi người đều nghĩ con bị cảm. Con về nhà không hề kêu đau, cứ nằm thiếp. Mẹ bảo con ăn cháo để uống thuốc thì con bảo: “Con biết rồi, mẹ đừng động vào người con, để con nghỉ tí”. Cả mình và bà của con đều nghĩ con bị cảm do đi ngoài vì cách đây không lâu khi đi du lịch con cũng bị như vậy, không ăn uống gì và sau 2 ngày thì hết. Đặc biệt là mình đã từng bị cảm, chỉ nằm một chỗ, thậm chí không nhấc nổi chân tay nên lại càng nghĩ con chỉ bị cảm”.
“Ngày thứ 2, thấy con vẫn không ăn uống gì và liên tục đòi để yên cho con nằm ngủ, mình thụt đít cho con đi ngoài. Thế nhưng con đi ngoài bình thường, mình thấy lạ vì thường nếu bị đi ngoài thì phải là phân lỏng rồi hết nên liền đưa con đến bệnh viện. Lúc mình cõng con, chân con không quặp vào mẹ nên khi cõng rất nặng. Lúc đó mình còn mắng con vì sao không hợp tác, nhưng sau này mới biết khi xuất huyết não, thần kinh điều khiển tay chân yếu nên chân tay con không muốn cử động”.
Hải Anh trước khi ốm là một cậu bé rất ngoan.
Khi vào khám, bác sĩ chẩn đoán do ngộ độc thức ăn, cậu bé lại không ăn gì hơn một ngày nên mệt lả và chỉ cần truyền 1-2 chai nước là đỡ. Chụp ổ bụng và xét nghiệm máu bé đều không sao. Hải Anh cũng chỉ bị nôn vài lần trong ngày đầu tiên, ngày hôm sau không nôn, không sốt. Buổi chiều và tối, bé được truyền 2 chai nước nhưng vẫn li bì và bắt đầu rên rỉ.
“Cả bà, mẹ và ê kíp y tá hôm đó đều nghĩ con nhõng nhẽo, được chiều. Bác sĩ vẫn kiểm tra ý thức của con và đến tối thì bảo: “Con ý thức tốt nhưng cũng không ngoại trừ viêm não vì có nhiều ca tiến triển chậm. Tuy nhiên, chưa khẳng định được do yếu tố tâm lý (là con õng ẹo, nhõng nhẽo, được chiều) nên cứ để qua ngày mai”. Ngày thứ 3, buổi sáng con được truyền tiếp một chai nữa. Lúc này con rên nhiều hơn, kêu đau đầu và vẫn li bì. Bác sĩ kết luận: “90% là não và nói cần chọc não úng thủy đề kiểm tra”. “Tuy nhiên khi nói về các biến chứng nếu chọc não úng thủy, cần sự quyết định của gia đình, chân tay mình bủn rủn, đứng không vững nữa”, chị Giang nhớ lại.
Video đang HOT
Cậu bé nằm li bì khi vào viện.
Nói thêm về Hải Anh, cậu bé lúc đó vẫn có ý thức nhưng khi được truyền thêm một ống xi lanh an thần và phụt thuốc tê vào lưng thì nói nhảm một câu: “ Tranh của mẹ vẽ xấu thế“, khiến mẹ bé càng lo lắng tột độ.
“Mình nhận được một lời khuyên nên chọc não úng thủy sớm để phát hiện ra bệnh sớm cho con và đã quyết định sẽ làm. Nhưng khi chuẩn bị chọc não úng thủy, đột nhiên bác sĩ điều trị nhận được chỉ định từ bác sĩ trưởng khoa cho đi chụp cắt lớp trước. Rồi con được xuống chụp cắt lớp, kết quả nhanh chóng được đưa ra. Bác sĩ chuyên khoa thông báo, con bị xuất huyết nãonặng do dị tật ống thần kinh trong não tự vỡ. Trường hợp này phải phẫu thuật càng sớm càng tốt để hút máu não tụ ra. Còn dị tật kia nếu tìm được thì sẽ xử lý, còn nếu không phải đóng lại sau vài tháng ổn định sẽ tìm, mổ và cắt sau”.
Kết quả chụp cắt lớp phát hiện xuất huyết não do dị tật mạch máu não tự vỡ.
Hồi sinh từ ca mổ hút máu não tụ và những lưu ý cảnh báo từ người mẹ
Nghe lời bác sĩ nói, chị Giang như chết lặng, sợ hãi cực độ, nhất là khi bác sĩ thông báo thêm về những rủi ro khi mổ, có thể dẫn đến tử vong hay những biến chứng như liệt, mất trí nhớ, mất ý thức… Ngay lập tức sau đó, Hải Anh được đưa đến khoa ngoại để phẫu thuật. Ca mổ diễn ra khẩn cấp, do bác sĩ chuyên môn cao nhất bệnh viện thực hiện. Người nhà được đưa ra khỏi cánh cửa phòng phẫu thuật, chị Giang khụy xuống không thể đứng nổi, tai ù đặc, tim như bị bóp nghẹt. Chị chỉ biết cầu nguyện, tin tưởng mạnh mẽ vào sự hồi phục của con.
“Và thật kỳ diệu, mọi người đều nghĩ ca mổ phải kéo dài mấy tiếng nhưng hơn một tiếng đã xong. Con qua cơn nguy kịch, kết quả tốt. Vùng máu tụ và dị tật kia nằm ở lớp ngoài – không rơi vào vùng có thể bị liệt hay mất trí nhớ. Mọi người đều thở phào vỡ òa trong giây phút ngàn cân treo sợi tóc ấy”, chị Giang kể thêm.
Sau ca mổ, Hải Anh được cho thuốc an thần để não nghỉ ngơi.
Cậu bé đã lấy lại được ý thức khi ra phòng ghép mẹ.
Nhưng những ngày sau mới là những ngày kinh khủng với một người mẹ. Khi chị không được vào thăm con, chỉ được đứng nhìn vài giây ngoài cửa kính một hai lần trong ngày. Vì sau mổ não con phải cho an thần để não nghỉ vài ngày do não sẽ bị phù sau phẫu thuật. “Mình ôm chiếu nằm vật vờ ngoài hành lang phòng mổ 3, 4 ngày trời, cứ nằm ôm chiếc áo con mặc hôm đó khóc nấc lên không thành tiếng. Chiếc áo còn mùi dầu gió, còn mùi cơ thể con những ngày đó. Khi phải đối diện với việc mất con vĩnh viễn – mới thấy chả có điều gì ý nghĩa và to lớn hơn con”.
Rất may là các tin tốt đến mỗi ngày. Hải Anh bắt đầu có ý thức dần trở lại khi ngồi dậy quờ quạng chân tay, dù đang hôn mê. Rồi hôm sau, y tá kể lại cậu bé có thể trả lời bằng lắc gật, thều thào nói: “Con khó thở”. Đến ngày thứ 5, Hải Anh được cho ra phòng dịch vụ để ghép mẹ. “Mình hỏi đùa con có muốn sờ ti không, đi bơi thuyền thông thì con nheo mắt. Rồi ông ngoại vào ghé sát miệng thì con bảo: “Ông ra đi, toàn mùi thuốc lá”. Lúc đó, mọi người mới thở phào và cười được. Tối hôm đó, con trả lời được nhiều câu của mẹ, cả tiếng Việt và tiếng Anh, tay chân con nằm như thói ăn ngủ khỏe hàng ngày”.
Hải Anh và mẹ hiện tại. Cậu bé đã tạm hồi phục và đang được theo dõi thêm.
Ở thêm phòng dịch vụ 5 ngày, Hải Anh được xuất viện trong trạng thái đã tạm ổn. Hiện tại cậu bé đã nhanh nhẹn trở lại nhưng vẫn phải đợi theo dõi, đến lịch soi chụp xem còn dị tật mạch máu não bẩm sinh không.
Qua câu chuyện của mình, chị Giang cũng gửi đến các bố mẹ khác một số lưu ý nhỏ về bệnh xuất huyết não do dị tật mạch máu não:
- Nếu thấy con nôn, đau đầu và li bì, hãy nghĩ ngay đến não. Viêm não có thể sốt hoặc không. Còn xuất huyết não không phải cứ do va đập mà do dị tật mạch máu não như bé Hải Anh đã bị (bất kể độ tuổi nào). Dị tật mạch máu não không có biểu hiện gì nên ai cũng có thể có, nhưng có người bị vỡ, có người không.
- Chụp cắt lớp trước trong mọi trường hợp. Vì trong trường hợp bé Hải Anh nếu chọc não úng thuỷ trước thì rất đau đớn và còn làm máu chảy nhiều hơn, phẫu thuật cũng không kịp thời. Chụp cắt lớp cho kết quả rất nhanh.
- Bé Hải Anh vì không biết bệnh từ đầu nên được truyền dịch khi vào viện. Nhưng lưu ý rằng việc truyền dịch trong trường hợp xuất huyết não còn tạo áp lực cho mạch máu khiến máu chảy nhiều hơn.
- Thời gian chảy máu não rất nhanh, có nhiều trường hợp chỉ cần đợi qua đêm là đã tử vong. Vì vậy, bố mẹ hết sức cảnh giác, bởi xuất huyết não không trừ một ai. Chỉ cần nghi ngờ con bị bệnh, hãy đưa con đến bệnh viện, “gõ cửa” các bác sĩ có chuyên môn cao ngay từ đầu.
Theo Helino
Thai phụ bị vỡ túi phình động mạch não
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM phải mổ bắt con gấp dù thai mới 37 tuần tuổi.
Trước đó thai phụ 33 tuổi khám tại bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM do đau đầu bất thường. Bác sĩ chẩn đoán bà bầu bị xuất huyết dưới nhện, một bệnh lý vỡ túi phình động mạch não rất nguy hiểm. Các bác sĩ đã hội chẩn quyết định chủ động mổ lấy thai và can thiệp mạch máu não điều trị cho bệnh nhân.
Em bé chào đời an toàn. Còn mẹ phải trải qua ca phẫu thuật bít túi phình ở não. Sau ba tuần điều trị, sản phụ tỉnh táo, bớt đau đầu và được xuất viện.
Bác sĩ Trần Nhật Thăng, Khoa Phụ sản Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trường hợp này may mắn thai nhi đã phát triển đầy đủ. Do đó các bác sĩ quyết định chủ động mổ lấy thai và không ảnh hưởng đến túi phình mạch máu não của người mẹ.
"Nếu để sản phụ chuyển dạ tự nhiên thì cơn đau đẻ sẽ khiến tình trạng xuất huyết não nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và con", bác sĩ Thăng nói.
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: N.P
Bác sĩ Trần Quốc Tuấn, Khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết xuất huyết dưới nhện là bệnh lý xuất huyết nội sọ xung quanh não. Nguyên nhân thường do chấn thương hoặc vỡ túi phình động mạch não. Khoảng 3-5% dân số có túi phình động mạch não.
Túi phình to có thể gây yếu liệt chi, liệt vận động mắt hoặc mờ mắt do chèn ép dây thần kinh. Khi túi phình vỡ, người bệnh bị xuất huyết khoang nội sọ nên đau đầu đột ngột dữ dội, cổ cứng. Tình trạng nặng hơn thì bệnh nhân sẽ lơ mơ, hôn mê và động kinh.
Người bệnh không được can thiệp bít hoặc kẹp túi phình mạch máu não kịp thời thì nguy cơ tái vỡ rất cao, khoảng 20-30% trong hai tuần đầu tiên và 50% trong 6 tháng đầu. Khi túi phình động mạch não vỡ lần nữa, 70-90% người bệnh sẽ tử vong. Bệnh còn dẫn đến các hậu quả nặng nề như nhồi máu não, giãn não thất, tổn thương hệ thần kinh, bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo khi đau đầu đột ngột dữ dội, nên đến bệnh viện kiểm tra nguy cơ xuất huyết dưới nhện. Cha mẹ, anh chị em, con cái của người bệnh nên được tầm soát để chẩn đoán túi phình nội sọ sớm.
Túi phình động mạch não có 1-5% nguy cơ tái phát trong 5 năm đầu. Người bệnh cần duy trì sinh hoạt điều độ và giữ huyết áp ổn định. Cao huyết áp là yếu tố nguy cơ trực tiếp làm xuất hiện túi phình.
Cẩm Anh
Theo VNE
Cứu sống nữ du khách Trung Quốc bị đột quỵ Bà Tống Chí Anh được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng nôn mửa, huyết áp cao, rối loạn ý thức, chẩn đoán bị xuất huyết não. Chiều 10/4, Bác sĩ Lê Thừa Trung Hậu, Phó Giám đốc Trung tâm điều trị theo yêu cầu và quốc tế Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bà Tống Chí Anh 53...