“Catch Me If You Can”: Chạy trốn để được tìm thấy
Điều cuối cùng mà tôi vẫn luôn suy nghĩ tới khi xem xong “ Catch Me If You Can”, đó là có bao nhiêu người vẫn đang chạy trốn để mong được ai đó tìm thấy trong cuộc sống ồn ào và hối hả, bận rộn và bon chen đến chóng mặt ở ngoài kia?
Catch Me If You Can không phải là một bộ phim bi lụy, thậm chí còn chứa nhiều tình tiết hài hước, nhưng đây là một trong số ít những bộ phim khiến tôi phải khóc khi xem. Rất đơn giản để đổ nước mắt, tôi khóc khi chứng kiến nhân vật Frank – cậu bé còn chưa tròn 18 tuổi đã trở thành một “siêu lừa đảo” trong lịch sử nước Mỹ. Cậu bé hăng hái trong cuộc hành trình hóa thân thành nhiều nhân vật được trọng vọng trong xã hội, lên đến đỉnh cao của tiền tài và địa vị, nhưng lại là cậu bé cô đơn trong đêm Giáng Sinh, cậu bé chạy trốn khỏi FBI chỉ để tìm đến trước cửa ngôi nhà mà mẹ mình đang chung sống hạnh phúc với một người đàn ông khác, nhìn mái ấm hạnh phúc của người mẹ lung linh sau những ô cửa kính, tựa hồ như một giấc mơ xa xôi không bao giờ với tới…
Dựa trên cuộc đời có thật của “thiên tài lừa đảo” trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ – Frank Abagnale (Leonardo DiCaprio thủ vai), Catch Me If You Can đã tái hiện lại hành trình lừa đảo vô tiền khoáng hậu của cậu thiếu niên này, bên cạnh đó là hành trình lần theo dấu vết Frank của nhân viên FBI Carl Hanratty ( Tom Hanks).
New York năm 1963, cuộc đời hạnh phúc bình lặng của cậu bé 16 tuổi Frank Abagnale bỗng rẽ sang một hướng khác khi cha mẹ cậu li dị sau khi cha cậu làm ăn thất bát. Sụp đổ và hoảng loạn, Frank bỏ nhà ra đi và bắt đầu cuộc đời của một “thiên tài lừa đảo”. Ban đầu, Frank quyết định trở thành phi công vì bất chợt nhìn thấy hình ảnh một phi công của hãng hàng không danh tiếng Pan Am được người xung quanh săn đón và ngưỡng mộ. Với trí thông minh nhanh nhạy của mình, Frank nhanh chóng giả mạo thành một phi công điển trai quyến rũ và đút túi 2.8 triệu đô la tiền xài chùa của hãng Pan Am.
Từ một phi công, Frank lần lượt trở thành một bác sĩ trưởng khoa nhi trong bệnh viện, một trợ lý chánh án tại tòa án tối cao bang Louisiana. Ngoài ra Frank còn ký hơn 4 triệu USD ngân phiếu giả ở tổng cộng 50 bang nước Mỹ và 26 nước trên thế giới. Chưa đầy 19 tuổi, thậm chí chưa có bằng tốt nghiệp trung học, Frank Abagnale đã du ngoạn khắp thế giới bằng nhiều thân phận khác nhau, ở nhiều vị trí cao được ngưỡng mộ và trọng vọng, có trong tay rất nhiều tiền, cưa đổ bất cứ cô gái nào cậu thích, nhưng chỉ có một điều mà cậu không làm được, đó chính là hàn gắn cuộc hôn nhân của cha mẹ, và có một nơi yên ấm đón mình trở về trong đêm Giáng Sinh – thời khắc đoàn tụ của mọi gia đình.
Cuộc đời của Frank Abagnale, phía sau những thời khắc huy hoàng của “thiên tài lừa đảo” chỉ còn lại duy nhất một cậu bé chưa tròn 19 tuổi bất an, hoảng loạn, mất phương hướng giữa cuộc đời. Nỗi cô đơn của Frank được đặc tả rõ hơn qua diễn xuất tuyệt vời của tài tử Leonardo DiCaprio. Xem Catch Me If You Can, khán giả có thể thấy Leo hiểu tường tận nhân vật của mình đến từng chi tiết, trong từng ánh mắt hay cử chỉ. Ngay cả những lúc Frank “bay cao, bay xa” nhất, Leo vẫn nhìn thấy ở nhân vật của mình là một cậu bé tổn thương, khát khao được yêu và cô đơn đến cùng cực. Frank hốt hoảng và luống cuống, điên cuồng vùng vẫy trong nỗi đau của chính mình dù bề ngoài anh bệ vệ ngẩng cao đầu, sánh bước với tư cách một kẻ có tiền được xã hội trọng vọng.
Video đang HOT
Frank liên tục thay đổi thân phận, sống dưới vỏ bọc của nhiều nghề nghiệp, và không ngừng chạy trốn sự truy đuổi của cảnh sát. Nhưng hơn một lần, Frank đã từng khao khát có ai đó tìm ra mình, ai đó kéo cậu đứng dậy khỏi cái vũng cô đơn mà cậu ngày càng sa lầy. Đó là khi Frank gọi điện cho Carl – viên cảnh sát đang điên cuồng truy bắt cậu vào đêm Giáng Sinh chỉ vì cậu không còn ai để gọi điện nữa. Frank thậm chí đã để lại địa chỉ thật sự nơi cậu đang ở cho Carl nhưng tất nhiên viên cảnh sát không tin tưởng cậu.
Frank tìm Carl có lẽ cũng bởi Carl là người duy nhất trên đời còn quan tâm đến cậu, dù cách quan tâm đó hơi “ngược đời” là tìm kiếm và truy bắt cậu. Nghịch lý trong cuộc đời Frank cũng nằm ở đây: người tìm cách tống Frank vào tù lại là người duy nhất thấu hiểu và đánh giá cao khả năng của cậu giữa cuộc đời này.
Tom Hanks thủ vai nhân viên FBI Carl Hanratty
Frank không chỉ cô đơn mà còn khao khát yêu thương đến tận cùng. Thực ra mục đích ban đầu của Frank không phải lừa đảo để bản thân trở nên giàu có. Cậu bé ấy lúc nào cũng hướng đến người cha thất bại của mình. Điều duy nhất cậu có thể nghĩ được là giàu có để cứu vãn cuộc hôn nhân của cha mẹ – những người ly dị nhau một phần vì lý do tài chính. Ấy là khi Frank háo hức khoe với cha về bộ đồng phục phi công, là khi cậu mừng rỡ nói rằng đã mua cho cha một chiếc Cadillac mới cóng và giục cha hãy lái xe đi tìm mẹ.
Frank cũng khao khát có một người nào đó yêu thương mình trong rất nhiều cô gái đang phủ phục trước mặt cậu ở ngoài kia, nhưng thậm chí không một cô gái nào thèm quan tâm đến cái tên thật sự của cậu. Kết quả cuối cùng của Frank vẫn chỉ là những đêm Giáng Sinh cô đơn lẻ bóng.
Bên cạnh việc tái hiện lại nỗi cô đơn cùng cực của một người trẻ tuổi, Catch Me If You Can còn tái hiện lại đầy sống động xã hội Mỹ những năm 60 chỉ qua vài lát cắt đơn giản. Đó là thời điểm mà nghề nghiệp cũng có thể biến thành một sân khấu cho những kẻ mơ mộng như Frank thoải mái tưởng tượng và “diễn”. Bỏ qua những yếu tố như sự phát triển của văn hóa hippie, trào lưu chính trị cấp tiến, ma túy và rock n’ roll, bộ phim tập trung nắm bắt và mỉa mai khía cạnh phù phiếm của xã hội Mỹ những năm 60 – một thập kỷ của phim Pink Panther, sự lên ngôi của bản hit The Girl From Ipanema hay “văn hóa” James Bond…
Sự phù phiếm của xã hội cùng tư tưởng hình thức chiến thắng nội dung chính là con đường thoát của Frank trong mọi tình huống ngặt nghèo. Câu hỏi mà người cha đặt cho Frank khi còn nhỏ, cũng là câu hỏi Frank đặt lại cho Carl là phản ánh rõ nhất tư tưởng này trong xã hội: “Tại sao đội Yankees luôn bất khả chiến bại?”. Câu trả lời không phải vì đội bóng này sở hữu cầu thủ chủ lực tài năng mà chính bởi vì “Các đội khác luôn mất tập trung vào họa tiết trên quần áo của họ”.
Xa hơn câu chuyện của sự phù phiếm chính là câu chuyện về giáo dục thiển cận. Frank lớn lên với những bài học về mánh lới lừa đảo, với câu chuyện “2 con chuột rơi vào hũ kem”, thậm chí đến khi cậu muốn dừng lại, muốn được cha dẫn dắt: “hãy dừng con lại!” cũng không thể. Ngược lại, cha cậu từ chối trách nhiệm của ông và nói rằng “Con không thể dừng lại!’. Đó cũng là thời điểm mà Frank trở nên hoàn toàn mất phương hướng giữa cuộc đời.
Điều cuối cùng mà tôi vẫn luôn suy nghĩ tới khi xem xong Catch Me If You Can, đó là còn có bao nhiêu Frank Abagnale như thế tồn tại trong cuộc đời này? Bao nhiêu chàng trai, cô gái trẻ tuổi đang lạc giữa nỗi cô đơn và vùng vẫy vì mất phương hướng? Có bao nhiêu người vẫn đang chạy trốn để mong được ai đó tìm thấy trong cuộc sống ồn ào và hối hả, bận rộn và bon chen đến chóng mặt ở ngoài kia?
Catch Me If You Can (2002) Đạo diễn: Steven Spielberg Diễn viên chính: Leonardo DiCaprio, Tom Hanks, Christopher Walken, Martin Sheen, Nathalie Baye Tên phim – Catch Me If You Can cũng đồng thời là tên cuốn hồi ký của nhân vật Frank Abagnale xuất bản năm 1980 và được tái bản năm 2002 để quảng bá cho bộ phim cùng tên. Trên thực tế, “sự nghiệp” lừa đảo của Frank còn huy hoàng hơn rất nhiều khi anh trải qua rất nhiều nghề nghiệp, và nghề nghiệp nào cũng thành công nhờ trí thông minh thiên bẩm. Frank cũng đào tẩu thành công sau nhiều lần bị bắt giữ. Trong phim, mối quan hệ của Frank và cha được đạo diễn Spielberg tập trung tái hiện rõ hơn, tuy nhiên trong thực tế, Frank tâm sự rằng anh chưa bao giờ gặp cha mình kể từ khi bỏ nhà ra đi. Tuy nhiên, Abagnale đã ca ngợi ý tưởng về câu chuyện cha – con mà Spielberg thêm vào bộ phim. “Mặc dù tôi không gặp cha nữa, nhưng mỗi đêm trở về căn phòng cô đơn của mình sau một ngày rực rỡ, ăn chơi và tán tỉnh phụ nữ, kiếm thật nhiều tiền, tôi chỉ nghĩ về cha mẹ tôi và tưởng tượng họ quay lại với nhau một lần nữa. Tôi luôn khóc trong những đêm như thế!” – Frank Abagnale, thiên tài lừa đảo xuất sắc nhất thế kỷ 20 chia sẻ. Catch Me If You Can sau khi phát hành đã đạt được thành công cả về mặt doanh thu lẫn nhận được sự đánh giá tích cực của giới phê bình. Phim được đề cử 2 giải Oscar vào năm 2003 cho hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất (Nhân vật người cha của Frank, do Christopher Walken thủ vai) và Nhạc phim xuất sắc nhất (John Williams). Ngoài ra bộ phim còn nhận được 31 giải thưởng cùng đề cử khác nhau tại nhiều liên hoan phim trên thế giới.
Theo Trithuctre
5 cặp đồng giới được yêu thích trên màn ảnh Hollywood
Sự phối hợp ăn ý giữa các nam diễn viên với nhau nhiều khi lại tạo hiệu quả ấn tượng tốt hơn những đôi trai gái yêu nhau thắm thiết trên phim.
Tommy Lee Jones - Will Smith
Việc ra mắt liên tiếp 3 phần phim Men In Back (Điệp viên áo đen) đã đủ chứng tỏ sức hút của "cặp đôi" này. Ở Tommy Lee Jones, khán giả nhìn thấy được sự già dặn, từng trải thì với Will Smith là sự trẻ trung, năng động. Một già, một trẻ đã kết hợp hết sức "ăn ý", tạo nên một "cặp" không thể thay thế.
Thành Long - Chris Tucker
Cùng là diễn viên hài, cùng có khả năng đánh đấm, "cặp đôi" này đã mang đến cho khán giả những tiếng cười thư giãn sảng khoái cùng những màn võ thuật đẹp mắt. Một da vàng - một da đen, một châu Á - một châu Mỹ, sự kết hợp thành công vượt ngoài dự đoán của nhà sản xuất và có thể, bộ phim Rush Hour (Giờ cao điểm) chưa dừng lại ở phần thứ 3.
Robert Downey, Jr - Jude Law
Đều là những nam diễn viên tài năng, từng có những vai diễn hay nên khi bắt tay nhau cùng điều tra những vụ án ly kỳ trong 2 phần của bộ phim Sherlock Holmes, Robert Downey Jr và Jude Law đã phát huy hết sức hấp dẫn của mình. Chàng thám tử Sherlock Holmes và bác sĩ John Watson đã hợp tác triệt hạ thành công những đối thủ xảo quyệt.
Leonardo DiCaprio - Tom Hanks
Một kết hợp thú vị của 2 ngôi sao nam thuộc 2 trường phái khác nhau đã tạo nên sức hút của bộ phim Catch Me If You Can. Nếu Leonardo DiCaprio đẹp trai, phong độ khi thể hiện vai tên siêu trộm Frank thì Tom Hanks bản lĩnh với nhân vật thanh tra kỳ cựu FBI Carl. Bằng tài diễn xuất xuất thần, cả 2 đã thực hiện một cuộc đuổi bắt hấp dẫn.
Woody - Buzz Lightyear
Đây là một "cặp đôi" kỳ lạ vì họ xuất hiện trong bộ phim truyền hình Toy Story (Câu chuyện đồ chơi) kéo dài đến 3 phần, phần não cũng vô cùng "ăn khách". Trong thế giới đồ chơi, 2 nhân vật chàng cao bồi Woody và phi hành gia tài giỏi Buzz Lightyear đã có một cuộc cạnh tranh để trở thành "sủng thần". Những câu chuyện hài hước, gay cấn trở nên sống động nhờ tài lồng tiếng của Tom Hanks và Tim Allen.
Theo Tri Thức
"Captain Phillips" của Tom Hanks và con đường rộng mở tới Oscar Lý do gì khiến "Captain Phillips" đang được các nhà phê bình phim đánh giá cao và lọt top ứng viên sáng giá cho hàng loạt hạng mục giải thưởng tại Oscar 2014? Giải Oscar diễn ra vào đầu năm 2014 đang hiện tại đang "nóng" lên từng ngày khi mùa phim năm 2013 đang dần khép lại với những ứng viên "sừng...