Cất rớ đêm trên Đầm Lập An
Cất rớ đêm trên Đầm Lập An là một trải nghiệm thú vị mà nếu có được một lần, chắc hẳn sẽ rất khó quên.
Sau chuyến phượt Hải Vân từ Đà Nẵng ra Lăng Cô, chúng tôi quyết định dành cả chiều đó để lang thang chụp ảnh bên Đầm Lập An. Và từ đây, những trải nghiệm bất ngờ, thú vị ngoài mong đợi bắt đầu.
Từng nghe dân tình ca ngợi hoàng hôn trên Đầm Lập An đẹp tuyệt trần. Tôi thuyết phục cậu em dành buổi chiều và tối để chơi và ăn ở đó. Bữa đấy, trời Huế bỗng đổ cơn mưa lớn.
Vốn sợ mưa Huế từ những câu thơ của cụ Nguyễn Bính cho đến trải nghiệm cá nhân: “Giời mưa ở Huế sao buồn thế!/Cứ kéo dài ra đến mấy ngày”, nhưng lần này thì khác, tôi khá tự tin vì Lăng Cô còn cách “lõi” Huế khá xa, lại gần đèo Hải Vân nên chắc hẳn, cơn mưa chỉ thoáng qua.
Đầm Lập An sau cơn mưa.
Cuối cùng tôi đúng, trận mưa chỉ kéo dài chừng một giờ đồng hồ, từ khoảng 14h – 15h. Tạnh mưa, chúng tôi lấy xe chạy quanh đầm. Đúng như câu nói, sau cơn mưa, trời lại sáng. Và theo cách diễn đạt của cụ Huy Cận trong “Tràng Giang” thì đây là lúc mà “nắng xuống, trời lên sâu chót vót”.
Trời như cao rộng thêm ra, ánh nắng cố xuyên qua những đám mây còn sót lại để rọi thẳng xuống đầm, xuống núi. Đâu đó, vài ngư dân cào nghêu, bắt cá. Đầm và núi hòa lẫn vào nhau trong cái màu xanh thẫm, như một bức tranh thủy mặc. Điểm xuyết vào đó là những nét chấm phá của những chiếc rớ (vó cất cá tôm loại lớn), vài bóng người lẻ loi, nhỏ bé trong cái không gian mênh mang rộng lớn.
Cào nghêu trên đầm.
Tôi và cậu em cứ thế vừa chạy quanh đầm, vừa chụp ảnh. Miệng thì không ngớt buông những lời ngưỡng mộ với cảnh vật nơi đây. Bữa đó, có cả cặp cô dâu, chú rể ra đầm chụp ảnh cưới. Tôi nghĩ, họ sẽ có một bộ ảnh đẹp vô cực chốn này.
Sau khi lượn được nửa vòng hồ, đoạn từ gần lối vào hầm đường bộ đèo Hải Vân ngược lại chỗ tiếp giáp với đường quốc lộ 1A, chúng tôi quyết định làm quen gia đình một ngư dân và thuê thuyền chạy một vòng quanh đầm.
Phi là “hướng dẫn viên” bản địa đầu tiên chúng tôi gặp.
Phi, sinh viên năm nhất đại học ở Đà Nẵng vừa điều khiển chiếc xuồng máy vừa giới thiệu với chúng tôi về những vuông nuôi hàu, những rớ bắt tôm cá của người dân quanh đầm. Chiếc xuồng nhẹ lướt đi trên mặt đầm trong tiếng máy đều đều, giữa những hàng cọc nuôi hàu bằng gỗ Bạc Hà. Thi thoảng, từng đàn cá nhỏ giật mình nhảy lao xao trên mặt nước, vảy bạc lấp lánh. Chúng nhảy cùng hướng di chuyển của xuồng, cũng giống đám cá heo vui tính, rạn người trên biển mà tôi bắt gặp đâu đó trên ti vi.
Càng ra xa, nước đầm càng trong hơn. Đưa tay vục một ít nước để nếm thử và rửa mặt cho tỉnh táo, tôi còn nghe vị mặn mòi, thảng cả mùi muối và cá tôm trên miệng.
Đầm Lập An sau cơn mưa.
Đi chán, Phi ghé xuồng vào một rớ giữa hồ cho chúng tôi leo lên chơi. Và “cú bẻ lái” cho buổi trải nghiệm bắt đầu từ đây. Phi bảo, tầm 5 giờ chiều, các chủ rớ sẽ đánh xuồng ra hồ và bắt đầu một đêm “thử vận may”. Nếu chúng tôi muốn, khi vào bờ, Phi sẽ giới thiệu cho ông chú để xin đi cùng.
Từ một sự tình cờ như thế, cả tôi và cậu em đều không ngờ chuyến đi xuồng giữa lòng hồ là màn dạo đầu cho một cuộc vui đang sắp sửa.
Đầm là nơi nuôi sống nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Ghé bờ, chúng tôi được giới thiệu và làm quen cùng Vương, người sẽ đi rớ đêm đó. Sau khi hiệp đồng về nội dung chính là trải nghiệm làm ngư dân, chúng tôi ghé nhà Vương chờ anh chàng đi chuẩn bị đồ.
Vương là con thứ 3 trong gia đình gồm 3 anh em trai, 1 cô em gái. O Phương, mẹ Vương kể: Trước có nhiều giai đình làm rớ, nhưng giờ ngày càng ít tôm cá, nên nhiều gia đình cũng bỏ. Giờ chỉ còn vài hộ. Riêng với gia đình O Phương, đầm là nơi nuôi lớn 4 người con, nên dù khó, O vẫn không nỡ bỏ nghề. Riêng từ năm 2001 đến nay, nhiều gia đình mở mang thêm lĩnh vực mới là nuôi hàu ngay trên mặt đầm để tăng thêm thu nhập.
Thả lốp xe nuôi hàu.
Câu chuyện nuôi hàu cũng là bước chuyển để thích nghi hơn với những thay đổi khi hầm đừng bộ Đèo Hải Vân được đưa vào sử dụng. Thời điểm những năm trước 2000, sản lượng hải sản khai thác được từ đầm cũng gấp khoảng hơn 2 lần hiện tại. Ngày nay, theo người dân ở quanh đầm cho biết, lượng nước đã bị giảm sút nhiều.
Nguyên nhân là do các mố cầu dẫn lên hầm đường bộ làm cản trở dòng chảy, chính việc không hoàn trả mặt bằng đường dẫn nước vào đã khiến diện tích cửa đầm bị giảm, nên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lượng hải sản ra vào đầm theo con nước.
Hoàng hôn.
Video đang HOT
Vừa kể chuyện, O Phương vừa chuẩn bị đồ đạc cho chúng tôi ra rớ. Tưởng đơn giản mà cũng lỉnh kỉnh ra trò. Ngoài các đồ như bình ắc quy, bóng đèn, cơm nước, hôm đó, chúng tôi còn mang theo 1 thùng bia Huda khơi dòng cảm xúc, một xô đá, một bếp gas mini, ít củi, mỳ tôm, bát đũa để chuẩn bị cho bữa tiệc giữa giời, giữa đầm.
Tôi còn mạnh dạn đề nghị, để thêm vui, ít nhất phải bố trí từ 4 – 5 người cho đủ mâm bát, có thế cuộc trò chuyện giữa đêm mới thú vị. May thay,mong muốn này của tôi được đáp ứng bằng sự bộc trực, cởi mở của những người “địa chủ”. Hôm đó, ngoài tôi, cu em đồng nghiệp, Vương, còn có cả anh trai Vương tên Ty cùng đi. Kể cũng đủ cho một mâm.
Cầu vồng kép, một cảnh tưởng hiếm gặp.
Đón chúng tôi lúc lên đường là một mặt hồ sóng sánh ánh hoàng hôn. Trên đèo Hải Vân, sau cơn mưa là khung cảnh diễm lệ, đẹp đến khó tả: Một cầu vồng kép vồng trên đỉnh núi, trong ánh nắng chiều. soi bóng xuống mặt hồ xanh thẫm.
Bắt đầu chuyến trải nghiệm cùng anh em Ty (áo xanh), Vương (áo cam).
Chúng tôi nhanh chóng tập kết hết đồ đạc lên chiếc xuống máy. Ngoài lỉnh kỉnh những đồ mang theo, xuồng máy còn phải gánh thêm 2 chiếc thuyền thúng, là phương tiện đi lại của anh em Ty, Vương. Ra đến giữa hồ, chúng tôi ở lại rớ của Vương, Ty chèo thuyền thúng sang một rớ khác cách đó chừng 2 trăm mét.
Chúng tôi nghỉ ngơi một lúc chờ trời tối hẳn. Đốt một điếu thuốc cho khói bay lãng đãng, tôi đưa mắt khắp hồ. Lúc này, tà dương đã tàn, nhường chỗ cho mảnh trăng non phía đèo dần lên cao. Trên mặt hồ, vài cánh chim biển bay chấp chới để chờ khai tiệc. Trò chuyện thêm một lúc, buổi trải nghiệm chính thức bắt đầu.
Bữa đó rằm, chúng tôi được thiên nhiên đãi quả là không tệ.
Vừa làm, Vương vừa kể. Cứ tầm này bọn em sẽ ra rớ, lắp hoặc thay bóng điện, đợi khi trời đủ tối sẽ hạ rớ, thắp đèn để dụ cá tôm đến.
Bữa đó, Vương mang theo 4 cái bóng đèn mới. Sở dĩ phải thay mới bóng đèn để tăng độ sáng thu hút cá tôm tốt hơn. Bóng đèn cũ đem đổi lại cho cửa hàng, mỗi lần như vậy mất 15.000đ/lần đổi bóng.
Trong lúc chờ trời tối hẳn, Vương tranh thủ dạy tôi tập chèo thuyền thúng. Ban đầu, chông chênh lắm, chỉ sợ thuyền lật, nhưng sau khi được cầm tay chỉ việc, hiểu nguyên lý, tôi cũng có thể chèo thuyền theo ý mình, với tốc độ khá nhanh. Nhanh đến mức cả Vương cũng phải ngạc nhiên.
Thu hoạch hàu lốp xe.
Bữa đó là rằm, trăng tròn, to, căng đầy. Càng muộn, trăng càng lên cao và sáng. Khi đó trên mặt hồ, chỉ còn lại những ngọn đèn của rớ. Xa xa, là ánh sáng le lói của thôn làng, của đường dẫn lên hầm. Cách vài km là vài nhà hàng lớn được xây dựng ngay trên mặt hồ, bữa đó hẳn là có tiệc sinh nhật hay teambuilding của nhóm bạn nào đó, tiếng nhạc từ xa vọng lại nghe rộn rã, khiến cái không gian khuya vắng trên hồ cũng bớt cô liêu.
Vương chèo thúng đưa chúng tôi đi cắt hàu. Trên đầu là ngọn đèn rọi bằng ắc quy. Dù là dân biển, chẳng lạ lẫm gì với các vuông nuôi hàu, nhưng Vương cũng rất cẩn thận và luôn miệng dặn chúng tôi tránh để hàu cứa đứt tay, chân.
Các thân gỗ Bạc Hà được đóng sâu xuống lòng hồ.
Các hộ dân nuôi hàu trên Đầm Lập An có cách nuôi trồng khá thu vị. Các cọc bằng thân cây Bạc Hà được đóng xuống lòng hồ, phần nhô lên so với mặt nước từ vài chục cm cho đến cả mét. Hàu ở đây có 2 loại, hàu sữa và hàu lốp xe. Hàu sữa thì được nhập giống từ Quảng Ninh, mỗi vỏ hàu sẽ được cấy từ 4 – 5 con hàu giống.
Một lô gồm khoảng 300 vỏ hàu giống như thế có giá khoảng 4 triệu đồng. Sau khi nhập giống về, người dân sẽ buộc vào các dây ni lông, mỗi túm hàu giống cách nhau chừng 30cm, cả đoạn dây dài khoảng 1,5m chìm trong mặt đầm. Với hàu sữa, người dân thường thả từ tháng 4, đến tầm tháng 9, tháng 10 là khai thác tốt. Hàu lốp xe thả rải rác từ cuối tháng 3 đến tháng 5, dịp Tết là thu hoạch.
Một rớ như thế này đầu tư mất khoảng 30 triệu.
Với hàu sữa, với mỗi 4 triệu tiền giống, nếu thuận lợi có thể cho lãi khoảng 30 triệu. Còn hàu lốp xe, đây được coi là đặc sản ở Đầm Lập An. Hàng năm, người dân đem các lốp xe cũ treo thành dây vào các cọc đóng xuống lòng hồ, để tự nhiên trong 1 năm (hên xui theo tự nhiên), nếu “được mùa” thì với 1.000 lốp, cũng lãi khoảng 40 triệu. Tuy nhiên, nuôi hàu lốp trông cậy vào may rủi từ thiên nhiên nhiều. Năm nào không có hàu thì lại phải vớt lốp lên, cọ rửa, vệ sinh sạch để sang năm lại thả xuống hồ. Hàu lốp hiện có giá bán cao gấp 3 lần hàu sữa do thịt dai, chắc và thơm hơn.
Sau khi cắt xong một chậu hàu và ít chép chép, chúng tôi trở lại rớ.
Sau vài vòng quay của chiếc tời, chiếc rớ được cất lên khỏi mặt nước, chỉ còn phần đáy chìm trong hồ, như làm tăng thêm độ hồi hộp của những người lần đầu tham gia mẻ cất như tôi. Trong lúc rớ được từ từ kéo lên khỏi mặt nước, đàn chim biển đua nhau lao xuống liên hoan. Thấy bóng cá tôm trên mặt rớ, chúng lao xuống tự nhiên như “người nhà”. Bữa tiệc của cả người và chim bắt đầu như thế.
Cất rớ.
Thoăn thoát, Vương đi thúng ra bụng rớ để thu hoạch. Mẻ đầu Vương mang về khá nhiều tôm, một ít ghẹ, vài con mực và cá nhỏ. Vương bảo, may ban nãy có mây che hết trăng nên mới được nhiều vậy, chứ lát nữa, nếu trăng sáng thì đèn của mình chẳng mấy tác dụng, cá tôm cũng ít hẳn.
Lựa tôm, cá.
Quả vậy, mấy mẻ sau thành tựu chúng tôi thu lại cũng ít hơn. Nhưng với những gì đã thu hoạch được thì đã là quá nhiều. Chúng tôi nhanh chóng nhóm lửa. Giữa hồ, củi rừng rực cháy. Trên trời, trăng sáng lung linh.
Nướng tôm trên thuyền.
Sau khi cời được một đống than, chúng tôi bắt đầu nướng tôm, mực, cá và khui bia. Mọi thứ cứ giản dị, mộc mạc, nhưng lại ngon miệng vô cùng. Câu chuyện cũng theo đó mà đậm đà thêm mãi. Vui hơn là Ty cũng mang đồ sang. Ông chú rớ bên cạnh cũng chèo thuyền qua, nhỏ to tâm sự. Bữa tiệc ở resort ngàn sao mui trần diễn ra như thế.
Sau tiết mục nướng tôm, mực và cá, khi than đã tàn, Vương làm tiếp tiết mục “Nổi lửa lên em”, chiếc bếp gas mini nhanh chóng làm thỏa mãn những đôi mắt háo hức, những cái miệng thòm thèm bằng nồi hàu luộc, tôm luộc. Cuối cùng là một nồi mỳ tôm chất hơn nước cất, ăm ắp tôm cá. Mọi thứ đều mộc, chẳng cần gì gia vị, mà cái ngon ngọt đến giờ khi tôi viết bài vẫn như quẩn quanh nơi đầu lưỡi.
Bữa đó, cu em đi cùng phấn khởi nhất. Hắn bảo: Cả đời em, chưa bao giờ được ăn mỳ tôm có nhiều tôm thế, hơn hẳn cái loại mỳ bao xi măng 2 tôm hay 4 tôm ở siêu thị.
Một so sánh thật thú vị, có lẽ nó đến từ sự cao hứng khi được trải nghiệm cuộc sống đêm của người dân làng chài.
Cuộc vui của chúng tôi kéo dài đến đâu khoảng hơn 1h sáng. Bữa đó, mấy anh em chọn ngủ ngay lòng thuyền. Trước lúc ngủ lại là một cuộc chuyện dài. Vương hỏi, tôi kể, Vương đem chuyện đời, chuyện sinh kế ra bộc bạch, còn tôi cũng góp vui bằng dăm ba câu tếu táo, bông đùa.
Vương bảo, để cất được một cái rớ giữa hồ, nếu thuê ngoài mất 30 triệu, gia đình hỗ trợ thợ thuyền cùng làm thì hơn 20 triệu. Và cứ khoảng 4 năm sẽ phải thay các chân rớ 1 lần. Có năm, bão thổi rớ đổ gục, lật thuyền, trôi thúng lại phải làm lại rớ, chữa lại thuyền, mua thúng mới, cũng tốn kém lắm. Làm rớ đêm vui nhưng cũng mệt vì mất ngủ. Mỗi đêm đi rớ sẽ bắt đầu từ khoảng 17h hôm trước đến 5h ngày hôm sau, xen kẽ giữa quãng thời gian đó là hơn chục lần cất, cứ khoảng 1 giờ lại cất rớ một lần.
Người dân kiểm tra rớ trước buổi “cất đêm”.
Nghề làm rớ như Vương kể cũng khá vất vả. Thời gian làm được nhiều là từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, trung bình 1 tháng đi được khoảng 20 ngày. Tháng nhiều, tháng ít, trung bình mùa hè cũng được khoảng từ 8 – 10 triệu đồng tiền tôm cá. Mùa Đông thì vất vả hơn nhiều vì gió bão, có khi cả tháng chỉ đi rớ được dăm ngày, trong cái rét cắt da, cắt thịt. Bù lại, hôm nào trúng mánh được nhiều tôm cá, thì có khi vài buổi đi đó cũng bằng cả tháng mùa Hè.
Kể về các chuyến đi rớ, gương mặt, ánh mắt Vương vui lạ thường. Vương bảo, ngày trước, khi chưa chịu nhiều biến đổi khí hậu, có bận, bão về, cá tôm nhiều ăm ắp cả lòng thuyền, cứ 15 phút lại nâng rớ một lần mà vẫn nặng trĩu. Những lần như thế, cả nhà vui đến mất ngủ.
Làm sạch hàu.
Hay khoảng những năm 90, đi rớ đêm chỉ cần bắt được 1 – 2 con tôm tú mẹ thì chẳng khác gì bắt được vàng. Một con tôm tú mẹ ngày đó dài hơn gang tay, nặng chừng 2 lạng có giá đến 1,5 triệu đồng, bằng mấy chỉ vàng. Có ông chồng đi rớ đêm mang tôm tú mẹ về, bà vợ mừng quá… ngất luôn.
Trong câu chuyện của Vương, dường như những ký ức lung linh, về những tháng ngày cá tôm chất ngất vẫn hằn sâu. Và giờ, dù đó chỉ còn là ký ức vang bóng một thời, cuộc mưu sinh trên Đầm Lập An cũng vất vả hơn trước, thì những người như Vương dường như vẫn xác định thủy chung một lòng gắn bó.
Bình minh.
Bữa đó, tôi khuyên Vương nên đầu tư thêm một chút, chỉ một chút thôi để trở thành người tiên phong trong việc phát triển mô hình trải nghiệm ngư dân trên lòng Đầm Lập An, thêm ít áo phao, làm thêm vài chỗ ngồi nơi chân rớ, sửa sang lại lòng thuyền cho sạch sẽ, an toàn hơn,… Nhưng quan trọng nhất, vẫn phải giữ được cái chất trải nghiệm thực, không màu mè. Bữa đó, chúng tôi nói với nhau nhiều lắm về một kế hoạch làm du lịch lòng đầm mà nếu được, Vương sẽ là người lĩnh sướng.
Đầm Lập An như mang một bộ mặt khác mỗi lúc bình minh, hoàng hôn.
Sớm hôm sau, khi hừng đông đang lấp ló ngoài phía biển, chúng tôi thu dọn đồ về bến. Làng quê yên ả sau giấc ngủ dài, những bóng nhà, bóng cây, như những hình cắt giấy màu đen in trên nền hừng đông màu đỏ ối. Như hứa hẹn một điều gì đó, thật gần gũi, thân thiện, nhưng cũng mới mẻ, tinh khôi.
Trải nghiệm khó quên trong chuyến du lịch Úc dịp Covid-19
Chuyến du lịch từ Melbourne đến Sydney (Úc) của chúng tôi được lên kế hoạch từ tháng 6. Đây vốn chỉ là một chuyến đi đơn giản nhưng hành trình trở nên khó khăn hơn do dịch Covid-19.
Để thực hiện chuyến đi, chúng tôi chọn tàu, bởi máy bay có thể bị hoãn hoặc hủy chuyến, dù quãng thời gian di chuyển bằng tàu là hơn 11 tiếng đồng hồ.
Xong, điều tệ nhất đã ập tới chỉ sau một đêm chúng tôi đặt chân tới Sydney là 2 bang Victoria và New South Wales (bang của 2 thành phố Melbourne và Sydney) thông báo đóng cửa do những lo ngại về số ca lây nhiễm tăng cao tại Victoria.
Đây cũng là lần đầu tiên sau 100 năm hai bang này đóng cửa biên giới, cho thấy đây là sự kiện có một không hai.
Sau khi gọi điện kiểm tra với dịch vụ cung cấp giao thông công cộng tại New South Wales và nhận được thông tin chưa có thông báo về việc dừng các chuyến tàu, chúng tôi yên tâm rằng nhiều người khác cũng có nhu cầu đi lại từ New South Wales về Victoria, và dịch vụ vẫn sẽ được tiếp tục.
Sau một buổi chiều dạo quanh Sydney, chúng tôi lại gọi điện kiểm tra tình trạng tàu thì hay tin dịch vụ sẽ được tiếp tục nhưng do đóng biên giới nên tàu sẽ chỉ dừng lại ở thành phố Albury thuộc bang New South Wales, giáp với ranh giới bang Victoria kể từ thứ Tư ngày 8/7.
Dù muốn đổi vé về sớm một ngày, nhưng tất cả vé đã được đặt cho 4 ngày liên tiếp và chỉ còn cách giữ vé hiện tại thì chúng tôi mới đi về được. Chị nhân viên trực điện thoại rất tận tình chỉ rằng dịch vụ VLine Train của bang Victoria có đường tàu từ Albury về Melbourne và giới thiệu mua vé tàu của bên này để đi tiếp từ Albury.
Tôi lập tức gọi điện cho bên đặt vé và họ xác nhận rằng dịch vụ vẫn chạy bình thường. Chắc chắn sẽ về được Melbourne, chúng tôi yên tâm đi chơi tiếp một ngày cuối tại Sydney.
Tàu Vline, dịch vụ tàu của bang Victoria.
Khi đang đi dạo trên khu phố mua sắm George Street, một người quen gửi thông tin rằng nếu không ra khỏi bang New South Wales trong hôm đó (tức ngày 7/7) là sẽ không có cơ hội trở về Victoria trong thời gian lock down.
Cả đoàn đều rất hoang mang, lo lắng. Tất cả cùng gọi điện cho gia đình để bàn về các phương án quay lại Victoria cũng như hỏi nhiều nguồn từ những người đang sống tại Úc.
Tất cả thông tin đều khá mù mờ về chuyện có quay lại được Victoria sau ngày lock down hay không, dù các trang tin đều nói rằng chỉ chặn hướng đi từ New South Wales đến Victoria, còn chiều về thì không.
Để đảm bảo chắc chắn, tôi gọi điện kiểm tra với bên dịch vụ tàu và nhận được câu trả lời rằng họ vẫn sẽ vận hành các chuyến tàu bình thường. Thôi thì "đâm lao phải theo lao", không còn lựa chọn nào khác, chúng tôi phải chờ đến chuyến tàu đã mua vé để về nhà.
Với hành lý và vài món đồ ăn dắt bụng, vài gói mỳ tôm cho trường hợp khẩn cấp, đoàn "vượt biên" lên tàu trong trạng thái thấp thỏm vào 7h30 sáng ngày 8/7.
Tôi nghĩ, thôi thì lên được tàu là cũng chắc được 50% hành trình.
Đến tầm 3 giờ chiều, có thông báo rằng, tàu sắp dừng ở ga Albury và không đi tiếp do việc đóng cửa 2 bang.
Tôi gọi điện kiểm tra lần cuối với bên tàu VLine để chắc chắn về việc tàu có đến đón tại ga Albury. Bất ngờ, tin xấu ập đến, người trực đường dây nói rằng tàu VLine sẽ không đến Albury mà thay vào đó chỉ đi đến ga Wodonga - 1 ga trước ga Albury, thuộc thành phố Wodonga tại biên giới với bang New South Wales.
Họ cũng nói luôn rằng người đi tàu sẽ phải tự tìm đường đi từ ga Albury đến ga Wodonga nếu muốn bắt tàu, vì hiện tại không có phương tiện giao thông công cộng nào đi lại giữa hai ga này.
Trên bản đồ, hai bang cách nhau bởi một dòng sông, và nếu muốn tới ga Wodonga thì cách duy nhất là đi bộ gần 9 cây số. Chuyến tàu sẽ dừng ở Albury lúc 3h10, tàu tại Wodonga sẽ khởi hành lúc 5h30, vậy là đoàn chúng tôi có khoảng 2 tiếng để đi bộ. Đến đây, kế hoạch vẫn gọi là tạm ổn.
Cảnh sát tại Albury hỏi người đi đường về lý do đến bang New South Wales, chỉ những người có giấy thông hành mới được qua.
Tàu cập bến tại Albury đúng giờ, điểm giao giữa hai bang cách đó khoảng 1 cây số. Với niềm tin rằng qua được biên giới hẳn sẽ có taxi hay uber để tiện đi lại, đoàn 'vượt biên' tay xách nách mang tiến về phía trước. Đi một hồi thì chúng tôi thấy bóng các cô chú cảnh sát.
Tôi chạy lại hỏi xem có qua được không. Các bác cảnh sát rất tử tế dắt tôi qua đường, có một cô cảnh sát đến lấy thông tin (nghe chúng tôi từ Victoria qua thì cô liền lùi về sau 3 bước).
Sau khi lấy vài thông tin đơn giản và hỏi một bác cảnh sát nữa, cô nói chúng tôi có thể đi thoải mái và đưa chúng tôi về phía bên kia đường. Vậy là chúng tôi đã đi qua biên giới trót lọt.
Đến đây, chúng tôi chỉ còn một bước cuối là lên được tàu để về nhà. Nhưng để lên được tàu, chúng tôi còn quãng đường hơn 7 cây số và chỉ còn hơn 1 tiếng đồng hồ để đi.
Tưởng chừng có thể gọi được xe Uber hay taxi nhưng Wodonga như chốn đồng không mông quạnh mà xung quanh chẳng có lấy một bóng người.
Sức cả đoàn cũng đã khá kiệt do ngồi lâu trên tàu và đi bộ một quãng dài. Bỗng dưng có một chiếc xe kiểu xe du lịch 10 chỗ đi đến và trên xe có dán chữ taxi. Tôi liền chạy ra hỏi người lái xe rằng có thể chở đến ga Wodonga được không thì bác đồng ý với giá 20 đô.
Không chần chừ, chúng tôi lên xe đi một mạch 10 phút là đến nơi.
Hành trình 3 ngày thấp thỏm không biết có về nhà được hay không đã hoàn thành được 80%. Đến đây thì chúng tôi chỉ cần ngồi đợi tàu đến là về đến nhà.
Ga Wodonga về chiều.
Hành khách đang chờ ở ga.
Khung cảnh vắng lặng vì ít người đi tàu.
Sau một chuyến tàu gần 6 tiếng, hành trình 'vượt biên' đầy thử thách của chúng tôi đã kết thúc thành công.
Dù phải chuyển xe ba lần, đi bộ thêm vài cây và kiệt sức khi về đến nhà nhưng đây là một trải nghiệm đáng nhớ, có một không hai mà ít ai có được.
Trải nghiệm các hoạt động vui chơi, gắn kết gia đình tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch nội địa, khuyến khích 'người Việt Nam đi du lịch Việt Nam'. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (DTHVN) đưa ra nhiều ưu đãi với các gói hoạt động: 2 giờ vàng miễn phí; Trở về tuổi thơ; Ngày của gia đình; Kỳ nghỉ khó quên. Đây là chuỗi hoạt động nhằm tạo sân...