Cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Sau khi nhiều Bộ rầm rộ triển khai, mạnh tay cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong năm 2018, tạo được những chuyển biến tích cực, có nhiều cải cách mang tính đột phá thì tình hình thực hiện năm 2019 đã rơi vào “lặng lẽ”, dường như sự nhiệt tình của một số Bộ đã giảm đi đáng kể…
Các DN mong muốn việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh phải thực chất hơn nữa. Ảnh: TTXVN
Nhiều Bộ “thờ ơ”, một số Bộ vẫn tích cực
Đánh giá trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra cùng với việc nêu vấn đề phải chăng các Bộ nhận thấy không thể cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ mình quản lý hơn nữa?
Sự “thờ ơ” đó phần nào được thể hiện qua động thái, tính đến cuối năm 2019, VCCI chỉ nhận được đề nghị góp ý của hai Bộ đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá mức độ thay đổi của những cải cách về bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh và tác động thực chất đối với DN gửi Thủ tướng Chính phủ tháng 6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ biết có hai Bộ (Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) có kế hoạch thực hiện bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019.
Đánh giá cao sự tích cực, nỗ lực của Bộ Công Thương, Bộ Y tế trong hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, VCCI cho biết, năm 2018, Nghị định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương được ban hành đầu tiên trong chuỗi các nghị định về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát và cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý. Tham gia xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, Bộ đã kiến nghị bãi bỏ nhiều điều kiện cấp giấy phép tư vấn đầu tư xây dựng công trình nhà máy thủy điện, nhiệt điện, đường dây và trạm biến áp; giấy phép tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy thủy điện, nhiệt điện; giảm số năm kinh nghiệm của người trực tiếp quản lý kỹ thuật vận hành trong điều kiện cấp giấy phép hoạt động phân phối điện…
Đối với lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã có những kiến nghị sửa đổi liên quan đến thủ tục hành chính, cơ chế quản lý đối với một số hoạt động kinh doanh theo hướng đơn giản, thuận tiện hơn cho DN, nhất là trong hoạt động tiếp nhận nội dung quảng cáo, thay vì xin cấp phép thì DN chỉ cần gửi nội dung dự kiến quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước cấp Phiếu tiếp nhận, công bố công khai trên cổng thông tin điện tử và DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung. Những thủ tục giấy tờ, tài liệu trong một số thủ tục hành chính về cấp chứng chỉ hành nghề, trang thiết bị y tế cũng được tinh giản…
Doanh nghiệp mong muốn cắt giảm phải thực chất
Bên cạnh những điểm tích cực, VCCI cũng thẳng thắn chỉ rõ những bất cập, như một số quy định sửa đổi điều kiện kiện kinh doanh của Bộ Công Thương trong Dự thảo Nghị định vẫn còn hình thức. Trong đó, có quy định được sửa đổi nhưng không làm thay đổi về bản chất, chẳng hạn như Dự thảo Nghị định sửa quy định “Có Giấy chứng nhận đăng ký DN hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề về hóa chất do cơ quan có thẩm quyền cấp”, Bộ sửa thành “là DN thành lập theo quy định của pháp luật” trong điều kiện sản xuất hóa chất. Việc sửa đổi này được thực hiện tương tự trong một loạt các quy định về điều kiện sản xuất, xuất nhập khẩu hóa chất. Nếu tính theo cơ học thì các sửa đổi này sẽ được tính là 4 điều kiện được đơn giản hóa. Hoặc có quy định được bãi bỏ nhưng thực ra không thay đổi bản chất, như Bộ đề xuất bãi bỏ nhiều điều kiện, quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng không có nghĩa là các DN không phải đáp ứng.
Đồng thời, cũng có quy định được sửa đổi nhưng chưa triệt để, như Bộ góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều kiện kinh doanh khí tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP nhưng vẫn đưa ra điều kiện yêu cầu thương nhân phải có hợp đồng thuê cơ sở vật chất với thời hạn thuê tối thiểu.
Đối với lĩnh vực y tế, VCCI cho rằng một số quy định mà Bộ Y tế đề xuất bổ sung có nguy cơ khiến cho chính sách trở nên thiếu minh bạch hơn, như các tiêu chí để được đặt tên “Bệnh viện quốc tế” hay trao quyền cho Bộ “xem xét, quyết định việc đặt tên một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mang tính đặc thù”. Vì thế, khi thẩm định Dự thảo Nghị định này, Bộ Tư pháp đã bãi bỏ quy định bất cập về đặt tên “Bệnh viện quốc tế”, chỉ tập trung vào việc điều chỉnh các quy định liên quan đến cấp phép lưu hành trang thiết bị y tế và một số hoạt động kinh doanh trang thiết bị y tế.
Trước thực tế có ít Bộ thể hiện động thái tích cực rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh do Bộ quản lý trong năm 2019, VCCI nêu vấn đề, có thể một số cơ quan quản lý cho rằng, các điều kiện kinh doanh hiện tại đã khá hoàn chỉnh, khó có thể bãi bỏ hoặc đơn giản hóa hơn; hoặc cần có thời gian đánh giá hiệu quả của đợt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trước khi thực hiện đợt rà soát tiếp; hay có thể không gian cải cách của các Bộ bị giới hạn bởi quy định tại các luật.
Theo ý kiến của cộng đồng DN, bên cạnh những điểm tích cực của hoạt động rà soát cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, các DN vẫn băn khoăn về tính thực chất của hoạt động này và cho rằng vẫn có rất nhiều không gian cho hoạt động cải cách cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Khơi thông dòng vốn tiếp sức doanh nghiệp: Khó khăn về dòng tiền
Có tới 47% chuyên gia, giám đốc tài chính ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về dòng tiền ở thời kỳ hậu COVID-19.
Công nhân làm việc tại nhà máy sợi Huế thuộc Công ty Cổ phần Dệt may Huế (Thừa Thiên-Huế). (Ảnh: TTXVN)
Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã và đang đem đến nhiều ảnh hưởng không mong muốn cho doanh nghiệp; trong đó, khủng hoảng tài chính là một trong những vấn đề nổi cộm nhất, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Không ít doanh nghiệp đang gặp khó khăn về dòng tiền, khó có khả năng duy trì hoạt động bộ máy, trả nợ ngân hàng...
Trước những tác động tiêu cực đến doanh nghiệp, các gói cứu trợ đã được triển khai nhằm gia tăng tính thanh khoản, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua cơn bão COVID-19.
Theo một nghiên cứu toàn cầu mới đây của Hiệp hội kế toán công chứng Anh quốc (ACCA), các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của COVID-19 đối với người lao động, năng suất và dòng tiền; trong đó, những tác động nặng nề nhất là khó khăn của dòng tiền ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Cũng theo nghiên cứu này, có tới 47% chuyên gia, giám đốc tài chính ở Việt Nam tham gia khảo sát cho biết các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về dòng tiền ở thời kỳ hậu COVID-19.
Thực tế khó khăn ở nhiều doanh nghiệp, ngành hàng hiện nay cũng cho thấy điều này đang tác động nặng nề đến sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.
Dòng tiền "đứt quãng"
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo của một doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ có trụ sở ở Bình Dương (xin được giấu tên) chia sẻ kể từ tháng 3/2020 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hầu như chỉ diễn ra cầm chừng.
Cả hai thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ và châu Âu đều thông báo tạm ngừng nhập hàng, do lo ngại dịch COVID-19. Đến nay, đã có một số bang ở Hoa Kỳ thông báo mở cửa trở lại, thế nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn còn khá im ắng.
Dây chuyền sản xuất da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU. (Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu bế tắc, doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm tới 70-80%, buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, 60% lao động phải nghỉ việc.
Nợ cũ thì khách hàng yêu cầu lùi thời gian thanh toán cả vài tháng. Trong khi đó, công ty phải dùng một nguồn tiền lớn để lo cho người lao động nghỉ việc, trả lương cho lao động còn lại; đồng thời, trả lãi vay ngân hàng. Những điều này đang khiến dòng tiền của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Không chỉ riêng công ty này, nhiều doanh nghiệp trong ngành đồ gỗ, nội thất và một số ngành hàng xuất khẩu khác cũng trong tình trạng tương tự.
Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị kẹp chặt ở cả nguồn cung và nguồn cầu.
Đầu tháng 2, các doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu khi thị trường Trung Quốc đóng cửa. Từ tháng 3 đến nay thì phải đối mặt với việc đóng cửa hoặc hạn chế xuất khẩu ở các thị trường chính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp không có nguồn thu để duy trì dòng tiền hoạt động, buộc phải vay ngân hàng để trả lương cho lao động.
Trong một báo cáo tình hình doanh nghiệp cuối tháng 4/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết hầu hết các doanh nghiệp thủy sản ở cả 3 nhóm hàng tôm, cá tra và hải sản khai thác đều gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.
Quy trình sản xuất tại một cơ sở chế biến thủy sản của tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)
Nguyên nhân là do doanh nghiệp thu hồi tiền hàng từ khách hàng rất chậm, trong khi doanh thu xuất khẩu giảm mạnh. Vì vậy, doanh nghiệp không xoay vòng được vốn và thanh toán các khoản vay ngân hàng.
Điều đáng nói, sự khó khăn của các ngành hàng cũng mang tới nguy cơ "đổ vỡ" cho các doanh nghiệp phụ trợ trong chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ được xem là một trong những đối tượng chịu tác động gián tiếp nhưng hết sức nặng nề trong đại dịch COVID-19.
Theo ông Văn Nguyên Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất công nghiệp và thương mại Vít Việt, doanh nghiệp này đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và thu hồi công nợ cũng như không có tiền mua nguyên vật liệu đầu vào để triển khai kế hoạch hồi phục sản xuất.
Ông Vũ cho biết sản phẩm của công ty thường cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất và điện lạnh. Tuy nhiên, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nội thất không có đơn hàng xuất khẩu, không có doanh thu nên cũng không thanh toán công nợ cho doanh nghiệp cung ứng.
Bên cạnh đó, việc cung cấp vật tư cho các doanh nghiệp sản xuất đồ điện lạnh phục vụ các công trình cũng đang bị đình trệ theo các công trình bất động sản.
Ngành xây dựng, bất động sản đang gặp nhiều khó khăn khiến nhiều công trình bị ngừng thi công, sản phẩm cơ điện lạnh tiêu thụ chậm nên đầu ra cho sản phẩm của công ty cũng bị giảm theo.
Doanh nghiệp "ngủ đông"
Theo một báo cáo gần đây của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tổng hợp số liệu từ gần 570 doanh nghiệp trên HOSE và HNX (tương đương 90% vốn hóa hai sàn), kết quả kinh doanh quý I/2020 của các doanh nghiệp khá tiêu cực trên cả hai sàn. Thậm chí, xuất hiện một số doanh nghiệp niêm yết ghi nhận không có doanh thu trong quý 1.
Cụ thể, lợi nhuận lần lượt giảm 13% và 7% so với cùng kỳ trên cả HOSE và HNX. Các nhóm cổ phiếu cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Lợi nhuận của nhóm VN30 trong quý 1 giảm tới 11% so với cùng kỳ nếu loại bỏ sự đóng góp từ Công ty cổ phần Vinhomes (mã VHM).
Trong số 28 doanh nghiệp có kết quả kinh doanh trong nhóm VN30, có tới 19 doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm.
Thống kê của VDSC cũng cho thấy, gần 2/3 số ngành nghề ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm. Kết quả kinh doanh đặc biệt tiêu cực ở một số nhóm ngành như du lịch và giải trí, dịch vụ tài chính, truyền thông và bảo hiểm.
Tăng trưởng lợi nhuận của hai nhóm ngành chính ngân hàng và bất động sản lần lượt là 2% và 28%. Tuy nhiên, lợi nhuận của bất động sản chỉ tăng trưởng dựa trên một vài cái tên như VHM, trong khi tăng trưởng lợi nhuận trung vị của ngành bất động sản là -24%.
Lợi nhuận của nhóm ngân hàng trong quý 1 ở mức thấp, do chi phí dự phòng nợ xấu tăng mạnh.
Dù thời điểm dịch bùng phát rơi vào tháng 3/2020, tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý 1 phần nào cũng thể hiện tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên các doanh nghiệp.
Doanh thu sụt giảm, dòng tiền "đứt gãy" khiến việc tiếp cận vay mới từ ngân hàng để hồi phục sản xuất của doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn.
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy trong 4 tháng đầu năm 2020, cả nước có 41.755 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 5,6% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, có 22.696 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng tới 33,6%.
Một điểm đáng lưu ý nữa là so với cùng kỳ năm 2019, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở 16/17 lĩnh vực.
Điều này cho thấy xu hướng của doanh nghiệp hiện nay. Đó là "đóng băng" hoặc đưa doanh nghiệp vào tình trạng "ngủ đông" để nghe ngóng, xem xét diễn biến của dịch bệnh rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay "đóng cửa" doanh nghiệp, chứ chưa "đóng cửa" doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này. Tuy nhiên, doanh nghiệp "ngủ đông" nhưng vẫn cần một dòng tiền dự trữ nhất định để duy trì thanh khoản.
Những con số trên chỉ là "phần nổi" phản ánh thực trạng khó khăn của doanh nghiệp, còn thực tế, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, không có doanh thu còn lớn hơn rất nhiều.
Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 2/2020 được dự báo còn kém khả quan hơn, khi dịch bùng phát từ tháng 3 và những ảnh hưởng của dịch lúc này mới rõ ràng.
Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, vào thời điểm này rất nhiều doanh nghiệp lao đao, đầu vào không có nguyên vật liệu sản xuất, đầu ra không có thị trường để bán. Nguồn doanh thu bị sụt giảm mạnh, thậm chí có nhiều doanh nghiệp phải phá sản là điều khó tránh khỏi sau dịch COVID-19.
Trong trường hợp dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát từ quý 2/2020, tình hình kinh tế có thể ổn định bắt đầu từ quý 3, thì doanh nghiệp cũng không thể phục hồi ngay mà cần thời gian ít nhất một năm.
Nếu không được hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp cũng khó phục hồi được. Các chính sách cần hướng đến việc cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp./.
Đề xuất lùi thời hạn đại hội sang tháng 9: Khó khả thi Lùi đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) đến tháng 9 đang là một phương án được cơ quan quản lý tính tới trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp có khả năng không kịp tổ chức trước thời hạn 31/6 năm nay, nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), doanh nghiệp không...