Castlevania Lords of Shadow: Mirror of Fate HD – chiếc gương số mệnh
Bản port tầm thường của một tựa game tầm thường.
Trước năm 2010, nhắc đến Castlevania game thủ vẫn nghĩ đến một dòng game phiêu lưu – hành động 2D phát hành chủ yếu cho PlayStation 2 và các hệ máy handheld. Và rồi tất cả thay đổi khi vào năm 2010, một phiên bản mới mang tên Castlevania: Lords of Shadow được trình làng trên Xbox 360 và PlayStation 3 với đồ họa 3D sắc nét cùng lối chơi nặng về hành động “chặt chém” chịu nhiều ảnh hưởng từ God of War, mang đến những đổi mới toàn diện cho công thức quen thuộc của series này.
Với Castlevania: Lords of Shadow – Mirror of Fate, phiên bản tiếp nối phần Lords of Shadow 1 được phát hành độc quyền cho hệ 3DS năm 2013, MercurySteam mạo hiểm đưa ra một phép thử mới khi kết hợp giữa hai phong cách “xưa” và “nay” của Castlevania để tạo nên một tựa game side-scrolling action – adventure 2.5D. Lấy bối cảnh 25 năm sau đoạn kết của Castlevania: Lords of Shadow, Mirror of Fate chủ yếu đóng vai trò liên kết những sự kiện chính giữa phần Lords of Shadow 1 và phần 2 (vừa ra mắt tháng 2 vừa qua).
Không nhiều game thủ có cơ hội sở hữu một chiếc 3DS dẫn đến doanh số thu về không cao. Nhận ra hạn chế này, MercurySteam đã lần lượt port sản phẩm 2.5D lên hai hệ console cuối năm ngoái và vào tháng 3 năm nay. Castlevania: Lords of Shadow – Mirror of Fate HD, phiên bản HD của tựa game 3DS này cũng được “lên kệ” PC. Vốn tựa game Mirror of Fate gốc có chất lượng chỉ dừng ở tầm trung, nên bản port này chỉ đơn giản là “bình mới, rượu cũ” chứ cũng không khiến tình hình khả quan hơn là bao.
MercurySteam đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ xét về mặt port đơn thuần. Bản port được thực hiện sơ sài với rất ít lựa chọn tinh chỉnh đồ họa, chỉ có mỗi thay đổi độ phân giải và khử răng cưa. Cơ chế điều khiển cũng thể hiện rõ sự cẩu thả khi hoàn toàn không hỗ trợ chuột, buộc người chơi phải thực hiện mọi thao tác thông qua bàn phím. Kiểu port “tối giản hóa” này làm ta nhớ lại khi Devil May Cry 3 được port lên PC, nhưng đó đã là chuyện của tận 8 năm trước. Nếu như game thủ thuộc dạng cực kì khó tính và đã quen với cách port tỉ mỉ của những Assassin’s Creed: Liberation HD hay Metal Gear Rising: Revengeance thì Mirror of Fate HD không phải tựa game dành cho bạn… trừ khi bạn sở hữu một tay cầm Xbox 360, khi đó việc xoay sở sẽ dễ dàng hơn một chút.
Dù là có tay cầm Xbox 360 hay không, người chơi vẫn sẽ phải dành khoảng 8 – 9 giờ đồng hồ để “lòng vòng” tổng cộng bốn lần xung quanh cùng một tòa lâu đài tẻ nhạt, lần lượt vào vai 3 thế hệ của dòng tộc Belmont: Nhân vật chính của phiên bản Lords of Shadow, Gabriel Belmont; con trai của anh, Trevor Belmont, và cuối cùng là con trai của Trevor, Simon Belmont.
Cốt truyện của Mirror of Fate có tiền đề đầy hứa hẹn. Cả Trevor lẫn Simon đều phải vật lộn với cuộc sống mồ côi cha từ nhỏ, còn Gabriel và Trevor cùng phải trải qua thảm kịch khi mất đi người phụ nữ quan trọng nhất của đời mình, nhưng kẻ thì biết cách biến nó thành động lực, kẻ thì chìm đắm trong đau đớn đến nỗi mất hết nhân tính. Thế nhưng trong quá trình chơi tất cả những nền tảng cốt truyện hứa hẹn này đều lần lượt bị ném qua cửa sổ, bởi game hầu như chỉ thuật lại câu chuyện của 3 cha con Belmont chứ không dành “đất” cho 3 nhân vật này tự phát triển câu chuyện cũng như tâm lí, tính cách của họ. Đó là còn chưa kể tới một số tình tiết hết sức bất hợp lí, đơn cử như cao trào của game khi Gabriel (hay Dracula) đau đớn khóc thương người con trai Trevor đang hấp hối, nhưng sau đó một thời gian, khi gặp lại Trevor (nay đã trở thành ma cà rồng) thì Gabriel lại… quên hết thời khắc đau đớn đó, cũng không mảy may tỏ ra ngạc nhiên chút nào hay tỏ ra đoái hoài gì tới mối quan hệ giữa hai người mà lại ngay lập tức cản bước tiến của Trevor. Đây là điều có thể tạm “châm trước” được trong những trò chơi side-scrolling đặt nặng tính giải trí, nhưng với Castlevania, một dòng game trước nay luôn được “chèo lái” bởi cốt truyện, thì không.
Video đang HOT
Sự nghèo nàn trong khâu phát triển nhân vật của MercurySteam không chỉ dừng lại ở mảng cốt truyện. Trong hầu hết các tựa game mang phong cách Metroid, game thủ chỉ nhập vai một nhân vật và nhân vật đó sẽ liên tục nhận được các chiêu thức và nâng cấp mới, trở nên ngày một mạnh mẽ và đa dạng hơn cả về kĩ năng chiến đấu lẫn kĩ năng khám phá bí mật xung quanh bối cảnh chơi. Trong khi đó thì với Mirror of Fate, cứ mỗi Chương (Act) trôi qua là người chơi lại phải xoay sang nhập vai một nhân vật mới. Bạn sẽ khám phá các ngóc ngách của tòa lâu đài với nhân vật này, tìm đủ hai món vũ khí phụ và hai magic skill, rồi game đưa một nhân vật khác vào thế chỗ và bạn sẽ phải thực hiện lại công việc này từ đầu. Mặc dù về cơ bản thì các magic skill của từng nhân vật là khác nhau (chẳng hạn như Simon có hai thần hộ mệnh Belnades và Schneider, còn Trevor thì có Mist Form và Wolf Form giống với bản DLC Revelations của Lords of Shadow 2), cái khác nhau ấy là chứa đủ rõ để tạo ra hẳn một sự khác biệt giữa các nhân vật sử dụng chúng.
Lượng nâng cấp máu sẽ được giữ nguyên qua mỗi Act, nghĩa là người chơi sẽ không phải mất công đi tìm các rương chứa power-up từ đầu mỗi khi chuyển qua một nhân vật mới. Nhưng hiệu quả của những nâng cấp này cũng là không thật sự rõ ràng, bởi mỗi lần mở được một rương “máu” sẽ chỉ mang lại một “vạch” máu rất nhỏ trên lifebar, thế nhưng sát thương mà kẻ địch gây ra, bất kể tuýp địch thủ nào dù là yếu hay mạnh, sẽ lấy đi gấp rưỡi “vạch” máu đó!
Sự thiếu hợp lí này cũng thể hiện ở cả trong cơ chế chiến đấu. Bạn sẽ “quất” tới tấp vào đối thủ bằng thanh Combat Cross cho tới khi đánh gục được chúng nhưng hoàn toàn không biết mình đang gây ra bao nhiêu sát thương cho đối phương. Dù mạnh hay nhẹ thì tác động của những cú “vụt” đó đều không thay đổi, kẻ địch cũng không có cử động mô phỏng gì khác lạ. Thêm vào đó rất nhiều đối thủ lại có lượng máu cực lớn, hay nói cách khác là có sức chịu đòn rất đáng nể vì cột máu của chúng không hiện trên màn hình (chẳng hạn như Animated Armor hay Merman). Do vậy đôi khi có cảm giác như thể bạn đang “quất” kẻ địch với một chiếc khăn ướt vô hại chứ không phải với một món vũ khí mà đến Ma cà rồng chúa Dracula cũng phải kinh sợ.
Khi không chiến đấu game thủ sẽ di chuyển xung quanh tòa lâu đài, không phải khám phá mà là di chuyển. Một tựa game mang phong cách Metroid điển hình sẽ thường xuyên buộc người chơi phải động não. Ở góc phía xa căn phòng có một công tắc bẩy nhưng lại không có lối đi thẳng, phải làm thế nào để với tới công tắc ấy? Điểm thú vị chính nằm ở phần tìm ra lối đi ấy. Ngược lại thì Mirror of Fate lại có xu hướng đặt tất cả mọi thứ vào tầm tay của người chơi. Bạn bước vào một căn phòng với chỉ một chiếc thùng gỗ và một cánh cửa, bạn kéo chiếc thùng ra chỗ khác, để lộ ra một một đòn bẩy ở phía sau, và dĩ nhiên đòn bẩy đó sẽ mở cánh cửa kia. Đơn giản chỉ có vậy.
Di chuyển qua tòa lâu đài của Mirror of Fate giống hệt như tham gia vào một trò chơi vượt chướng ngại vật. Đây là kiểu gameplay mò mẫm, khám phá cơ bản thường được áp dụng vào các tựa game hành động để tạo quãng nghỉ, tránh cho người chơi khỏi cảm giác nhàm chán vì phải chạy bắn, chặt chém liên tục. Nếu như ý đồ của nhà sản xuất MercurySteam là như vậy thì đây là một nước đi không phù hợp bởi mảng hành động của Mirror of Fate không quá dồn dập, cũng không đến nỗi quá thử thách mà phải cần đến thời gian để “giải lao”.
Như vậy gameplay của Mirror of Fate đã không đáp ứng được cả hai tiêu chí quan trọng, vừa không đủ hóc búa để khiến người chơi phải động não, lại vừa không phù hợp với vai trò “thay đổi không khí”. Nhưng dù là đang cố gắng chạy theo cách làm nào trong hai cách nêu trên thì lối chơi khám phá của game cũng có một điểm chung, đó là không hấp dẫn. Game thủ sẽ dành phần lớn thời gian dán mắt vào mũi tên chỉ đường trên bản đồ góc phải màn hình, vô hình chung làm mất đi cái chất phiêu lưu của trò chơi. Game thủ có thể tắt bỏ các hướng dẫn chỉ đường này thông qua mục Options nhưng cũng không giải quyết được triệt để vấn đề bởi các lối đi trong Mirror of Fate được mở ra không theo logic nào cả mà mang tính ngẫu nhiên là chủ yếu: Bạn tìm được một món vũ khí phụ, vậy là một cánh cửa hoàn toàn không liên quan chút gì tới món vũ khí ấy nằm ở… đâu đó trên bản đồ đột nhiên sẽ mở ra.
Theo như thông thường khi chạm phải một chướng ngại chưa thể với tới hoặc chưa thể vượt qua ngay lúc đó, game thủ sẽ bỏ qua và đi tiếp để tìm kiếm các skill cần thiết, sau đó dựa vào trí nhớ mà quay lại những địa điểm ấy. Nhưng cách vận hành “không liên quan” này của game nên chiến thuật sử dụng trí nhớ cũng trở nên vô tác dụng. Trớ trêu thay, mũi tên chỉ đường lúc này lại trở thành “kim chỉ nam” giúp người chơi đối phó với cách gợi mở kì quặc của bối cảnh trong game, dù cho có ghét phải dựa dẫm vào nó đến đâu đi chăng nữa. Tóm lại, Mirror of Fate đã vô tình đẩy người chơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
Khi không bận tìm đường loanh quanh trong lâu đài, chiến đấu với những kẻ địch nhàm chán và nghe đi nghe lại bốn bản nhạc nền tẻ nhạt, game thủ sẽ phải “đương đầu” với những cái chết lãng nhách vì góc quay camera cố định. Thử chết… đôi lần để xem phía bên dưới nhân vật của bạn là mặt đất hay vực sâu thăm thẳm, nhảy hụt vì đụng phải một vật chắn mà bạn tưởng là cảnh nền phía sau, bị “dính chưởng” những đòn đánh tưởng như có thể né được từ phía đối phương (và ngược lại, lăn lộn né tránh những đòn đánh… không cần né vẫn tránh được) là một số vấn đề phiền toái có thể gặp phải trong quá trình chơi game. Rất may mắn là thời gian loading của game khá nhanh, chỉ mất khoảng vài giây nên cũng phần nào bù đắp lại được cho sự sốt ruột của người chơi.
Fan của Castlevania có lẽ sẽ đủ kiên nhẫn để hoàn thành trọn vẹn cả 8 giờ thời lượng chơi bởi Mirror of Fate, mặc dù được thiết kế một cách chắp vá, cũng không phải một tựa game quá khó. Nhưng còn một nguyên nhân nữa là trải nghiệm Mirror of Fate đột ngột kết thúc đúng lúc game bắt đầu vào guồng, cụ thể hơn là từ nửa sau của Act II khi Alucard/Trevor Belmont xuất hiện. Phần kết hụt hẫng và thiếu thỏa đáng chỉ càng cho thấy rằng tựa game này được sinh ra chỉ để làm nhiệm vụ lấp đầy khoảng trống giữa hai phần Lords of Shadow trên console mà thôi.
Castlevania: Lords of Shadow – Mirror of Fate HD là một bản port có chất lượng “thường thường bậc trung” của một tựa game cũng chỉ dừng lại ở mức “thường thường bậc trung”, một tựa game chỉ đơn thuần đóng vai trò gạch nối giữa hai tựa game lớn trên console. Những nhân vật được game “giúi” vào tay người chơi hoàn toàn không có bất cứ sự tương tác hay phát triển nào cả về mặt cốt truyện lẫn gameplay, vô hình chung bị mắc kẹt trong mớ thiết kế cẩu thả, hỗn động của nhà sản xuất. Không còn gì có thể mô tả chính xác về Mirror of Fate HD hơn là hai chữ “nửa vời”.
Theo VNE
Castlevania Lords of Shadow 2 - Revelations: Alucard trỗi dậy
Một bản DLC xuất sắc đã sửa chữa thành công những sai lầm của phiên bản gốc.
Khi Alucard - con trai Ma cà rồng chúa Dracula - xuất hiện ở cuối đoạn teaser trailer của Castlevania: Lords of Shadow 2 tại hội chợ game E3 hai năm về trước, tất cả các fan đã náo nức hi vọng rằng nhân vật rất được yêu mến của series Castlevania này sẽ sắm vai chính trong chương cuối của trường thiên 3 phần Lords of Shadow. Sau quãng thời gian dài chờ đợi, vào hôm 25/3 vừa qua, MercurySteam cùng hãng phát hành Konami cũng biến mong ước của người hâm mộ trở thành hiện thực bằng việc phát hành DLC theo cốt truyện mang tên Revelations - với nhân vật chính là Alucard.
Xét về nhiều mặt thì Castlevania: Lords of Shadow 2 đã không đáp ứng được kì vọng của người hâm mộ về một chương cuối hoành tráng. Thiết kế lối chơi có phần khó hiểu và cốt truyện rối rắm là hai trong số những điểm trừ làm lu mờ đi hình ảnh đẹp đẽ mà phiên bản Lords of Shadow đầu tiên dày công gây dựng trong mắt game thủ. Với Revelations thì khác, MercurySteam đã khôn ngoan loại bỏ hoàn toàn những trường đoạn stealth và platforming vụng về của tựa game gốc và tập trung vào lối chơi nặng về giải đố hơn là chiến đấu thông thường - phong cách điển hình của những phiên bản Castlevania thành công nhất.
Revelations đưa người chơi nhập vai Alucard khi anh đang thực hiện những bước cuối cùng để chuẩn bị cho sự hồi sinh của cha anh, Gabriel Belmont (Dracula), cũng như cuộc đụng độ không thể tránh khỏi với Chúa quỷ Satan. Marie - mẹ của Alucard - cho anh biết rằng những thế lực hắc ám nằm bên trong tòa lâu đài của Dracula đã đánh hơi thấy kế hoạch giải phóng Gabriel khỏi lời nguyền ngàn năm của mẹ con anh, và để bảo vệ chính mình cũng như để trói buộc Hoàng tử Bóng đêm với cái ác mãi mãi, chúng đã giấu nhẹm đi hai món vũ khí đắc lực của Dracula là thanh Void Sword và cặp Chaos Claws đằng sau những bức tường kiên cố. Nhiệm vụ của người chơi là dẫn lối Alucard qua những cạm bẫy chết người, tìm lại hai món vũ khí này và đặt chúng vào nơi an toàn trước khi Dracula tỉnh giấc.
Nếu như game thủ chưa chơi hết phần chơi đơn của Lords of Shadow 2 thì hãy coi chừng bởi bản DLC này sẽ tiết lộ (spoil) cực kì nhiều chi tiết liên quan tới vai trò của Alucard trong màn hồi sinh của Dracula. Tốt nhất là người chơi nên trải nghiệm trọn vẹn cốt truyện của phiên bản gốc trước khi bắt đầu chơi Revelations, còn nếu như quá nóng lòng nhập vai Alucard sẽ được "bật mí" một trong những bước ngoặt cốt truyện quan trọng nhất của phiên bản gốc ngay sau một vài phút đầu tiên. Bản DLC này vẫn chưa tìm ra được cách để sửa chữa những đan xen rối rắm trong cốt truyện của Lords of Shadow 2, nhưng mặt khác, bản thân nó lại có diễn biến rất đơn giản và dễ hiểu. Người chơi sẽ không còn phải xem qua những đoạn phim cắt cảnh dài dòng hay cố chắp nối những tình tiết vòng vo nữa mà chỉ phải hướng sự tập trung vào một nhiệm vụ duy nhất, đó là tìm cách thu hồi hai món vũ khí Void và Chaos. Nền tảng vững chắc này tạo điều kiện để gameplay của Revelations phát huy hết sức mạnh của nó.
Nhân vật chính bất tử sở hữu ba năng lực đơn giản nhưng cực kì hữu dụng. Thay vì gọi một bầy dơi ra để che mắt lũ robot như cha của mình, Alucard có thể biến hình hẳn thành một bầy dơi và bay tới những gờ tường ở phía xa, vô hình chung thổi vào cơ chế leo trèo - bay nhảy tẻ nhạt của Lords of Shadow 2 một luồng sinh khí mới. Alucard còn có thể triệu hồi một linh hồn sói để giúp anh nhảy qua những vực sâu hoặc đi xuyên qua những chấn song sắt. Đây là một sự pha trộn hoàn hảo giữa wolf form và mist form của phiên bản nổi tiếng Symphony of the Night. Năng lực cuối cùng và có lẽ là ấn tượng nhất của anh mang tên Timeless Vision - năng lực đảo ngược thời gian. Khi bắt gặp một bức tường, một đoạn sàn nhà sụp đổ hay một cánh cửa bị gạch đá chắn ngang, Alucard có thể "bẻ ngược" thời gian một cách thần kì để tái cấu trúc, "dọn dẹp" hoặc sửa chữa những chướng ngại vật này về trạng thái nguyên vẹn ban đầu của chúng trong một khoảng thời gian ngắn.
Alucard là hình mẫu ma cà rồng chuẩn mực mà ngay tới phiên bản Lords of Shadow 2 gốc có lẽ cũng phải học theo. Cả ba năng lực đặc biệt mà anh có đều "ngầu" hơn hẳn những gì mà Dracula quyền năng sở hữu trước đây và thành thực mà nói thì không chỉ "ngầu" hơn mà chúng còn hợp lí hơn nữa. Người chơi sẽ không bao giờ phải thắc mắc tại sao mình có những năng lực này chứ không phải là một năng lực nào khác. Tất cả đều rất tự nhiên và phù hợp với cơ chế gameplay. Đây là điều mà nhiều game thủ đã từng trông đợi ở Lords of Shadow 2 nhưng rồi lại phải thất vọng.
Kết hợp nhịp nhàng những năng lực độc đáo của Alucard để giải những câu đố là một trong những điểm sáng lớn nhất trong lối chơi của bản DLC Revelations. Thay vì chỉ chặt chém một cách vô thức từ địa điểm A tới địa điểm B, người chơi sẽ liên tục phải cân nhắc khi nào thì cần sử dụng đến Timeless Vision, khi nào cần Spectral Wolf và khi nào thì cần kích hoạt Bat Cloud để tìm đường vượt qua tòa lâu đài đầy cạm bẫy. Tất cả ba năng lực của Alucard đều là những chìa khóa cần thiết để giải những bài toán được phân bố hợp lí trong game. Bản thân những câu đố thì được thiết kế rất thông minh, không quá khó nhưng cũng đủ thử thách, và khung thời gian cực kì hạn hẹp của Timeless Vision sẽ đem lại những khoảnh khắc giải đố hồi hộp nhưng cũng hết sức thú vị cho game thủ.
Cơ chế chiến đấu của Alucard không quá khác biệt so với Dracula. Những chuỗi combo và đòn đánh cơ bản vẫn được thi triển thông qua hai phím chuột trái, chuột phải, tuy nhiên Shadow Whip - vũ khí chính của Dracula - thì đã được thay bằng một thanh kiếm lớn có tên Crissaegrim. Void Sword và Chaos Claws cũng lần lượt được thay thế bằng hai nguồn năng lượng Glaciem và Igneas. Kích hoạt năng lượng Glaciem sẽ chuyển thanh kiếm của Alucard sang màu xanh và hút máu đối thủ, giống như Void Sword, còn Igneas cũng vẫn được dùng để phá giáp sắt kiên cố của kẻ địch giống như Chaos Claws vậy. Đánh bại các đối thủ sẽ mang lại cho người chơi các điểm kinh nghiệm (experience point) dùng để nâng cấp các kĩ năng và mua những đòn đánh mới. Tuy vậy cả bản DLC này chỉ có vỏn vẹn hai trận đấu trùm, trái ngược hẳn so với "bộ sưu tập" trùm đồ sộ của phiên bản gốc, bởi vậy nên hệ thống nâng cấp này thực sự không cần thiết cho lắm.
Bản DLC Revelations đã tái hiện lại hình ảnh hào hùng của phiên bản Lords of Shadow đầu tiên và khôn khéo không đi vào những dấu mòn gây thất vọng của Lords of Shadow 2. Chỉ kéo dài khoảng ba giờ đồng hồ nhưng với cơ chế chiến đấu lôi cuốn, thiết kế bối cảnh lâu đài sắc nét, chi tiết và những câu đố sáng tạo, cuộc phiêu lưu ngắn ngủi của Alucard vẫn phần nào đó hấp dẫn hơn chuyến hành trình dài bất tận nhiều khiếm khuyết của người cha Dracula. Có lẽ điểm trừ duy nhất của Revelations chỉ là game thủ cần phải có phiên bản Lords of Shadow 2 gốc cài đặt sẵn trong máy mà thôi.
Theo VNE
Hành trang cốt truyện cho Castlevania: Lords of Shadow 2 Có lẽ ngay tới những fan gạo cội nhất của Castlevania cũng phải công nhận rằng hệ thống cốt truyện của series trường kì này rối rắm một cách kinh khủng. Ác quỉ thế này, Belmont thế kia, và rồi đùng một cái game thủ lại bị đưa tới tương lai mười nghìn năm sau để giáp mặt với con trùm kì dị...