Casino Hồ Tràm: Lỗ lũy kế 300 triệu USD, xin lùi tiến độ 5 năm
Việc xin điều chỉnh giãn tiến độ Dự án Hồ Tràm thêm 5 năm là trái với quy định tại Luật Đầu tư…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản thẩm định nội dung về việc điều chỉnh giấy đăng ký đầu tư của Dự án Hồ Tràm của Công ty TNHH dự án Hồ Tràm, chủ đầu tư dự án casino Hồ Tràm (Ho Tram Strips), theo đó cho biết Dự án Hồ Tràm đã được gia hạn 6 năm so với kế hoạch đầu tư ban đầu, nên việc điều chỉnh giãn tiến độ thêm 5 năm là trái với quy định Luật Đầu tư.
Trước đó, Bộ này cũng đã có văn gửi các Bộ Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cho ý kiến về việc xin điều chỉnh giấy đăng ký đầu tư của Dự án Hồ Tràm, tuy nhiên, đến cuối tháng 3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được ý kiến của 4 bộ ngành.
Lỗ lũy kế 300 triệu USD, Hồ Tràm cần chứng minh khả năng trả nợ
Trong văn bản thẩm định các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh giấy phép đầu tư của Công ty TNHH Dự án Hồ Tràm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2016 và 2017, cho thấy, công ty có số lỗ lũy kế trên 300 triệu USD. Số vốn góp chủ sở hữu đến ngày 31/12/2017 chỉ còn hơn 156 triệu USD.
Công ty kiểm toán nhận định khoản lỗ lũy kế này gây ra mối hoài nghi thực sự về khả năng công ty tiếp tục hoạt động trên cơ sở hoạt động liên tục.
Theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đề nghị công ty giải trình rõ về năng lực tài chính để tiếp tục triển khai dự án. Hồ Tràm sau đó đã gửi thư cam kết hỗ trợ tài chính của công ty ASIAN Coast Development (Canada) Ltd – ACDL và có giải trình thêm.
Theo Hồ Tràm, Harbinger Capital Partners, nhà đầu tư chủ chốt của ACDL, là một quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại New York, Mỹ. Harbinger hiện đang quản lý giá trị tài sản hơn 9 tỷ USD. Harbinger đã đầu tư vào ACDL từ năm 2007 và đã đầu tư gần 500 triệu USD vào dự án từ khi thành lập. Cam kết của Harbinger đối với dự án đã được chứng minh qua nhiều năm và họ vẫn là đối tác mạnh mẽ và quyết tâm trong việc phát triển dự án Hồ Tràm.
Bên cạnh đó, công ty đã đang tiếp tục tìm cách mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà đầu tư khác để đẩy nhanh tốc độ phát triển dự án, trong đó có Quỹ Warburg Pincus, và thông qua đối tác dự kiến với Quỹ Warburg Pincus, ACDL sẽ có thể thực hiện các mục tiêu phát triển trong tương lai cho Dự án Hồ Tràm và đảm bảo mô hình kinh doanh bền vững, lâu dài.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trường hợp Quỹ Warburg Pincus tham gia có thể sẽ hỗ trợ phần nào tài chính cho dự án.
Video đang HOT
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo làm rõ tiến độ huy động vốn và tiến độ thực hiện, đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đáng chú ý, trong ý kiến thẩm định của các bộ liên quan, Bộ Công an cho rằng, việc dự án lỗ lũy kế 300 triệu USD (theo báo cáo tài chính năm 2016 và 2017 đã được kiểm toán) và đang có nợ vay tại ngân hàng Việt Nam khoảng 116 triệu USD, do đó, theo Bộ Công an, trong phê duyệt điều chỉnh tiến độ góp vốn và thực hiện dự án, yêu cầu công ty cần có tài liệu chứng minh năng lực và cam kết của nhà đầu tư về trả nợ vay tại các tổ chức tín dụng của Việt Nam.
Xin lùi tiến độ 5 năm
Trong văn bản thẩm định của mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến thời điểm này, đáng ra dự án đã phải hoàn thành và đưa vào hoạt động khu A (A1 A2), Khu B (B1 B2), Khu C và Khu D với tổng số 6.000 phòng khách sạn và các tiện ích; đã khởi công khu E. Nhưng trên thực tế, dự án mới hoàn thành và đưa vào hoạt động khu A1 gồm 541 phòng và một số công trình tiện ích khác.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, như vậy tiến độ thực hiện dự án đã chậm so với cam kết.
Nguyên nhân chậm tiến độ, theo giải trình của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, do thời gian đầu hoạt động khu A1 từ năm 2013 – 2016 hiệu quả kinh doanh chưa cao, nhiều chi phí phát sinh (chi phí tiếp thị, lãi vay, đầu tư hạng mục khác, nhân sự chưa ổn định), nguồn nước thô cho sân golf và hệ thống cây xanh bị thiếu hụt làm gia tăng chi phí vận hành, thiếu hụt hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật; hay vị trí dự án cách xa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất,…
Do đó, sau thời gian hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả, công ty phải thực hiện điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tái cơ cấu nhân sự và đội ngũ quản lý, đồng thời điều chỉnh chiến lược phát triển của toàn dự án nên đã dẫn đến chậm tiến độ.
Dự án bắt đầu có lãi từ năm 2017. Đến nay Hồ Tràm đã hoàn tất thủ tục trình và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt 1/2000, quy hoạch 1/500 một số phân khu, đang triển khai hồ sơ thiết kế để đầu tư xây dựng khu B1 và khu biệt thự của khu F.
Bên cạnh đó, văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, Bộ Tổng tham mưu – Bộ Quốc phòng về nguyên tắc chấp thuận chủ trương cho công ty đầu tư xây dựng sân bay chuyên dụng tại huyện Đất Đỏ nhằm cải thiện kết nối hạ tầng giao thông đến khu vực dự án trong thời gian chờ sân bay Long Thành được triển khai.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tại giấy phép đầu tư thay đổi lần 4, dự án được phép đưa vào hoạt động sớm khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài và gia hạn tiến độ thực hiện. Theo đó, dự án được kéo dài thời gian hoàn thành và đưa vào hoạt động toàn bộ dự án 6 năm so với quy định tại giấy phép đầu tư đã cấp (từ tháng 12/2014 sang tháng 12/2020).
Nay, công ty đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện các hạng mục dự án, trong đó có hạng mục kéo dài từ 3 năm, hoặc 4,5 năm và thậm chí có hạng mục kéo dài 7 năm. Theo hồ sơ, nhà đầu tư đề xuất đến tháng 5/2025 mới hoàn thành toàn bộ dự án.
Trong khi đó, theo quy định (Khoản 3, Điều 46 Luật Đầu tư) quy định “tổng thời gian giãn tiến độ đầu tư không quá 24 tháng. Trường hợp bất khả kháng thì thời gian khắc phục hậu quả bất khả kháng không tính vào thời gian giãn tiến độ đầu tư”.
Chính vì vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trường hợp nếu được Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư thì tổng thời gian điều chỉnh tiến độ dự án không quá 24 tháng theo quy định tại Luật Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư do đó đề nghị giao UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư quy định rõ hạng mục đầu tư và vốn đầu tư của từng giai đoạn, tiến độ huy động và giải ngân, tiến độ hoàn thành xây dựng cơ bản…
Trường hợp công ty Hồ Tràm không thực hiện đúng nội dung quy định tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh và đã bị xử lý vi phạm hành chính, nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì dự án sẽ bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại khoản 2 điều 48 Luật Đầu tư.
Lan Ca
Theo Vneconomy
Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) giải trình lợi nhuận tăng hơn 76 tỷ đồng sau kiểm toán
CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán BSR) vừa công bố giải trình nguyên nhân chênh lệch số liệu và ý kiến của kiểm toán trên Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán của công ty.
Cụ thể, trên báo cáo tài chính riêng, tổng lợi nhuận trước thuế sau kiểm toán tăng hơn 74 tỷ đồng từ mức 200,76 tỷ đồng lên 274,87 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 66,62 tỷ đồng từ mức 184,12 tỷ đồng lên 250,74 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 36,18% so với số liệu công ty tự lập.
Trên báo cáo tài chính hợp nhất, tổng lợi nhuận trước thuế được điều chỉnh tăng gần 83 tỷ đồng lên 253,42 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng 76,1 tỷ đồng so với số liệu Công ty tự lập, lên mức 226,1 tỷ đồng, tương ứng mức điều chỉnh tăng 50,72%.
Giải trình về việc chênh lệch lợi nhuận trước và sau thuế tại báo cáo tài chính riêng và báo cáo tài chính hợp nhất, BSR đã đưa ra một số lý do.
Đó là: Khoản trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại báo cáo tài chính kiểm toán giảm 56 tỷ đồng so với số liệu trước kiểm toán do giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho (dầu thô, sản phẩm) sau kiểm toán cao hơn so với trước kiểm toán. Nguyên nhân, do bình quân giá dầu thô, sản phẩm cả tháng 1/2019 cao hơn thời điểm ngày 14/1/2019.
Bên cạnh đó, khoản trích lập dự phòng giảm giá đầu tư được điều chỉnh giảm 16 tỷ đồng do số lỗ của công ty con - CTCP Nhiên liệu sinh học dầu khí Miền Trung - được điều chỉnh thấp hơn số liệu trước kiểm toán.
Công ty cũng đã giải trình về việc kiểm toán cũng đưa ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh trên báo cáo tài chính.
Kiểm toán đã đưa ra ý kiến kiến ngoại trừ về việc xác định giá trị tổn thất cho khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu sinh học dầu khí miền Trung (BSR-BF) tương đương với giá trị trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn, và quyết định sử dụng toàn bộ khoản giá trị dự phòng đã trích lập để bù lỗ tổn thất tại thời điểm chuyển thành công ty cổ phần với số tiền khoảng 536 tỷ đồng. Trong khi đó giá trị tổn thất có thể thay đổi tùy thuộc vào sự phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền. Do vậy kiểm toán không thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về giá trị khoản tổn thất này.
Giải trình về vấn đề này, BSR cho rằng, Công ty đã xác đinh giá trị khoản đầu tư vào BSR-BF theo số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính của công ty con này tương ứng với tỷ lệ góp vốn của BSR vào đó. Do vậy toàn bộ khoản dự phòng này được sử dụng để bù đắp khoản tổn thất đầu tư.
Kiểm toán cũng đưa ý kiến nhấn mạnh về việc số liệu trên báo cáo tài chính của công ty lập cho kỳ hoạt động từ 1/7/2018 (ngày công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần), tuy nhiên số liệu đầu kỳ lấy trên số liệu mà các cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện việc kiểm tra, phê duyệt quyết toán cổ phần hóa công ty.
Kiểm toán cũng nhấn mạnh việc Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tạm ghi tăng nguyên giá các tài sản cố định của Nhà máy nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất với số tiền 1.790 tỷ đồng trong năm 2014. Tại ngày lập báo cáo cáo tài chính hợp nhất này, BSR-BF đang trong quá trình thực hiện các thủ tục quyết toán chi phí đầu tư xây dựng và tiếp tục thực hiện các kiến nghị của Thanh tra Chính phủ.
Giá trị quyết toán nhà máy sẽ được điều chỉnh (nếu có) khi có phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền là HĐQT và Ban Tổng giám đốc Công ty đánh giá các kế hoạch hoạt động và tài chính của BSR-BF bao gồm hợp đồng hợp tác với một đối tác để vận hành lại nhà máy và cho rằng cơ sở lập báo cáo tài chính của BSR-BF theo nguyên tắc hoạt động liên tục là phù hợp.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BSR giao dịch thiếu khởi sắc khi xác lập phiên giảm thứ 7 liên tiếp. Tạm chốt phiên sáng 26/3, BSR giảm nhẹ 0,8% xuống 12.800 đồng/CP và tính từ phiên 15/3 đến nay, BSR đã giảm 10,16%.
T.T
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
5 trường hợp phong tỏa vốn đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài Ngân hàng Nhà nước đã ra Thông tư 27/2018/TT-NHNN, có hiệu lực từ ngày 10/01/2019, quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong toả vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư quy định, việc phong tỏa, chấm dứt phong toả vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trên nguyên...