Cặp vợ chồng là công nhân vệ sinh nửa thế kỷ đón giao thừa ngoài đường
Để có những con đường, hè phố sạch đẹp, không thể không nhắc tới công sức của những cô chú lao công.
Đặc biệt trong dịp lễ, Tết, lượng rác thải sinh hoạt tăng cao hơn so với bình thường, công việc của họ càng vất vả hơn bao giờ hết, thậm chí vì lượng việc quá lớn nên có những người còn chẳng kịp trở về nhà để đón giao thừa cùng người thân.
Những người công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc vô cùng vất vả. (Ảnh: Người Lao Động/Tài Nguyên Môi Trường)
Đôi vợ chồng gần 50 năm đón Tết trên hè phố
Báo Vietnamnet đưa tin, ông Tống Văn Thơm (75 tuổi, TP.HCM) và vợ Nguyễn Ngọc Đào (68 tuổi) đã dành gần nửa thế kỷ để gắn bó với nghề công nhân vệ sinh môi trường ở TP HCM. Cũng bằng ấy năm cả ông Thơm và bà Đào đều đón Tết trên hè phố, hẻm nhỏ.
Ông Thơm và vợ gắn bó với nghề từ năm 1976. (Ảnh: Vietnamnet)
Ông Thơm chia sẻ với báo Vietnamnet: “Nghề khác, Tết có thể nghỉ nhưng thu gom rác sinh hoạt thì không. Thậm chí, ngày Tết, chúng tôi phải làm việc gấp 3 lần ngày thường. Bởi thời điểm này, người dân chỉ ở nhà ăn Tết nên rác nhiều hơn”.
Mỗi năm, từ Tết dương lịch, ông bà đã phải chuẩn bị tinh thần đón Tết xa nhà. Ngày nào ông bà cũng chia nhau đi gom rác từng hẻm nhỏ. Vì không đủ sức khỏe, bà Đào đảm nhận nhiệm vụ gom rác trong hẻm rồi dùng xe nhỏ đẩy ra đường lớn. Ông Thơm sẽ phân loại, đưa rác lên thùng xe ba gác. Khi xe đầy, ông giao cho một người phụ việc chở đến xe ép rác đổ.
Khối lượng công việc của hai vợ chồng ông rất lớn. (Ảnh: Vietnamnet)
Số lượng rác thải quá nhiều, dù chỉ nhận thu gom trong phạm vi nhỏ nhưng vẫn vô cùng vất vả và tất bật xuyên đêm. Đó cũng chính là lý do hai vợ chồng ông bà không kịp về nhà đón giao thừa.
Bà Đào bộc bạch: “Tôi đi làm vào ban đêm và mấy chục năm qua chưa bao giờ biết đón giao thừa ở nhà. Đêm trước Tết, đi làm thấy người ta chơi pháo, đón giao thừa, quây quần bên gia đình, tôi tủi thân lắm cứ vừa đẩy xe vừa khóc. Không chỉ giao thừa, mấy chục năm nay, tôi cũng chưa bao giờ được về chúc Tết ba mẹ vào ngày đầu năm mới. Tết năm nào cũng vậy, sau khi đón giao thừa trên đường phố, chúng tôi trở về trong căn nhà vắng lặng, không hoa trái, không khí Tết”, báo Vietnamnet dẫn lời bà Đào.
Video đang HOT
Vì số lượng rác quá nhiều mà cả hai ông bà đã gần 50 năm đón Tết trên hè phố. (Ảnh: Vietnamnet)
Dù có chút tủi thân vì chẳng được hưởng trọn vẹn cái không khí của ngày Tết, bữa cơm sum vầy đêm 30 thế nhưng ông bà Thơm không hề lẻ loi. Ông bà cảm thấy được an ủi hơn rất nhiều khi nhận sự chia sẻ, vẫn có bánh mứt, hoa Tết từ người đi đường, từ các mạnh thường quân, những tấm lòng thiện nguyện.
Đặc biệt, 50 năm đón Tết trên hè phố cũng đã giúp đôi vợ chồng này có thêm những kinh nghiệm, được nhìn ngắm chiêm nghiệm cách chào xuân của những hộ gia đình tại các con hẻm nơi mình đến gom rác. Nơi đó, ông bà đã bắt gặp biết bao cảnh tượng xúc động của những gia đình nghèo cùng chia nhau gói kẹo, đòn bánh tét, nồi thịt kho…
Ông Thơm vẫn vui vì được góp sức mình giúp thành phố sạch đẹp. (Ảnh: Vietnamnet)
Ông Thơm nói làm nghề này cực lắm, phải yêu nghề tha thiết và hy sinh niềm vui của bản thân mới có thể gắn bó với nó lâu đến như vậy. Ông Thơm cười hiền tâm sự với báo Vietnamnet: “Khi tiếng pháo hoa rền vang, sáng một góc trời, chúng tôi chỉ có thể tạm dừng tay, nhìn lên trời, ước những điều tốt đẹp. Vào những dịp như vậy, chúng tôi có buồn nhưng rồi lại vui ngay. Bởi, chúng tôi biết cái nghề của mình rất đẹp. Chúng tôi gác lại niềm vui của mình để giữ gìn đường phố sạch sẽ, gọn gàng cho nhiều người khác. Đó là niềm vui, niềm an ủi của vợ chồng tôi”.
Cặp vợ chồng hơn 20 năm không được đón giao thừa cùng gia đình
Cũng mang những nỗi niềm và sự yêu nghề, mong muốn đường phố sạch đẹp, gọn gàng mà vợ chồng cô Sơn – chú Thịnh đã hơn 20 cái Tết chẳng thể về sum vầy cùng gia đình.
Cô Sơn đã làm lao công hơn 20 năm. (Ảnh: Zing News)
Zing News viết, vợ chồng cô Hà Thị Sơn (53 tuổi) và chú Phan Văn Thịnh (54 tuổi) gắn bó với nghề lao công ở TP.HCM đã hơn 20 năm nay. Mỗi ngày cô chú bắt đầu lúc 14h30 và kết thúc vào 2h30 sáng hôm sau. Dù là ngày bình thường hay dịp Tết, giờ làm việc vẫn không có gì thay đổi.
Chú Thịnh và vợ làm khác tổ nên đằng đằng nhiều năm chẳng thể cùng vợ đón giao thừa. (Ảnh: Zing News)
Hai vợ chồng cô Sơn chú Thịnh còn làm việc khác tổ nên cũng từng ấy năm họ chẳng thể đón giao thừa cùng nhau. Tuy vất vả nhưng cô Sơn và chồng vẫn hài lòng với công việc hiện tại. Dù vất vả và sẽ bị ảnh hưởng từ rác thải tới sức khỏe thế nhưng nghĩ đến quang cảnh thành phố sạch đẹp là tất cả mọi mệt nhọc, khó khăn đều tan biến.
Cô Sơn có những bữa ăn vội khi nghỉ giải lao. (Ảnh: Zing News)
Có thể nói, những cô chú lao công đã bền bỉ, thầm lặng hy sinh để góp phần xây dựng đường phố ở TP.HCM luôn sạch, xanh, đẹp, trở thành thành phố đáng sống.
Thương mẹ ốm, con gái phụ mẹ đẩy xe, gom rác đường phố đến giao thừa
Trong khi những ngày cận Tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sắm sửa cho bản thân, gia đình thì vẫn có nhiều người phải đi làm, bởi công việc của họ nếu ngừng lại có thể ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
Chẳng hạn như công nhân vệ sinh môi trường. Càng gần Tết, lượng rác thải càng nhiều do người người nhà nhà tranh thủ dọn dẹp, vì thế chẳng thể thiếu những cô, bác công nhân gom rác, quét đường phố làm việc đến tận khuya, thậm chí qua cả giao thừa.
Đường phố ngày cuối năm thưa thớt nhưng khá nhiều rác. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Mới đây, một cô gái đã chia sẻ đoạn clip bày tỏ cảm xúc khi có mẹ làm công nhân vệ sinh. Thương mẹ vất vả, trong 2 ngày cuối cùng của năm, cô quyết định đi giúp mẹ dọn rác. Cô tâm sự: "29 Tết ra phụ mẹ đẩy và nhặt rác, yêu mẹ suốt đời, mọi người có ai cũng có mẹ hay người thân làm nghề này không ạ. Đừng xấu hổ hay chê bai, hãy tự hào về họ nhé."
Cô không ngại phụ mẹ nhặt từng bọc rác. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Mẹ được một bác lì xì, cô rất vui. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Theo lời cô gái, mẹ cô mới bị sốt virus, truyền được chai nước nhưng công ty vẫn yêu cầu đi làm không được nghỉ. Vì thế, thay vì xúng xính quần áo mới đi chơi với bạn bè, cô liền trở thành bạn đồng hành của mẹ: "Từ 5h chiều đến đêm rồi sáng mai lại từ 5h sáng đến giao thừa", cô kể.
Những bọc rác to bự nhanh chóng chất đầy xe. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Thấu hiểu nỗi vất vả của mẹ, cô càng xót xa. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Cô trải lòng thêm: "Từ bé đến giờ chưa năm nào được đón giao thừa ở nhà có mẹ. Xe rác cao nặng, to khủng khiếp vậy mà mọi ngày mẹ vẫn làm một mình suốt 20 năm qua. Đường phố Hà Nội 29 Tết cũng vắng nhưng nhiều rác quá. Đi có lát mà 2 xe đầy không thể đẩy được. Không biết hôm nay không có mình ra phụ thì mẹ làm thế nào nữa. Đi được đoạn mẹ lại hỏi có mệt không, mình lắc đầu vì sợ mẹ xót chứ thở nhiều rát hết cả họng, đau nhức hết cả lưng rồi. Xe nào cũng đi 1 tý là đầy rồi, hôi bẩn lắm."
Chiếc xe rác rất nặng, lại có mùi hôi. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Qua những hình ảnh được ghi lại có thể thấy đường phố Hà Nội khá vắng vẻ, nhiều cửa hàng đã đóng cửa nghỉ Tết. Ngoài một vài người tranh thủ đi mua sắm đồ thì chỉ còn tiếng chổi quét rác xào xạc cô các cô công nhân môi trường. Những bọc rác to lần lượt được cô gái và mẹ chất lên xe, chẳng mấy chốc mà xe đã đầy ắp. Dù rất nặng và mệt nhưng cô gái vẫn cảm thấy vui vì giúp được mẹ phần nào.
Người mẹ dù đang ốm vẫn cố gắng đi làm. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Đoạn clip sau khi đăng tải đã nhận được rất nhiều sự quan tâm từ người xem. Đa phần đều bày tỏ sự ngưỡng mộ trước sự hiểu chuyện của người con gái. Đồng thời họ cũng chia sẻ rằng công việc của công nhân vệ sinh thật sự rất cao cả. Các cô, bác đã làm việc trong thầm lặng để mang đến cho chúng ta môi trường sống tốt hơn.
Sau khi dọn dẹp đường phố đã sạch sẽ. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
"Mình luôn quý và biết ơn những bác lao công, em cũng là một cô gái xinh đẹp, cả tâm hồn lẫn vẻ bề ngoài."
"Dù mẹ có làm gì thì đó vẫn là mẹ mình, đã vất vả nuôi mình lớn khôn. Rất nhiều bạn trẻ giúp đỡ bố mẹ mưu sinh bán hàng ngoài chợ, thu gom rác. Tôi rất trân trọng điều đó."
"Nếu đó là lao động chân chính thì nghề nào cũng cao quý, được tôn trọng. Cảm ơn mẹ bạn đã luôn cố gắng làm đẹp cho khu phố, chúc gia đình cả đời bình an."
Mọi người phải làm việc đến khuya. (Ảnh: Chụp màn hình TikTok T.Q.)
Cuối năm ai cũng muốn được ở bên gia đình, ăn bữa cơm đoàn viên, nhưng vẫn có những người âm thầm hy sinh niềm vui riêng để làm đẹp cho đời. Bạn có cảm xúc như thế nào sau khi xem clip trên? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!
Mỹ: Quả cầu ánh sáng gắn 'Món quà yêu thương' chuẩn bị đón Giao thừa Ngày 27/12, quả cầu ánh sáng nổi tiếng tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ) đã được gắn gần 200 tấm pha lê Waterford hình tam giác theo mẫu mới mang tên "Gift of love" (Món quà yêu thương) để chuẩn bị cho lễ đón năm mới 2023 vào đêm 31/12 tới. Các công nhân lắp các tấm pha...