Cặp vợ chồng ‘biệt đội tử thần’ hành quyết 700 con nghiện Philippines
Một đôi vợ chồng, tự nhận là thành viên “biệt đội tử thần” chống ma túy ở Philippines, cho biết họ tham gia 700 vụ hành quyết và không thể dừng do sợ bị thủ tiêu.
Vợ chồng Ace và Sheila nói chuyện với phóng viên từ chương trình truyền hình Dateline. Ảnh: SBS
Trên chương trình Dateline của kênh SBS, Ace và vợ, Sheila, cho biết họ chính là những sát thủ được tuyển mộ để gia nhập “biệt đội tử thần” chuyên diệt trừ các con nghiện và kẻ buôn bán ma túy, như một phần trong chiến dịch truy quét ma túy mạnh tay do Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động.
100 USD mỗi vụ
Ace và Sheila tiết lộ họ nhận được 100 USD từ cảnh sát cho mỗi vụ hành quyết và đây là cách duy nhất giúp họ kiếm tiền nuôi 4 con nhỏ.
Theo Ace, ông chủ của họ sẽ liên lạc qua điện thoại và thông báo công việc họ cần làm, thông thường là “xử” một người nào đó. Các con mồi đều có những điểm chung như thuộc thành phần buôn bán ma túy hoặc tội phạm hay “chống lại ông chủ chúng tôi”, anh cho hay.
Chỉ một cú điện thoại, Ace sẽ nắm trong tay thông tin nhận dạng của kẻ cần triệt hạ. “Nếu chúng tôi phát hiện ra kẻ đó đang ở một mình, chúng tôi sẽ lập tức lên đường thủ tiêu đối tượng rồi bỏ đi”, Ace nói.
“Ông chủ của chúng tôi là một cảnh sát tiếng tăm. Giây phút chúng tôi được trao bức ảnh nhận dạng cũng là lúc chúng tôi tự hiểu việc phải làm”, Ace chia sẻ.
“Ngay từ đầu khi mới làm công việc này, tôi đã biết nó ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhưng nếu không làm, tôi sẽ phải đối mặt với một rủi ro khác, thậm chí còn lớn hơn, đó là không thể nuôi sống gia đình vì tôi chẳng thể kiếm nổi một công việc nào khác”, Ace giãi bày.
Ace nhấn mạnh anh buộc phải tiếp tục tham gia các vụ giết chóc, nếu không, “ông chủ có thể trả thù tôi. Tôi có thể bị thủ tiêu, vậy nên tôi phải tuân theo mệnh lệnh”.
Bên cạnh đó, Sheila sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ “biệt đội tử thần” của chồng khi họ không thể tiếp cận sát mục tiêu. “Cô ấy có thể tiến gần mục tiêu vì là phụ nữ”, Ace giải thích.
Sheila cho biết có lần, suốt gần một tuần, “biệt đội tử thần” của chồng cô không thể hoàn thành nhiệm vụ nên ông chủ rất giận dữ.
“Chồng tôi nảy ra ý tưởng kéo tôi tham gia. Tôi có thể làm điều này”, Sheila nói. “Thỉnh thoảng, tôi vào vai một vũ nữ quán bar hoặc tiếp viên. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào mục tiêu bởi có thể họ không thích đi bar. Vậy nên, khi được cung cấp thông tin nhận dạng, chúng tôi sẽ căn cứ vào sở thích của đối tượng để tính toán hành động tiếp theo. Đấy là lúc tôi thể hiện vai trò”.
Cắn rứt lương tâm
Video đang HOT
Một kẻ buôn bán ma túy bị hành quyết trên đường phố Manila, Philippines. Ảnh:AFP
Theo Sheila, đội của cô thường tiêu diệt mục tiêu bằng súng. “Khi chúng tôi được cung cấp thông tin nhận dạng, chúng tôi không hỏi thêm gì cả vì nguyên tắc số một trong ‘biệt đội tử thần’ là ‘không hỏi’”, cô cho hay.
“Chúng tôi nghiên cứu thông tin khoảng một ngày và lên kế hoạch hạ sát mục tiêu trong vòng ba ngày sau đó… Khi tiếp cận mục tiêu hoặc nhận ra họ, chúng tôi sẽ bắn ngay nếu có cơ hội. Chúng tôi không rời đi chỉ với một phát bắn vì chúng tôi phải đảm bảo họ đã chết hẳn. Chúng tôi cũng thường đặt một tấm bìa ghi dòng chữ ‘kẻ buôn bán ma túy’ bên thi thể họ”, Sheila kể về quy trình làm việc của “biệt đội tử thần”.
Cô giải thích việc đặt tấm bìa nhằm mục đích khiến báo chí chú ý và đưa tin vì đó là cách để họ chứng minh đã hoàn thành nhiệm vụ với ông chủ.
“Ước chừng nhóm chúng tôi đã thực hiện 25% trong 2.800 vụ hành quyết”, Sheila nói.
Theo Sheila, mỗi “biệt đội tử thần” nhận lệnh từ một ông chủ khác nhau. Số vụ hành quyết mà cảnh sát ra lệnh thực hiện nhiều hơn số vụ mà tự họ ra tay.
“Tất nhiên, tôi thấy tội lỗi. Sau mỗi lần làm nhiệm vụ, lương tâm bạn luôn bị đè nặng, đặc biệt là lúc về nhà. Sau khi hoàn thành công việc, chúng tôi mỗi người mỗi ngả. Về đến nhà, bạn sẽ nhìn con cái và trào dâng cảm giác cắn rứt”, Sheila giãi bày.
“Nhưng tôi tự nhủ rằng người mà tôi giết là kẻ xấu. Nhiều cuộc sống sẽ bị hủy hoại nếu hắn ta không bị giết. Thế nên, kẻ đó phải chết và đấy không phải lỗi của tôi. Tôi không làm gì sai. Nếu kẻ đó không phải người xấu, hắn ta đã không phải chịu số phận như vậy”, Sheila bày tỏ.
Sheila cũng chia sẻ cô và chồng đang lâm vào tình thế “đâm lao phải theo lao” vì “nếu dừng công việc, tình thế sẽ đảo ngược. Chúng tôi sẽ bị đặt vào tầm ngắm”, cô nói.
Theo Sheila, cô không thể nói “không muốn làm công việc này nữa” bởi nếu làm thế, ông chủ sẽ nghi ngờ và ra lệnh thủ tiêu cô.
“Tôi nghĩ con nghiện đang dần biến mất là điều tốt cho xã hội và sẽ tốt đẹp hơn nữa nếu những tay trùm buôn bán ma túy cũng bị triệt hạ. Nhưng với chúng tôi, đó chỉ là công việc. Còn việc, chúng tôi còn kiếm được tiền”, Sheila lạnh lùng nói.
Gần 3.000 người đã chết vì liên quan đến ma túy kể từ khi ông Rodrigo Duterte nhậm chức tổng thống Philippines vào cuối tháng 6. Cảnh sát Quốc gia Philippines hồi tháng 9 cho biết gần 1.500 “nghi phạm ma túy” đã bị giết trong các hoạt động của cảnh sát, số còn lại bị kết liễu bởi các nhóm tự cho mình là “thực thi công lý”.
Các nhóm như trên thường bịt mặt, đi xe máy, tiếp cận nạn nhân rồi bắn chết họ trên đường phố. Không có bằng chứng cho thấy chính phủ liên quan đến những cái chết dạng này.
Hồng Vân
Theo VNE
Người giả chết để trốn 'biệt đội tử thần' Philippines
Rạng sáng 13/9, trên con phố tăm tối ở trung tâm thủ đô Manila, Santiago bị cảnh sát bắn trúng ngực và tay trong cuộc truy lùng tội phạm ma túy.
Francisco Santiago, 21 tuổi, tại buồng giam. Ảnh: Washington Post
Sợ hãi, Santiago giả chết, nằm bất động cho đến khi cảm nhận thấy ánh đèn chớp nháy từ máy ảnh của phóng viên. Lúc này, anh mới từ từ giơ tay lên ra dấu đầu hàng. Nhờ thế, Santiago thoát chết, ít nhất tới thời điểm hiện tại, theo Washington Post.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thề tiêu diệt sạch tội phạm ma túy ở nước này. Ông triển khai một chiến dịch truy quét mạnh tay, cho phép giết chết những người tình nghi liên quan đến ma túy mà không cần xét xử.
Kể từ tháng 6, ước tính 687.000 người trên khắp Philippines đã ra đầu thú vì chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy do ông Duterte phát động. Trong hơn ba tháng, khoảng 3.300 nghi phạm sử dụng và buôn bán ma túy đã bị giết dưới tay cảnh sát, lực lượng dân phòng hay những kẻ tấn công chưa xác định danh tính.
Đa phần những nhân chứng tận mắt thấy các vụ giết người thường chọn cách im lặng bởi họ lo sợ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Tổng thống Duterte phủ nhận việc chính quyền hậu thuẫn những vụ giết người không qua xét xử trên đường phố Philippines, khẳng định cảnh sát chỉ tự vệ và hành động vì an ninh, an toàn xã hội.
Nhưng lời khai của một số người sống sót trong chiến dịch truy quét lại vẽ nên bức tranh hoàn toàn khác. Ở đó, tình trạng bạo lực bắt nguồn từ một lời kêu gọi "thỏa sức xuống tay" và kết thúc bằng một lời hứa "không phải chịu bất kỳ hệ lụy nào" của chính ông Duterte, cây bút Emily Rauhala từWashington Post bình luận.
Lời mời giết chóc
Cảnh sát Philippines đứng gác bên ngoài một điểm đen ma túy tại thành phố Quezon. Ảnh: AFP
Nằm trên giường bệnh, Santiago tường thuật lại câu chuyện của mình với phóng viên. Santiago lo lắng một ngày nào đó mình sẽ bị "xóa sổ" và kể hết mọi thứ là con đường duy nhất giúp anh an toàn.
"Cảnh sát sẽ lại che đậy tất cả", bà Ligaya Santiago, mẹ Francisco Santiago, nói. "Chúng tôi chỉ còn biết dựa vào truyền thông".
Khi tổng thống đã ra lệnh cho các quan chức thực thi pháp luật tiêu diệt nghi phạm ma túy, việc kiểm chứng thông tin sẽ trở nên khó khăn. Bởi rất ít người còn sống sót để kể lại sự việc nên hầu hết các đầu mối đều nằm trong những báo cáo của cảnh sát, Rauhala nhận xét.
Qua quá trình đánh giá, phân tích, chuyên gia nhận định các báo cáo kể trên đều có những điểm chung nhất định. Đêm nào cũng vậy, cảnh sát Philippines tỏa quân đi tiến hành các chiến dịch truy quét ma túy. Sáng hôm sau, họ viết báo cáo về những cuộc đấu súng mà nghi phạm ma túy đều bị bắn chết.
Thông thường, cảnh sát sẽ nói rằng họ tìm thấy vũ khí và những gói shabu, một loại ma túy đá rẻ tiền thịnh hành tại Philippines, trên người các nạn nhân. Và dù đấu súng dữ dội, đa phần những sĩ quan cảnh sát đều không hề hấn gì.
Mọi thứ diễn ra y hệt với Santiago, chỉ khác một điều anh vẫn sống sót. Báo cáo từ cảnh sát kể câu chuyện về một vụ dàn cảnh bắt tội phạm vượt ngoài tầm kiểm soát. Sau khi bán shabu cho một cảnh sát chìm, Santiago cùng một nghi phạm khác, được xác định là George Huggins y Javellana, thành viên băng đảng "Sputnik tai họa", cảm thấy nghi ngờ và rút súng bắn cảnh sát.
Các sĩ quan cảnh sát bắn trả, giết chết Javellana và làm bị thương Santiago. Họ sau đó báo rằng tìm thấy một khẩu súng 38 ly, một khẩu súng 22 ly và ba túi shabu tại hiện trường. Santiago "nhanh chóng" được đưa tới bệnh viện.
Tuy nhiên, Santiago lại đưa ra những tình tiết khác. Theo lời anh kể, khoảng trưa ngày 12/9, một cảnh sát mặc thường phục giả làm khách hàng dẫn Santiago lên tầng hai một tòa nhà ở địa phương. Tại đây, Santiago bị ép phải thừa nhận là tội phạm ma túy. Đêm đó, giữa tiết trời oi ả, Santiago được yêu cầu phải mặc áo khoác màu đen.
Sau nửa đêm, Santiago và Javellana bị bắn trên một con đường tối. Trong lúc Santiago giả chết, cảnh sát để súng ngay bên cạnh anh. Họ chủ quan không kiểm tra mạch của anh, Santiago cho hay.
Một video an ninh cho thấy chiều hôm đó, Santiago mặc một chiếc áo màu trắng đi về hướng đồn cảnh sát. Trong các bức ảnh chụp tại hiện trường, Santiago lại mặc áo khoác đen, không mấy phù hợp với thời tiết.
Theo cảnh sát trưởng Philippines Joel Coronel, Santiago là "mục tiêu chính trong danh sách theo dõi các đối tượng liên quan tới ma túy", song báo cáo của cảnh sát không nêu chi tiết này. Celia Nepomuceno, sĩ quan phụ trách xác nhận các nghi phạm ma túy ở khu dân cư Santiago sinh sống, cũng nói anh chưa bao giờ có tên trong danh sách.
Nhưng điểm khác biệt trên chưa đủ để giúp Santiago không bị chuyển từ bệnh viện tới trại giam của sĩ quan cảnh sát từng bắn anh, Santiago cho hay.
Carolyn Mercado, cố vấn pháp lý cấp cao tại văn phòng Quỹ châu Á ở Manila, đánh giá những chi tiết kỳ lạ như ở vụ việc của Santiago không giúp ích gì nhiều.
Tổng thống Duterte đã hứa sẽ bảo vệ những cảnh sát giết người không qua xét xử. Đây không khác gì "một bức thư ngỏ mời tất cả mọi người giết chóc", bà nhấn mạnh.
Cảnh sát (áo đỏ) đứng canh giữ những người bị tình nghi sử dụng ma túy sau một cuộc truy quét. Ảnh: AFP
Vũ Hoàng
Theo VNE
Ông Duterte nói việc bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ ảnh hưởng đến chính trị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng việc ông bị lạm dụng tình dục khi còn là một đứa trẻ đã có tác động lớn đến sự phát triển chính trị của ông. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters "Có ảnh hưởng lớn vì nó diễn ra trong quá trình định hình tính cách và thậm chí chính trị", ông Duterte trả...