Cấp “sổ đỏ” đất nông nghiệp: Nỗ lực đẩy nhanh tiến độ
Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) sau dồn điền đổi thửa (DĐĐT) là một trong những vấn đề “ nóng” ở nhiều làng quê Hà Nội.
Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và triển khai Chương trình 02-CTr/TU “về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020″ của Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã chỉ rõ: Việc cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT còn chậm, các sở, ban, ngành của thành phố cần khẩn trương vào cuộc tháo gỡ, quyết tâm hoàn thành cấp GCNQSDĐ cho các địa phương trong năm 2016.
Nếu không có sổ đỏ, người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng để phát triển sản xuất. Ảnh: Tứ Cường
Tích cực vào cuộc…
Theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt, số thửa đất cần cấp mới GCNQSDĐ trên địa bàn huyện là 40.710, với kinh phí khoảng 27,5 tỷ đồng. Với số lượng thửa như vậy, huyện phải đo đạc 10.000ha, trong đó diện tích đất DĐĐT là hơn 7.500ha. UBND huyện đã chọn 7 đơn vị tư vấn để tiến hành đo đạc, lập bản đồ, đến hết tháng 5-2016 đã đo đạc được 7.493/7.514ha diện tích sau DĐĐT, chiếm 99,7%. Về kinh phí, trong 2 năm 2015 và 2016, với 12,4 tỷ đồng thành phố cấp, huyện đã hoàn thành việc giải ngân cho các đơn vị thi công trên địa bàn. Hiện Mỹ Đức đang chỉ đạo các thôn, đội sản xuất trên cơ sở phương án giao ruộng theo sơ đồ và thực địa, kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, điều chỉnh và đối soát lại kỹ lưỡng, chuẩn bị cho việc cấp GCNQSDĐ.
Còn tại huyện Thường Tín, sau DĐĐT, UBND huyện đã chỉ đạo cấp được 1.122 GCNQSDĐ cho 1.122 hộ tại 3 xã Nghiêm Xuyên, Chương Dương và Thắng Lợi. Đến nay, Thường Tín còn 28.794 hộ sau DĐĐT chưa được cấp GCNQSDĐ. Huyện đã chỉ đạo các xã ký hợp đồng với đơn vị thi công tổ chức đo đạc, lập bản đồ địa chính, mặt khác phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để cấp đổi GCNQSDĐ cho các hộ trên cơ sở phương án giao ruộng khi DĐĐT, không chờ kết quả đo đạc bản đồ đất nông nghiệp để đẩy nhanh tiến độ. Phó Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Văn Hùng cho biết: Hiện nay, Sở TN&MT đã chuẩn bị đủ phôi giấy để cấp cho các địa phương.
Theo bà Vũ Như Hoa (cán bộ Sở Tài chính), những năm trước đây, tình hình ngân sách khó khăn nên kinh phí cho công tác cấp GCNQSDĐ chậm, muộn. Tuy nhiên, sau khi thành phố chỉ đạo, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tính toán nguồn lực, đề xuất thành phố có phương án cấp đủ kinh phí cho các địa phương triển khai công tác cấp GCNQSDĐ trong năm 2016.
… Với nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ
Video đang HOT
Phấn đấu hoàn thành công tác cấp GCNQSDĐ theo tiến độ – là mong mỏi chung của các địa phương, tuy nhiên, khi triển khai công việc, hầu hết các huyện, thị xã còn lúng túng. Trưởng phòng TN&MT huyện Mỹ Đức Trần Văn Thể băn khoăn: Nguồn kinh phí đo đạc, cấp GCNQSDĐ không được bố trí riêng, nằm trong nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nên địa phương khó chủ động khi thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tập, Trưởng phòng TN&MT huyện Thường Tín đặt vấn đề: Diện tích đất sau DĐĐT có biến động. Nhiều trường hợp nhận diện tích lớn hơn diện tích được giao theo Nghị định 64/NĐ-CP năm 1993. Nguyên nhân do quá trình triển khai, nhiều địa phương áp dụng phương án “rút, bù diện tích”, tức là hộ nào nhận ruộng ở đồng xấu, trũng được cộng hệ số K, nhận ruộng ở vị trí đẹp bị trừ hệ số K. Vậy việc cấp đổi GCNQSDĐ sẽ cấp theo sổ cũ hay theo diện tích thực tế hiện nay?
Trong khi đó, Trưởng phòng TN&MT huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh băn khoăn: Đối với những trường hợp được cấp GCNQSDĐ trước đây đã mất hoặc sang nhượng, cho, tặng, khi thực hiện DĐĐT chưa thực hiện thủ tục sang tên, chuyển quyền theo quy định của pháp luật thì việc cấp GCNQSDĐ sẽ thực hiện như thế nào, cấp cho ai…?
Giải đáp vướng mắc tại chỗ cho các địa phương, bà Vũ Như Hoa (Sở Tài chính), lưu ý các địa phương cần nghiên cứu kỹ văn bản, hướng dẫn của thành phố quy định về cấp GCNQSDĐ để tránh lúng túng trong triển khai. Đồng thời khẳng định: Kinh phí đo đạc, cấp GCNQSDĐ có nguồn riêng được ghi rõ tại Quyết định 16/2012/QĐ-UBND ngày 6-7-2012 về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn của UBND thành phố, không liên quan đến vốn xây dựng nông thôn mới.
Đối với diện tích đất nông nghiệp của người dân biến động sau DĐĐT, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn Lê Thiết Cương cho biết: Đây là vấn đề phổ biến ở các huyện bởi theo Hướng dẫn số 29 về quy trình DĐĐT của thành phố có cho phép tính hệ số K để bảo đảm công bằng. Thực tế, khi triển khai DĐĐT, các địa phương đã xây dựng phương án chia ruộng, được thông qua hội nghị toàn dân và được nhân dân đồng thuận mới triển khai nên rất chặt chẽ. Vì vậy, các địa phương cần cấp GCNQSDĐ theo diện tích thực tế.
Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Văn Hùng lưu ý rằng, việc cấp GCNQSDĐ cần theo đúng phương án giao ruộng đã được phê duyệt khi DĐĐT bởi đây chính là cơ sở pháp lý… Các giấy GCNQSDĐ cũ có giá trị đến năm 2013 đều đã hết hạn cần phải cấp lại.
Cấp GCNQSDĐ là một việc làm lớn liên quan đến hàng trăm nghìn hộ nông dân với nhiều trình tự, thủ tục nên nếu không có kế hoạch chi tiết, rất khó hoàn thành đúng kế hoạch thành phố đặt ra. Để bảo đảm tiến độ, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Văn Hùng đề nghị các huyện, thị xã cần xây dựng kế hoạch cụ thể đến từng xã theo từng tháng. Sở TN&MT đã yêu cầu cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh trực tiếp đến các xã hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ theo quy định. Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, để làm cơ sở cho việc cấp GCNQSDĐ, các huyện, thị xã phải sớm hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính và cấp giấy theo bản đồ. Tuy nhiên, trong trường hợp không làm kịp bản đồ có thể cấp theo sơ đồ, phương án DĐĐT đã được thông qua để đẩy nhanh tiến độ.
Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành gồm Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch – Kiến trúc tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong việc cấp GCNQSDĐ cho 18 huyện, thị xã; thời gian bắt đầu từ ngày 13-6 đến 23-6. Đối với những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ban Chỉ đạo có hướng giải quyết.
Theo_Hà Nội Mới
Thêm động thái quyết liệt xóa tình trạng "bôi trơn" sổ đỏ
Bộ trưởng Trần Hồng Hà vừa chỉ đạo thành lập Tổ công tác liên ngành để kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp "sổ đỏ".
bôi trơn sổ đỏ
Thời gian vừa qua, sau chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát chấn chỉnh trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, theo báo cáo nhanh của Tổng cục Quản lý đất đai nhiều địa phương đã tích cực vào cuộc để triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trước những thông tin từ người dân và doanh nghiệp gửi đến thông qua đường dây nóng của Bộ và báo cáo của cơ quan tài nguyên và môi trường địa phương về những vướng mắc trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tổ chức họp khẩn với các đơn vị về việc rà soát chấn chỉnh trong thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc, Bộ trưởng chỉ đạo khẩn trương thành lập Tổ công tác với sự tham gia của các Bộ, ngành địa phương có liên quan và một số đơn vị trực thuộc Bộ.
Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai chủ trì, khẩn trương tham mưu trình Bộ thành lập Tổ công tác liên ngành với sự tham gia của các Bộ: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan, đề nghị các đơn vị cử cán bộ có năng lực tham gia tổ công tác.
Theo yêu cầu của Bộ trưởng, Tổ công tác sẽ có 4 nhiệm vụ chính. Thứ nhất, nắm bắt tình hình thực tiễn, hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn để cấp giấy chứng nhận cho người dân; Thứ hai, trên cơ sở kết quả giải quyết ở một số địa phương, trình Bộ trưởng văn bản hướng dẫn chung để cả nước giải quyết thống nhất đối với các trường hợp tương tự; Thứ ba, báo cáo Bộ trưởng để sửa đổi bổ sung các quy định theo thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Thứ tư, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật của các cơ quan, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Bộ trưởng nêu rõ: "Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là tài sản lớn của mỗi gia đình, mỗi người dân và mỗi doanh nghiệp; không thể để việc chậm trễ trong cấp giấy chứng nhận ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật đối người dân, doanh nghiệp. Các trường hợp hiện nay chưa cấp giấy chứng nhận lần đầu là những trường hợp phức tạp, khó khăn do nguồn gốc đất, tranh chấp,...
"Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ cần phải tích cực vào cuộc nắm tình hình địa phương, cơ sở; gặp gỡ nhân dân để lắng nghe vướng mắc; công tâm, khách quan cùng với các cơ quan của địa phương giải quyết tháo gỡ các vướng mắc để cấp giấy chứng nhận cho dân; những vấn đề bất cập liên quan đến chính sách cần được hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn. Các cán bộ tham gia tổ công tác cần có kinh nghiệm để giải quyết tháo gỡ được các vướng mắc" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Được biết, hiện nay, Tổng cục Quản lý Đất đai đang xin ý kiến các Bộ ngành liên quan để xin ý kiến và cử người tham gia tổ công tác liên ngành này. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Tổ công tác sẽ triển khai ở một số đô thị lớn bắt đầu từ ngày 09 tháng 5 năm 2016 và sẽ tiếp tục triển khai ở các địa phương có nhiều vướng mắc phản ánh về Bộ qua đường dây nóng.
Ngoài ra, Bộ cũng sẽ liên tục tiếp nhận ý kiến phản ánh của tổ chức, người dân và doanh nghiệp về tình trạng "bôi trơn" khi làm sổ đỏ qua số điện thoại đường dây nóng là 043.7957889 trong giờ làm việc, hoặc địa chỉ thư điện tửcucksqlsdd@gmail.com
Cùng với đó, Bộ cũng tiếp nhận trực tiếp các đơn thư kiến nghị tại Tổng cục Quản lý Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 10 Tôn Thất Thuyết, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
"Vấn nạn" bôi trơn khi muốn được cấp sổ đỏ nhiều năm qua đã gây bức xúc trong dư luận. Vấn nạn "bôi trơn" này cũng đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Sĩ Cương nêu ra khi chất vấn tại Quốc hội. Theo đó, bản thân ông đã nhận được phản ánh của cử tri Hà Nội về vấn nạn này, không chỉ ở cấp sở mà còn "liên minh lên cấp Thành phố". Tuy nhiên, quá trình thanh kiểm tra sau đó cho thấy chỉ có chuyện chậm trễ khi cấp giấy chứng nhận chứ không có chứng cứ về tình trạng vòi vĩnh, cầm tiền.
Ngay khi còn là Thứ trưởng, ông Trần Hồng Hà đã từng nói trước báo giới: "Muốn biết có bôi trơn hay không, chúng ta thử đi làm sổ đỏ xem. Quá trình đi làm trực tiếp sẽ phát hiện được cái nào vướng mắc do khách quan, cái nào do nhũng nhiễu, cái nào do cán bộ thực thi công vụ thiếu trách nhiệm. Tôi cũng thừa nhận với các đồng chí là chuyện "bôi trơn" để làm sổ đỏ nhanh là vấn đề nhức nhối, không chỉ riêng người dân gặp đâu mà có khi ngay trong số chúng ta cũng đã gặp phải."
Gần đây, sau khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục nhận thấy dư luận xã hội về tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ôngTrần Hồng Hà đã đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ vấn đề này.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng công bố rộng rãi đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai nói chung và tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tuệ Khanh
Theo_VnMedia
Tháo gỡ vướng mắc về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc lập hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho các thửa đất còn tồn đọng trên địa...