Cấp phát gạo cứu đói: Mỗi hộ nghèo nhận… 21 lon gạo
Sau khi nhận được gạo cứu trợ của Chính phủ trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2014, nhiều địa phương của thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị đã “linh hoạt” đem số gạo đó chia cho cả những hộ không thuộc diện nghèo.
Hộ nghèo nhận… 21 lon gạo
Theo chủ trương phân cấp gạo cứu đói, đối tượng được nhận cứu trợ là những gia đình thực sự thiếu đói, trong đó ưu tiên những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách… Mức hỗ trợ phải đảm bảo 15kg/nhân khẩu/tháng (tối đa không quá 3 tháng). Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị lại hoàn toàn khác, bởi những hộ giàu cũng được nhận gạo trợ cấp giống như người nghèo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi và những phản ánh từ phía người dân, khi nhận được nguồn gạo cứu đói do huyện Vĩnh Linh phân cấp, cán bộ các khu phố An Đức 1, 2; An Hòa 1, 2,… thị trấn Cửa Tùng đã thực hiện việc phân bổ gạo cho người dân theo kiểu cào bằng, với mức 6 – 6,5 kg/hộ.
Bà Lê Thị Hòe (79 tuổi, ở khu phố An Đức 2, thị trấn Cửa Tùng) cho biết, trước Tết bà được cán bộ thông báo đi nhận gạo cứu đói. Sau đó bà được chia 6,5 kg gạo.
Toàn bộ số gạo chính quyền phân cho bà Hòe dịp trước Tết
Trong khi đó rất nhiều hộ gia đình khá giả hơn bà Hòe cũng nhận được số lượng gạo như trên. Chị Võ Thị Tùng, ở khu phố An Đức cũng xác nhận mình nhận được 6,5 kg gạo dù gia đình chị thuộc diện hộ cận nghèo. Chị Tùng cho biết: “Mẹ con tui được cấp trên phân cho chừng ấy gạo để ăn Tết. Tui không biết chủ trương phân gạo của Chính phủ như thế nào, nhưng hộ gia đình nào trong khu phố cũng nhận được chừng ấy nên cũng không thắc mắc”.
Video đang HOT
Trường hợp khác là bà Phan Thị Khi (SN 1941, trú tại khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng) thuộc diện hộ nghèo nhưng cũng chỉ nhận được 21 lon gạo cứu đói, tức khoảng chừng 6kg. Bà Khi cho biết: “Trước Tết Nguyên đán bà có nhận gạo cứu đói của Chính phủ, nhưng chỉ được nhận 21 lon. Nghe cán bộ khu phố nói gạo cứu đói cho người nghèo, ở đây nhà nào cũng được chia chừng đó”.
Ông Lê Thanh Bình, Tổ trưởng tổ liên gia khu phố An Đức 2 cho biết: “Khi có chủ trương của thị trấn về việc phân cấp gạo cứu đói cho người nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách, chúng tôi đã lập danh sách gửi lên thị trấn. Khi nhận được gạo cũng tổ chức họp dân để phân bổ. Nhiều hộ dân trong khu phố đã thống nhất với nhau là nên chia đều số lượng gạo cứu trợ để gia đình nào cũng được hưởng như nhau? Hơn nữa, những hộ nghèo họ cũng đã nhận nhiều nguồn cứu trợ từ các nhà hảo tâm sau đợt bão lụt vừa qua nên phải chia đều cho các hộ khác để sau này có vấn đề gì cần đóng góp cũng dễ kêu gọi người dân tham gia”.
Chính quyền thừa nhận thiếu trách nhiệm
Được biết, không chỉ thực hiện cào bằng trong việc phân cấp gạo cứu đói, cán bộ khu phố An Hòa 2 còn kê “khống” danh sách và giả mạo chữ ký các hộ nhận gạo. Theo đó, khu phố này có 30 hộ được nhận nhưng thực tế đã phát gạo cho 132 hộ dân, nhiều hơn 100 hộ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Phú, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng cho biết, dịp tết 2014, thị trấn Cửa Tùng được huyện phân bổ 10 tấn gạo cứu đói để phân cấp cho các gia đình thiếu đói, hộ nghèo, già yếu neo đơn; hộ chính sách; hộ có người bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn rủi ro… Mỗi hộ được hỗ trợ mức thấp nhất là 15 kg/tháng. Ngay sau đó, chính quyền đã thông báo về các địa phương phổ biến chỉ đạo của huyện và yêu cầu lập danh sách các hộ nhận gạo cứu trợ gửi lên thị trấn. Căn cứ vào danh sách đã đăng ký để phân bổ gạo của Chính phủ, địa phương cũng tổ chức họp cán bộ khu phố để quán triệt lại đối tượng và mức trợ cấp trước khi giao số gạo đó cho các khu phố phân cấp cho người dân. Qua đối chiếu danh sách, thị trấn thấy các đối tượng được nhận cũng phù hợp.
“Tuy nhiên, sau khi nhận được gạo cứu trợ, một số khu phố đã thực hiện phân đều cho người dân. Đây là việc làm trái ngược với chủ trương, chính quyền cũng nhận thấy đã thiếu trách trách nhiệm vì không giám sát chặt chẽ việc phân bổ gạo mà giao thẳng cho các khu phố tự thực hiện” – ông Phú thừa nhận.
Lý giải việc phát gạo cứu đói cào bằng này, ông Phú cho rằng, có thể các khu phố đã có sự thống nhất với người dân và xét thấy nhiều hộ nghèo bị thiệt hại trong thiên tai đã được nhận gạo, tiền của các nhà hảo tâm nên mới mở rộng phạm vi phát gạo sai cho một số đối tượng.
Ngay sau khi dư luận và báo chí lên tiếng, ngày 13/2, bà Khi đã được chính quyền địa phương cấp thêm 9kg gạo để bù lại số lượng đã cấp thiếu trước Tết
“Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân và báo chí, địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm. Theo đó, đã hoàn thành việc cấp bù số gạo còn thiếu cho các hộ dân ở khu phố An Hòa 2, với số lượng 6 tạ. Chúng tôi cũng tiến hành họp các khu phố để kiểm tra xem những nơi khác có thực hiện cấp phát đúng đối tượng hay không, nếu đúng như phản ánh thì sẽ thực hiện cấp bù ngay cho những hộ này” – ông Phú cho biết thêm.
Đăng Đức
Theo Dantri
Bị nghiền nát bàn tay khi đánh bắt cá trên biển
Trong lúc đang dùng máy tời kéo lưới lên tàu, ông Trọng bị dây thừng cuốn tay vào máy và bị máy nghiền nát bàn tay phải.
Chiều ngày 8/2, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) - cho biết, các bác sĩ, y tá khoa Ngoại của bệnh viện đã phẫu thuật cắt bỏ 1/3 cánh tay phải của ông Nguyễn Cao Trọng (SN 1967, trú xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) bị máy tời lưới nghiền nát.
Các ngư dân đưa ông Trọng lên bờ đi bệnh viện cấp cứu (Ảnh: Dương Nguyễn)
Trước đó, khoảng 2h15 phút sáng ngày 8/2, ông Trọng cùng đánh cá với các ngư dân trên tàu anh Nguyễn Minh Tiến (SN 1973, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) trên vùng biển Quỳnh Lưu. Trong lúc dùng máy tời kéo lưới lên tàu, ông Trọng đứng gần chiếc máy không may bị cuốn tay cùng dây thừng vào máy. Ngay lập tức, ông Trọng đã được các ngư dân giải cứu khỏi máy tời và tiến hành băng bó cầm máu. Đến 11h trưa 8/2, tàu cá đã đã cập cảng Lạch Quèn và đưa ông Trọng vào bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu cấp cứu.
Ông Trọng nằm điều trị tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu sau ca phẫu thuật
Bác sĩ Phạm Thắng Lợi - Phó trưởng khoa Ngoại, bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu - cho biết, bệnh nhân Trọng nhập viện trong tình trạng bị nghiền nát bàn tay phải và mất máu rất nhiều. Sau khi truyền máu, chúng tôi đã phải phẫu thuật cắt bỏ 1/3 cánh tay bệnh nhân để đảm bảo an toàn tính mạng.
Hiện tại, bệnh nhân Trọng đã qua cơn nguy kịch và đang được các bác sỹ, y tá tiếp tục điều trị, chăm sóc. Được biết, hoàn cảnh của gia đình ngư dân Trọng rất khó khăn, vợ làm nghề muối, gia đình có 4 con nhỏ đang tuổi ăn học.
Doãn Hòa
Theo Dantri
Ngày Tết đầu trắng khăn tang! 2 vụ đắm tàu, 16 sinh mạng nằm lại giữa lòng biển. Những ngày này đất trời vào xuân nhưng thân nhân của những thuyền viên tử nạn đón Tết với vành tang trắng... Những ngày cuối năm âm lịch, chúng tôi trở lại vùng biển Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, thăm hỏi những gia đình thuyền viên bị đắm tàu hai tháng...