Cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum và 10 loại sản phẩm khác
Sáng 22/7, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ Công bố các Quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) về cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu Sâm Ngọc Linh, Cà phê xứ lạnh và 9 sản phẩm dược liệu cho chủ giấy chứng nhận là Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Sâm Ngọc Linh được xem như “Quốc bảo” của Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp mong các cấp, ngành, doanh nghiệp, người dân tiếp tục giữ vững, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng để xây dựng, phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Kon Tum trong tương lai.
Để các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu được bảo hộ thật sự trở thành công cụ đắc lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của chủ sở hữu, của người tiêu dùng, đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum và các thương hiệu sản phẩm của Kon Tum đến với người tiêu dùng trong, ngoài nước, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cấp, ngành, doanh nghiệp, người sản xuất cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực về phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu.
Các địa phương phối hợp với đơn vị có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; tham gia chuỗi liên kết sản xuất; sử dụng, bảo vệ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận sau khi được cấp quyền sử dụng; kịp thời phát hiện, phản ảnh những hành vi xâm phạm quyền chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận đến các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật để thanh, kiểm tra, điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật….
Video đang HOT
Tính đến hết Quý II/2021, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 364 hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý. 111 nhãn hiệu đã được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu (97 nhãn hiệu thông thường và 14 nhãn hiệu chứng nhận) và hai chỉ dẫn địa lý. Hầu hết các nhãn hiệu chứng nhận đã được bảo hộ là các sản phẩm chủ lực, đặc thù của tỉnh như sâm Ngọc Linh, cà phê, các loại dược liệu, rau củ quả xứ lạnh.
Hiện, tỉnh Kon Tum trồng được khoảng 700 ha sâm Ngọc Linh, trong đó riêng Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum được hơn 600 ha, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô trồng 22 ha, còn lại của người dân.
Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng
Trước quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng cũng như mục tiêu hướng tới một chính phủ kiến tạo, việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Ngày 12/1/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội thảo Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Tham dự hội thảo có hơn 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, các viện nghiên cứu, trường đại học, các hiệp hội, doanh nghiệp...
Hội thảo Tham vấn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Mục đích tổ chức hội thảo nhằm thuyết minh và lấy ý kiến các đại biểu tham dự về vấn đề dự kiến sửa đổi trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm 3 nhóm: Các vấn đề sửa đổi trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, các vấn đề sửa đổi trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề sửa đổi trong lĩnh vực giống cây trồng. Khối lượng các điều sửa đổi lần này là khá lớn, với 80 điều của 14 chương. Như vậy, dự kiến sau khi sửa đổi, bổ sung thì Luật Sở hữu trí tuệ sẽ có 18 chương và 235 điều.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành lần đầu tiên năm 2005, đến nay đã qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và năm 2019, là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ.
Qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động hội nhập quốc tế của Việt Nam đã diễn ra sâu rộng với việc ký kết hàng loạt các điều ước quốc tế có nội dung về sở hữu trí tuệ, trong đó có Hiệp định CPTPP và EVFTA. Các điều ước này này đặt ra hàng loạt các tiêu chuẩn cao về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn.
"Việc sửa đổi các quy định pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ sẽ góp phần hoàn thiện thêm một bước hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam, góp phần đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, là động lực của kinh tế tri thức, của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế- văn hóa -xã hội của đất nước" - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, mục tiêu của việc sửa đổi Luật sở hữu trí tuệ là nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.
Ngày 10/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và và các Bộ, ngành có liên quan liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đến nay, Dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật và Dự thảo số 2 của dự án Luật đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Khoa học và Công nghệ để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Để hoạt động lấy ý kiến về dự thảo Luật thêm hiệu quả và nhanh chóng, bên cạnh việc lấy ý kiến dưới hình thức văn bản, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang tổ chức một số hội thảo, tọa đàm để trực tiếp trao đổi và ghi nhận ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Bên cạnh đó, trong khuôn khổ hoạt động hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các hoạt động hợp tác song phương với nhiều đối tác lớn, trong đó có Vương quốc Anh, để hỗ trợ thi hành cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ.
Kon Tum ghi nhận 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên Ngày 20/7, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Kon Tum - tỉnh duy nhất sạch dịch Covid-19 ở Tây Nguyên - thông tin, vừa ghi nhận 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên trên địa bàn. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Kon Tum vừa ghi nhận 2 trường dương tính với SARS-CoV-2 và một ca...