Cấp cứu thành công bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp
Ngày 2/6, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu thành công nữ bệnh nhân 65 tuổi bị đột quỵ nhồi máu não cấp.
Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân vận động sau khi cấp cứu thành công. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Bà N.M.H. (65 tuổi, ngụ quân 12, TP.HCM) đột ngột có biểu hiện méo miệng, nói khó vào trưa ngày 31/5. Bà được gia đình nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Quận 12 cấp cứu.
Lúc này, bà H. xuất hiện thêm triệu chứng yếu nửa người bên trái, tiếp xúc chậm, các bác sĩ nhanh chóng sơ cứu và kích hoạt liên viện để chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Quân y 175 (Gò Vấp).
Tại Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ kích hoạt báo động khẩn cấp Code stroke (báo động đột quỵ) và tiến hành hội chẩn ngay tại giường bệnh.
Đại úy – bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Khoa nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, bệnh nhân được xác định bị nhồi máu não cấp, và tiến hành tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch (dùng thuốc ly giải cục huyết khối để tái thông mạch máu).
“Tuy nhiên, sau khi khảo sát mạch máu phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa phía bên phải đoạn gốc. Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển vào cathlab lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học”, bác sĩ Nghĩa cho biết.
Sau 12h, bệnh nhân đã dần hồi phục hoàn toàn, hết liệt nửa người, nói chuyện được và tiếp tục được theo dõi.
Theo bác sĩ Nghĩa, kết quả của quá trình cấp cứu bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não cấp thành công là bởi sự hợp tác liên viện và quy trình khép kín cấp cứu đột quỵ cấp, bệnh nhân được cấp cứu trong thời gian vàng của điều trị đột quỵ não cấp.
Video đang HOT
“Các dấu hiệu của đột quỵ cấp đột ngột là bị méo miệng, nói khó, bị yếu nửa người, mất thăng bằng, nhìn mờ. Nếu gặp các dấu hiện trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào bệnh viện gần nhất có khả năng điều trị đột quỵ não cấp.
Không thực hiện cạo gió, bấm huyệt, tận dụng thời gian nhanh nhất để cứu sống bệnh nhân và tránh những di chứng đáng tiếc xảy ra cho người bệnh”, bác sĩ Nghĩa khuyến cáo.
Xử trí các tai biến do thời tiết nắng nóng
Trong thời tiết nắng nóng, chúng ta có thể gặp phải một số tai biến như phù, phát ban, ngất xỉu, kiệt sức, đột quỵ... Do vậy, cần nhận biết để phòng ngừa và xử trí.
Thời tiết nắng nóng có thể gây kiệt sức và đột quỵ do nhiệt - SHUTTERSTOCK
"Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng từ 20 - 30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt. Tuy nhiên, đến ngưỡng nhiệt độ lạnh quá hay nóng quá, cơ thể không thể điều chỉnh kịp sẽ dẫn đến các tai biến do nhiệt độ", bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết.
Sau đây là các tai biến thường gặp và cách xử trí.
Phát ban
Biểu hiện: Rất nhiều nốt nhỏ nổi trên mặt da, màu đỏ, gây cảm giác như kim châm hay ngứa.
Xử trí: Sau một thời gian, các triệu chứng này sẽ phục hồi, không cần điều trị đặc hiệu. Nếu bị ngứa nhiều, có thể dùng các loại thuốc chống dị ứng thông thường. Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.
Chuột rút
Biểu hiện: Đau ở các cơ của thành bụng, đặc biệt ở bắp đùi, cẳng chân. Khi hoạt động nặng, các cơ phải làm việc liên tục đi kèm có thể bị mất nước và muối qua mồ hôi quá nhiều, dẫn đến tình trạng co thắt cơ. Vấn đề này thường xuất hiện ở những người lao động nặng, những vận động viên phải tập luyện cường độ cao.
Xử trí: Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, nghỉ ngơi, di chuyển đến nơi thoáng mát, bù nước có muối khoáng (nước lọc không thể bù đắp tình trạng mất muối và nước của cơ thể). Sau khi nghỉ ngơi, bù nước thì các triệu chứng sẽ dần khỏi.
Phù do nhiệt
Biểu hiện: Phù ở phần thấp cơ thể như ở mắt cá, bàn chân; do mạch máu giãn ra để thải nhiệt, gây phù. Xuất hiện khi cơ thể hoạt động trong thời tiết nắng nóng nhiều hơn so với thường ngày, hoặc ở trong phòng máy lạnh lâu và đột ngột di chuyển ra nắng nóng.
Xử trí: Sau khi cơ thể thích nghi trong thời gian vài giờ hay vài ngày thì triệu chứng sẽ mất đi. Nếu triệu chứng không mất đi, có thể kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường; ở mức độ này không cần dùng thuốc điều trị.
Ngất xỉu, kiệt sức
Biểu hiện: Ngất xỉu do nhiệt xảy ra khi cơ thể mất muối và nước quá nhiều. Khi đó, khối lượng nước trong lòng mạch máu sụt giảm, tụt huyết áp, đặc biệt ở tư thế đứng làm giảm lưu lượng máu đi lên não gây ngất xỉu. Ngất xỉu do nhiệt có thể đi kèm các triệu chứng: nước tiểu sẫm màu, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy...
Tình trạng mất muối và nước kéo dài sẽ dẫn đến kiệt sức. Bệnh nhân tiết mồ hôi rất nhiều, có cảm giác ớn lạnh, da lạnh và ẩm ướt, mạch nhanh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn ói, chuột rút, mệt mỏi, ngất xỉu...
Xử trí: Người bị ngất xỉu, kiệt sức cần được sơ cấp cứu bằng cách: nằm đầu thấp, nghỉ ngơi ở nơi không khí thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng.
Ngoài ra, với người kiệt sức do nhiệt, có thể dùng các loại khăn lạnh chườm vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... để hấp thu nhiệt nhanh, giúp cơ thể thải nhiệt nhanh hơn. Cố gắng cho người bị nạn uống càng nhiều nước càng tốt.
Theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện, nếu triệu chứng không được cải thiện (đau đầu, nôn ói, chóng mặt nhiều hơn...) thì nên đưa đến bệnh viện.
Đột quỵ
Biểu hiện: Khác với kiệt sức, đột quỵ do nhiệt làm cho hệ thống điều hòa thân nhiệt bị hư hại khiến bệnh nhân không thể tiếp tục tiết mồ hôi nên da bị nóng và khô. Tăng thân nhiệt kéo dài sẽ gây tổn thương cho hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận và đặc biệt là hệ thần kinh với các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật và thậm chí hôn mê.
"Đột quỵ do nhiệt có nguyên nhân là mất muối và nước kéo dài đi kèm với hoạt động quá tải của trung tâm điều hòa thân nhiệt. Đây là tai biến do nhiệt nặng nhất, xảy ra khi thân nhiệt lên tới hơn 40 độ C", bác sĩ Hậu nói và cho biết, đột quỵ do nhiệt có tỷ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim hay đột quỵ do não.
Xử trí: Cho người bị nạn nằm đầu thấp; di chuyển ra khỏi vùng có nhiệt độ cao; làm giảm nhiệt cho nạn nhân như dùng quạt hay ngâm người bị nạn trong nước mát vài phút; dùng khăn sũng nước lạnh hay nước đá đắp vào các vùng trên cơ thể có nhiều mạch máu như trán, lưng, nách, bẹn... Đồng thời, gọi điện thoại cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay.
Để phòng các tai biến do nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Viết Hậu tư vấn:
Mặc quần áo dài tay, thoáng mát, đôi nón rộng vành khi ra ngoài trời.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt trong thời gian từ 10 - 16 giờ.
Chủ động uống nước. Nên uống các loại nước có muối khoáng như các dung dịch nước điện giải, nước chanh có pha muối, đường...
Căn bệnh nguy hiểm mùa nắng nóng: 3 dấu hiệu cần nhớ Theo các bác sĩ thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi dẫn đến đột quỵ, đặc biệt là các đối tượng có tiền sử bị tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao. Ông N.V.N., 67 tuổi, Phú Thọ, được người thân đưa vào viện trong tình trạng yếu nửa người phải, thất ngôn, đi lại khó. Người nhà BN...