Cấp cứu kịp thời bé sơ sinh bị dây rốn bám màng vô cùng hiếm gặp
- Ngày 9/7, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ cho biết, vừa phẫu thuật cấp cứu kịp thời bé sơ sinh suy thai cấp trong chuyển dạ do dây rốn bám màng. Có thể nói, đây là trường hợp đặc biệt hiếm gặp trong thai kỳ, với tỷ lệ 1,7/10.000 ca sinh, rất nguy hiểm.
Bé sơ sinh bị dây rốn bám màng đã chào đời an toàn – Ảnh: BV.
Bị chuyển dạ có ối vỡ sớm, sản phụ N.T.N.Đ (19 tuổi, ngụ tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây, chị Đ. được theo dõi tim thai liên tục trong chuyển dạ bằng Monitoring sản khoa. Qua đó, các hộ sinh và bác sĩ phát hiện tim thai giảm đột ngột nên đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tim thai nhưng không thấy có dấu hiệu hồi phục.
Nhận thấy đây là trường hợp đặc biệt nên các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn viện và kích hoạt quy trình báo động đỏ, mổ lấy thai cấp cứu với chẩn đoán con so, thai 38 tuần, ngôi đầu, chuyển dạ, suy thai cấp.
Ca cấp cứu được phối hợp bởi 3 ekip: Sản khoa, sơ sinh và gây mê hồi sức. Quá trình thực hiện, ekip kiểm tra phát hiện đây là một trường hợp dây rốn bám màng, là một trường hợp đặc biệt hiếm gặp và rất nguy hiểm. Ngay sau đó, Chị Đ. được gây mê nội khí quản mổ lấy thai nhanh chóng trong vòng 5 phút. Kết quả, một bé trai có cân nặng 2660 gram đã chào đời an toàn.
Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thanh Liêm – Trưởng khoa Sanh cho biết, đây là một trường hợp đặc biệt hiếm gặp trong thai kỳ. Với tỉ lệ tử vong chu sinh chiếm 75 – 100%, nếu không được chẩn đoán sớm trước khi chuyển dạ, hoặc thời điểm sản phụ vào chuyển dạ, mà không được phát hiện can thiệp kịp thời thai nhi có thể bị nguy hiểm tính mạng chỉ trong vài phút.
Bên cạnh đó, việc phát hiện dây rốn bám màng rất khó khăn và phải dựa vào siêu âm từ tuần lễ 18 – 20 của thai kỳ ở những trung tâm sản khoa có uy tín, khi thai lớn từ 3 tháng cuối thai kỳ do thai to sẽ không thể khảo sát được. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo, các sản phụ nên theo dõi cử động thai mỗi ngày, đặc biệt trong những tuần cuối thai kỳ, đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để đánh giá sức khỏe thai nếu phát hiện cử động thai ít hoặc yếu. Vì vậy, việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ đúng hẹn là điều quan trọng cần thực hiện đối với các thai phụ, đặc biệt là những trường hợp gần đến ngày dự sinh.
KIM HÀ
Theo Tiền phong
Sau 3 lần chưa kịp làm mẹ đã mất con vì căn bệnh hở eo tử cung quái ác, người mẹ 39 tuổi lần đầu nhận quả ngọt
Căn bệnh quái ác tước đoạt niềm vui làm mẹ của chị không chỉ 1 mà đến 3 lần. Vượt qua nỗi đau mất con kéo dài gần 10 năm, bằng sự kiên trì và sự hỗ trợ của các y bác sĩ, người phụ nữ cuối cùng cũng có quả ngọt.
Đó là câu chuyện của chị Hoàng Oanh (39 tuổi) mà mỗi khi nhắc đến, người phụ nữ không khỏi xúc động. Ôm con gái đầu lòng 11 tháng tuổi, nặng 8kg khỏe mạnh kháu khỉnh vào lòng, hai vợ chồng chị Oanh lại thầm cảm ơn ông trời đã không quay lưng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ.
Video đang HOT
Vợ chồng chị Oanh cùng bé "Ngọc Trinh" sau gần 1 năm bé chào đời.
3 lần chưa kịp làm mẹ đã mất con
9 năm trước, Hoàng Oanh (38 tuổi) kết hôn và cùng chồng sống tại một căn nhà trọ ở thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương).
Một năm sau, chị mang thai đứa con đầu lòng. Nhưng khi thai vừa qua 26 tuần 5 ngày tuổi bị mất đi mà không rõ nguyên nhân.
Người phụ nữ đã từng suy sụp tinh thần rất nhiều sau những lần sẩy thai.
Lần mang thai lần hai, tim chị Oanh như có vết dao cứa vào khi bàng hoàng phát hiện em bé không có tim thai, buộc lòng phải bỏ.
Đến lần thứ 3 tìm kiếm cơ hội làm mẹ, một bệnh viện (BV) tại Bình Dương thăm khám và chẩn đoán chị Oanh bị hở eo tử cung. Chuyển lên tuyến trên điều trị được một thời gian, các bác sĩ lại một lần nữa thông báo thai nhi trong bụng đã mất. Giọt máu của hai vợ chồng lại ra đi đúng ở tuần thứ 26.
Lần mang thứ tư, chị Oanh rất lo lắng bởi tuổi đã cao, nếu không sinh nở được cánh cửa có con gần như cũng đóng sập lại.
Lần mang thai thứ tư, người phụ nữ đã gần 40 tuổi.
Lo sợ bi kịch sẽ lại tái hiện, hai vợ chồng chị Oanh cuống cuồng tìm mọi con đường cứu con.
"Lúc đến bệnh viện chị Oanh rất lo lắng, trong khi thai lại còn rất nhỏ. Quá trình thăm khám phát hiện chị có tử cung đôi, hai sừng. Hình ảnh siêu âm cho thấy cổ tử cung thai phụ ngắn hơn 25cm.
Khai thác bệnh sử trước đó và biết thai phụ từng nhiều lần sảy thai, chúng tôi nghi ngờ chị Oanh bị hở eo tử cung nên có chỉ định khâu tử cung để tìm cách giữ thai.
Tình trạng hở eo tử cung gặp nhiều thường do những bất thường về tử cung như tử cung đôi, tử cung hai sừng, tử cung bị tổn thương vì nong cổ tử cung để nạo thai ở các lần có thai trước, do phẫu thuật khoét chóp hay cắt đoạn cổ tử cung...
Một lý do khác gây tình trạng này là việc là thai phụ vận động nhiều, có gò tử cung nhưng không phát hiện ra" - bác sĩ tiếp nhận chia sẻ.
Quả ngọt đầu đời ra muộn của bà mẹ.
Khi thai được 25 tuần tuổi cổ tử cung thai phụ có dấu hiệu mở và lên cơn gò. Thậm chí có lúc chỉ khâu tưởng đã bung ra. Lúc này, chỉ có sức sống mãnh liệt của đứa bé trong bụng mới giúp chị Oanh vượt qua khoảnh khắc bị tử thần cướp mất con.
Thai 30 tuần tuổi, chỉ khâu không còn giữ được tử cung. Xác định đứa trẻ đã đủ sức chào đời, các bác sĩ khoa Sản tiến hành hỗ trợ thai phụ Oanh vượt cạn. Bé gái nặng 1.430 gram chào đời an toàn trong sự thở phào của ekip điều trị.
Thai chào đời đã khó, giữ con sinh non lại càng khó
Tiến sỹ, Bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Nhi Sơ sinh & Hồi sức Sơ sinh, Bệnh viện Hạnh Phúc chia sẻ, đây là trường hợp người mẹ đã 3 lần mất con nên việc sinh được bé có nhiều yếu tố nguy cơ.
Bản thân người mẹ bị rối loạn dung nạp đường nên trẻ dễ dẫn đến suy hô hấp, không phát triển được như trẻ bình thường. Bé gái lại sinh non nên phổi sẽ bị xẹp ngay khi chào đời.
Bé sinh non thiếu tháng được chăm sóc trong phòng đặc biệt.
"Trẻ sinh non dễ bị hạ thân nhiệt nhanh và mất nước. Nếu không được xử trí ngay trẻ dễ bị hạ đường huyết, xuất huyết não, suy hô hấp, nhiễm trùng sau sinh. Dù sau đó có cứu được thì bé cũng không như những trẻ bình thường vì tế bào não phát triển rất chậm.
Trẻ cũng dễ bị các bệnh lý võng mạc (mù lòa) và các vấn đề ở phổi do thiếu oxy lúc sinh. Một trong những cách điều trị hiệu quả là phác đồ Giờ vàng, nói nôm na là các xử trí chuẩn được thực hiện sớm trong giờ đầu sau sinh" - bác sĩ phân tích.
Hai vợ chồng chị Oanh những ngày đầu con gái chào đời.
Bé được thở CPAP ngay từ phòng sanh và giữ trong suốt thời gian chuyển sang đơn vị chăm sóc đặc biệt nhằm giữ cho phổi luôn nở. Nhờ vậy, những tổn thương được hạn chế một cách tối đa.
Bé sinh ra có kèm bệnh tim bẩm sinh, vẫn còn ống động mạch kích thước quá lớn (3-4mm) không tự teo như bình thường. Máu lên phổi nhiều sẽ tăng tình trạng suy hô hấp nên ekip điều trị phải dùng thuốc đóng ống động mạch vào ngày thứ 3 sau sinh.
Bác sĩ Cam Ngọc Phượng chia sẻ về vấn đề chăm sóc trẻ sơ sinh.
Sau thời gian nuôi dưỡng sau sinh, sức khỏe của bé dần ổn định.
Đến nay, con gái của chị Hoàng Oanh đã phát triển như bạn bè cùng trang lứa,. Chị chia sẻ vài bữa nữa bé Ngọc Trinh sẽ được làm tiệc thôi nôi.
Hai vợ chồng gửi lời cảm ơn chân thành đến các bác sĩ, đồng thời cho biết rất muốn sinh thêm một bé nữa cho vui nhà vui cửa nhưng lo sợ sẽ gặp nhiều vấn đề như trước.
Theo afamily
Bé gái bị bỏ rơi tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch vừa được xuất viện Ngày 25/6, Trung tâm Sản Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất mọi thủ tục và bàn giao cháu Ngô Diệp Chi cho Trung tâm bảo trợ trẻ em mồ côi và tàn tật thành phố Việt Trì theo đúng quy định. Bị mẹ bỏ rơi khi con nguy kịch Trước đó, vào ngày 8/5, Trung tâm Sản...