Cặp bài trùng khét tiếng trong đường dây ma túy “khủng”
Nguyễn Thanh Tuân kết hợp với nữ quái Đặng Minh Châu thành lập đế chế buôn bán ma túy khét tiếng với nhiều đường dây buôn bán lên đến hàng nghìn bánh heroin.
Cặp bài trùng Nguyễn Thanh Tuân và Đặng Minh Châu. Ảnh: TL
Sinh năm 1983, Nguyễn Thanh Tuân (ở Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội) sớm vươn lên thành một ông trùm trong giới buôn bán ma túy. Tuân kết hợp với nữ quái Đặng Minh Châu thành lập đế chế buôn bán ma túy khét tiếng với nhiều đường dây buôn bán lên đến hàng nghìn bánh heroin.
Chân dung ông trùm
Nguyễn Thanh Tuân sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Yên Trung. Cuộc sống của bố mẹ Tuân và những người dân ở đây nghèo nhưng thanh bình. Lớn lên một chút, sớm bỏ học, Nguyễn Thanh Tuân không chịu sống cuộc sống tảo tần với công việc đồng áng. Lợi dụng là vùng xa xôi, giáp ranh với tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Thanh Tuân chọn bước khởi nghiệp bằng con đường ma túy.
Từ những vụ buôn bán ma túy nhỏ lẻ ban đầu, với bản chất ranh ma, liều lĩnh, Nguyễn Thanh Tuân dần vươn lên là ông trùm trong giới buôn bán ma túy với các phi vụ đầy manh động. Khi vươn lên tầm ông trùm, Nguyễn Thanh Tuân chọn bản Lũng Xá (Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La) làm cứ địa. Lũng Xá cũng chính là đất phát tích các phi vụ ma túy “khủng” của Tàng Keangnam.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó Trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47) cho biết, cơ quan điều tra đã làm rõ Nguyễn Thanh Tuân chính là kẻ chủ mưu, cầm đầu của hai chuyên án ma túy lớn của C47. Đó là: Chuyên án 819K về việc Trần Đức Duy cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, không tố giác tội phạm; chuyên án 415T về việc Nguyễn Quốc Hùng cùng đồng phạm mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và không tố giác tội phạm. Số lượng ma túy của hai chuyên án trên lên đến vài ngàn bánh heroin.
Theo đó, sáng 6/1/2015, tổ công tác của Cục C47 phối hợp với lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại Dốc Má (Cao Phong, Hòa Bình) đã bắt quả tang Trần Đức Duy (SN 1986, trú tại Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang vận chuyển trái phép chất ma túy bằng xe ô tô, thu giữ tại chỗ 94 bánh heroin. Lực lượng điều tra đã làm rõ, trước đó Nguyễn Thanh Tuân điện thoại cho ba đối tượng là Kiên, Hùng và Duy lên Mộc Châu (Sơn La) nhận số heroin trên và giao cho Phạm Văn Mạnh (ở Cao Bằng) với giá 210 triệu đồng/bánh.
Hàng trăm bánh heroin đã được các đối tượng buôn ma túy giấu vào đáy bình gas.
Một vụ khác, vào tháng 11/2014, Nguyễn Thanh Tuân chỉ đạo các đối tượng Hùng, Kiên, Duy, Nam lên Sơn La nhận 362 bánh heroin và 2 khẩu súng ngắn mang về nhà sàn của Hùng cất giấu. Duy một mình chạy ô tô lên gặp một người dân tộc Mông tên là Nhồng nhận 3 bao tải dứa chứa 362 bánh heroin, trị giá gần 80 tỉ đồng. Số hàng này được Tuân chỉ đạo bán cho nhiều khách hàng ở Hà Nội, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn và bán cho các đối tượng người Trung Quốc.
Tháng 7/2015, C47 tiếp tục khám phá một đường dây buôn bán vận chuyển ma túy lớn khác. Cầm đầu đường dây này vẫn là Nguyễn Thanh Tuân. Theo đó, Nguyễn Quốc Hùng (SN 1983, trú tại xã Điệp Nông, Hưng Hà, Thái Bình) do làm ăn thua lỗ nên đã nhờ bạn bè bắt mối với Tuân. Sau nhiều lần lên Sơn La gặp ông trùm Tuân, Hùng được tin tưởng và giao cho việc vận chuyển ma túy. Ngày 21/7/2015, Hùng nhận ma túy do đàn em của Tuân chở đến tại Vân Lũng (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) và mang về nhà cất giấu.
Video đang HOT
Ngày 23/7/2015, Hùng được lệnh của Tuân mang heroin lên khu vực cầu Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) để giao hàng. Khi hai bên chuẩn bị giao nhận thì bị các đơn vị chức năng kiểm tra, bắt giữ cùng tang vật 170 bánh heroin giấu trong bình gas công nghiệp.
Hiện tại, Nguyễn Thanh Tuân đang bị 3 lệnh truy nã về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Đó là lệnh truy nã đặc biệt số 95 ngày 24/9/2012 của Công an tỉnh Quảng Ninh, lệnh truy nã số 09 ngày 24/5/2015 và lệnh truy nã đặc biệt số 17 ngày 16/11/2015 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an). Đến nay, đối tượng này vẫn ranh mãnh lẩn trốn sự bủa vây của cơ quan bảo vệ pháp luật.
Vợ của Tuân là Vũ Thị Thanh Hiền (SN 1982, thường trú tại An Đồng, An Dương, Hải Phòng) đã bị cơ quan công an bắt từ năm 2013, cũng trong một chuyên án ma túy với số lượng lên đến hơn 500 bánh heroin.
Cặp bài trùng với nữ quái xứ Lạng
Đối tượng Nguyễn Quốc Hùng và tang vật trong chuyên án 415T.
Nữ quái Đặng Minh Châu (SN 1973, trú tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là cái tên đầy “ấn tượng” trong giới buôn bán cái chết trắng. Sự kết hợp giữa bà chị Đặng Minh Châu và chú em Nguyễn Thanh Tuân đã tạo nên các đường dây buôn bán ma túy “khủng”, khét tiếng, xuyên biên giới. Châu chọn nơi náu thân ở đất Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) để thực hiện hành vi phạm tội.
Nữ quái Đặng Minh Châu vốn khởi nghiệp từ việc buôn bán hàng qua biên giới. Từ những chuyến ra vào biên giới, Châu nhận ra rằng, buôn bán lặt vặt mãi không giàu được nên quyết định rẽ vào đường… chết là buôn bán ma túy. Giàu nhanh, nếu bị bắt thì chết, với suy nghĩ manh động, liều mạng ấy, nữ quái này lao vào các phi vụ buôn bán cái chết trắng qua biên giới với số lượng “khủng”. Với tên giả là Hương và Liên “toác”, tại đất Trung Quốc, Châu thiết lập đường dây mua bán trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc tiêu thụ. Đánh hơi được tiềm năng của Nguyễn Thanh Tuân, Châu nhanh chóng kết nối với Tuân.
Đơn cử như trong chuyên án 415T, Tuân và Châu thỏa thuận là Tuân sẽ bán heroin cho Châu với giá 192 triệu đồng/bánh và giao nhận tại Hà Nội. Để chuẩn bị cho việc mua bán ma túy này, Tuân đưa 50 triệu đồng cho Nguyễn Quốc Hùng đi mua vỏ bình gas công nghiệp (loại vỏ bình gas lớn) và bảo Hùng thuê người cắt đáy bình, sau đó gia công, tạo ren các bình gas này. Đồng thời, Tuân bảo Hùng thuê nhà ở khu vực An Khánh (Hoài Đức) để tập kết, cất giấu ma túy. Tuy nhiên, khi hai bên đang giao hàng tại khu vực cầu Phù Đổng thì bị lực lượng công an bắt quả tang.
Kết quả điều tra của cơ quan công an kết luận, Đặng Minh Châu phạm tội mua bán trái phép 862 bánh heroin. Tuy vậy, Châu vẫn “ung dung” sống tại Quảng Tây mà bỏ mặc những kẻ làm thuê cho mình sa vào vòng lao lý. Mãi đến cuối năm 2015, lực lượng điều tra nước bạn đã bắt được Đặng Minh Châu và chuyển giao cho Công an Việt Nam xử lý.
Tại cơ quan công an, lúc đầu Châu rất tự tin vì nghĩ rằng mình điều hành đường dây buôn bán ma túy qua điện thoại, lại bằng tên giả thì rất khó để buộc tội. Ngay cả những đối tượng chính của vụ án khi bị bắt giữ cũng khai rằng chỉ biết chở thuê cho chị Liên “toác” chứ không hề biết đối tượng Châu nào cả. Nhưng trước các chứng cứ không thể chối cãi, cuối cùng nữ quái Đặng Minh Châu đã phải cúi đầu nhận tội.
Ông trùm Nguyễn Thanh Tuân luôn có đội vệ sỹ với vũ khí “ nóng” kè kè bảo vệ. Nhóm đối tượng này sẵn sàng nhả đạn nếu “có biến” bởi chúng hiểu rằng, một khi đã sa lưới pháp luật thì chúng không có con đường sống vì đã nhúng chàm quá sâu. Lực lượng công an đã từng tổ chức bắt giữ nhóm đối tượng này nhiều lần nhưng chưa thành công.
Tuân ma lanh ở chỗ, hắn hầu như chỉ giao dịch, điều hành qua điện thoại, ít khi lộ mặt. Vì vậy, khi một đường dây buôn bán ma túy vừa bị bóc gỡ, Tuân lập tức thành lập đường dây khác và danh tính vẫn là một ẩn số đối với nhiều kẻ trong các đường dây này.
Theo H.Châu – V.Tùng (Báo Gia đình & Xã hội)
Hai nông dân bị truy tố tội... nhận hối lộ!
Hai nông dân làm hồ sơ giúp bà con vay tiền, được trả chút đỉnh thù lao nhưng lại bị khởi tố và xử đến tám năm tù về tội... nhận hối lộ.
Với kiểu đình chỉ né bồi thường oan, ông Nguyễn Thành Nam (trái) và ông Nguyễn Thanh Tuấn sẽ không được xin lỗi, bồi thường. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Ngày 9-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với hai ông Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn. Quyết định đình chỉ căn cứ vào khoản 1 Điều 25 BLHS (do chuyển biến tình hình).
Trước đó, ông Nam và ông Tuấn bị khởi tố, truy tố về tội nhận hối lộ và bị TAND huyện Hàm Thuận Nam xử phạt lần lượt bảy và tám năm tù.
Hai nông dân bị quy kết nhận hối lộ
Theo hồ sơ, ông Nam là thôn trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần, Hàm Thuận Nam. Tháng 4-2011, ông Nam được Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm tổ trưởng và ông Tuấn làm tổ phó tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý.
Nhiệm vụ của hai người là nhận giấy đề nghị vay vốn của người nghèo; tổ chức họp để bình xét cho vay; lập danh sách các gia đình cần vay rồi lập hồ sơ gửi cho ban giảm nghèo cấp xã. Sau đó, họ trình hồ sơ cho UBND xã xác nhận rồi chuyển lên Ngân hàng CSXH huyện Hàm Thuận Nam làm thủ tục vay, ký nhận tiền mang về cho các hộ dân nghèo. (Đường từ thôn Lò To đến Ngân hàng CSXH huyện gần 30 km, đi lại vất vả.)
Ngoài ra, hai người này còn có nhiệm vụ giám sát, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn và xác minh đề nghị gia hạn nợ cho những gia đình khó khăn. Đa số hộ nghèo vay vốn đều không rành viết đơn nên họ giao hết cho ông Tuấn viết giúp, họ chỉ ký tên.
Ông Nam thấy ông Tuấn thường xuyên bỏ bê việc đồng áng gia đình để lo làm thủ tục cho các hộ dân. Vì vậy, trong một cuộc họp hướng dẫn cho các hộ nghèo vay vốn, ông Nam đề nghị bà con nên phụ tiền xăng xe, tiền card điện thoại cho ông Tuấn đi lại, liên hệ để vay giúp tiền cho bà con và mọi người đều đồng ý.
Thế nhưng ngày 20-3-2015, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã bất ngờ khởi tố và bắt giam hai nông dân này về tội nhận hối lộ! Cả hai bị tạm giam gần hai tháng thì được cho tại ngoại.
Xử nặng chả kém quan chức tham nhũng
Theo cáo trạng của VKSND huyện Hàm Thuận Nam, trong hai năm 2013-2014, lợi dụng nhiệm vụ được giao, ông Tuấn đã ép buộc những hộ dân cần vay từ 10 triệu đến 30 triệu đồng phải bồi dưỡng từ 200.000 đồng đến 2 triệu đồng. Ông Tuấn đã nhận hối lộ của 12 hộ dân tổng cộng 13,6 triệu đồng.
Với ông Nam, VKS cho rằng mặc dù không trực tiếp đòi tiền hối lộ nhưng với chức năng, quyền hạn của tổ trưởng tổ vay vốn, khi triệu tập các hộ dân đến họp bình xét cho vay vốn đã gợi ý các hộ dân phải "bồi dưỡng" cho ông Tuấn. Cạnh đó, ông Tuấn còn chia cho ông Nam hơn 1 triệu đồng từ việc nhận tiền "bồi dưỡng" nên ông Nam phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nhận hối lộ.
Ngày 6-8-2015, TAND huyện Hàm Thuận Nam xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Tuấn tám năm tù, bị cáo Nam bảy năm tù, mặc dù những người dân được triệu tập tới tòa đều khẳng định họ chỉ phụ tiền công cho ông Tuấn đi vay giúp chứ không hề đưa hối lộ. Cả hai kháng cáo kêu oan.
Theo ông Tuấn, gia đình ông làm nông, mỗi đợt xét duyệt cho vài hộ dân vay ông đã phải bỏ hết việc nhà và mất hơn một tuần lễ để viết giúp đơn, rồi đi nhiều nơi để ký xác nhận. Sau đó, ông phải vượt hàng chục cây số đi làm thủ tục rồi nhận tiền về giao không sót một đồng cho từng hộ dân được vay. Hơn hai năm trời ông bỏ công sức ra giúp cho nhiều người. thấy ông vất vả, họ bồi dưỡng chứ ông không hề ép buộc hay gợi ý ai.
Trong khi đó, ông Nam cho biết ông không hề nhận tiền của một hộ dân nào. Số tiền mà cáo trạng quy kết ông nhận hơn 1 triệu đồng là tiền túi của ông tạm ứng ra cho ông Tuấn mua bốn con gà mang lên Ngân hàng CSXH huyện để làm cơm trưa đãi các nhân viên ngân hàng để họ tạo điều kiện giải ngân cho những hộ nghèo sớm có tiền vay. Sau đó, khi nhận tiền bồi dưỡng của những hộ dân cho, ông Tuấn đã trả lại cho ông số tiền trên.
Dân nói tự nguyện trả thù lao
Ngày 23-12-2015, TAND tỉnh Bình Thuận mở phiên tòa phúc thẩm. Tại phiên xử, cả hai bị cáo tiếp tục kêu oan. Đặc biệt, những hộ dân vay tiền khai số tiền mà họ đưa chỉ với mục đích để ông Tuấn có chi phí đi lại giúp họ vay tiền. Cạnh đó họ cũng khai đơn tố cáo là do điều tra viên đọc cho họ viết, có trường hợp đưa mẫu cho họ viết chứ họ không hề có ý định tố cáo.
Bào chữa, luật sư Trần Văn Đạt (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) cho rằng hành vi của bị cáo Tuấn không cấu thành tội nhận hối lộ. Bởi những hộ dân có nhu cầu vay vốn, có ý nhờ ông Tuấn làm giúp và hoàn tất các thủ tục vay nên được trả công và tiền xăng xe. Đây là quan hệ dân sự và việc bị cáo bỏ công, chi phí đi lại là có thực. Hơn nữa, bị cáo là người không có chức vụ, quyền hạn gì trong việc cho vay hay không cho vay tiền nên không thể kết án bị cáo tội nhận hối lộ được. Đối với bị cáo Nam, trong cuộc họp chỉ phát biểu "Bà con phụ tiền cho Tuấn đi làm giùm" không có nghĩa là Nam đồng phạm với Tuấn nhận hối lộ.
Cuối cùng, TAND tỉnh Bình Thuận nhận định việc các lá đơn tố cáo giống nhau, một nét chữ cần phải làm rõ ý chí của các hộ dân là họ tự trình bày ý kiến của mình hay do bị áp đặt hoặc ý chí của ai khác. Ông Tuấn bỏ công sức, thời gian, chi phí giúp các hộ dân vay tiền là có thật nhưng quá trình điều tra không làm rõ chi phí bao nhiêu, cụ thể những khoản gì so với số tiền đã nhận để tính toán số tiền bị cáo đã hưởng lợi.
Đối với bị cáo Nam, tòa cho rằng cần phải đánh giá tính đồng phạm trong câu nói trên, mục đích nói ra để làm gì, có thỏa thuận bàn bạc gì giữa hai bị cáo về số tiền yêu cầu các hộ dân bồi dưỡng hay không... Từ đó, TAND tỉnh Bình Thuận đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.
* * *
Sau khi điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Hàm Thuận Nam đã đình chỉ điều tra hai ông Tuấn và Nam theo khoản 1 Điều 25 BLHS. Theo đó, cơ quan này cho rằng: Bị can khai báo thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả do mình làm sai, trật tự trong hoạt động vay vốn trong khu vực đã được ổn định, sai phạm của bị can không còn gây nguy hiểm cho xã hội.
Với lý do đình chỉ này, xem như CQĐT không thừa nhận đã khởi tố oan hai ông Tuấn và Nam. Và do đó, hai người nông dân không được xin lỗi, bồi thường oan.
Phải làm đơn xin miễn truy cứu Quá trình điều tra lại không có thêm cơ sở gì để kết tội tôi và ông Nam nên trung tuần tháng 5-2016, điều tra viên yêu cầu tôi phải làm đơn gửi Công an và VKSND huyện Hàm Thuận Nam xin được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong đó, tôi phải cam đoan nếu được giải quyết sẽ không khiếu nại về sau. Lá đơn này đã được đưa đến cho trưởng Công an xã Hàm Cần xác nhận. Ông NGUYỄN THANH TUẤN
Theo Phương Nam (Pháp luật TPHCM)
"Ông trùm" vụ 490 bánh heroin trong bình gas còn nhởn nhơ 13 người bị bắt nhưng "ông trùm" lọt lưới, tiếp tục lập và điều hành đường dây ma túy khác. Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ lên VKSND Tối cao, đề nghị truy tố Nguyễn Quốc Hùng cùng 12 đồng phạm về các tội mua bán trái phép chất ma túy; tàng trữ...