Cấp bách chặn dịch bệnh sởi bùng phát
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và địa phương tăng cường phòng chống, ngăn ngừa bệnh sởi bùng phát trên diện rộng.
Hiện tại, ở nhiều địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội đang ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng số ca mắc sởi. Thực tế này đòi hỏi các giải pháp cấp bách và đồng bộ nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhất là trong điều kiện thời tiết mùa đông – xuân sắp tới.
Tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn.
“Tấn công” cả trẻ nhỏ và người lớn
Theo kết quả giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ( Sở Y tế Hà Nội), số ca mắc sởi đang tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn thành phố chỉ có 2 ca bệnh sởi. Từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10-2024 ghi nhận từ 4 đến 7 ca sởi mỗi tuần; nhưng đến tháng 11-2024 đã tăng lên từ 16 đến 25 ca/tuần. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc sởi của toàn thành phố là 87 trường hợp tại 23 quận, huyện; trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm phòng vắc xin sởi, trong đó có một số trường hợp mắc bệnh do lây nhiễm trong bệnh viện.
Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương trong năm nay đã tiếp nhận, điều trị cho gần 100 bệnh nhi mắc sởi, trong đó có nhiều trẻ 6-7 tháng tuổi, chưa đến tuổi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) lo ngại, sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Do đó, trẻ bị sởi nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy cấp, viêm não, viêm thanh quản, suy dinh dưỡng nặng…
Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ mắc sởi dễ trở nặng, các chuyên gia y tế đều cho rằng, trẻ em có hệ miễn dịch kém nên vi rút sởi dễ dàng nhân lên và tấn công các cơ quan. Bên cạnh đó, vi rút sởi cũng gây suy giảm 20-70% lượng kháng thể chống lại mầm bệnh khác. Do đó, trẻ mắc sởi dễ bị bội nhiễm các vi khuẩn khác như: Lao, bạch hầu, ho gà, phế cầu, tụ cầu… gây biến chứng nặng nề hơn. Trong các biến chứng thì viêm phổi nặng là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất khi mắc sởi. Ngoài ra, trẻ mắc sởi còn có thể gặp biến chứng xảy ra muộn là viêm não bán cấp gây rối loạn hành vi, tâm thần…
Không chỉ với trẻ nhỏ, bệnh sởi còn “tấn công” cả người lớn. Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã cấp cứu nam bệnh nhân 56 tuổi (ở tỉnh Hà Tĩnh) bị biến chứng nặng do mắc sởi. Trước đó, khi phát hiện các triệu chứng: Sốt, đau đầu, mệt mỏi và xung huyết vùng kết mạc mắt, bệnh nhân tự mua thuốc hạ sốt, giảm đau về uống trong 6 ngày nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng sốt cao, phát ban, tiêu chảy nhiều, bội nhiễm nhiễm trùng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán mắc sởi biến chứng suy hô hấp tiến triển nhanh ở người lớn…
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho biết, bệnh sởi ở người lớn ít khi xảy ra. Tuy nhiên, bệnh sởi có thể gặp ở người lớn có yếu tố nguy cơ như: Người chưa được tiêm vắc xin phòng sởi; người suy giảm miễn dịch sởi theo thời gian; người có bệnh nền… Tương tự như trẻ em, bệnh sởi ở người lớn chủ yếu là điều trị triệu chứng, kết hợp với các vấn đề vệ sinh và chế độ dinh dưỡng.
Không được chủ quan, lơ là
Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện quanh năm nhưng mùa đông lạnh giá và giai đoạn chuyển mùa sang xuân là thời điểm lý tưởng để vi rút sởi lây lan mạnh mẽ. Khi mắc sởi, trẻ thường có các triệu chứng như phát ban, sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mắt, nước mũi. Còn ở người lớn, triệu chứng sởi thường nhẹ hơn, không sốt cao và gây mệt mỏi như ở trẻ nhỏ. Do đó, nhiều người dễ nhầm với sốt siêu vi hoặc sốt phát ban thông thường nên vẫn đi học, đi làm hoặc di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Bên cạnh đó, tâm lý nghĩ sởi chỉ gặp ở trẻ em cũng khiến người lớn chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh. Ngoài ra, sởi còn có thời gian ủ bệnh dài, khoảng 12-21 ngày mới bắt đầu phát ban và lây bệnh khiến việc kiểm soát gặp khó khăn.
Ngoài những nơi tập trung đông người như khu vực công cộng, trường học… có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh, các chuyên gia y tế lưu ý thêm, trong số các bệnh nhi nhiễm sởi được ghi nhận tại bệnh viện thời gian qua có một số trẻ bị lây nhiễm chéo khi đang nằm điều trị nội trú. Dịch sởi năm 2014 khiến hơn 110 trẻ tử vong là bài học đắt giá về phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Vì vậy, vấn đề cần được đặc biệt quan tâm vào thời điểm này là công tác phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Cùng với đó, đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin sởi…
Cùng với việc tăng độ bao phủ vắc xin sởi trên toàn thành phố, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động giám sát những trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Cùng với đó, tổ chức điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định. Khi phát hiện trường hợp mắc sởi cần phải theo dõi chặt chẽ, cách ly và điều trị kịp thời.
Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam Trần Đắc Phu:
Video đang HOT
Người lớn chưa tiêm, chưa mắc sởi cũng cần đi tiêm phòng
Nguy cơ dịch bệnh sởi bùng phát vẫn hiện hữu vì năm nay rơi vào chu kỳ dịch sởi 5 năm/lần. Chính vì vậy, trước tình hình bệnh sởi có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo mạnh mẽ trong vấn đề phòng, chống như tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho trẻ từ 1-5 tuổi và nhân viên y tế có nguy cơ tại các cơ sở khám, chữa bệnh điều trị bệnh nhân sởi chưa được tiêm đủ mũi theo quy định để tăng hiệu quả bảo vệ cho người dân. Chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi được triển khai là rất cần thiết. Khi triển khai tốt chiến dịch tiêm vắc xin sẽ giúp khống chế được sự bùng phát của dịch sởi. Do đó, khi tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, người dân và các địa phương cần thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Y tế. Không chỉ trẻ nhỏ mà người lớn chưa tiêm vắc xin phòng sởi, chưa mắc sởi cũng cần đi tiêm phòng.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương:
Hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong bệnh viện
Để chủ động phòng, chống bệnh sởi lây lan trong các bệnh viện, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các bệnh viện nghiêm túc thực hiện việc khám sàng lọc, phân luồng, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh. Ngoài ra, các bệnh viện phải bố trí bàn khám riêng đối với trường hợp nghi ngờ mắc sởi nhằm hạn chế lây nhiễm chéo. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa truyền nhiễm hay khoa lâm sàng khác, bệnh viện phải bố trí khu vực cách ly điều trị riêng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng yêu cầu các bệnh viện bảo đảm việc cung ứng và sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân cho mọi nhân viên y tế, đồng thời thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải, đồ vải, xử lý dụng cụ và thiết bị y tế, thông khí buồng bệnh và quy trình một chiều trong kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm hạn chế tối đa lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám, chữa bệnh.
Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC Bạch Thị Chính:
Tránh tâm lý khi có dịch bệnh mới tiêm vắc xin
Trong bối cảnh số ca sởi tăng nhanh, gần 200 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc ghi nhận lượt trẻ em và người lớn đến tiêm vắc xin sởi và vắc xin có thành phần phòng sởi tăng cao. Việc người dân chủ động phòng bệnh là một dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh số ca mắc sởi gia tăng. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cần tuân thủ nguyên tắc tiêm đủ liều, đúng lịch. Mỗi người cần tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin sởi. Bởi tiêm một mũi chỉ đạt hiệu
quả phòng ngừa từ 80%-85%. Còn khi tiêm đủ 2 mũi, hiệu quả phòng bệnh mới lên tới 98%. Mặt khác, vắc xin khi tiêm vào cơ thể cũng cần vài tuần để tạo ra kháng thể. Trong thời gian kháng thể chưa tạo đủ hiệu quả bảo vệ, trẻ vẫn có thể mắc bệnh. Do đó, phụ huynh cần tránh tâm lý chủ quan chỉ khi có dịch bệnh mới đưa con em đi tiêm phòng mà cần thực hiện tiêm vắc xin đúng lịch và đầy đủ theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Cần chủ động phòng bệnh sởi
Cách đây 6 năm, Việt Nam ghi nhận đợt dịch bệnh sởi với hàng ngàn ca mắc. Những năm sau đó, số ca bệnh sởi giảm nhanh, tại Đồng Nai mỗi năm chỉ ghi nhận vài ca lẻ tẻ.
Tuy nhiên từ tháng 8-2024 đến nay, số ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tăng đột biến, trong đó có 2 ca rất nặng phải thở máy.
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Bác sĩ chuyên khoa I (BS CKI) PHAN VĂN PHÚC, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết Chiến dịch Tiêm vaccine sởi trên địa bàn tỉnh đang bước vào những ngày cuối cùng. Dự kiến đến khoảng giữa tháng 11 tới, số ca bệnh sởi sẽ được kiểm soát và giảm dần.
Số ca bệnh sởi ở mức đáng báo động
Tình hình dịch bệnh sởi đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh ra sao, thưa bác sĩ?
- Đợt dịch bệnh sởi năm 2018, cả nước có hơn 1,1 ngàn ca bệnh sởi. Tại Đồng Nai, từ đầu năm 2024 đến hết ngày 24-10 đã ghi nhận 806 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị. Như vậy, so với đợt dịch gần đây nhất, số ca mắc sởi tại Đồng Nai ở mức rất cao. Thời điểm này năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 3 ca mắc sởi. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh sởi diễn biến bất thường, phức tạp và rất đáng lo ngại.
Số ca mắc sởi trên địa bàn tỉnh tăng theo hình dựng đứng trên biểu đồ biểu thị số ca bệnh sởi theo tuần, tuần sau tăng cao hơn so với tuần trước. Thành phố Biên Hòa đang là địa phương dẫn đầu số ca mắc sởi với 270 ca. Tiếp đó là huyện Trảng Bom với 165 ca, huyện Vĩnh Cửu 98 ca. Địa phương có số ca mắc sởi thấp nhất tỉnh là Cẩm Mỹ với 6 ca.
Sởi là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan cao. Virus sởi lây lan trong không khí và làm nhiễm trùng đường hô hấp, có thể gây những biến chứng nặng và tử vong. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu nào cho bệnh sởi, do vậy tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo trẻ không mắc sởi.
Sau đợt dịch sởi năm 2018, chúng ta có những biện pháp gì để phòng bệnh sởi?
- Cuối năm 2018, Bộ Y tế đã tiến hành tiêm bổ sung vaccine sởi - rubella cho 4,2 triệu trẻ em từ 1-5 tuổi tại 57 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều phụ huynh trì hoãn việc tiêm vaccine cho con mình. Đặc biệt, từ cuối năm 2019, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công tác tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ bị ảnh hưởng rất nhiều do chúng ta thực hiện giãn cách xã hội cũng như hạn chế tiếp xúc. Năm 2023, tình trạng thiếu hụt vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng một lần nữa khiến nhiều trẻ trong độ tuổi không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vaccine, trong đó có vaccine sởi. Chính khoảng trống về vaccine đã dẫn đến có nhiều ca mắc sởi trong năm nay, thậm chí xuất hiện những "chùm ca bệnh".
Ông có thể nói rõ hơn về các "chùm ca bệnh" sởi?
- Chúng tôi thống kê từ năm 2019 đến nay có khoảng 60 ngàn trẻ từ 1-5 tuổi thiếu miễn dịch do chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine có chứa thành phần sởi. Đây là con số rất lớn. Ngoài ra, có khoảng 5% số trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ mỗi năm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; nhiều người dân từ nơi khác đến Đồng Nai không biết đến thông tin về Chương trình Tiêm chủng mở rộng nên không đưa con đi tiêm vaccine. Từ đó tạo ra "lỗ hổng" miễn dịch khá lớn trong cộng đồng.
Qua điều tra dịch tễ các ca bệnh sởi, chúng tôi nhận thấy nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm vaccine sởi đã mắc bệnh sởi. Nguyên nhân có thể do mẹ không tiêm chủng vaccine sởi hoặc vaccine có thành phần sởi lúc trẻ hoặc trước khi mang thai nên không có miễn dịch truyền cho con. Cho đến nay, chưa có khẳng định nào cho thấy có sự thay đổi về tác nhân gây bệnh sởi. Như vậy, nguyên nhân dẫn đến số ca bệnh sởi tăng cao trong năm nay là do yếu tố miễn dịch, tức là người dân chưa tiêm đủ mũi vaccine sởi, chưa có đề kháng chống lại virus sởi.
Vì thế, khi một trường hợp bị nhiễm virus sởi có thể lây nhiễm trực tiếp qua đường hô hấp đối với nhiều người khác, không chỉ trẻ em mà cả người lớn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng ghi nhận có sự lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân mắc bệnh sởi trong cơ sở y tế với những bệnh nhân khác chưa tiêm vaccine sởi, những người chưa có miễn dịch sởi trong cơ thể. Từ đó dẫn đến các chùm ca bệnh sởi trong cộng đồng, trong cơ sở y tế.
Số ca sởi sẽ giảm khi đạt miễn dịch cộng đồng
Tỉnh Đồng Nai triển khai Chiến dịch Tiêm vaccine sởi từ ngày 27-9. Vậy tại sao đến nay số ca mắc sởi chưa giảm, thưa ông?
- Trước hết là do tỷ lệ tiêm vaccine sởi chưa đồng bộ tại các địa phương và các độ tuổi. Chiến dịch Tiêm vaccine sởi lần này tại Đồng Nai đang triển khai tiêm cho trẻ từ 1-10 tuổi. Những đối tượng ngoài độ tuổi trên không thuộc Chiến dịch Tiêm chủng. Do vậy, nếu họ tiếp xúc với nguồn lây mà trong cơ thể không có kháng thể để chống lại thì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh sởi.
Thứ hai là việc đáp ứng miễn dịch cần phải có thời gian, khoảng nửa tháng sau khi kết thúc chiến dịch mới có thể có kết quả chứ không thể đạt được trong một thời gian ngắn.
Tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ trên địa bàn huyện Trảng Bom.
Vậy khi nào thì chúng ta đạt được miễn dịch cộng đồng bệnh sởi?
- Do hoạt động rà soát đối tượng, lập danh sách trẻ cần tiêm kéo dài nên đến ngày 30-10, Đồng Nai mới kết thúc Chiến dịch Tiêm vaccine sởi. Hiện nay, chúng ta đã đạt được tỷ lệ tiêm chủng như mong muốn (92% số trẻ được tiêm). Nhằm tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa trẻ đi tiêm chủng, vài ngày tới, các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm vét cho những trẻ chưa được tiêm tại 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tất cả trẻ em trong độ tuổi dù có hộ khẩu thường trú, tạm trú hay vãng lai, không đăng ký tạm trú, tạm vắng đều được tiêm miễn phí.
Chúng tôi dự kiến khoảng giữa tháng 11-2024 trở đi sẽ kiểm soát được số ca mắc sởi.
Ngành y tế rút ra kinh nghiệm gì từ Chiến dịch Tiêm vaccine sởi lần này?
- Đây là hoạt động chống dịch đặc hiệu có vaccine nên hoạt động rà soát đối tượng để tiêm vaccine rất quan trọng. Qua giám sát công tác triển khai chiến dịch, chúng tôi nhận thấy một số địa phương gặp khó khăn trong việc phối hợp, rà soát đối tượng trong độ tuổi chưa được tiêm vaccine sởi. Do đó, ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục, các khu phố, xã, phường, thị trấn để làm tốt hơn công tác thống kê, rà soát đối tượng tiêm chủng. Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để người dân chủ động đưa con đi tiêm vaccine.
Người dân có vai trò như thế nào trong việc kiểm soát các loại dịch bệnh, thưa ông?
- Dù rất chủ động và nỗ lực, song ngành y tế cũng không thể thực hiện hết tất cả hoạt động rà soát đối tượng tiêm chủng. Chúng tôi cần sự chung tay, đồng lòng, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động từ phía người dân.
Đối với dịch bệnh sởi hoặc các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác, chúng tôi khuyến cáo người dân cần chủ động đi tiêm vaccine với những bệnh đã có vaccine. Đây là biện pháp phòng bệnh đơn giản nhất, hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để chống lại các loại dịch bệnh nguy hiểm, có nguy cơ lây lan cao. Các nghiên cứu cho thấy, vaccine có khả năng cứu sống tính mạng của hàng triệu người mỗi năm trong vài thập kỷ qua.
Với những loại bệnh chưa có vaccine dự phòng, người dân cần chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa liên quan như: môi trường, tiếp xúc, thể trạng...
Như vậy, trong công tác phòng chống dịch nói chung, chính người dân là yếu tố cốt lõi để đạt được hiệu quả cao chứ không chỉ phụ thuộc vào nhân viên y tế.
Xin cảm ơn ông!
Nỗ lực kiểm soát dịch sởi trong tháng 9 TP.HCM đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm vắc-xin sởi nhằm sớm kiểm soát dịch bệnh trong tháng 9. Tổng số mũi tiêm trong chiến dịch của tuần 37 (từ ngày 9/9 - 15/9 tiêm được 30.770 mũi) đã tăng 1,8 lần so với tuần 36 (từ ngày 2/9 - 8/9 tiêm được 16.887 mũi). Tổng cộng, đến ngày 17/9,...