Cao tốc Trung Lương Mỹ Thuận sẽ có thêm hơn 2.000 tỉ đồng để hỗ trợ tiến độ
Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức họp bàn để tháo gỡ nút thắt về vốn tín dụng cho dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Theo đó, khoản hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước trị giá 2.186 tỷ đồng sẽ được thông qua và dự kiến giải ngân trong tháng 9/2019 cho dự án này.
Tại cuộc họp giữa UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận với đại diện Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các ngân hàng cung cấp tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thu xếp vốn cho dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Theo ông Tú, đây là dự án hiệu quả trong đầu tư thương mại nên các ngân hàng cần mạnh dạn cho vay. Nếu các ngân hàng thương mại thiếu vốn, NHNN sẵn sàng bù đủ vốn cho nhu cầu tín dụng của dự án này. Trong quá trình cho vay vốn tín dụng, nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngân hàng phải báo cáo ngay. NHNN sẵn sàng có phương án hỗ trợ không chỉ khi triển khai dự án mà cho đến khi dự án hoàn thành.
Khẳng định tại cuộc họp, đại diện Bộ Tài chính khẳng định đã chuẩn bị sẵn bản kế hoạch sử dụng nguồn tăng thu năm 2018 để trình Thủ tướng chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm bố trí phần vốn ngân sách Nhà nước 2.186 tỉ đồng cho dự án cao tốc này. Nếu không có gì thay đổi, phần vốn này sẽ được thông qua và giải ngân trong tháng 9/2019.
Tính đến nay, tiến độ dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận mới được 25% khối lượng thi công. Những ngày qua, Bộ GTVT và tỉnh Tiền Giang cùng đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp dự án, tư vấn giám sát… đã có nhiều “bước đi” tháo gỡ vướng mắc cho dự án.
Theo đó, Tiền Giang phê duyệt phương án tài chính tại Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 với tổng vốn đầu tư 12.668 tỷ đồng, giảm hơn 2.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu 14.678 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ 2.186 tỷ đồng, vốn BOT 10.482 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu, vốn huy động khác) 2.787 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng 7.695 tỷ đồng.
Như vậy, vốn vay thương mại chiếm tỷ lệ lớn trong dự án, việc thúc đẩy tiến độ dự án nằm ở nguồn vốn 2.186 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Tuy vậy,vướng mắc lớn nhất đối với nguồn vốn này là việc hoàn thành hồ sơ điều chỉnh dự án, quy trình, thủ tục giải ngân.
Video đang HOT
Diệu Anh (TH)
Theo Trí thức trẻ
Nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam cần những tiêu chí gì?
Hồ sơ mời sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP được Bộ GTVT đăng tải chính thức từ ngày 10/5. Tuy nhiên, khác với các dự án hạ tầng giao thông khác, 8 dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam được thực hiện đấu thầu quốc tế theo Luật Đấu thầu 2013.
Các nhà đầu tư tham gia đấu thầu quốc tế có thể lựa chọn hình thức liên danh.
Năng lực tài chính chiếm tỷ trọng 60%
Ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) cho biết, đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt 11 dự án đầu tư thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng), gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
Theo ông Huy, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP là dự án nhóm A, thuộc lĩnh vực đường bộ. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế.
Quy trình đấu thầu quốc tế trải qua 2 bước. Thứ nhất, sơ tuyển quốc tế trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt. Thứ hai, tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình.
Trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% điểm tối đa của nội dung đó.
Cụ thể, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).
Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Kinh nghiệm của nhà đầu tư liên danh thể hiện qua số dự án tương tự và bằng tổng số dự án của các thành viên trong liên danh đã thực hiện.
Về cách tính điểm đối với năng lực tài chính của nhà đầu tư, ông Huy cho biết có 3 tiêu chí để đánh giá, gồm: Giá trị tài sản ròng, giá trị vốn chủ sở hữu và khả năng thu xếp vốn vay.
Cụ thể, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư được đánh giá điểm tối đa là 30 điểm, tối thiểu 15 điểm và được chia làm 3 mức để chấm điểm. Trong đó, giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư bằng 20% tổng vốn đầu tư thì đạt điểm tối thiểu; giá trị tài sản ròng 30% tổng vốn đầu tư thì đạt điểm tối đa; giá trị tài sản ròng của nhà đầu tư nằm trong khoảng 20 - 30% tổng vốn đầu tư thì điểm đánh giá xác định theo phương pháp nội suy tuyến tính trong khoảng 15 - 30 điểm.
Tương tự, đối với việc đánh giá giá trị vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, điểm tối đa 20 điểm và tối thiểu 10 điểm. Tiêu chí vốn chủ sở hữu cũng được chia làm 3 mức để chấm điểm. Cụ thể, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết bằng 20% tổng vốn đầu tư thì đạt điểm tối thiểu; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết 30% tổng vốn đầu tư thì sẽ đạt điểm tối đa, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cam kết nằm trong khoảng 20 - 30% tổng vốn đầu tư thì điểm đánh giá sẽ được nội suy tuyến tính giữa điểm tối thiểu và tối đa.
Nhà đầu tư ngoại không "mặn mà"?
Về cơ chế thực hiện, trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Bùi Quang Thái, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư cho biết: Công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế (bao gồm công tác sơ tuyển và đấu thầu); thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư triển khai bằng nguồn vốn nhà nước và Chính phủ Việt Nam không cung cấp bảo lãnh về doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ và các bảo lãnh về trách nhiệm của Chính phủ trong công tác triển khai thực hiện các dự án.
Với cơ chế trên, đánh giá sơ bộ về khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Thái thông tin, ngay trong bước nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ đã có Tờ trình số 487/TTr-CP ngày 21/10/2017 báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ việc lựa chọn nhà đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu công khai, minh bạch.
Đồng thời, Chính phủ cũng đánh giá trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài (như: bảo lãnh doanh thu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ 3 thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng). Vì vậy, chưa thể khẳng định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành công.
Còn đối với nhà đầu tư trong nước, Vụ PPP cũng đánh giá khi các nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét;...) cũng rất hạn chế nên sẽ phải liên danh với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.
Ngoài ra, trong điều kiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.
"Từ thực tiễn cho thấy, để triển khai thành công các dự án PPP phụ thuộc rất nhiều vào thị trường như: mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách của quốc gia,... Vì vậy, để đánh giá chính xác khả năng tham gia của nhà đầu tư trong nước hay quốc tế phải qua bước sơ tuyển mới đủ cơ sở để đánh giá", ông Thái cho hay.
Phan Trang
Theo baochinhphu.vn
Đi tìm dự án có chính sách hỗ trợ tài chính tốt, bàn giao căn hộ ngay tại quận Hai Bà Trưng Quận Hai Bà Trưng hấp dẫn người mua nhà bởi vị trí trung tâm Thủ đô và hệ thống hạ tầng giao thông đã hoàn thiện. Tuy nhiên những dự án bàn giao ngay có mức giá hợp lý và chính sách tốt vẫn còn ít, chưa đáp ứng hết lượng cầu căn hộ của khách hàng thời điểm này. Bàn giao ngay...