Cao tốc Bắc – Nam: Cần tính tới phương án 10 làn xe
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có ý kiến đề xuất triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam cần giải phóng mặt bằng quy mô 8-10 làn xe để đảm bảo tầm nhìn dài hạn.
Sáng 3.11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2020.
Theo báo cáo, Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án như lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM, đi qua 32 tỉnh, thành.
Kiến nghị đề xuất cặc giải pháp tổng thể đầu tư BOT
Về quy mô đầu tư dự án, nhiều ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ theo phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 17-25m.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
“Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần phải giải phóng mặt bằng theo quy mô 8-10 làn xe để bảo đảm tầm nhìn dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai” ông Vũ Hồng Thanh nói và đề nghị Chính phủ làm rõ các vấn đề này.
Về phương án đầu tư, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần thuyết minh chi tiết hơn về căn cứ phân chia các dự án thành phần, khi có dự án chiều dài 115km, nhưng có dự án chỉ 15km hoặc 29km sẽ khó bảo đảm sự đồng bộ về tiến độ hoàn thành đưa vào khai thác.
Video đang HOT
Mặt khác, các dự án thành phần yêu cầu phải bảo đảm tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch và phù hợp với điều kiện kinh tế, kỹ thuật của dự án, nhất là nguyên tắc xác định giá sử dụng dịch vụ và phương án đặt trạm thu giá sử dụng dịch vụ.
Về hình thức đầu tư, theo tờ trình của Chính phủ, có 11 dự án thành phần được đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó, có 8 dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (hợp đồng BOT).
Nhiều đoạn tuyến năm trên cao tốc Bắc – Nam đã đưa vào khai thác. Ảnh: Lê Hiếu.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy hình thức đầu tư này còn nhiều hạn chế, bất cập.
Do vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đề xuất các giải pháp tổng thể xử lý đối với những hạn chế, bất cập đã nêu trong đáo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có phương án hợp lý khi quyết định áp dụng đầu tư hình thức hợp đồng BOT.
Làm rõ việc phân bổ gần 41.000 tỷ nhà nước hỗ trợ
Về nguồn vốn nhà nước bố trí cho dự án, Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội đã bố trí 80.000 tỷ đồng cho dự án quan trọng quốc gia (trong đó bố trí cho dự án chống ngập TP.HCM 10.000 tỷ đồng).
Chính phủ chỉ đề nghị bố trí 55.000 tỷ đồng cho đự án này và 15.000 tỷ đồng còn lại sẽ trình Quốc hội phân bổ cho một số dự án quan trọng, cấp bách khác để duy trì năng lực tối thiểu của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.
Chiều dài các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam: Đồ họa: Văn Chương
Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần làm rõ tiêu chí lựa chọn các dự án sử dụng 15.000 tỷ đồng tại tờ trình và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước, đáp ứng tiêu chí vốn phân bổ cho dự án quan trọng quốc gia.
Về nguồn vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng, khoảng 40.850 tỷ đồng, trong đó dự kiến bố trí cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT khoảng 27.700 tỷ đồng. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên tắc phân bổ vốn đối với các dự án thành phần để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Theo tờ trình của Chính phủ, cao tốc Bắc – Nam dài hơn 2.100 km được đầu tư trong 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư trên 310.000 tỷ đồng.
Theo Thắng Quang (Zing)
Không chỉ định thầu với dự án đường cao tốc Bắc Nam
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình trong thông báo kết luận tại cuộc họp thường trực Chính phủ về Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam vừa được Văn phòng Chính phủ ban hành.
Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, một trong những đoạn đường thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam đã được hoàn thành - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Kết luận nêu rõ, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia. Vì vậy, cần phải thực hiện trình Chính phủ thông qua chủ trương đầu tư và các cơ chế, chính sách đầu tư trước khi báo cáo Bộ Chính trị và trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo đúng quy định pháp luật về đầu tư công.
Phó Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ.
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện báo cáo Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội về dự án, trong đó làm rõ hơn về tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện (khởi công và hoàn thành), phân tích sự cần thiết, hiệu quả của các cơ chế, chính sách đặc thù gắn với tiến độ thực hiện Dự án.
Về cơ chế, chính sách đầu tư Dự án, Phó Thủ tướng khẳng định các cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết để thu hút nhà đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, cần đảm bảo các nguyên tắc đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, không thực hiện chỉ định thầu; các bộ, ngành có cơ chế giám sát chặt chẽ theo chức năng, nhiệm vụ; có người chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...
Chống thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; không kiến nghị Quốc hội việc cung cấp bảo lãnh (gồm bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng).
Đối với các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến bằng văn bản, gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15-5-2017 để Bộ Giao thông vận tải tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đồng ý đưa đoạn Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết vào triển khai chung toàn tuyến Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Thường trực Chính phủ sẽ họp cho ý kiến về Dự án này.
Ban Chỉ đạo quốc gia sẽ được thành lập để chỉ đạo triển khai đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng trong việc chỉ đạo triển khai Dự án; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về việc triển khai thực hiện Dự án.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm báo cáo Thủ tướng giải pháp huy động nguồn vốn trong nước để có thêm nguồn lực đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc cung cấp tín dụng, bảo đảm Nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo đảm đủ vốn chủ sở hữu theo đúng quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư đối tác công -tư, không để tình trạng nhà đầu tư dùng toàn bộ tiền vay ngân hàng để thực hiện dự án BOT.
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các bộ, ngành liên quan được Phó Thủ tướng yêu cầu cần có cơ chế giám sát thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, bảo đảm chặt chẽ.
(Theo Tuổi Trẻ)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế: Cơ chế sẽ tạo nguồn lực phát triển đặc khu Vân Đồn "Việc xây dựng khu hành chính - kinh tế đặc biệt ở tỉnh Quảng Ninh trên tinh thần là xin cơ chế chứ không xin kinh phí. Khi có cơ chế sẽ tạo ra nguồn lực, động lực phát triển cho Vân Đồn", ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói. Chiều 2/11, ông Vũ Hồng...